Ngôi mộ thời Trần trên núi Trán Rồng (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương))
Vị trí mộ khai quật.
Khai quật mộ.
Do hàm chứa những giá trị lịch sử/văn hoá to lớn, từ lâu khu vực Kiếp Bạc đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của khảo cổ học. Nhiều đợt điều tra, khảo sát và khai quật đã được tiến hành ở khu vực di tích Kiếp Bạc.
Qua đó, đã phát hiện và bổ sung nhiều tư liệu quí giá có liên quan trực tiếp đến di tích trong suốt quá trình tồn tại, đó là các vết tích kiến trúc phủ đệ với nền, móng, cống thoát nước và các loại vật liệu kiến trúc thời Trần, cùng các dấu tích cư trú, sinh hoạt với nhiều di tích phụ cận tại các địa điểm Viên Lăng, Núi Trán Rồng, Từ Cũ, Hố Thóc, Ao Cháo, Vạ Yên, Xưởng Thuyền... Đặc biệt, trong đợt nghiên cứu năm 2000 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã tiến hành khai quật "chữa cháy" ngôi mộ thời Trần hết sức độc đáo và quí giá trên núi Trán Rồng được nhân dân địa phương phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình canh tác.Khi Đoàn công tác đến hiện trường, ngôi mộ gần như đã bị đào phá hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có thể xác định đây là một ngôi mộ có cấu trúc và táng thức đặc trưng thời Trần. Mộ có huyệt hình tròn, đường kính 3,3m, vát dần xuống dưới, đáy huyệt mộ nằm ở độ sâu 1,6m. Những nghiên cứu cho thấy đây là ngôi mộ dạng "trong quan ngoài quách" rất đặc biệt, xung quanh được chèn và đậy gạch. Viên gạch sử dụng làm đậy nắp màu đỏ tươi, bề mặt trang trí khắc vạch hình bàn cờ tướng. "Quách" là chum đất nung màu đỏ tươi, vỡ thành hai mảnh không đều nhau, do bị đập vỡ khi sử dụng làm quách. Vai trang trí cánh sen kép và ở thân trang trí khắc chìm hình cá hoá rồng, phượng và hoa phù dung. Trong chum là một thạp hoa nâu, chân đế rời men trắng ngả xám, chân đế hình đài sen. Hài cốt đựng trong chiếc thạp này, xương cốt đều vụn nát, lẫn phía trong là một gương đồng và một khánh bạc chạm khắc hoa phù dung cực kỳ tinh xảo.
Lon sành thời Trần.
Trong quan ngoài quách.
Khôi phục hiện trạng.
Cấu trúc mộ.
Mặc dầu được phát hiện ngẫu nhiên, song về cơ bản chúng ta vẫn có thể phục dựng lại cấu trúc ngôi mộ với táng thức quan, quách và nhiều vấn đề có liên quan đến đặc trưng mộ táng thời Trần. Đây là một phát hiện rất thú vị, nó cho thấy còn rất nhiều bí ẩn trong lòng đất Kiếp Bạc. Từ những cứ liệu di vật thu được cùng với cấu trúc, vật liệu, hoa văn trang trí và đồ tuỳ táng có thể xác định chủ nhân của ngôi mộ là một phụ nữ thuộc dòng dõi "quí tộc" nhà Trần. Người phụ nữ đó là ai, có quan hệ với Đức thánh Trần Hưng Đạo như thế nào mà lại được an táng ở vị trí quan trọng ấy (trên núi Trán Rồng) với táng thức cùng đồ tuỳ táng "cao sang" như vậy vẫn là một ẩn số cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Văn Đoàn ( Phó Giám đốc BTLSQG )
Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia
- 30/12/2014 16:40 - 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất trong năm 2014
- 29/12/2014 09:30 - Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật thám sát khu vực Yên Giang và cánh đồng Yên Giang
- 27/12/2014 09:55 - Di tích quốc gia Yên Tử được "trùng tu - xây mới"
- 26/12/2014 09:57 - Nhóm cổ vật độc đáo mới phát hiện ở huyện Mường Ảng (Điện Biên)
- 24/12/2014 16:58 - Phát hiện ngôi mộ thời Đông Sơn ở Sơn La
- 22/12/2014 10:40 - Nỏ thần An Dương Vương - Từ huyền thoại đến sự thật lịch sử
- 22/12/2014 10:10 - Hoàng thành Thăng Long - từ góc độ Khảo cổ học
- 12/12/2014 23:53 - Ba di tích khảo cổ được xếp hạng quốc gia
- 07/12/2014 17:08 - TT-Huế: Phát hiện xác tàu đắm trên biển Vinh Xuân
- 02/12/2014 17:01 - Vật thiêng trong nghi thức tang ma của người Giáy xã Bản Giang (Lai Châu)