Phát hiện di tích người tiền sử cách đây 4.000 năm tại Tuyên Quang
Phát hiện di tích người tiền sử cách đây 4.000 năm tại Tuyên Quang
Thứ năm, 26 Tháng 11 2009 10:39
Đầu tháng 6 - 2007, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Tuyên Quang tiến hành điều tra, khảo sát khảo cổ học tại một số xã thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và đã phát hiện một số di tích khảo cổ học tại hang Phia Mồn thuộc địa phận thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Tại di tích, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số di cốt cổ thuộc hậu kỳ đá mới. Di cốt được chôn trong tư thế nằm ngửa, hai tay để xuôi. Đồ tùy táng là một vài chiếc rìu đá được mài nhẵn và đồ gốm văn thừng, đặc biệt đáng chú ý là người tiền sử đã kè đá xung quanh di cốt người chết tạo thành huyệt mộ hình bầu dục. Cách táng tục mộ kè đá trong hang động như ở hang Phia Mồn còn là hiện tượng hiếm gặp trong các di tích hậu kỳ đá mới ở vùng núi phía bắc nước ta.
Dựa vào kết quả nghiên cứu trầm tích văn hóa và di vật khảo cổ, đặc biệt là đồ đá và đồ gốm, các nhà khảo cổ bước đầu cho rằng lớp văn hóa muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay khoảng gần 4.000 năm.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích cư trú thuộc nhiều giai đọan của người tiền sử. Trong hố đào khảo sát 5m2 đã tìm thấy hàng trăm công cụ của người cổ thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, với tàn tích thức ăn của họ. Tầng văn hóa của di tích hiện còn dày từ 50cm đến 60cm gồm 2 lớp sớm và muộn, nằm chồng trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách.
Lớp văn hóa sớm nằm ở phía dưới, tầng văn hoá dày không đều từ 20cm đến 35cm chứa xương răng động vật là những loại thú nhỏ cùng vỏ ốc núi và di vật đá. Bộ công cụ lao động lớp sớm mang đặc trưng của kỹ thuật Văn hóa Hòa Bình, tiêu biểu là những công cụ hình rìu ngắn, công cụ hình bầu dục được chế tác từ đá cuội sông, suối với kỹ thuật ghè đẽo khá thuần thục. Có nhiều bằng chứng cho thấy, người nguyên thủy Phia Mồn đã tái chế tác công cụ nhằm tiết kiệm nguồn nguyên liệu đá. Theo nghiên cứu ban đầu, lớp văn hóa sớm thuộc Văn hóa Hòa Bình muộn, có niên đại khoảng từ 6.000 đến 7.000 năm cách ngày nay.
Lớp văn hóa muộn có độ dày không đều từ 15cm đến 35cm chứa nhiều tàn tích thức ăn của người tiền sử gồm: xương răng động vật, vỏ ốc suối, trai, hến, dấu tích than tro, đồ gốm, cùng những chiếc rìu đá đã được mài nhẵn. Loại hình công cụ lao động là những chiếc rìu đá có vai, rìu hình tứ giác, những con dao đá được mài nhẵn toàn thân, những mảnh gốm được phát hiện trong lớp này khá dày, thô, nặn bằng tay, trang trí hoa văn thừng.
Theo TS. Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, trưởng đoàn khảo sát cho biết Phia Mồn là một di tích cư trú của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau. Di tích sẽ cung cấp nhiều cứ liệu khoa học quan trọng giúp cho việc tìm hiểu nhiều mặt về đời sống vật chất và tinh thần của người xưa.
Điều đáng quan tâm là những di tích kiểu hang Phia Mồn sẽ còn tìm thấy trong vùng ngập nước của thủy điện Tuyên Quang, do vậy cần phải có kế hoạch điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ học nhằm cứu vãn những di tích, di sản văn hóa vô cùng quý giá của tổ tiên ta trước khi bị ngập vĩnh viễn trong lòng hồ thủy điện
- 26/11/2009 16:09 - Phát hiện 2 trống đồng có niên đại trên 1.600 tuổi tại Hà Giang
- 26/11/2009 16:05 - Phát hiện di tích Chăm cổ tại Hội An
- 26/11/2009 16:01 - Quảng Trị: Phát hiện dấu tích một tháp Chăm cổ
- 26/11/2009 10:44 - Phát hiện cây cầu đá thời Lê tại Trà Lĩnh, Cao Bằng
- 26/11/2009 10:39 - Phát hiện di tích người nguyên thủy tại Cao Bằng
- 26/11/2009 10:38 - Những phát hiện mới về Hoàng thành Thăng Long
- 26/11/2009 10:37 - Quanh ấn quý Trần Triều Quốc Bảo vừa phát lộ
- 26/11/2009 10:35 - Phát hiện một quan tài cổ
- 26/11/2009 10:23 - Phát hiện mới về Hoàng thành Thăng Long
- 26/11/2009 10:23 - Phát lộ cung điện thời Trần lớn nhất từ trước tới nay