Phát lộ đường nước khổng lồ dưới Hoàng thành Thăng Long

Phát lộ đường nước khổng lồ dưới Hoàng thành Thăng Long

 

 

Gần cổng Đoan Môn, các nhà khảo cổ khai quật thêm nhiều di tích của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn chồng xếp lên nhau. Đặc biệt có một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa từng thấy trong di tích khảo cổ nào ở Việt Nam. > Mở cửa hầm bí mật dưới Hoàng thành Thăng Long

Theo khuyến nghị của UNESCO nên tiếp tục nghiên cứu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long sau khi được công nhận di sản thế giới, các nhà khảo cổ đã khai quật 500 m2, hố đào sâu nhất là 4,2 m tại trung tâm Cấm Thành trong 6 tháng qua.

Theo kết quả khai quật của Viện Khảo cổ học công bố sáng 26/12, các di tích phát lộ cho thấy nhiều tầng văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn đan xen nhau. Dấu tích kiến trúc thời Lý gồm đường nước lớn được xây bằng gạch vuông, gạch bìa và cọc gỗ chạy suốt chiều Đông - Tây, bề rộng 2 m, cao 2 m, cùng nhiều móng tường.

Dấu tích kiến trúc thời Trần gồm những dải trang trí hoa chanh nằm trên móng tường thời Lý, hệ thống cống thoát nước, gạch bìa hình chữ nhật. Các dấu tích thời Lê còn sót lại trên nền gạch vuông và gạch vồ ở phía tây của hố khai quật. Các nền gạch này cũng từng xuất hiện từ khu vực nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn.

Thời Nguyễn còn để lại dấu ấn với những cống thoát nước, gồm 2 thành cống được xếp bằng đá xanh và gạch vồ xám.

Các nhà khoa học khảo sát đường nước khổng lồ trong khu vực khai quật. Ảnh: Đoàn Loan.

Theo PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trước đây đã có nhiều giả thiết khu vực khảo cổ là không gian của chính điện Thiên An thời Lý - Trần và chính điện Càn Nguyên thời Lý. Trong các hố đào năm 2011 mới phát hiện dấu tích móng trụ của nền điện Kinh Thiên, còn khu vực nền điện thì vẫn là bí ẩn.

Với lần khai quật này, các nhà khảo cổ đã phát hiện sân nền gạch vồ lát từ khu vực Đoan Môn lan rộng trên toàn bộ không gian lớn đến điện Kính Thiên. Ngoài ra, còn có cấu trúc móng "Ngự đạo" của thời Lê với nhiều mảnh gốm thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Phát lộ khảo cổ cũng cho thấy quá trình xây móng tôn nền sân Đại triều thời Lê Sơ ở bên dưới lớp gạch vồ.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lý ở khu vực bắc Đoan Môn với đường nước lớn xây bằng gạch vuông. Song song với đường nước này có dấu tích móng sành của móng tường thời Lý rộng 1,6 m. Đường nước rộng 2 m, cao 2 m, có cắm cọc gỗ để gia cố. Đây là đường nước khổng lồ xây bằng gạch chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.

PGS. TS Tống Trung Tín nhận định có khả năng đường nước này dùng để thoát nước trong Cấm thành thời Lý hoặc là dấu tích tâm linh liên quan đến phong thủy trong trung tâm Hoàng cung thời Lý.

Về hướng bảo tồn khu vực phát lộ, ông Tống Trung Tín cho rằng, để không hư hỏng các di tích thì sẽ phải lấp đất, song cũng có ý kiến nên để cho người dân xem khu vực khảo cổ để làm giàu vốn văn hóa tại trung tâm Hoàng thành.

Nhiều chuyên gia sử học đã đưa ra phán đoán về đường nước ngầm và đề nghị bảo tồn các hố khai quật bằng cách lắp kính hoặc có mái che để người dân được tham quan. Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch hội Sử học Hà Nội, trước đây trung tâm Hoàng thành không tìm thấy dấu tích thời Lý song hiện đã tìm thấy đường nước thời Lý nên khả năng vua Lý Thái Tổ xây dựng điện Càn Nguyên ở khu vực này cùng với sân Long Trì. Để làm rõ hơn chính điện cần mở rộng khai quật ra phía đường Nguyễn Tri Phương.

"Chúng ta có thể nhận diện đây là khu chính điện của Hoàng thành, nên khu vực khảo cổ nên giữ lại cho mọi người đến xem cũng là một hình thức giữ lại di tích này", ông Nguyễn Quang Ngọc phát biểu.

TS Trần Đức Cường, nguyên Phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng đường nước lớn có thể là đường dẫn nước, song cũng có thể là nơi chứa nước hay một công trình phong thủy. "Vào khu di tích nổi tiếng mà không được nhìn thành quả của giới nghiên cứu thì rất tiếc, nên phải có cách bảo tồn như lắp kính, mái che để bảo tồn lâu dài. Lấp đất là biện pháp bất đắc dĩ. Di tích của chúng ta nằm giữa thủ đô nên không có gì phải hạn chế cho người dân thưởng ngoạn", ông Trần Đức Cường nhận xét.

Đoàn Loan

Nguồn Vnexpress

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9038388
Số người đang online: 15