Tìm thấy di tích thời Hùng Vương tại Thiện Kế
Tìm thấy di tích thời Hùng Vương tại Thiện Kế
Thứ năm, 26 Tháng 11 2009 10:20
Trong đợt điều tra, khảo sát khảo cổ học tại một số xã phía nam huyện Sơn Dương, gần đây, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Tuyên Quang đã tìm thấy một số di tích thời kỳ kim khí.
Cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Tuyên Quang đã phát hiện di chỉ cư trú thuộc thời đại kim khí ở chân núi chùa Thiện Kế, xã Thiện Kế. Cách đây vài năm, bà con thôn Thiện Phong san phẳng một khoảng đất, dưới chân núi tạo trước cửa chùa một bãi đất phẳng làm sân thi vật phục vụ ngày hội chùa Thiện Kế, vô tình đã san bạt một phần diện tích của một di chỉ cư trú của cư dân thời Hùng Vương trên đất Sơn Dương. Căn cứ vào vách taluy, ta có thể quan sát thấy một tầng văn hóa khảo cổ dày khoảng 1,1m - 1,2m nằm sâu dưới lớp đất mặt khoảng 20cm. Địa tầng sâu 1,4m, từ trên xuống dưới có những lớp đất như sau:
- Lớp mặt dày không đều từ 0,15m - 0,20m màu nâu nhạt, tơi xốp, chứa mảnh gốm sứ hiện đại.
- Lớp văn hóa khá thuần nhất, dày 1,1m - 1,2m màu nâu sẫm, chứa di vật khảo cổ có những mảnh than cháy.
- Lớp sinh thổ: màu nâu sẫm, khá cứng, có nhiểu đá tảng xen lẫn, đây là mặt bằng nguyên thủy của cư dân thời kim khí Thiện Kế.
Hiện vật thu được gồm đồ gốm 187 mảnh: 12 mảnh miệng (8 miệng loe, 4 miệng thẳng), 2 mảnh đáy bằng, 1 mảnh chân giò gốm, 172 mảnh thân. 153/187 mảnh có hoa văn gồm: 138 mảnh hoa văn thừng (98 thừng mịn, 40 thừng thô), 13 hoa văn khắc vạch, 3 khắc vạch kết hợp in chấm cuống rạ (trên bản miệng).
Căn cứ vào các tài liệu phát hiện được, cho thấy đây là di chỉ cư trú của người Hùng Vương thuộc giai đoạn Gò Mun, có niên đại cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm. Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện được di chỉ cư trú có tầng văn hóa nguyên vẹn của người thời đại Hùng Vương trên đất Tuyên Quang.
Qua giám định tầng văn hoá và hiện vật, bước đầu chúng tôi cho rằng, Thiện Kế là một làng cổ, có thể xếp vào loại hình di tích thuộc văn hoá Gò Mun thuộc thời kỳ tiền Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam.
Di tích thuộc địa phận thôn Phố Giò, xã Thiện Kế (Sơn Dương). Di tích này nằm trong một thung lũng rộng, trải dài theo hướng Bắc - Nam, hiện đang canh tác trồng lúa. Cách di tích khoảng hơn 400 m về phía tây là dòng sông Phó Đáy chảy dọc thung lũng.
Di tích gồm một tấm đá phiến magma biến chất (gọi là tấm trần), có hình khối giống một con thuyền, với hai bề mặt khá phẳng, chiều dài gần 3 m, rộng từ 0,9 - 1m, dày từ0,30m - 0,35m, phân bố theo hướng bắc - nam. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá đã bị lớp phong hoá bao phủ rất dày. Đáng chú ý là ở mỗi một đầu tấm đá được kê cao trên một số tảng đá to hình nêm, chôn rất sâu trong lòng đất. Tất cả tảng đá kê phía dưới có cùng chất liệu với tấm trần bên trên. Hiện tại, tấm đá lớn được kê cao hơn mặt đất 0,45m (ảnh trên).
Kết quả điều tra dân tộc học quanh vùng cho thấy, đồng bào dân tộc Sán Dìu ở đây đã có lịch sử cư trú hơn 300 năm. Họ có tục thờ thần đá ở trên ngọn núi lớn gần đó, nhưng tuyệt nhiên không hay biết gì về những di tích cự thạch trên. Cũng không có truyền thuyết dân gian nào liên quan đến di tích trên. Đoàn khảo sát cho rằng, đây chính là loại hình di tích khảo cổ ít gặp trên đất nước ta, loại hình di tích Dolmel, một trong những loại hình của văn hoá Cự thạch, còn gọi là văn hoá Đá lớn (Megalithic culture). Di tích Dolmen ở Thiện Kế có cấu trúc tương tự với di tích Cự thạch ở Cao Bằng, Bắc Giang và Sóc Sơn (Hà Nội).
Theo các tài liệu khảo cổ học, Dolmen là một trong những loại hình di tích Cự thạch được phát hiện nhiều nơi trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, loại di tích này tìm thấy nhiều ở Lào, Malaysia, Indonesia... Trong quá trình nghiên cứu và khai quật, người ta đã phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ chôn theo trong các Dolmen như đồ đá mài, đồ gốm và đồ kim loại bằng đồng hoặc sắt.
Di tích Cự thạch Thiện Kế có thể liên quan đến tục thờ Thần đá của các cư dân tiền sử nơi đây.
Việc xác định niên đại cho di tích Cự thạch ở Thiện Kế được các nhà nghiên cứu đặt trong mối liên hệ so sánh với các di tích đồng loại trong khu vực. Trước mắt, xác định niên đại khoảng sau Công nguyên vài ba thế kỷ (gần 2.000 năm cách nay) khi mà nền văn hóa Đông Sơn vẫn tồn tại trên những vùng núi phía Bắc. Điều đó khá phù hợp với những tài liệu khảo cổ học về loại hình di tích đá lớn ở khu vực Đông Nam Á và là điều lý thú, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong thời gian tới.
- 26/11/2009 10:37 - Quanh ấn quý Trần Triều Quốc Bảo vừa phát lộ
- 26/11/2009 10:35 - Phát hiện một quan tài cổ
- 26/11/2009 10:23 - Phát hiện mới về Hoàng thành Thăng Long
- 26/11/2009 10:23 - Phát lộ cung điện thời Trần lớn nhất từ trước tới nay
- 26/11/2009 10:21 - Phát hiện 4 bản mộc cổ và tượng đá quý ở Hà Tĩnh
- 26/11/2009 10:19 - Khám phá xác ướp người Việt
- 26/11/2009 10:17 - Cát Tiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ
- 26/11/2009 10:16 - Khảo cổ di sản văn hóa lòng hồ Thủy điện Sơn La
- 26/11/2009 10:12 - Di tích người tiền sử được phát hiện ở Vịnh Hạ Long
- 26/11/2009 10:01 - Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh