Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật địa điểm Thạch Lạc (xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật địa điểm Thạch Lạc (xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh)

 

 

Địa điểm Thạch Lạc đã trải qua nhiều lần khai quật vào những năm 1963-1964; 2002; 2003-2004; 2005; 2014. Nhiều cơ quan tham gia khai quật Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội ...

Kết quả xác định đây là địa điểm cư trú cồn sò điệp, có mộ táng chôn vào nơi cư trú. Thạch Lạc cùng với một số địa điểm cồn sò điệp huyện Thạch Hà tạo thành loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró, nền văn hoá khảo cổ phân bố ở vùng núi phía tây Nghệ An Hà Tĩnh, tây Quảng Bình và dải đồng bằng ven biển vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đến bắc Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế., niên đại 4000-3.500 năm cách ngày nay.

Hố khai quật năm 2015 rộng 20m2 (4x5m) mở gần hố thám sát 1 của Viện Khảo cổ học năm 2014.

alt

Cơ quan khai quật: Bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Khảo cổ, Đại học Quốc gia Úc, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

Phụ trách khai quật: PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung (chủ trì); PGS.TS. Philip Piper; GV. Nguyễn Chiều

Cố vấn: GS. Peter Bellwood

Thành viên tham gia ngoài những người làm khảo cổ học Việt Nam ở Hà Nội và Hà Tĩnh, Huế, Long An còn có các chuyên gia cổ động vật học, cổ thực vật học, địa khảo cổ học và cổ môi trường học của Đại học Quốc gia Úc.

Thời gian: Tháng 3, 4 và 5 năm 2015.

Mục đích và chủ thể nghiên cứu: Quá trình thành tạo của di tích, môi trường sống, tác động qua lại giữa con người với môi trường, phương thức kiếm sống; diễn biến văn hoá theo thời gian từ sớm đến muộn, mối quan hệ Thạch Lạc với những di tích đồng đại/lịch đại khác...chú trọng không chỉ địa tầng các giai đoạn sinh sống của con người, diễn biến loại hình công cụ, dụng cụ gốm đá, xương...của các cộng đồng người cổ theo thời gian mà còn cách thức, mức độ khai thác tự nhiên, loại thức ăn khai thác từ tự nhiên, chiến lược kiếm sống, sự thay đổi của phương thức kiếm sống, dấu hiệu của sản xuất (?)... qua thời gian, tốc độ/mức độ biến đổi của môi trường sinh thái....và ảnh hưởng tới tính chất cư trú của con người ở địa điểm này... bằng cách áp dụng các phương pháp khảo cổ học truyền thống và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.

Phương pháp: Dựa vào địa tầng đã xuất lộ từ những lần khai quật trước, những người khai quật lần này đã đào theo lớp đất văn hoá được thành tạo trên một địa hình không bằng phẳng và thường có những xáo trộn cục bộ do cư dân đời sau sống chồng lên cư dân đời trước và những hoạt động sống của họ vô tình phá vỡ những di tồn vật chất của cư dân sớm hơn, ở mỗi lớp đào đều cố gắng thu thập không chỉ công cụ, dụng cụ do con người chế tạo và sử dụng mà cả những mẫu đất, than, tàn tích động vật, thực vật để có thể phục dựng được môi trường, điều kiện sinh thái tác động lên lối sống, lối sinh hoạt của người cổ... Việc thu thập dữ liệu và thông tin được tiến hành bằng cách thu nhặt trực tiếp bằng tay, sàng khô, sàng ướt, lắng đất trong nước thu lượm những dấu tích nhỏ vụn...mọi biện pháp được tiến hành để thu được thông tin một cách hiệu quả nhất có thể.

Quy mô hố khai quật được xác định đủ để những người nghiên cứu trả lời những vấn đề đặt ra đồng thời cũng cố không làm tổn hại đến địa điểm, vì Thạch Lạc là một trong những địa điểm quan trọng nghiên cứu thời đại đá mới ở Việt Nam với mức độ bảo tồn di tích và di vật cao. Đây cũng là xu hướng chủ đạo trong nghiên cứu khảo cổ học hiện nay, nghiên cứu theo định hướng bảo tồn. Hố khai quật 20m2 (4x5m) đủ để xác định mối quan hệ không gian của những mô thức hành vi con người ở di tích ví dụ nơi ở vs khu vực vứt rác và sự tích tụ của những đống vỏ sò hay gốm.

Một trong những mục đich chính của nghiên khảo cổ học là xác định niên đại, để niên đại đưa ra chính xác và cụ thể bên cạnh theo dõi diễn biến của từng lớp đất văn hoá theo trật tự địa tầng kết hợp xem xét diễn biến của loại hình hiện vật, so sánh với kết quả của những lần khai quật trước thì lần khai quật này chú trọng đến thu thập mẫu phân tích niên đại các bon phóng xạ C14/AMS. Mẫu hữu cơ dùng phân tích niên đại kiểu này bao gồm ba loại mà kết quả có thể dùng để kiểm tra chéo xác định độ chính xác, đó là mẫu than/tro; mẫu vỏ sò; mẫu răng động vật/người... Gần 300 mẫu dùng xác định niên đại tuyệt đối đã được thu lượm từ tất cả các lớp văn hoá từ sớm đến muộn.

Một số kết quả ban đầu

Cư trú của người cổ ở Thạch Lạc không liên tục qua thời gian, những dấu tích hoạt động của con người chồng xếp theo trật tự từ sớm đến muộn và ngăn cách bằng hai thời kỳ ngắn không có người sinh sống.

Địa tầng: Tầng đất văn hoá (dấu tích sinh sống của con người) dày không đều ở các góc của hố khai quật, độ sâu trung bình từ 1.5 đến 1.7m. Nếu so sánh với những hố khai quật từ trước, ví dụ như hố năm 1963-1964 dày 2.70m), thì lớp văn hoá muộn nhất của hố khai quật 2015 này đã bị san bạt khá nhiều ( cư dân địa phương cũng cung cấp thông tin Rú Sò (tên gọi của khu vực di tích Thạch Lạc) vốn cao hơn rất nhiều nhưng đã bị san bạt qua quá trình người dân khai thác sò điệp vào những năm 60,70 của TK 20), hiện vật thu được ở tầng văn hoá trên lần này cũng ít hơn về chủng loại so với những lần khai quật trước.

Địa tầng còn lại của hố khai quật được phân từ muộn đến sớm như sau:

 

Lớp đất mặt: Phạm vi đào C100, C101, trên thực tế đây cũng thuộc đất của tầng văn hoá muộn nhất của di tích Thạch Lạc, quá trình canh tác, sinh sống đã là lớp này bị xáo trộn, chứa cả hiện vật cổ và hiện đại

Tầng văn hoá muộn: Phạm vi đào C102, cấu tạo gồm những lớp sò điệp rải rác, dải gốm và những khu vực đất nhiều than tro, hố dạng hố cột, công cụ đá, đồ gốm, tàn tích thức ăn động vật, cá, nhuyễn thể...

Lớp cát vàng dày mỏng không đều, có chỗ không nhân diện được, có thể là lớp vô sinh (lớp đất không có dấu tích sinh sống của con người): Phạm vi đào C.103. Rất ít hiện vật, những hiện vật ở đây chủ yếu là hiện vật giống với hiện vật của tầng văn hoá sớm ở dưới, do con người sinh sống ở tầng văn hoá muộn trên đào xuống làm lộn lên trên, cũng có một số miệng gốm của tầng văn hoá trên lẫn vào.

Tầng văn hoá giữa: Phạm vi đào C104-C112. Đây là tầng văn hoá dày nhất, khá nguyên vẹn, nhiều hiện vật và tàn tích động, thực vật nhất.

Dấu tích hoạt động của con người tích tụ thành từng lớp điệp/sò/đất nâu đen với những di tích xuất lộ như hố cột, bếp lửa, cụm gốm, mảnh gốm vỡ nằm rải rác, công cụ dụng cụ bằng đá, xương, sừng cùng rất nhiều tàn tích thức ăn động thực vật... gồm của những loài thú lớn như gấu, bò, hươu, cá lớn, rùa....

Tầng này có thể được chia thành hai giai đoạn phụ thuộc vào tần xuất hoạt động sống của con người. Giai đoạn 1 C112-C 105, những hố cột nhỏ và nông cho thấy có thể những cấu trúc nhà ở có tính chất tạm thời (?). Giai đoạn 2 C104, sự cư trú mang tính chất tăng cường và tập trung hơn, lâu dài hơn so với giai đoạn 1, những hố cột có kích thước lớn và sâu hơn cho thấy có thể đã có những nhà ở lâu dài hơn (?), mặc dù về văn hoá vật chất giữa hai giai đoạn này không có những khác biệt đáng kể, tuy nhiên có thể có những thay đổi nào đó về môi trường, những phân tích về môi trường cổ qua các mẫu đất sẽ giúp có câu trả lời xác đáng

Lớp đất sét xám hồng C 113 hầu như không có dấu tích sống của con người, lớp đất vô sinh giữa tầng văn hoá giữa và tầng văn hoá dưới, lớp này dày mòng không đều và nhận diện rõ nhất ở cạnh bắc nam của hố khai quật. Một số hiện vật gốm của tầng văn hoá dưới cũng tìm được trong lớp vô sinh này nhưng số lượng không đáng kể. 

Tầng văn hoá dưới: Phạm vi đào C114 – Những cụm sò điệp nằm thành dải xen kẽ đất cát màu nâu đỏ sắt và xanh xám loang lổ. Một số gốm đáy nhọn kiểu gốm Quỳnh Văn.

Sinh thổ/ đất cái: Phạm vi đào C115, cát mịn trằng.

Di tích và Di vật xuất lộ:  

Di tích: Hố kiểu hố cột, bếp, cụm gốm, cụm sò... Đáng chú ý là 02 xương sườn cá voi của hai cá thể khác nhau được đặt nằm trên các ô phía tây hố khai quật thuộc phạm vi đào C111/2 (tầng văn hoá giữa) theo hình )(, giữa chúng có một vài viên đá dạng đá thạch anh. Chưa rõ chức năng và ý nghĩa, nhưng có lẽ có sự sắp đặt một cách chủ ý.

Di vật (theo tầng văn hoá):

Tầng văn hoá trên:

Công cụ đá, tuyệt đại đa số là rìu/bôn đá tứ giác có hai cạnh thu nhỏ về phía trên, 01 rìu dạng trung gian giữa rìu vai xuôi và rìu hai cạnh thu nhỏ về phía trên, 01 rìu có vai xuôi.

Nhóm công cụ hòn đập, hòn kê, bàn mài và mảnh tách mảnh tước...

Gốm: Đặc biệt là nhóm gốm đỏ trang trí văn khắc vạch thành những đồ án văn uốn lượn và hình hình học, hồi văn. Gốm văn thừng thô kiểu văn tàn ong, văn đập, văn chải

Khuyên tai gốm hình con đỉa

Dụng cụ/công cụ xương, sừng

Tầng văn hoá giữa:

Công cụ đá đều là rìu/bôn có vai, không có rìu bôn tứ giác như tầng văn hoá trên.

Nhóm công cụ hòn đập, hòn kê, bàn mài và mảnh tách mảnh tước...

Gốm: Loại gốm đỏ hoa văn khắc vạch không có, gốm tầng này đa phần có màu xám, văn in đập, văn thừng, văn chải... nhiều đồ gốm kích thước lớn. Tại lớp muộn nhất của tầng văn hoá dưới có loại gốm trang bằng que nhiều răng, chưa phải là khắc vạch đích thực nhưng có lẽ là khởi đầu cho kỹ thuật khắc vạch tạo đồ án hoa văn hình học ở giai đoạn muộn hơn.

Dụng cụ/công cụ xương, sừng

Tầng văn hoá dưới: Chứa gốm đấy nhọn kiểu Quỳnh Văn, gốm văn chải hai mặt, gốm văn thừng mịn. Một số công cụ xương, sừng nhỏ.

Kết quả khai quật Thạch Lạc lần này cho thấy đầy đủ ba giai đoạn phát tiển của loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró từ sớm đến muộn, một số niên đại C14 đã có của Thạch Lạc lấy ở độ sâu 1m cho thấy niên đại trên 4000 năm, như vậy có thể giai đoạn sớm nhất của Thạch Lạc (sâu 1.70m) có niên đại trong khoảng thời gian 4500 – 5000 năm, tuy nhiên niên đại chính xác sẽ được đưa ra dựa vào kết quả phân tích C14/AMS của những mẫu than, vỏ sò và răng động vật lấy trong các lớp văn hoá.

(baotangnhanhoc.org)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9173748
Số người đang online: 18