Tọa đàm khoa học: Di tích khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa - Tiếp cận phương pháp nghiên cứu liên ngành

Tọa đàm khoa học: Di tích khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa - Tiếp cận phương pháp nghiên cứu liên ngành

 

 

Ngày 20/5/2015, Câu lạc bộ khoa học Viện Khảo cổ học tổ chức buổi sinh hoạt khoa học Tháng 5 với chủ đề: “Phương pháp nghiên cứu liên ngành – Trường hợp di tích Cồn Cổ Ngựa”.

Khai quật Cồn Cổ Ngựa năm 2013

Năm 2013, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Ban quản lý di tích tỉnh Thanh Hóa và các nhà khoa học thuộc Trường Đại học quốc gia Úc, Đại học Y khoa Sapporo (Nhật Bản)... tham gia khai quật, chỉnh lý di tích và di vật di tích Cồn Cổ Ngựa.

Trên cơ sở áp dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành đã góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề đang đặt ra đối với di tích Cồn Cổ Ngựa như­ địa tầng, di tích, di vật, những mối quan hệ đa chiều, đan xen văn hóa, cũng nh­ư đời sống vật chất, tinh thần và tổ chức xã hội. Buổi tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực nhân chủng, tiền sơ sử và đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện tham dự.

Mở đầu buổi tọa đàm, TS Trịnh Hoàng Hiệp – Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Thời đại Kim khí Viện Khảo cổ học, cán bộ phụ trách đợt khai quật đã thay mặt đoàn báo cáo kết quả khai quật khảo cổ. Di tích Cồn Cổ Ngựa thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa được phát hiện lần đầu vào tháng 7 năm 1979. Tính đến nay, sau 35 năm kể từ lần khai quật thứ nhất năm 1980, địa điểm Cồn Cổ Ngựa đã trải qua 04 đợt thám sát vào các năm 1979, 2003, 2011, 2013 và 02 lần khai quật vào các năm 1980, 2013.

Có thể nói, cuộc khai quật và thám sát năm 2013 đã thu được những kết quả hết sức khả quan, trên tổng diện tích 84m2 (12m x 7m) ở khu ruộng trồng lúa gần cồn đất Cổ Ngựa và 03 hố thám sát, diện tích mỗi hố 2m2 (2m x 1m) trên 3 cồn đất trong khu vực. Kết quả thu được có thể tóm lược như sau:

* Về địa tầng: có thể chia thành 4 lớp:

- Lớp đất canh tác: dày khoảng 15cm - 20cm.

- Lớp đất sét xám xanh: dày 30cm, đất sét màu xám xanh, dẻo mịn, không chứa hiện vật khảo cổ học.

- Tầng văn hóa: có 2 giai đoạn: Giai đoạn sớm và Giai đoạn muộn

- Sinh thổ: đất màu vàng sẫm lẫn cát màu vàng ô liu, màu xám sẫm và hạt sạn sỏi laterite màu đen (cát mịn, độ hạt 1/8 - 1/4mm).

* Về di tích, di vật:

- Di tích động vật: chủ yếu là lợn, hươu, nai, trâu, bò. Đặc biệt thu được xương cá voi chôn ở dưới cùng, được kê gia cố cẩn thận, phía trên xếp đá -> biểu tượng định vị cho khu cư trú.

- Về di tích thực vật: Kết quả phân tích bào tử phấn hoa cho thấy, thảm thực vật ở đây chủ yếu là những loài thuộc họ dương xỉ, các loại thực vật hạt trần và hạt kín. Tuổi của thảm thực vật này có niên đại từ Holocene trung đến Holocene muộn. Nhìn chung, thảm thực vật ở đây xưa kia không phải là rừng rậm mà chủ yếu là những cây bụi, cây thân gỗ nhỏ.

- Về di tích mộ táng: Đợt khai quật đã làm xuất lộ 146 di cốt (0,6m2/1 mộ). Có thể nói, sau 2 mùa khai quật địa điểm Cồn Cổ Ngựa, đây là lần đầu tiên có đầy đủ bằng chứng về các lớp mộ sớm, muộn; sự cắt phá giữa các ngôi mộ chôn cùng một giai đoạn văn hóa cũng như hiện tượng đá đánh dấu mộ, đồ tùy táng chôn theo, phương thức chôn, tư thế di cốt, hiện tượng bôi/chôn thổ hoàng theo do cốt...

Đồ gốm tại Cồn Cổ Ngựa năm 2013, nguồn: Trịnh Hoàng Hiệp

- Về hiện vật: đồ đá, đồ gốm trong mộ hoàn toàn giống với đồ đá, đồ gốm trong tầng văn hóa. Đồ đá có nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Đáng chú ý với sự có mặt các loại hình rìu: rìu mài lan thân, rìu mài lưỡi, rìu tứ giác, rìu mài toàn thân, các loại hình công cụ khác đã góp thêm nhiều tư liệu về nghiên cứu văn hóa Đá mới ở Việt Nam và khu vực.

Đồ gốm có sự phát triển từ lớp văn hóa sớm đến lớp văn hóa muộn. Sự tồn tại đồ gốm dày, trung bình và mỏng ở di tích Cồn Cổ Ngựa được phát hiện trong lần khai quật này đã bác bỏ quan điểm cho rằng đồ gốm thuộc văn hóa Đa Bút giai đoạn sớm, giữa chỉ tồn tại loại gốm dày, xương gốm thô đến giai đoạn muộn mới xuất hiện loại hình xương gốm mỏng.

* Về niên đại: Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định: Di tích Cồn Cổ Ngựa có niên đại 5.140±95BP đến 5.520±95BP

Tiếp theo đó, GS. TS. Oxenham Marc Fredrick – Đại học Quốc gia Úc đã trình bày về vấn đề sức khỏe người Cồn Cổ Ngựa cũng như táng tục của họ. Với tổng số 146 di cốt tìm thấy, bao gồm: 104 cá thể trưởng thành (14 cá thể chưa xác định được độ tuổi, giới tính) và 28 cá thể trẻ em, trong đó có nhiều di cốt bị gãy chân, gãy tay. Ông cho rằng, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra câu trả lời về nguyên nhân của hiện tượng này.

- Về hình thức mai táng: Ở lớp mộ sớm và lớp mộ giữa, các di cốt được chôn chủ yếu theo tư thế ngồi xổm, co gối. Trong khi đó, ở lớp mộ muộn: ngoài tư thế ngồi xổm co gối còn nằm thẳng và nghiêng.

Mộ táng tại Cồn Cổ Ngựa năm 2013, nguồn: Trịnh Hoàng Hiệp

Trên cơ sở đó, GS. Marc đã đưa ra so sánh di cốt Cồn Cổ Ngựa với mộ chum ở Philippin và nhận thấy có sự tương đồng. Và để giải thích cho hiện tượng du di cốt đã bị đổ trong huyệt mộ nhưng các xương không bị rời mà vẫn liên hệ với nhau, tác giả đặt ra giả thuyết: Các di cốt sau khi chết bị chặt tay chân. Sau đó có thể được vùng vải chùm đầu và bó cả cơ thể rồi được đặt vào huyệt mộ, hoặc các huyệt mộ được đổ đầy đá, sỏi như vậy sẽ giữ vưng cho sọ di cốt không bị rời ra.

- Một đặc điểm nữa ở những ngôi mộ ở đây là rất ít, gần như không có đồ tùy táng, chỉ phát hiện một số mảnh vòng. Đây là một sự khác biết so với các mộ Mán Bạc.

Kết thúc phần báo cáo: Ths. Jones Rebecca Kate – Nghiên cứu sinh thuộc Đại học Quốc gia Úc, thành viên của đoàn cũng đã trình bày những phân tích về hệ động vật của Cồn Cổ Ngựa với mục đích xác định các loài động vật có mặt ở Cồn Cổ Ngựa qua đó làm rõ môi trường tự nhiên cũng như hoạt động khai thác của con người ở đây. Theo đó, các loài động vật chính ở Cồn Cổ Ngựa gồm có: trâu bò, hươu nai, lợn, một số bộ thú ăn thịt như hổ, báo, cầy hương, rái cá…, 02 bộ linh trưởng là khỉ và vọoc. Ngoài ra, có bộ bò sát: rùa mai cứng, rùa mai mềm. Đặc biệt, cuộc khai quật đã phát hiện được một số động vật biển: các đuối, cá mập với kích cỡ tương đối lớn. Điều này gợi ý hoạt động săn bắt và khai thác động vật của người Cồn Cổ Ngựa tương đối đa dạng trong các môi trường khác nhau.

Bên cạnh đó, đợt khai quật lần này cũng đã phát hiện và tiến hành nghiên cứu một số công cụ xương: xương quay cá voi, sừng hươu và một số mảnh dùng trong nghi lễ.

 Sau khi các báo cáo viên trình bày, các nhà khoa học sôi nổi thảo luận về hoa văn gốm, cách thức tạo hoa văn gốm, và về hình thức táng tục của người Cồn Cổ Ngựa. Các chuyên gia cho rằng kết quả nghiên cứu về Cồn Cổ Ngựa năm 2013 thu được nhiều kết quả tốt hơn so với năm 1980 và hy vọng với phương pháp liên ngành, trong tương lai sẽ làm rõ hơn các vấn đề về nhân chủng học tại di chỉ Cồn Cổ Ngựa.

Khổng Thiêm

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9231086
Số người đang online: 19