Lộ diện thú ăn thịt nguy hiểm nhất thế giới

 

 

Hóa thạch hộp sọ của một trong những "quái vật biển" rùng rợn nhất vừa được các nhà khoa học công bố tại Anh.

BBC cho biết hóa thạch có niên đại 155 triệu năm được phát hiện bởi nhà sưu tập Kevan Sheehan ở hạt Dorset, phía tây nam nước Anh từ năm 2003 đến 2008 khi nó dần dần lộ diện ra khỏi các vách đá.

"Tôi đang ngồi trên biển và nhìn thấy 3 mảnh hóa thạch. Tôi không nghi ngờ gì về chúng nhưng sau đó tôi bắt đầu kéo chúng ra. Mỗi năm tôi quay lại đây và tìm thấy một mảnh hóa thạch mới", ông Kevan nói.

Ông Kevan cho biết ban đầu trông chúng giống như những tảng đá lớn hơn là một quái vật biển. Phải mất đến 18 tháng các nhà khoa học mới có thể gột bỏ hết vỏ đá bao quanh, để lộ ra những chi tiết đặc biệt của hộp sọ quái thú. Hộp sọ này đã hoàn chỉnh đến 95% và có thể là hóa thạch hộp sọ lớn nhất và được bảo quản tốt nhất trên thế giới.

Hóa thạch cho thấy loài thú này có một sức mạnh ghê gớm tương tự với những dã thú ăn thịt khủng khiếp nhất của kỷ Jura hay Cretaceous. Chúng có hốc mắt lớn gần đỉnh đầu, có thể quan sát thấy bất kỳ con mồi nào đi qua. Các hốc ở miệng cho thấy cơ hàm vô cùng mạnh mẽ cùng với những chiếc răng khổng lồ và sắc nhọn như dao cạo giúp chúng nuốt gọn bất cứ thứ gì cản đường. Dựa trên hộp sọ 2,4m, các nhà khoa học ước lượng rằng loài thú này có độ dài từ 15- 18m tính từ đỉnh đầu cho đến đuôi.


"Có thể đây là loài thú ăn thịt nguy hiểm nhất từng tồn tại trên trái đất. Đứng trước hóa thạch hộp sọ, bạn cảm tưởng như quái vật này đang nhìn chằm chằm vào mình và chuẩn bị tấn công bạn vậy", nhà sinh vật học Richard Forrest nói.

Bộ hóa thạch này đã được quỹ Xổ số kiến thiết di sản của bảo tàng hạt Dorset, mua với giá 32.000 USD, một nửa số tiền này thuộc về nhà sưu tập và nửa còn lại thuộc về chủ đất nơi tìm thấy hóa thạch.

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh câu hỏi đây có phải loài ăn thịt lớn nhất trên thế giới hay không. Các nhà khoa học cho rằng rất khó để tìm thấy bộ hóa thạch hoàn chỉnh của quái thú này, trong khi các mẫu vật lớn hơn đã được tìm thấy ở Oxfordshire. Những khám phá gần đây tại Svalbard và "quái thú Aramberri" được tìm thấy ở Mexico cũng là những ứng cử viên cho danh hiệu quái thú ăn thịt lớn nhất trên thế giới.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hóa thạch gấu cổ đại tại Australia

 

 

Lần đầu tiên, một bộ xương hóa thạch hoàn chỉnh của loài gấu túi khổng lồ Diprotodon được các nhà khoa học phát hiện tại Australia.

Bộ xương được tìm thấy tại vùng Carpentaria thuộc tây bắc bang Queensland, được cho là mẫu hóa thạch hoàn hảo nhất từ trước đến nay của loài gấu túi Diprotodon.

Các nhà khoa học ước đoán loài thú này nặng 3 tấn và có chiều dài hơn 4 mét, sống tại châu Australia trong thời kỳ cách đây khoảng hai triệu năm đến 25 nghìn năm, tờ Newstv dẫn tin.

Michael Archer, giáo sư của Bảo tàng quốc gia Australia nhận định: “Những gì chúng ta thấy ở đây chính là loài thú có túi lớn nhất từng tồn tại trên trái đất. Một con quái vật nặng ba tấn”. Theo giáo sư Archer, mẫu hóa thạch này có thể giúp các nhà nghiên cứu hình dung một cách rõ rệt về hình dáng và kích thước của loài Diprotodon.

Giáo sư Archer cũng cho biết, điều lạ lùng khi phát hiện ra mẫu hóa thạch là việc các khớp xương đều được tìm thấy gần như ở một chỗ. Do đó, nơi tìm ra hóa thạch cũng rất có thể là vị trí con vật đã chết cách đây 50 nghìn năm.

Loài gấu có túi khổng lồ này từng là sinh vật thống trị trên khắp châu Australia khoảng 50 nghìn năm trước đây, cùng thời kỳ đầu sinh sống của người dân bản xứ. Loài vật nặng nề này ăn cỏ và mặc dù có một khung đầu sọ to với nhiều hốc khí, chúng được đánh giá là không mấy thông minh.

Trước khi có những khám phá tại Queensland, hóa thạch hoàn hảo nhất của loài Diprotodon chỉ là một khúc xương được tìm thấy tại bang New South Wales. Do đó, các nhà cổ sinh vật học tin rằng, phát hiện mới này sẽ tiết lộ thêm nhiều điều thú vị về loài động vật tiền sử bí ẩn trên.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm thấy nhiều hiện vật văn hóa 3.000 năm trước

 

 

Sau hơn 2 tháng khai quật, tại thôn Tre 1, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện một hố có 10 mộ, niên đại hơn 3.000 năm, táng bằng chum, táng vò và nhiều hiện vật chôn kèm.

alt

Các chum được đặt nằm ngang, nằm nghiêng, trên miệng chum có một cái vò, dưới chum có nhiều đồ gốm. Theo nhận định ban đầu của tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, các di tích, di vật ở đây có nguồn gốc từ thời tiền văn hóa Sa Huỳnh nhưng lần đầu tiên được tìm thấy ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, các di tích, di vật này chỉ được tìm thấy ở đồng bằng và vùng biển. Còn tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Thế Phong cho biết các hiện vật được tìm thấy hết sức độc đáo, hoa văn trang trí rất đẹp, được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau và rất tinh xảo.

Tại hiện trường khai quật, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích đánh giá đây là những di sản văn hóa rất có giá trị; đề nghị các nhà khảo cổ học khẩn trương khai quật, hoàn thành trước mùa mưa năm nay để tổ chức trưng bày các hiện vật khai quật được tại Bảo tàng tỉnh.

Phó Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị lấy mẫu, gửi các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá để biết chính xác nguồn gốc của các hiện vật và công bố đến công chúng.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Kết quả khai quật di tích khảo cổ Phong Lệ: Đã phát hiện một “mỏ vàng”!

 

 

Như tin đã đưa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa công bố kết quả sau hai tháng phối hợp cùng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tiến hành khai quật di tích khảo cổ Phong Lệ (thôn 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

alt

Theo đánh giá ban đầu, đây là một phế tích, nghi ngờ tháp Chăm lần đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng, dù rằng địa phương này đang sở hữu một bảo tàng điêu khắc trên đá của dân tộc Chămpa lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

 Điều đáng lưu ý, mặc dù từ năm 1890, nhà khảo cổ người Pháp Henry Parmentier đã tìm được và để lại một bức phù điêu Siva múa niên đại thế kỷ X khá độc đáo. Song đến nay, hơn một thế kỷ qua, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm được mối tương quan giữa bức tượng với địa danh Phong Lệ. Bởi trên thực tế, thì địa điểm khảo cổ Phong Lệ gần như bị bỏ hoang phế trong những năm chiến tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, HTX nông nghiệp của địa phương đã san ủi một phần khu di tích làm trại chăn nuôi. Người dân từ các nơi về đây ngụ cư mà không biết rằng họ đã và đang ở trong một khu di tích khảo cổ quan trọng.

Vào tháng 3.2011, trong khi đào móng xây nhà, ông Ông Văn Tồn và bà Lê Kim Phụng (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) đã phát hiện 3 hiện vật bằng đá và một mảng móng tường bằng gạch cổ. Sau đó, gia đình đã báo cho cơ quan chức năng tiến hành xem xét và khai quật để xác định các hiện vật. Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã cử chuyên viên trực tiếp đến xem xét, xác định đây là di tích khảo cổ Chămpa và làm thủ tục khai quật khẩn cấp di tích này. Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đã cấp kinh phí và cho phép nhóm khảo cổ ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Chăm tổ chức khảo cổ khẩn cấp trên di chỉ này.

Chủ trì đợt khai quật, nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều (khoa Khảo cổ học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho hay, qua năm hố khai quật với tổng diện tích 206m2, nền móng kiến trúc hai phế tích tháp Chăm quy mô lớn, 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm… có nguồn gốc Chămpa niên đại khoảng 1.000 năm đã xuất lộ. Trong đó, dấu tích tại hố khai quật H1 rộng 90m2 cho thấy có thể từng tồn tại một tòa tháp Chăm đồ sộ tại đây.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhận định, những phần nền móng tháp Chăm đã phát lộ cho thấy di tích khảo cổ Phong Lệ là khu vực tập trung một số đền tháp lớn, trùng khớp với những ghi chép trong thư tịch của các học giả Pháp đầu thế kỷ XX. Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng đang lưu giữ chín hiện vật được thu thập tại địa danh Phong Lệ cách đây hơn 100 năm.


Tại buổi báo cáo kết quả khai quật di tích khảo cổ Phong Lệ, các chuyên gia cho biết, sau 2 tháng triển khai thực hiện, đến nay giai đoạn khai quật khẩn cấp đã kết thúc, đạt được mục tiêu chính đề ra. Đã tiến hành 5 hố khai quật với tổng diện tích 206m2, phát lộ 2 phế tích Chăm có quy mô lớn. Các nền móng kiến trúc đền tháp Chămpa có giá trị nghiên cứu về di tích, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng móng tháp và một số nội dung liên quan.

Khi khai quật, đã phát hiện và sưu tầm được 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm và đá có nguồn gốc Chămpa có niên đại cách đây khoảng 1.000 năm, có giá trị bổ sung cho các bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng điêu khắc Chăm. Cũng theo ông Võ Văn Thắng, trong khu vực liền kề với di tích nền móng tháp Chămpa cũng còn một di tích tín ngưỡng của người Việt, nhân dân địa phương gọi là “Dinh Bà”.

Dòng chữ Hán khắc trên đòn đông còn có ghi niên đại Tự Đức Nhâm Tuất (tức năm 1862). Gần đó còn có miếu âm linh và miếu thờ thần hoàng, thổ địa của xóm. Những yếu tố này cho thấy địa điểm trên hội đủ điều kiện để xếp hạng di tích, đưa vào bảo tồn, phục vụ công tác giáo dục và du lịch. Quần thể di tích này có vị trí thuận lợi (nằm cạnh quốc lộ 1A và sông Cầu Đỏ, nối thẳng tuyến du lịch đường sông lên khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn) lại bao hàm nhiều giá trị lớn lao. Vì vậy, nếu được quy hoạch kịp thời, khai quật hoàn chỉnh, nơi đây có đủ tiềm năng để trở thành điểm đến đầy giá trị về du lịch cũng như giáo dục lịch sử, văn hóa”.

Ông Thắng cũng cho biết, nếu được quy hoạch kịp thời thì địa điểm này và một góc làng Phong Lệ hiện nay có đủ các tiềm năng để trở thành một điểm tham quan có giá trị về mặt du lịch lẫn công tác giáo dục văn hóa. Ngoài ra, thông qua công việc khai quật đã thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân địa phương về công tác bảo vệ di chỉ văn hóa. Từ kết quả khai quật ban đầu, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét, chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, tham mưu về việc quy hoạch khu vực khảo cổ Chămpa, trong đó có diện tích công cộng khoảng 5.000m2 bao gồm di tích, đền miếu, cây xanh... để có thể bảo tồn, nghiên cứu khảo cổ, phát huy giá trị, phục vụ lợi ích lâu dài của cộng đồng nói chung.

Trước tình hình nói trên, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP Đà Nẵng cho rằng: “Tuy đây chỉ mới là kết quả khai quật bước đầu, song có thể nói chúng ta vừa phát hiện cả một “mỏ vàng” di tích Việt-Chăm vô giá, bởi dưới lòng đất khu vực này còn rất nhiều lớp trầm tích văn hóa Chăm và văn hóa Việt cổ cần tiếp tục khai phá”. Hy vọng, trong tương lai, nếu ai đã đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm mà muốn đến một nơi cụ thể hơn để tìm hiểu cư dân Chăm xưa sống như thế nào, ở đâu, đền tháp ra sao… thì có thể đến làng Phong Lệ để tìm hiểu. Điều đó sẽ tạo thành một tour khép kín ngay trên địa bàn Đà Nẵng. Vì vậy, Sở VHTTDL yêu cầu Bảo tàng Điêu khắc Chăm khẩn trương chuẩn bị phương án quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực này trình lãnh đạo TP để đảm bảo vấn đề quản lý.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Bữa ăn 8 nghìn năm của người tiền sử

 

 

Hai giáo sư khảo cổ sinh vật học Hà Lan vừa công bố những nghiên cứu về một bữa ăn thịt bò rừng nướng ngoài trời có niên đại 7.700 năm của người tiền sử trên tạp chí Khoa học Khảo cổ tháng 7/2011. Đây được coi là bằng chứng trực tiếp sớm nhất về kỹ thuật săn bắn, xẻ thịt, đun nấu và ăn thịt thú của người tiền sử.

Bữa “barbercue” nguyên thủy này diễn ra tại một địa điểm khảo cổ ngày nay thuộc thung lũng Tjonger, Hà Lan.

Di chỉ còn lại cho thấy, sau khi giết được một con bò rừng Á Âu khổng lồ (aurochs), những kẻ đi săn lang thang đã xẻ thịt bằng một lưỡi đá, rồi đem nướng. Các thành viên bữa tiệc đã hút phần tủy sống ở xương con vật trước khi họ “chén” thịt sườn chín.

Làm thế nào thợ săn tiền sử có thể hạ được con mồi hung dữ này?

Giáo sư Wietske Prummel, nhà khảo cổ sinh vật học thuộc trường Đại học Groningen, một trong hai tác giả nghiên cứu nhận định trên tờ Discovery: “Hoặc là con vật này đã sập vào một cái bẫy chông và rồi những người đi săn lấy đá nhọn đập vào đầu cho đến chết; hoặc là nó đã bị nhóm người bắn cung với mũi tên bằng đá cho đến chết”.

“Sau khi giết chết con bò rừng, nhóm thợ săn đã cắt chân nó và hút tủy sống”, ông Prummel và đồng nghiệp là Marcel Niekus luận giải trên một lưỡi đá được tìm thấy ngay cạnh bộ xương con bò khai quật.

“Tiếp tục, nhóm thợ săn lột lấy bộ da và xẻ thịt thành những tảng lớn để dành mang về nơi cư trú gần đó. Những vết chặt còn lại trên lưỡi đá cho thấy thịt được xẻ, tách khỏi xương một cách rất cẩn thận”.

Sau nữa, nhóm người đi săn nướng phần xương sườn dính thịt còn lại và có lẽ cả những miếng thịt nhỏ trên một đống lửa ngoài trời. Rồi họ ăn chúng ngay tại chỗ, “phần thưởng cho cuộc săn bắn thành công của họ”, như lời ông Prummel.

Cuối cùng, chiếc lưỡi đá, có lẽ đã cùn đi do phải chặt quá nhiều, bị bỏ lại và bị cháy xém bởi ngọn lửa dùng để nướng thịt.

Bữa ăn nguyên thủy này diễn ra vào khoảng hơn 1000 năm trước khi những kẻ canh tác nông nghiệp đầu tiên biết thuần hóa gia súc đến định cư tại Tjonger.

Giáo sư Niekus cho biết: “Nhóm người này sống vào khoảng Thời kì Đồ đá Trung Muộn. Họ là những nhóm đi săn lang thang. Săn bắn hẳn là một phần quan trọng trong hoạt động sinh tồn của họ”.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh thêm những người tiền sử trên sinh sống trong một khu vực khá rộng và thường xuyên lui tới Tjonger để săn bò rừng. Sau thời kì Đồ đá, khu vực này rất hiếm người sinh sống mãi cho đến thời kì Trung cổ muộn (Late Medieval), có lẽ do vùng này bị ngập nước.

Bò rừng hẳn đã là loại thức ăn tốt nhưng không phải là phổ biến đối với những nguyên thủy ưa ăn thịt. Có thể do bò rừng là loài vật khổng lồ và thợ săn không phải lúc nào cũng giết được chúng.

Xương bò rừng đã được khai quật thấy ở những vùng định cư sớm khắp châu Âu. Tuy nhiên xương nai đỏ, hoẵng, lợn lòi hoang và nai sừng tấm thậm chí còn phổ biến hơn.

Khi những người nông dân đầu tiên tới châu Âu khoảng 7500 năm trước đây, họ đã sử dụng địa bàn sinh sống của bò rừng để làm nơi cư ngụ và canh tác khiến chúng dần dà mất đi môi trường sống thích hợp và dẫn đến tuyệt vong.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm thấy nghĩa trang 1.000 năm tại Mexico

 

 

Ngày 30/6, Viện Nhân chủng và Lịch sử quốc gia Mexico (INAH) thông báo một nhóm các nhà khảo cổ nước này vừa phát hiện một nghĩa trang trong đó đã nhận dạng 116 thi hài có niên đại tới 1.000 năm tuổi tại huyện Comalcalco thuộc bang Tabasco, Đông Nam Mexico.

Nhà khoa học Ricardo Armijo, trưởng nhóm khảo cổ, cho biết trong tổng số thi hài nói trên có 66 thi hài được bảo quản cẩn thận trong tiểu sành và những cổ vật tìm được gồm nhiều đồ trang sức bằng gốm, dụng cụ nhà bếp và một số đồ vật liên quan đến thủ tục nghi lễ thuộc nền văn minh Maya.

Viện Nhân chủng và Lịch sử quốc gia Mexico có kế hoạch dùng công nghệ thử ADN để xác định chính xác tuổi của các thi hài và tiếp tục nghiên cứu, so sánh để có kết luận chính xác về đặc thù văn hóa Maya tại miền Đông Nam Mexico.

Cách đây một năm, cũng tại địa phương này, nhóm công nhân thi công đường điện cao thế cũng phát hiện một số hiện vật và 6 di hài người Maya cổ.

Nền văn minh Maya là nền văn minh cổ độc đáo của người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ hàng nghìn năm tuổi tại 6 bang Đông Nam Mexico và phần lớn lãnh thổ của các nước Belize, Guatemala, Honduras và El Salvador ngày nay.

Nền văn minh này nổi tiếng vì đạt một trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ trong cả lĩnh vực kiến trúc, toán học và thiên văn học.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hà Tĩnh: Phát hiện dãy thành lũy cổ bằng đá

 

 

Ngày 17/6 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hà Tĩnh vừa cho biết, nhóm nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh vừa phát hiện đoạn thành lũy cổ bằng đá trên địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.

Hà Tĩnh: Phát hiện dãy thành lũy cổ bằng đá

Theo đó, thành lũy cổ được nhóm nghiên cứu phát hiện nằm ở đỉnh Đèo Bụt thuộc địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Thành lũy nằm theo trục từ Tây sang Đông với chiều dài hơn 1km và được ghép bằng những phiến đá liếp kích thước to nhỏ không đều nhau.

Phía Nam, mặt đứng thành lũy tạo theo phương thẳng đứng (độ cao bình quân 3.5m - 4 m), phía Bắc chân thành lũy được mở rộng ra, cách nhau 5m lại được tạo một ô hình vuông (70cm x 70cm) xuyên từ mặt bắc sang mặt nam của thành và cứ 20 m có ghép lớp đá theo kiểu tam cấp để lên mặt lũy. Mặt trên thành lũy khá bằng phẳng, nơi rộng nhất là 2m, nơi hẹp nhất từ 1.20m 1.50m.

Khảo cứu ban đầu được biết, thành lũy cổ trên là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) kéo dài từ Tây sang Đông với độ dài khoảng trên 30 km do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới.

Lũy bắt đầu từ địa phận làng Ngưu Sơn tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ phương) kéo tận lên làng Xuân Quan, Xuân Sơn tổng Vọng Liêu (nay là xã Kỳ Lạc), chỗ được ghép bằng đá, chỗ đắp bằng đất và xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (đợt thứ 5 - 5/1655-5/1659) thì hệ thống lũy này được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm nên người dân còn gọi là lũy ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).

Anh Nguyến Tiến Thiệu cán bộ chuyên trách văn hóa xã Kỳ Lạc cho biết thêm, trước đây lũy đá này này được cây rừng bao phủ. Thời kỳ xây đập Kim Sơn (xã Kỳ Hoa) người dân trong vùng đã khai thác đá của thành lũy để kè bờ đập và trong quá trình xây dựng đường điện Bắc - Nam, một cột trụ của đường điện nằm sát điểm đầu vị trí Đèo Bụt nên một phần thành lũy bị phá vỡ.

Đây là một phát hiện khá lý thú chuyên ngành khảo cổ học nói riêng và giới nghiên cứu lịch sử nói chung trong việc khám phá, nghiên cứu về những dấu tích thành lũy cổ Việt Nam.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hơn 17 kim tự tháp nhờ vệ tinh NASA

 

 

Một “kho báu” gồm 17 kim tự tháp, khoảng 3.000 ngôi mộ và nhà cổ vừa được nhà khảo cổ học, giáo sư Sarah Parcak Trường Đại học tổng hợp Alabama (Mỹ) phát hiện tại Ai Cập thông qua sử dụng hình ảnh từ một vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Trong hơn một năm, giáo sư Parcak đã sử dụng những hình ảnh có độ phân giải cao do một vệ tinh của NASA chụp khu vực Saqqarah và Tanis, một khu vực khảo cổ quan trọng ở miền Đông Bắc Ai Cập. Vệ tinh của NASA có thể phân biệt được những đồ vật có đường kính dưới 1m trên mặt đất. Hình ảnh chụp bằng tia hồng ngoại còn phân biệt được nguyên vật liệu nằm ở dưới đất, đồng thời làm nổi bật hình dạng của những ngôi nhà, ngôi mộ và đền thờ.

Bộ phim tài liệu về việc khai quật “kho báu khảo cổ” ở Ai Cập của giáo sư Parcak đã được phát trên kênh truyền hình BBC vào ngày 30/5 với tựa đề “Những thành phố bị mất tích”.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hà Tĩnh: Phát hiện ấn đồng cổ thời Lê

 

 

Ngày 5/6, ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc bảo tàng Hà Tĩnh cho biết nhà thờ họ Hoàng (thôn Vân Hải, Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện đang lưu giữ chiếc ấn cổ bằng đồng từ thời Lê vô cùng quý giá.

Hà Tĩnh: Phát hiện ấn đồng cổ thời Lê

Trao đổi với VietNamNet, ông Hạnh cho biết, chiếc ấn này có kích thước 10cm x 7cm, dày 1,3cm, trọng lượng 1kg. Chiếc ấn dù đã bị cháy và bị bào mòn một phần nhưng vẫn còn giữ nguyên được các đường nét của chữ khắc nổi ở mặt trước.

Theo ông Hoàng Mão, tộc trưởng dòng họ Hoàng, chiếc ấn này đã được dòng họ ông lưu giữ từ nhiều đời này. Ông Mão cho biết chiếc ấn có liên quan đến một vị tướng tên Hoàng Xuân (1705-1779), quê ở làng Vân Hải, tổng Cổ Đạm, thuộc huyện Nghi Xuân, làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông (1717-1786). Ông Hoàng Xuân từng lập được nhiều chiến tích và được phong giữ chức Đô chỉ huy sứ Đại tướng quân.

Ông Hạnh cho biết ngoài chiếc ấn đồng quý trên, dòng họ Hoàng còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ thời hậu Lê như chiếc khánh bằng đồng, bộ lư đồng, cờ hiệu bằng vải…

Trước đó vào năm 2009, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã từng phát hiện được chiếc ấn đồng cổ thời Tây Sơn (1798 – 1802) tại gia đình ông Đậu Đình Văn (làng Khả Luật, Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên).

Chiếc ấn này có trọng lượng 600g, kích thước 10cm x 7cm, dày 1,3cm, bề mặt sau ấn có 2 dòng chữ Hán nằm đối xứng với nhau, bao quanh bề mặt chính của ấn có khung viền gờ nổi 1cm, trong đó khắc 9 chữ được tạo thành 3 dòng, mỗi dòng 3 chữ theo thế chữ Triện.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện dấu tích bến gốm sứ cổ

 

 

Trong đợt điều tra khảo sát trên Vịnh Hạ Long, Viện Khảo cổ Việt Nam và Ban Quản lý Vịnh Hạ long đã phát hiện dấu tích một bến gốm sứ cổ tại hang Trinh nữ.

alt

Trước đó, vào năm 2000, các nhà khảo cổ đã phát hiện những dấu tích của cư dân tiền sử thuộc văn hoá Hạ Long, cách nay khoảng 4.000 năm còn lưu lại trong lòng hang.

Khảo sát lần này, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm những bằng chứng của người tiền sử như lớp trầm tích văn hoá chứa than tro, mảnh xương động vật, mảnh gốm và di vật đá, các nhà khảo cổ còn phát hiện được dấu tích của bến gốm sứ cổ ở khu vực trước cửa hang Trinh Nữ.


Cụ thể, các chuyên gia đã phát hiện được nhiều mảnh gốm sứ, sành (chủ yếu là các lon sành dầy, thô), vò, hũ các loại với nhiều hoa văn trang trí khắc vạnh song song hay hình sóng nước. Các mảnh vỡ bát đĩa được xác định thuộc thời Trần, mảnh đồ gốm có men lam thời Lê, cùng nhiều mảnh gốm sứ có xuất xứ nước ngoài.

Căn cứ vào kết quả khảo sát cho thấy, đây là di tích bến gốm sứ cổ giống như các di tích bến thuyền cổ khác đã được phát hiện và chịu ảnh hưởng của hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn.


PGS.TS. Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát cho biết, do địa hình và vị trí khá kín đáo của khu vực này nên có nhiều khả năng đây là bến gốm sứ cổ có quy mô nhỏ và không thường xuyên. Có thể là do những điều kiện đặc biệt nào đó (tránh bão, tránh sự kiểm soát của thuế quan…) mà khu vực hang Trinh Nữ được chọn làm nơi bến đậu giao và nhận hàng. Di tích bến gốm sứ cổ này được xác định tồn tại khoảng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9905766
Số người đang online: 20