Phát hiện 21 di tích tiền sử hang động ở biên giới Việt - Lào
Phát hiện 21 di tích tiền sử hang động ở biên giới Việt - Lào
Thứ ba, 21 Tháng 7 2015 14:12
Tháng 6 - 2015, triển khai nhiệm vụ: Nghiên cứu hệ thống các di tích khảo cổ hang động miền núi tỉnh Nghệ An do PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử làm chủ nhiệm, đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học đã tiến hành thẩm định 28 di tích hang động đã được biết trước đây. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã phát hiện mới: 21 di tích tiền sử hang động, 7 hang động danh thắng và 6 di tích ngoài trời thuộc các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn và Quỳ Châu.
Kết quả khảo sát cho thấy, các di tích này phản ánh các giai đoạn nhất định trong diễn trình phát triển lịch sử của miền núi Nghệ An:
Sớm nhất là di tích Thẩm Ồm, nơi có di tích hóa thạch người khôn ngoan sớm và kỹ nghệ công cụ đá quartz, với niên đại được xác định vào khoảng: 60.000-40.000 BP.
Giai đoạn tiếp theo là các di tích hậu kỳ Đá cũ (khoảng 40.000-15.000 BP), thuộc kỹ nghệ công cụ đá quartz, quartzite với kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, nằm cùng hóa thạch động vật trong trầm tích màu vàng rắn chắc, tiêu biểu là Thẩm Ồm (hang ngoài) Thẳm Chàng, vách Hang Bua và Cỏ Ngụn (Quỳ Châu).
Giai đoạn sơ kỳ Đá mới (khoảng 15.000-5.000 BP): xuất hiện của các công cụ kiểu văn hóa Hòa Bình trong trầm tích bở rời chứa vỏ nhuyễn thể nước ngọt, tiêu biểu là các hang: Thẩm Hoi, hang Ong (lớp dưới 3 hang), hang Noọng Mu 1, hang Ông Trạng (huyện Con Cuông), lớp dưới các hang Đồng Trương, Mái đá Bò 1 và 3, hang Vận Động, hang Cửa Lũy và hang Khe Dầu (huyện Anh Sơn); hang Thẳm Bạc Quàng (xã Yên Na, huyện Tương Dương); hang Cỏ Ngụn, hang Bông (lớp dưới), Hang Bua, (huyện Quỳ Châu Châu). Niên đại C14 hang Thẩm Hoi là 10.875±175 BP và 10.125±175 BP.
Giai đoạn hậu kỳ Đá mới (khoảng 5.000-3.000 BP): xuất hiện rìu bôn đá mài toàn thân và đồ gốm thô, văn thừng, tìm thấy trong các hang Đồng Trương (lớp trên), Hang Ong 1 (lớp trên), hang Noọng Mu 2 (Con Cuông); Mái đá Bò 2 (Anh Sơn), Hang Bông (lớp trên), hang Cỏ Ngụn (lớp trên) (Quỳ Châu). Sơ kỳ Kim khí tiêu biểu là các di tích ngoài trời ở huyện Tương Dương như: Đền Vạn, Đền Đồi, Cửa Rào 2 và Khe Hấu.
Từ thực tế khảo sát trên cho thấy, khảo cổ học hang động Nghệ An, đặc biệt là khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào có tiềm năng rất lớn. Qua đây chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần xây dựng dự án điều tra tổng thể đối với các di tích hang động trên địa bàn. Từ những kết quả thu được sẽ là tiền đề cho việc xây dựng qui hoạch bảo tồn và tiến tới khai thác du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các huyện miền núi Nghệ An.
Ảnh 1. Hang Đồng Trương, huyện Anh Sơn, Nghệ An 2015
Ảnh 2. Khảo sát mái đá Bò 2, huyện Anh Sơn
Ảnh 3. Khảo sát thẳm Cỏ Ngụn (hang Cây Gạo), huyện Quỳ Châu
Ảnh 4. Hóa thạch động vật Thẩm Ồm
Ảnh 5. Công cụ ghè đẽo Thẩm Ồm
Ảnh 6.Trụ và nhũ đá trong hang Tôn Thạt
Ảnh 7. Nhũ đá trong hang Tôn Thạt
Ảnh 8. Nhũ đá (hình Linga) hang Tôn Thạt
Ảnh 9. Cảnh khai thác đá gần hang Đồng Trương, huyện Anh Sơn
Phan Thanh Toàn
- 04/08/2015 05:58 - Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”
- 03/08/2015 17:40 - Hội thảo khoa học: “Linh nhân Hoàng thái hậu và Khu di tích Đền Ghênh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên”
- 03/08/2015 04:11 - Lại đổ xô tìm cổ vật ở vùng biển Bình Châu
- 27/07/2015 08:26 - Khảo cổ học Champa sau năm 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng
- 23/07/2015 15:55 - Tìm thấy hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm ở Nghệ An
- 20/07/2015 09:44 - Giữ gìn biểu tượng của làng quê Việt
- 14/07/2015 10:26 - Di tích Triền Tranh: Tiếp tục khai quật đến cuối tháng 8
- 13/07/2015 08:51 - Thầy giáo làng hơn 30 năm tìm kiếm di chỉ khảo cổ học
- 13/07/2015 08:44 - Phát hiện nhiều hang động và di tích có giá trị ở Nghệ An
- 07/07/2015 14:46 - Quy hoạch khu di tích Cổ Loa thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn