“Địa đạo” mới phát hiện giữa Hà Nội: Mộ Hán 100%

“Địa đạo” mới phát hiện giữa Hà Nội: Mộ Hán 100%

 

 

Trước thông tin đồn đại về “địa đạo” mới phát hiện tại Hà Nội, một số chuyên gia lịch sử và khảo cổ học đã lên khu di tích đình Quán La (Xuân La, Tây Hồ) khảo sát sơ bộ. Đúng như dự đoán của các sử gia trước đó, “địa đạo” này là một ngôi mộ táng thời Đông Hán.

alt

Không phải lần đầu phát hiện

Theo sách sử, làng Quán La là một vùng đất cao khá bằng phẳng lại có sông Thiên Phù chảy qua nên rất tiện cho canh tác và giao thông buôn bán. Từ thời Đường nơi đây đã là một trung tâm phồn thịnh trước khi có thành Đại La. Thời kỳ này, Đạo giáo rất thịnh hành và nhà Đường cho xây rất nhiều đền, quán.

Đình Quán La, nơi có “địa đạo” toạ lạc trên một gò đất thuộc khu vực trung tâm của làng. Gò đất này thuộc quần thể “thất tinh” gồm 7 gò đất như hình chùm sao Bắc Đẩu. Thế đất này là đất linh thiêng thường được Đạo giáo chọn để xây đền, quán. Ba trong số bảy gò đất là nơi toạ lạc của đình Quán La, chùa Khai Nguyên và một cây thị cổ.

Tuy nhiên, địa đạo này cũng không phải là phát hiện mới mẻ. Đình Quán La đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia từ năm 1984. Trong hồ sơ đệ trình Bộ Văn hoá – Thông tin có đề cập đến một “cái hang” ở dưới nền đình, gọi là động Thông Thiên.

Theo những lời đồn đại của dân làng thì có nhiều cách giải thích về cái hang này. Các cụ trong làng thì bảo đây là động thông sâu xuống đất, màu nước thả quả bưởi thì ra tận Hồ Tây. Một số người cho là địa đạo kháng chiến chống quân Nguyên hay quân Minh. Có thuyết cho là hầm luyện đan sa của Đạo quán. Thông thường việc luyện đan phải làm bí mật, kín đáo, lửa lúc nào cũng đều, vì vậy người ta phải luyện trong hang sâu kín, hay đào hang dưới đất để luyện.

Tuy nhiên, tất cả đó đều là những lời đồn đại chưa được kiểm chứng.

Nhiều người trong giới sử học cũng không xa lạ với “địa đạo” này. Cách đây hơn 10 năm, GS Hà Văn Tấn (một trong 4 tứ trụ sử học Việt Nam, gồm các giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) từng xem xét và đánh giá đây là mộ Hán.

Tham quan “địa đạo”

Khu vực được cho là “địa đạo” nằm ở hông bên phải của đình Quán La, ở trung tâm làng Quán La.

Cổng tam quan của đình vẫn còn lưu được những cánh cửa gỗ cũ kỹ và mái ngói cổ cùng các nét kiến trúc và hoạ tiết trang trí độc đáo. Tuy nhiên, bờ tường bao quanh đình được hiện đại hoá bằng những hàng rào sắt và đặc biệt 4 cột trụ cổng được sơn lại bằng những màu sắc xem ra không hề phù hợp với cánh cổng và mái ngói cổ.

Trước sân đình, hai bên lối lên các gian thờ có tượng 2 con Nghê (linh vật thuần Việt được dùng để trang trí ở các đình cổ) được phủ lớp vôi trắng… và tô lại môi - mắt - râu làm mất đi vẻ xưa cổ đáng có của nó. Phía sân đình bên phải là một dãy 3 bàn bóng bàn nhộn nhịp người chơi.

Đình gồm 3 gian thờ dọc, hai gian tiền tế và một gian mật cung có treo biển “Cung cấm miễn vào”.

Bên phải sân đình có có một cổng ngách nhỏ mở ra một lối đi khoảng 20m chạy vào cửa “địa đạo”. Dọc theo lối đi này có nhiều phiến đá cổ..

Cửa của “địa đạo” rộng chừng 2-3 m2, được kè xung quanh bằng gạch mới. Ông Nguyễn Văn Lượng, Thủ từ đình Quán La rất hiếu khách mang một chiếc thang dài để phụ giúp chúng tôi trèo xuống xem “địa đạo”. “Địa đạo” nằm sâu dưới nền đất chừng 2m và ăn sâu vào dưới nền đình Quán La.

Lòng “địa đạo” tối, phải soi đèn pin mới nhìn rõ, tuy nhiên tương đối rộng và cao, đủ cho vài người cùng đứng thoải mái. Ông Nguyễn Văn Lượng cho biết, do trải qua thời gian, đất bồi đắp thành ra lòng “địa đạo” bị nông đi.

Ngăn chính của “địa đạo” đã bị bịt gạch phần đầu, không rõ từ khi nào. Ở hai bên có 3 ngách nhỏ xây gạch và có cửa vòm cuốn. Các ngách có lòng rộng chưa đến 1m và cao chừng vài chục cm. Soi đèn pin rọi vào thấy các ngách dài chừng hơn 10m và chúng tôi chú ý thấy ở một ngách có gạch xếp bịt đầu cùng kiểu gạch xây vòm”. Điều này phần nào bác bỏ giả thuyết về "địa đạo dài và nối đi các nơi" như lời đồn đại.

Không phải “địa đạo” mà là mộ Hán

Đoàn chuyên gia đi khảo sát gồm có GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa Thành và Ths Vân Anh, cán bộ Viện Khảo cổ học…

Qua khảo sát sơ bộ, các chuyên gia cho biết có đủ cơ sở để khẳng định đây là một ngôi mộ Hán, loại mộ táng xây bằng gạch thời Bắc thuộc. Hầm mộ ăn sâu dưới nền Thượng điện đình Quán La và cửa vào mộ đã bị mở ra từ lâu.

Hầm mộ này được đánh giá là tương đối lớn. Trong đó có nhiều ngăn gọi là nhĩ thất (chính là các ngách nhỏ đã mô tả) với kiến trúc cửa vòm cuốn. Gạch xây mộ là gạch có hoa văn trám và một số gạch không có hoa văn, gạch xây cuốn hình múi bưởi có hoa văn. Đây là những nét đặc trưng của mộ Hán.

Các mộ Hán thường có chủ nhân là những người có vai vế trong xã hội thời đó, chủ yếu là quan lại, quý tộc. Ngăn chính (Thất) là nơi để mộ phần chủ nhân, còn các ngăn ngách (Nhĩ thất) dùng để đựng đồ tuỳ táng giá trị. Tuy nhiên, hiện tại, không còn đồ vật cổ quý giá nào ở đây, chứng tỏ mộ đã bị giới lùng cổ vật “hỏi thăm”.

Cũng qua khảo sát thì thấy, phía trên cửa vòm cuốn có những viên gạch vồ và có trát vôi vữa. Vết tích này cho thấy ngôi mộ đã từng bị sửa chữa vì thời Hán chưa có vôi vữa và gạch vồ là sản phẩm từ thời Lê.

GS Phan Huy Lê cho biết, “mộ Hán như vậy thì nhiều lắm, có hàng trăm ngôi mộ như vậy ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, trong đó nhiều nhất là ở Bắc Ninh, Hải Dương... Vị trí các mộ Hán thường nằm xung quanh khu vực chính quyền và khu cư trú của quan lại người Hán trước đây”.

Tuy nhiên, đến nay ngôi mộ Hán này chưa được khai quật và khảo sát. Đoàn cán bộ khảo sát kiến nghị bảo tồn y nguyên để sau này có điều kiện sẽ tiến hành khảo sát và nghiên cứu.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9188113
Số người đang online: 13