Hội thảo “Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và triển vọng”

Hội thảo “Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và triển vọng”

 

 

Hội thảo do bộ môn Khảo cổ học khoa Lịch sử và Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á (ĐH Quốc gia Hà Nội), tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 7/5 và 8/5/2015. Trong đó ngày 7/5/2015 tổ chức Hội thảo tại phòng 701 nhà E Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ngày 8/5/2015 tổ chức đi khảo sát di tích bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh). Hội thảo quy tụ 29 tham luận của các chuyên gia trong các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, kỹ thuật… với 3 nội dung chính: Quá trình chiếm lĩnh và khai thác các vùng biển đảo Việt Nam; Kết quả nghiên cứu khảo cổ học biển đảo Việt Nam; Ứng dụng một số lý thuyết và phương pháp trong nghiên cứu và khai thác di sản khảo cổ học biển đảo Việt Nam.

 

Các cuộc khai quật các di tích trên các đảo ven bờ, Trường Sa và các tàu đắm từ thập niên 90 (thế kỷ XX) trong vùng biển Việt Nam chính là những bước đi đầu trong việc nghiên cứu khảo cổ học biển đảo Việt Nam. Khảo cổ học biển đảo nên được hiểu là nghiên cứu các di tích khảo cổ học dưới nước, các vùng ven biển và các đảo.

Gắn với biển đảo, những thành tựu khảo cổ học nổi bật nhất của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu vẫn là các đợt trục vớt cổ vật của xác tàu đắm tại Sa Huỳnh, Cù Lao Chàm, Vũng Tàu... và việc tìm thấy hàng loạt di vật thời Trần, Lê, Nguyễn tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc trục vớt cổ vật hầu hết đều thực hiện theo hình thức liên kết và sử dụng kỹ thuật, kinh phí của đối tác (đa phần là các công ty nước ngoài). Còn lại, việc khai quật trên các đảo xa bờ gặp rất nhiều khó khăn cả về mặt kinh phí và chủ trương.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo (Ảnh: Hoàng Diệp)

"Với đường bờ biển dài và gần 1 triệu km2 mặt biển, tiềm năng của khảo cổ biển đảo Việt Nam là vô cùng lớn" – PGS.TS Lâm Mỹ Dung (ĐH Quốc gia HN) - chia sẻ. Tuy nhiên, với một quốc gia đang phát triển, khó khăn chính của chúng ta là những đòi hỏi đầu tư khổng lồ về kỹ thuật, phương tiện và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. TS Lê Thị Liên cho biết “Chi phí cho nghiên cứu khảo cổ học dưới nước gấp khoảng 6 lần so với một cuộc nghiên cứu khảo cổ tương tự trên đất liền”.

Năm 2013, với việc thành lập Phòng Khảo cổ học dưới nước tại Viện Khảo cổ Việt Nam, chuyên ngành này mới thoát khỏi tình trạng "ba không" (không chuyên gia, không máy móc và không kinh phí). Tuy vậy từ khi thành lập đến nay, các trang thiết bị chuyên biệt để nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Phòng Khảo cổ học dưới nước hầu như không có gì.

Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Hoàng Diệp)

Trong bối cảnh ấy, các bước đi trong lĩnh vực khảo cổ biển đảo của Trung Quốc khiến những chuyên gia Việt Nam rất lo lắng. Cụ thể đến nay, quốc gia này đã có đội ngũ 710 chuyên gia lặn, đã thành lập bảo tàng Con đường Tơ lụa trên biển tại Quảng Đông, đã có các cơ quan nghiên cứu đặc thù tại 10 tỉnh ven biển.

Đặc biệt, theo TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), tất cả các kết quả nghiên cứu đều được truyền thông theo hướng phục vụ cho những lập luận nhằm thiết lập cái gọi là "Di sản Con đường Tơ lụa trên biển" bao trùm phần lớn biển Đông. Trung Quốc chủ trương dần thay đổi nhận thức bằng các hoạt động thực tiễn.

"Trong bối cảnh này, có lẽ chúng ta rất nên chú trọng tới việc liên kết với nhiều quốc gia khác để đưa ra những nghiên cứu chính xác, nhằm đưa ra các hiểu biết khách quan trong học thuật. Bên cạnh đó cần có sự liên kết các đơn vị có thế mạnh trong nước về tàu thuyền, lặn, thiết bị dưới nước… để có thể dần tự chủ về nguồn lực tại chỗ" - TS Vũ nói.

Theo TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học), để có một trung tâm khảo cổ học dưới nước hiệu quả, các học giả quốc tế đã tư vấn giải pháp trước mắt: Việt Nam cần tổ chức đào tạo bài bản và đưa đi tập huấn thường xuyên tại nước ngoài để sớm có được những chuyên gia ở trình độ đại học, hoặc sau đại học về khảo cổ dưới nước. Có nghĩa, không thể muộn hơn nữa, một kế hoạch về thời gian, kinh phí, con người và bộ máy vận hành cần được xây dựng ngay. Ngành khảo cổ học biển đảo của Việt Nam cần sớm vượt qua giai đoạn "khởi động" để bắt đầu lộ trình của mình.

Hội thảo thống nhất cần có kiến nghị thúc đẩy nghiên cứu khảo cổ học biển đảo, chiến lược tuyên truyền về chủ quyền biển đảo gửi Hội đồng tư vấn chính sách. Bộ môn Khảo cổ học tiến hành mở chuyên đề giảng dạy về khảo cổ học biển đảo tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Josdar

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9026460
Số người đang online: 17