Phát hiện mới tại Di tích Thương cảng Thi Nại-Nước Mặn Bình Định
Quang cảnh họp báo công bố sơ bộ kết quả khai quật Di tich Thương cảng Thi Nại-Nước Mặn
Di tích Thương cảng Thi Nại-Nước Mặn thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là một thương cảng sầm uất của vùng Đàng Trong thời Chúa Nguyễn được hình thành đầu thế kỷ XVI, phát triển đỉnh cao trong thế kỷ XVII. Vì vậy, Thương cảng Thi Nại-Nước Mặn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu mối quan hệ trao đổi, buôn bán, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn minh Đông, Nam Á và Phương Tây thông qua tuyến giao thương quốc tế ở Biển Đông.
Năm 2006, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định tiến hành khai quật thám sát thương cảng này đã thu được nhiều hiện vật giá trị gồm: đồ đất nung, gốm sành nâu, gốm trắng xanh (Trung Quốc), gốm Hizen (Nhật Bản), gốm Champa (Gò Sành) và gốm Việt Nam.
Di vật bằng sành khai quật thu được tại Di tích
Tháng 6/2016; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Bảo tàng Tổng hợp Bình Định phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành thăm dò, khai quật khu vực Thương cảng Thi Nại-Nước Mặn. Kết quả đã phát hiện được những dấu tích của nền móng kiến trúc như dấu vết móng cột chân tảng, bếp cùng với một số di vật khá phong phú và đa dạng về loại hình. Di tích phát hiện được có niên đại khoảng thế kỷ XVIII-XIX; các di vật thì có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
Mặc dù diện tích khai quật không lớn nhưng số lượng, loại hình di vật thu được lại hết sức phong phú đa dạng, được xếp thành 05 nhóm cơ bản:
- Vật liệu kiến trúc: thu được 789 mảnh bao gồm gạch và ngói, phần lớn là gạch để trơn, không trang trí hoa văn có màu nâu đỏ xương lẫn cát.
- Đồ gốm sứ: thu được 4.844 mảnh (3036 mảnh đồ đất nung, 1.808 mảnh gốm men và sứ); đồ đất nung chủ yếu là các mảnh nồi có màu nâu đỏ; gốm men và sứ bao gồm các loại hình bát, đĩa, cốc... với các dòng men nâu, men ngọc, men trắng, men trắng vẽ lam có nguồn gốc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… đa phần đều vỡ nhỏ.
Di vật gốm sứ Hizen (Nhật Bản) khai quật thu được tại Di tích Thi Nại-Nước Mặn
- Đồ sành: thu được 2.823 mảnh (1.160 mảnh sành mịn, 1.620 mảnh sành thô và 43 mảnh sành có men) gồm những mảnh vỡ của bình, vò, lọ, lon, vại, chậu, bát, nắp… - Đồ kim loại: là những đồng tiền bằng đồng hầu hết đã bị oxi hóa không còn đọc rõ chữ, trong đó có hai đồng còn tương đối rõ là tiền Khai Nguyên thông bảo và Khang Hy thông bảo.
- Hiện vật khác: Trong đợt khai quật này cũng đã thu được 02 mảnh phôi gốm, 01 mảnh cà ràng, 44 mảnh xương và 15 mảnh vỏ nhuyễn thể.
Mặc dù diện tích khai quật không lớn nhưng đợt khai quật, thám sát lần này đã phát hiện được những di tích và di vật có giá trị. Đây là những chứng cứ xác thực về tính chất thương mại của di tích giúp cho việc tìm hiểu, nhận diện, đánh giá vai trò, vị trí quan trọng của Thương cảng Thi Nại-Nước Mặn trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này.Nguyễn Diễm (Tamnhin.net)