Phát biểu của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại lế khai mạc Hội nghị IPPA

Phát biểu của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại lế khai mạc Hội nghị IPPA

 

 

Phát biểu tại đại hội lần thứ 19 Hội tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương (IPPA)      (ngày 29/11/2009- 5/12/2009)

                                                           Trần Đức Lương

                               Chủ tịch danh dự Hội Khảo cổ học VN

                            Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

  

          Thưa các vị lãnh đạo Hội tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương;

            Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Khảo cổ học Việt Nam,

             Thưa các quí vị khách quý,

            Thưa quý bà, quý ông.

 

            Nhân danh Chủ tịch danh dự Hội Khảo cổ học Việt Nam và cá nhân tôi xin nhiệt liệt chào mừng Đại hội lần thứ 19 Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệt liệt chào mừng trên 400 đại biểu từ 33 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới và trên 100 nhà khoa học Việt Nam tham dự đại hội này. Chúc đại hội thành công tốt đẹp.

            Thưa quý vị, tôi rất quan tâm đến 4 nội dung chính của đại hội đã được Ban lãnh đạo Hội và Ban tổ chức đề ra:

            - Văn hoá và sự phát triển của Thế Pleistocen.

            - Lịch sử văn hoá trong Thế Holocen.

            - Các vấn đề trọng tâm liên quan đến các lĩnh vực như sinh học, xã hội, môi trường...

            - Quản lý và giáo dục di sản.

            Theo tôi được biết thì đây cũng chính là những nội dung xuyên suốt mà Hội Tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương đã theo đuổi và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong suốt 18 kỳ đại hội trước đây.

            Nói đến Thế Pleistocen và Thế Holocen là chúng ta nói đến Kỷ Đệ tứ, Kỷ xuất hiện con người trên trái đất, nói đến lịch sử của xã hội loài người. Văn hoá là phạm trù riêng có của con người và loài người. Một trong những mục tiêu của chúng ta khi nghiên cứu về quá khứ, về văn hoá của xã hội loài người là để có thể rút ra từ lịch sử những kết luận soi sáng cho sự phát triển trong hiện tại và định hướng cho tương lai.

            Theo tinh thần đó, nhân diễn đàn này tôi muốn được bày tỏ với quý vị đôi điều suy nghĩ của tôi về một trong những vấn đề mang tầm vóc thời đại: Đó là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng đang xảy ra.

            Hiện tượng nhiệt độ bề mặt trái đất đang liên tục ấm nóng lên, kéo theo sự rối loạn của chế độ thời tiết khí hậu đang đe dọa cuộc sống của con người trên khắp hành tinh, nhất là ở những nước nghèo đông dân, đời sống còn ở trình độ phát triển nông nghiệp lạc hậu; Hiện tượng nước biển dâng liên tục dâng cao đang đe doạ trực tiếp đến nơi ăn chốn ở của hàng trăm triệu người dân đang sinh sống ở các quần đảo và các vùng đồng bằng ven biển có cao độ thấp so với mặt biển hiện tại. Việt Nam là một trong những nước bị đe doạ nghiêm trọng.

            Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã và đang được huy động nghiên cứu làm sáng tỏ nguyên nhân của hiện tượng này và đề xuất các giải pháp ứng phó với hiểm họa này. Tuyến chủ đạo của các kết luận hiện nay là: về nguyên nhân: các loại khí thải nhân tạo gây hiệu ứng nhà kính làm tăng hấp thụ năng lượng trên bề mặt địa cầu. Về giải pháp: phải có sự đồng tâm hiệp lực quốc tế trong một lộ trình giảm khí thải nhân tạo đủ nhanh trên phạm vi toàn cầu, trước hết là ở những nước tạo ra lượng khí thải lớn nhất. Minh chứng khoa học cho các kết luận này là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác cho rằng những kết luận đó đúng song chưa đủ. Những nghiên cứu của các nhà đọa chất học và khảo cổ học về Kỷ Đệ tứ đã cho thấy rằng Kỷ Đệ tứ không hề là Kỷ có chế độ khí hậu thời tiết bình ổn. Trong Kỷ Đệ tứ đã xảy ra nhiều chu kỳ băng hà - gian băng kéo theo sự biến động lớn về thời tiết khí hậu và mực nước biển dâng hạ với biên độ lớn. Băng hà cuối cùng diễn ra vào cuối Pleistocen cách ngày nay 20.000 năm, lúc đó mực nước biển ở các vùng biển quanh Đông Nam Á đã hạ thấp đến -120m so với mực nước biển hiện tại. Vào khoảng 6000 năm cách ngày nay, với biển tiến Flandrian mực nước biển đã dâng cao hơn mức nước biển hiện tại 4- 6m. Từ đó đến nay là một quá trình biển thoái song không một chiều, có những thời đoạn dừng và dâng tuy với biên độ không lớn (1- 2m). Nguồn năng lượng tạo nên các biến đổi này đương nhiên là từ những biến động nội tại của trái đất thông qua động đất, núi lửa, phun trào đáy đại dương.v.v... (những thời đó chưa có vấn đề khí thải nhân tạo gây hiệu ứng nhà kính). Cần lưu ý rằng những hiện tượng này đã và đang được gia tăng cả về tần suất và cường độ ở nhiều nơi trên thế giới trong những năm gần đây. Các tài liệu khảo cổ học cho thấy các cộng đồng dân cư cổ trên cả vùng Đông Nam Á đã từng trải qua ứng phó với những diễn biến thời tiết và mực nước biển dâng hạ trong từng thời đoạn. Trong các thời cổ đại, khi trình độ phát triển còn rất thấp và mật độ dân cư còn rút lui. Tuy nhiên, cùng với thời gian, con người đã phát triển rất nhanh về dân số, địa bàn cư trú lại tập trung với mật độ cao ở các vùng đồng bằng thấp, ven biển, hải đảo. Họ đã bắt buộc phải vừa thích nghi vừa ứng phó từng phần bằng việc xây dựng các công trình hạ tầng như: đê, đập, kênh, cống, trạm bơm; điều chỉnh nơi cư trú, dự trữ nguồn lực xã hội v.v...

            Nói những điều này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng trong nhận thức không nên chỉ đề cập một chiều, dẫn đến tâm lý thụ động chờ đợi việc khí thải nhà kính trên phạm vi toàn cầu, mà từng quốc gia, dân tộc phải có một chương trình đủ tầm vóc vừa tham gia tích cực nhất vào giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa tích cực xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng nhà kính, vừa tích cực xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm đủ sức “chung sống với biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng”. Việc giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, nhất là từ các nước phát triển đối với các nước nghèo, các nước bị uy hiếp nặng như Việt Nam rất cần những hỗ trợ đủ lớn và đủ tích cực. Việt Nam rất cần xây dựng một hệ thống đê liên hoàn biển- sông đủ bền vững; hệ thống cống điều tiết lớn ở các cửa sông và nhánh sông lớn; hệ thống các trạm bơm thoát nước cho các vùng bị ngập úng nặng; hệ thống các công trình dự phòng ở những vùng có nguy cơ lũ lụt và hạn háng nặng v.v...

            Những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khảo cổ học, địa chất học và các ngành khoa học có liên quan về những biến động của thời tiết khí hậu trong mối tương quan với đời sống của các cộng đồng cư dân cổ, nhất là trong Thế Holocen, sẽ giúp ích rất nhiều cho nhận thức và cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của các quốc gia, dân tộc trong hiện tại và trong tương lai.

            Mọi người đều biết, trong tháng 12 tớí đây tại Copenhagen- thủ đô Đan Mạch sẽ diễn ra một sinh hoạt quốc tế lớn- hội nghị thượng đỉnh toàn cầu để bàn thảo chuyên đề về vấn đề này. Điều đáng lo ngại là, theo các nguồn tin quốc tế việc hưởng ứng của Nguyên thủ các nước, nhất là các nước lớn xem ra còn chưa đủ rõ ràng kể cả trong việc cam kết giảm khí thải nhà kính cũng như việc hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước nghèo, các nước bị đe doạ nghiêm trọng.

            Tôi kêu gọi đại hội chúng ta, các nhà khoa học tham dự đại hội hãy dùng tri thức và uy tín cả mình lên tiếng và tác động thích đáng đến cộng đồng quốc tế và từng quốc gia về vấn đề đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống nhân loại này.

            Rất mong được sự chia sẻ và quan tâm của quý vị.

            Xin cám ơn.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9254281
Số người đang online: 16