Phát hiện thêm mộ cư dân sông Hồng 1.500 tuổi tại Ciputra
Phát hiện thêm mộ cư dân sông Hồng 1.500 tuổi tại Ciputra
Thứ năm, 15 Tháng 9 2011 10:28
4 tháng sau khi hai mộ cổ độc đáo được phát hiện ở công trường xây dựng khu đô thị Ciputra (Hà Nội), thêm một ngôi mộ cổ nữa được các công nhân thi công phát hiện khi đào móng xây dựng tại khu vực này.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, ngôi mộ đã bị máy xúc cào gần hết, chỉ còn lại phần đáy; có chiều dài 4,3m, chiều ngang 0,94m. Phần chính thất của ngôi mộ dài 3,85m, rộng 0,63m. Chiều cao của phần đã bị phá đo được 0,7m.
Gạch dùng để xây mộ dài 28cm, rộng 16cm, dày 4,5cm. Đất trong mộ khá cứng và không có bùn. Nhiều khả năng mộ được xây theo kiểu vòm cuốn như hai ngôi mộ khai quật hối tháng 4.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: Điểm khác biệt so với hai ngôi mộ trước là đáy mộ không lát gạch như hai ngôi mộ trước, ở giữa các viên gạch dường như có một chất kết dính và trên những viên gạch xây mộ không có hoa văn. Về cơ bản, ngôi mộ này có loại hình giống như ngôi mộ nhỏ trong hai ngôi mộ đã khai quật.
Hiện vật tìm thấy trong mộ gồm có đồ gốm và đinh quan tài làm bằng sắt. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy 1 chiếc vò sành màu nâu xám có 4 núm, 7 chiếc bát sứ.
Dựa vào cấu trúc của mộ và hiện vật thu được, ngôi mộ này cũng thuộc thời Lục triều (khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6), cùng thời với hai ngôi mộ đã khai quật. “Tôi tin rằng tại khu vực này, vẫn còn rất nhiều di tích nằm ở độ sâu khoảng 2m dưới lòng đất”, PGS - TS Nguyễn Lân Cường nhận định.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, từ những ngôi mộ và hiện vật khai quật được, bước đầu có thể phác thảo bức tranh về một cụm dân cư Việt cổ ven sông Hồng khoảng 1.500 năm trước: "Nằm ở ven sông Hồng, gần như chắc chắn ngôi làng Việt cổ đã có một bến thuyền, đóng vai trò quan trong đời sống, sinh hoạt của cư dân. Có thể người dân làng đã vận chuyển các vật tư, như gỗ, đá từ miền cao về bến và vận chuyển lương thực thực phẩm theo chiều ngược lại”.
Việc phát lộ những di tích mới cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng về các hiện vật khảo cổ thu thập được sẽ là cơ sở để đưa ra kết luận về trình độ phát triển của cộng đồng dân cư Việt cổ ven sông Hồng.
- 03/10/2011 11:32 - Nhiều phát hiện khảo cổ tại di tích Tháp Mẫm
- 03/10/2011 10:24 - Hà Nội: Phát hiện quan tài cổ ở bến Chương Dương
- 21/09/2011 11:31 - Phát hiện 3 ngôi mộ gốm tại Quảng Nam
- 19/09/2011 11:30 - Phát hiện 2 điểm đặc biệt tại ngôi mộ cổ ở Nam Định
- 19/09/2011 10:27 - Phát hiện xác ướp hơn 200 năm tuổi ở Đồng Nai
- 12/08/2011 11:29 - Khai quật thành công ngôi mộ cổ thời kỳ Bắc thuộc
- 12/08/2011 10:29 - Phát hiện ấn đồng cổ ở Hà Tĩnh
- 08/08/2011 11:24 - Chùa Việt Nam trong đời sống văn hòa cộng đồng
- 28/07/2011 11:24 - Khai quật mộ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm
- 05/07/2011 11:23 - Tìm thấy nhiều hiện vật văn hóa 3.000 năm trước