Thêm nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng được phát hiện tại Luy Lâu
Thêm nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng được phát hiện tại Luy Lâu
Thứ hai, 05 Tháng 1 2015 09:43
Cuối năm 2014, các chuyên gia Đại học Đông Á (Nhật Bản) cùng với các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hợp tác nghiên cứu thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng đã được phát hiện trong hố khai quật góp thêm tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá Đông Sơn.
Hơn 50 mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy ở độ sâu 1,8 - 2m, phân bố khá đều trong lòng hố khai quật, ở một địa tầng ổn định. Điều cần nhấn mạnh là những mảnh khuôn này được tìm thấy rất gần (chỉ cách 20m) với nơi PGS.TS Nishimura đã tìm thấy mảnh khuôn đúc trồng đầu đầu tiên tại Luy Lâu năm 1999.
Cùng với những mảnh khuôn là một số hiện vật khác không kém phần quan trọng trong việc chế tác trống đồng là phễu rót đồng và chốt định vị trục xoay (ắc) của khuôn đúc. Những hiện vật tìm được cho phép các nhà khoa học khẳng định giả thuyết: Trống đồng được đúc trên bàn xoay theo từng bước: Chế tạo ruột -> Chế tạo 2 mang thân và vẽ hoa văn -> Làm mặt và vẽ hoa văn -> Ráp khuôn -> Làm quai.
Niên đại của những mảnh khuôn được xác định khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Điều này đã “nối dài” thêm tuổi của văn hóa Đông Sơn - không phải nền văn hóa này kết thúc vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên mà còn kéo dài thêm vài trăm năm nữa - đồng thời cũng chứng minh sức sống của Văn hóa Đông Sơn trong bối cảnh đã có sự tác động của văn hóa Hán.
Với sự thận trọng cần thiết, các nhà khoa học chưa khẳng định Luy Lâu là nơi đúc trống và đề xuất nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa để xác định rõ hơn diện mạo khu di tích này. Qua gần hai nghìn năm phủ mờ của thời gian, đây là phát hiện quan trọng của khảo cổ học Việt Nam góp phần cung cấp thêm nhiều tư liệu về kỹ thuật đúc trống đồng và niên đại kéo dài của văn hoá Đông Sơn. Việc nghiên cứu một cách toàn diện di tích Luy Lâu cũng sẽ góp phần làm sáng tỏ về hệ thống, cách thức sản xuất, giao thương, các đường nét văn hóa - xã hội ở một trung tâm kinh tế - chính trị trong nhiều thế kỷ; góp phần nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á cổ đại nói chung.
Dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam sẽ kéo dài từ năm 2014 đến năm 2019.
- 06/02/2015 09:31 - Phát hiện miệng núi lửa cổ trăm triệu năm ở Quảng Ngãi
- 21/01/2015 09:24 - Phát hiện và nghiên cứu bước đầu về hệ thống các di tích thời đại đá cũ và công xưởng thời đại đá mới ở thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai
- 09/01/2015 09:36 - Hội nghị ANGIS và CRMA năm 2015
- 08/01/2015 09:40 - Phát hiện dấu tích cung điện nhà Trần tại Thái Bình
- 07/01/2015 09:42 - Phát hiện một làng đạn đá cổ tại huyện Đồi Mỏ, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
- 31/12/2014 09:47 - Hé lộ phạm vi, cấu trúc thành Nội khu di tích Luy Lâu
- 30/12/2014 16:40 - 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất trong năm 2014
- 29/12/2014 09:30 - Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật thám sát khu vực Yên Giang và cánh đồng Yên Giang
- 27/12/2014 09:55 - Di tích quốc gia Yên Tử được "trùng tu - xây mới"
- 26/12/2014 09:57 - Nhóm cổ vật độc đáo mới phát hiện ở huyện Mường Ảng (Điện Biên)