Phiên 2 Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”

Phiên 2 Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”

 

 

13h30 chiều 4/8, Phiên báo cáo thứ 2 của Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông” bắt đầu. Điều hành phiên làm việc này là TS Nguyễn Gia Đối (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học) và TS Thonglith Luangkhot (Lào).

13h30 - 15h00: Báo cáo phiên 2

Chủ trì: TS Nguyễn Gia Đối & TS Thonglith Luangkhot

7. Những di tích Ấn Độ giáo và Phật giáo mới phát hiện tại Rattanaki (Campuchia), Attapue (Lào) và Tây Nguyên (Việt Nam): Một tiếp cận khảo cổ học cảnh quan về con đường giao thương trên bộ giữa các vương quốc cổ ở tiểu vùng Mê Kông - Trần Kỳ Phương và nnk

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương trình bày tại Hội thảo

Qua kết quả khảo sát một số di tích khảo cổ học lịch sử tại các tỉnh Stueng Treng và Rattanakiri ở Đông Bắc Campuchia; Champasak và Attapue ở Nam Lào; và Tây Nguyên Việt Nam kết hợp với các di tích Ấn Độ/Hindu giáo và Phật giáo khác phát hiện tại các tỉnh Kon Tum và Gia Lai trong những năm qua nhóm nghiên cứu đã phác họa một con đường thương mãi nối kết từ miền duyên hải của các tỉnh Bình Định và Phú Yên lên đến vùng Tây Nguyên và Đông Bắc Cam-pu-chia cũng như thung lũng Attapue và cao nguyên Boloven ở Nam Lào. Tham luận này đóng góp một cái nhìn toàn cảnh các mối quan hệ kinh tế- xã hội giữa các tiểu quốc ở tiểu vùng Mekong qua các giai đoạn lịch sử từ thế kỷ thứ 8 trở về sau.

8. Từ LARP đến CRMA: Dự án nghiên cứu về mối quan hệ văn hoá Đông Nam Á lục địa - PGS.TS Surat Lertlum & TS Im Sokrithy

Các tác giả trình bày tại Hội thảo

Sau khi kết thúc nghiên cứu về con đường hoàng gia từ Angkor đến Phimai, các tác giả tiếp tục tiến hành tìm hiểu các tổ chức xã hội, các nền văn hóa cổ dọc theo hành lang văn hóa Đông-Tây, Bắc-Nam ở Thái Lan và các quốc gia láng giềng. Những nghiên cứu khảo cổ học kết hợp phân tích dữ liệu không gian, đã dựng lên một bức tranh rộng hơn về các mối quan hệ trên bình diện khu vực ở Hành lang văn hóa Đông-Tây và Bắc-Nam, đưa ra cái nhìn đầy đủ hơn về sự chia sẻ và thích ứng văn hóa trong quá khứ. Đồng thời, cung cấp những nhận thức mới về sự phát triển của mạng lưới giao thông, kỹ thuật...

9. Tiếp xúc và giao thoa văn hoá Sa Huỳnh qua những phát hiện và nghiên cứu mới - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung trình bày tham luận

Các di tích của văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở hầu khắp các dạng địa hình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, từ vùng đồi gò, cồn cát ven sông, ven biển đến các đảo ven bờ, những yếu tố tự nhiên, xã hội mối quan hệ văn hoá khác nhau theo cả chiều không gian và thời gian đã tạo nên những dạng/nhóm địa phương của văn hoá này. Bức khảm văn hoá Sa Huỳnh được cấu thành từ những mảnh ghép đậm nhạt với những vùng lõi, vùng biên, vùng bắc, vùng nam, vùng núi, vùng đồng bằng duyên hải, hải đảo... Văn hoá Sa Huỳnh, đặc biệt ở giai đoạn cuối do vị thế địa lý cầu nối của mình là nơi gặp gỡ và hội tụ của nhiều luồng văn hoá/văn minh khu vực và thế giới. Những cuộc tiếp xúc và giao lưu ấy ít nhiều đều để lại dấu ấn trong di tích, di vật của văn hoá Sa Huỳnh và góp phần làm tăng tính đa dạng của văn hoá này.

Là một trong ba trung tâm văn hoá lớn thời đại kim khí Việt Nam phân bố trên dải đất miền Trung, một địa hình dài hẹp lưng dựa vào Đông Nam Á lục địa, mặt ngoảnh ra Đông Nam Á hải đảo, văn hoá Sa Huỳnh ngay từ nền gốc là các văn hoá Tiền Sa Huỳnh (Bàu Tró, Bàu Trám, Bình Châu, Long Thạnh, Xóm Cồn) luôn luôn là trung tâm thu và phát tín hiệu xa gần. Có thể nói lợi thế môi trường và địa hình đã tạo cho vùng đất này một vị thế trung điểm, vị thế cầu nối và chuyển giao của nhiều luồng văn hoá khác nhau Đông Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á (lục địa, hải đảo), Nam Á. Đường bờ biển dài2, nhiều vụng vịnh và những hải lưu theo gió mùa cùng với những dòng sông chảy từ núi xuống biển, tất cả đã trở thành những điều kiện vô cùng thích hợp giúp cho các xã hội Sa Huỳnh tham gia tích cực vào con đường tơ lụa trên biển, hình thành và phát triển từ những thế kỷ trước sau Công nguyên, kết nối thị trường từ tây sang đông, từ bắc xuống nam.

10. Công tác nghiên cứu khai quật và bảo vệ tại Di sản thế giới đô thị cổ Pyu ở Myanmar - Nuynt Han

Tác giả giới thiệu sự phát triển của nghiên cứu khảo cổ học ở các đô thị cổ Pyu trong thời kỳ thuộc địa của Anh và tóm lược lịch sử của Khoa Khảo cổ học ở Myanmar. Ở phần 2, U Nyunt Han sẽ trình bày sơ lược về các cuộc khai quật khảo cổ học ở các đô thị cổ Pyu sau khi đất nước giành được độc lập, các kết quả khai quật và phát hiện ở 3 đô thị Pyu (Halin, Beikthanoand và Sri-ksetra) đã được công nhận là di sản văn hóa Thế giới vào tháng 6 năm 2014. Tiếp đến, U Nyunt Han sẽ thảo luận về các vấn đề mà Khoa Khảo cổ học đang đối mặt ở di sản thế giới các đô thị cổ Pyu và phương thức bảo vệ di sản này bằng pháp lý nhằm tránh nguy cơ đào trộm, cướp phá, xâm lấn và sức ép từ việc phát triển.

11. Khảo cổ học biển ở Quảng Nam và Quảng Ngãi - PGS.TS Bùi Văn Liêm & Ths Bùi Văn Hiếu

PGS.TS Bùi Văn Liêm trình bày tại Hội thảo

Bài trình bày của nhóm tác giả cho thấy tiềm năng khảo cổ học dưới nước nói riêng và khảo cổ học biển nói chung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi là rất lớn. Hệ thống sông ngòi ở hai tỉnh này khá dày đặc, dọc bở biển đều có những cửa, vụng biển thuận lợi cho tàu thuyền ra vào và cũng nằm trong tuyến thương mại biển của khu vực với những thương cảng nổi tiếng trong lịch sử. Ở đây, có đầy đủ những loại hình di tích chính của khảo cổ học biển như thương cảng cổ, tàu đắm, xưởng đóng ghe tàu thuyền và các cộng đồng ngư dân biển với lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Tuy nhiên nền khảo cổ học biển ở đây vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó và đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Thực tế cuộc sống và việc phát triển kinh tế địa phương đang dần xâm hại nguồn di sản văn hóa này. Do vậy, xác định, nghiên cứu hệ thống những di tích khảo cổ học dưới nước, các di tích bị chìm ngập và mối liên hệ lịch sử với các di tích trên đất liền ở các khu vực này trong phạm vi không gian và thời gian rộng hơn là việc làm hết sức cần thiết nhằm cung cấp hồ sơ khoa học làm cơ sở cho đề xuất những phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. Chỉ có như thế những thông tin về quá khứ còn ẩn chìm ở khu vực này không còn là những vết mờ.

12. Mối quan hệ đa dân tộc ở Đông Dương - GS Ang Chouléan

GS Ang Chouléan trình bày tại Hội thảo

15h00 - 15h30: Giải lao

15h30 - 16h30: Thảo luận

16h30 - 17h00: Bế mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Giang Hải tổng kết và bế mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Giang Hải thay mặt Ban tổ chức tổng kết và bế mạc Hội thảo. Ban tổ chức đánh giá cao kết quả trình bày và thảo luận tại hai phiên trình bày. Năm 2007, theo sáng kiến của Viện Khảo cổ học, Hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Khảo cổ học Việt Nam - Lào Campuchia: hướng tới một sự hợp tác bền vững". Các nhà khảo cổ học ba nước đã đem đến Hội thảo những thành tựu nghiên cứu và cả những triển vọng trong sự hợp tác của nước mình. Tại Hội thảo, vấn đề xây dựng một chương trình nghiên cứu hợp tác đã được các đại biểu hết sức quan tâm và thống nhất cao về việc thường xuyên tổ chức những hội thảo như thế này để chia sẻ những kinh nghiệm, những kết quả nghiên cứu, cùng giúp nhau đào tạo các cán bộ nghiên cứu trẻ với mục tiêu chung là cùng nhau phát triển.  Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai về khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia là dịp để chúng ta cùng nhau chia sẻ những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm. Giữa hai kỳ hội thảo, đã có những chương trình nghiên cứu chung được thực hiện. Đó là chương trình nghiên cứu về Hành lang văn hóa Đông Tây do các nhà khảo cổ học Thái Lan chủ trì, chương trình nghiên cứu xuyên biên giới về Nhà nước sớm do Việt Nam chủ trì. Những báo cáo và thảo luận tại Hội thảo quốc tế lần này là những gợi ý thú vị để từ đó chúng ta xây dựng một chương trình nghiên cứu chung vì những lợi ích cao cả của khoa học. Năm 2016, Viện Khảo cổ học sẽ phối hợp với Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức một hội thảo quốc tế quan trọng: Di sản văn hóa dưới nước vì lợi ích cộng đồng. Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Giang Hải mong các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm và dành tâm huyết cho Hội thảo này góp phần đưa Khảo cổ học dưới nước phát triển theo kịp khu vực; Đưa Di sản văn hoá dưới nước phát huy giá trị đem lại lợi ích cho cộng đồng từ đó cộng đồng sẽ chung tay bảo vệ Di sản văn hoá dưới nước.

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Thơ Đình

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027062
Số người đang online: 14