Thầy giáo làng hơn 30 năm tìm kiếm di chỉ khảo cổ học

Thầy giáo làng hơn 30 năm tìm kiếm di chỉ khảo cổ học

 

 
Tại xã Phú Định (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) thầy giáo Lê Quốc Tường (giáo viên Trường THCS Phú Định) đã hơn 30 năm nay ngày ngày cần mẫn ra sức tìm kiếm những hiện vật quý hiếm của người cổ.
Thầy Tường giới thiệu về một chiếc rìu đá cổ có vai hình đuôi cá
Có “duyên” với những di chỉ khảo cổ

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, giữa bạt ngàn cây cao su, thầy giáo Lê Quốc Tường bồi hồi nhớ lại: Vào năm 1985, thầy được phân công dạy môn lịch sử các lớp tại Trường THCS Phú Định. Nhằm minh họa cho bài dạy của mình thêm phần sinh động và cuốn hút, sau những giờ lên lớp, thầy tranh thủ đi tìm kiếm những tư liệu, tranh ảnh, các hiện vật liên quan. “Trong một lần đến thăm người học trò bị ốm, tôi thấy người cha cậu học trò mình đang lụi cụi mài một vật chi đó cho con mình uống chữa bệnh. Tiến lại gần, tôi phát hiện đó là chiếc rìu đá của người cổ”, thầy Tường nói.

Để chắc chắn hơn, ông đã mượn vật lạ đó đem về tham khảo và đối chiếu với những tư liệu mà mình cất giữ sau bao năm học hành tại trường. Bằng những kiến thức và đối chiếu tư liệu, thầy Tường khẳng định, đây đúng là rìu đá của người cổ.

Ngay sau đó, bằng cảm nhận của một người học lịch sử, thầy đã phát động phong trào “Chúng em làm khảo cổ học”, “Nhân dân làm khảo cổ học” nhằm vận động học sinh, phụ huynh tìm kiếm, thu thập các hiện vật bằng đá cổ. Kết quả thật bất ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều mẫu hiện vật rìu đá cổ được các em phát hiện, tìm thấy từ lòng hồ Cỏ Đắng, khe suối hay những lần đi chăn trâu bên đồi.

Tính đến thời điểm này, sau 30 năm theo đuổi, đam mê với công việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, bộ sưu tập đá cổ của thầy Tường đã có trên 50 hiện vật. Ngoài những hiện vật tặng cho các thầy cô giáo trong trường và người thân quen làm kỉ niệm, thầy Tưởng chỉ giữ lại 36 hiện vật, trong đó chủ yếu là các loại rìu đá. Đặc biệt, vào năm 2002, thông qua phong trào “Chúng em làm khảo cổ học”, các học trò của thầy đã tìm thấy tới 22 hiện vật đồ đá cổ ở các thôn, xã trong địa phương. Hiện tại, những hiện vật rìu cổ được thầy Tường trân trọng lưu giữ cẩn thận. Thầy sắp xếp, phân loại rìu vai ngang, rìu vai xuôi, lưỡi cuốc, bôn, mảnh tước thành từng hộp để dùng dạy học. Vì vậy, không chỉ riêng những giờ dạy sử, những tiết ngoại khóa trong chương trình, qua các hiện vật, thầy Tường thổi vào đó niềm đam mê, tự hào của quê hương cho các em học sinh.

Vùng đất chứa đựng những di chỉ tiền sử

Lịch sử đã chứng minh, Phú Định là vùng đất khá đặc biệt, với địa hình có nhiều khe suối, hang đá, cây cối rậm rạp, rất thích hợp để người nguyên thủy di cư, cư trú tạm thời. Ở đây đã diễn ra sự trao đổi công cụ sản xuất giữa các nhóm người với nhau, chính điều này làm nên sự có mặt của những hiện vật của các nền văn hóa tại vùng đất này.

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Tường cho biết, qua việc sưu tầm hiện vật, cộng với kinh nghiệm sau bao nhiêu năm dạy môn lịch sử, thầy nhận định, đó là những di chỉ của các nền văn hóa được phân bố theo hình cánh cung từ huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa về Khương Hà, Phú Định (huyện Bố Trạch), xuống tận Bàu Tró (TP.Đồng Hới). “Giá trị của những hiện vật này không phải ở số lượng nhiều hay ít mà chính là sự đa dạng, phong phú về chủng loại, hình thức, mẫu mã, chất liệu đá. Đây là cơ sở cực kì quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận, tìm hiểu và có những lí giải sâu hơn về dấu tích của người Việt cổ ở vùng đất Phú Định này”, thầy Tường chia sẻ.

Với mong muốn có những công trình nghiên cứu sâu hơn nữa về vùng đất của mình đang sống, đồng thời thông qua các hiện vật sưu tập được, cần có sự tìm hiểu sâu hơn của các nhà khoa học về những hiện vật trên vùng quê này, thầy Lê Quốc Tường đã tặng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình 28 hiện vật trong bộ sưu tập đồ đá cổ của mình.

Bà Trần Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình - cho biết, bộ sưu tầm hiện vật đồ đá cổ của thầy Lê Quốc Tường thuộc giai đoạn đầu của nền văn hóa Hòa Bình kéo dài đến hậu kỳ đồ đá mới văn hóa Bàu Tró, có niên đại khoảng 12.000 năm đến 4.000 năm trước công nguyên. Những hiện vật mà thầy Tường sưu tầm được rất phong phú bao gồm: Mảnh tước, bôn đá, lưỡi cuốc, lưỡi rìu, phác vật rìu đá…

Đây chính là những công cụ mà người nguyên thủy chế tạo sử dụng trong lao động, sản xuất. Chất liệu được sử dụng khá phong phú từ những lưỡi rìu bằng đã cuội ghè đẽo một mặt đến các mẫu rìu vai xuôi, vai vuông được mài toàn thân. Đặc biệt, còn có một mẫu rìu một bên vai vuông, một bên vai cắt hình đuôi cá trên chất liệu đá cẩm thạch là hiện vật độc đáo, duy nhất ở vùng đất Phú Định này. Những hiện vật đồ đá cổ được phát hiện tại vùng đất Phú Định và những giá trị khoa học to lớn của nó mà thầy Lê Quốc Tường đã mất 30 năm “gom nhặt” đã đánh dấu địa danh Phú Định trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ khảo cổ học của tỉnh Quảng Bình.

Nói về mong ước của mình sau hơn 30 năm tự tìm tòi, nghiên cứu, thầy Tường tâm sự: “Tôi mong rằng, sẽ có những nhà khoa học, nhà chuyên môn trong cả nước sớm quan tâm, tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa vùng đất này, nhằm phát hiện nhiều hơn nữa những bí ẩn của lịch sử. Để từ đó giúp người dân và những thế hệ sau này càng thêm yêu mảnh đất quê hương mà mình đang sống”.

(Theo Laodong.com.vn)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9026926
Số người đang online: 17