Nhiều phát hiện thú vị tại Hoàng thành Thăng Long năm 2014

Nhiều phát hiện thú vị tại Hoàng thành Thăng Long năm 2014

 

 

Ngày 16-12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) công bố kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên thuộc di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong năm 2014. Trong đợt khai quật này, nhiều tầng văn hóa chồng xếp lên nhau chứng tỏ sự phát triển liên tục của các triều đại Việt Nam trong 13 thế kỷ (từ thế kỷ VIII-IX đến XIX-XX) tiếp tục được phát lộ.

Rõ dần không gian kiến trúc, văn hóa các triều đại

Nếu như những lần khảo cổ trước, các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các triều đại đóng đô ở kinh thành Thăng Long mới là giả thiết hoặc mới được nhận diện bước đầu thì trong đợt khai quật năm 2014, nhiều vấn đề đã được khẳng định, làm rõ.

 

Nhiều lớp văn hóa chồng xếp lên nhau tại khu vực  điện Kính Thiên đã được phát lộ trong đợt khảo cổ năm 2014
Nhiều lớp văn hóa chồng xếp lên nhau tại khu vực điện Kính Thiên đã được phát lộ trong đợt khảo cổ năm 2014

Là người trực tiếp tham gia vào công tác khảo cổ, PGS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Trên diện tích khai quật gần 1.000m2, các nhà khoa học đã phát hiện khu vực chính điện Kính Thiên có các lớp văn hóa thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn chồng xếp lên nhau, đan xen với nhau, thậm chí cắt phá lẫn nhau. Dấu tích văn hóa thời Lý, Trần tiếp tục được làm rõ thông qua việc phát hiện đường nước lớn, kiên cố cùng với tường, móng kiến trúc và nền sân gạch. Thời Lê sơ có dấu tích kiến trúc 4 hàng cột, móng tường bao rộng, kéo dài và nhiều mảng gạch vuông rất lớn được lát trên nền đất sét vàng; thời Lê Trung hưng cũng có nhiều móng kiến trúc lớn với 4 gian, 1 chái, còn thời Nguyễn được nhận diện thông qua dấu tích móng trụ giống với kiến trúc trên bản đồ thời Nguyễn (1821-1831) về Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, trên nền kiến trúc thời Lê Trung hưng, các nhà khoa học còn phát hiện thấy đường nước thời Trần nằm đè lên móng sỏi thời Lý. Điều đó làm cho dấu tích thời Trần vốn đã khó lý giải càng khó lý giải hơn. Trong đợt thám sát này, nhiều di vật bằng sành, gốm sứ, ngói men xanh, men vàng… cũng đã phát lộ.

Căn cứ vào kết quả thu được, PGS Tống Trung Tín cho rằng, dấu tích sân Đại Triều trước đây được phỏng đoán là có từ thời Lê sơ, nay có thể khẳng định chắc chắn có từ thời Lê Trung hưng. Các sân trong khu vực Hoàng thành Thăng Long đã được phát hiện tưởng là giống nhau nhưng thực ra rất khác nhau, gạch lát sân điện Kính Thiên chủ yếu có màu đỏ, sân Đoan Môn chủ yếu có màu nâu. Đường nước thời Lý làm theo hướng đông - tây - bắc - nam rõ ràng, còn đường nước thời Trần chưa thể xác định rõ. Kiến trúc thời Lý là kiến trúc 3 hàng cột theo tính chất hành lang, có nhiều nét tương ứng với đường nước lớn, tạo thành kiến trúc bao quanh. Vì thế, không gian văn hóa, kiến trúc thời Lý đã khá rõ, còn kiến trúc thời Lê và Lê Trung hưng có sự chồng xếp, tiếp nối nhau suốt 400 năm. "Đây là nhận thức rất mới của các nhà khoa học trong các đợt khảo cổ ở di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Điều chúng tôi còn băn khoăn là tổ chức không gian thời Trần vẫn chưa thể làm rõ", ông Tống Trung Tín nhấn mạnh.

Những phán đoán trên đây được các nhà khoa học đồng tình, đồng nghĩa với việc các lớp văn hóa ẩn chứa dưới lòng di sản Hoàng thành Thăng Long nhiều thế kỷ đang từng bước được bóc tách, làm rõ.

Một số hình ảnh về những phát hiện khảo cổ năm 2014 tại khu vực Hoàng thành Thăng Long:

             

Dấu vết đường nước thời Lý được tái sử dụng lại vào thời Trần, qua những viên gạch có chữ “Vĩnh Ninh Trường”

 

Dấu tích đường nước lớn, thời Lý, phát hiện năm 2014

 

Dấu tích tường bao, thời Trần phát hiện năm 2014

 

Dấu tích nền sân gạch Đan Trì.

 

Năm 2014, tiếp tục làm rõ dấu tích tường bao thời Lê, với chiều dài 57m, rộng 1,7m.



Kiến nghị nghiên cứu khảo cổ khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Kết quả thu được trong các đợt khảo cổ từ trước đến nay tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là không thể phủ nhận, nhưng so với những giá trị còn ẩn chứa dưới lòng đất, thì diện tích khảo cổ khoảng 1.000m2 mỗi năm chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì thế, các nhà khoa học thống nhất kiến nghị các ngành chức năng mở rộng diện tích khảo cổ trong những năm tới.

PGS-TS Hoàng Văn Khoán (nguyên cán bộ Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) gợi ý, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nên mở rộng diện tích khai quật ở khu vực nhà Cục Tác chiến.

GS Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển) cho rằng, khi tiến hành khảo cổ, các nhà khoa học nên đào đến tầng sinh thổ để kết quả phát lộ được chính xác, khách quan, tránh mang tính phỏng đoán, giả thiết.

Dưới góc nhìn lịch sử, GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)cho rằng kết quả khai quật đã có những phát hiện rất mới mẻ, bổ sung nâng cao thêm những kết quả khảo cổ từ năm 2011 đến nay. Trong đó có thể kể đến việc phát hiện một phần kiến trúc quy mô khá lớn thời Lê Trung Hưng khoảng thế kỷ 17 như bức tường bao 1,7m rất kiên cố, nền sân điện, móng cột đồ sộ khác hẳn móng cột thời Lê sơ…Bên cạnh đó còn có nhiều di vật rất quý. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, điều mà các nhà khoa học mong muốn nhất là phải giải quyết được 2 vấn đề lớn đặt ra. Đó là trục Trung tâm của Cấm thành ở đâu. Thời Lê thì đã rõ, còn các thời kỳ khác thì vị trí của trục trung tâm vẫn là điều mà các nhà khoa học nghiên cứu về Hoàn thành quan tâm. Từ đó xác định mối tương quan với khu 18 Hoàng Diệu. Vấn đề thứ 2 cần giải quyết là nhận thức toàn diện tổng thể cấu trúc của Cấm thành - Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh, một vấn đề khó đang đặt ra cho các nhà khảo cổ là với một hệ thống di tích phức hợp chồng lên nhau như vậy thì làm thế nào để bảo vệ khi tiếp tục khai quật xuống các tầng sâu hơn. Giáo sư Phan Huy Lê đề nghị cần phải nghiên cứu để có thể vừa bảo tồn những phát hiện khảo cổ mới này khi tiến hành các công việc khảo cổ trong thời gian tới.

Trước kiến nghị mở rộng diện tích khảo cổ, TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, trung tâm đã xây dựng "Đề án nghiên cứu, khôi phục không gian điện Kính Thiên" trình UBND TP Hà Nội xem xét. Trong đề án này, trung tâm đề nghị thành phố cho phép mỗi năm tiến hành khai quật trên 5.000m2. Trung tâm cũng sẽ có những đánh giá chân thực, khách quan những việc đã làm được, chưa làm được vào dịp kỷ niệm 5 năm Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1/8/2010 - 1/8/2015) để có những định hướng đúng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo.

 

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9025907
Số người đang online: 24