Thành Nhà Hồ - Di sản lịch sử - văn hóa Việt Nam đặc sắc cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV

"Ngày 27/6/2011, di sản quý giá này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tin vui đó càng khẳng định giá trị đích thực của Thành Nhà Hồ trong danh mục các di sản văn hóa của nhân loại và càng nâng cao trọng trách tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ của Thanh Hóa mà của cả nước trong trách nhiệm trước thế giới theo Công ước Di sản Thế giới của UNESCO - trích bài viết của GS. NGND. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đăng trong Tạp chí Khảo cổ học số 2, 2012.

Nhân kỷ niệm 4 năm Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, được phép của GS. NGND. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chúng tôi đăng lại 01 trong số những bài viết của GS, khi đánh giá về công trình kỳ vĩ - có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam để bạn đọc và công chúng cả nước phần nào tiếp cận được giá trị to lớn của tòa thành, từ đó thêm trân trọng, tự hào và chung sức bảo vệ những di sản quý báu của ông cha.

Trong lịch sử các kinh đô của Việt Nam, mỗi kinh thành đều được định vị và xây dựng trong từng bối cảnh địa – văn hóa cụ thể và đều có vị trí, vai trò và đặc điểm riêng , tạo nên một bộ phận vô giá của di sản lịch sử và văn hóa dân tộc. Thành Nhà Hồ là một kinh thành tuy thời gian tồn tại không dài nhưng có nhiều đặc điểm và giá trị văn hóa độc đáo không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Thành bắt đầu xây dựng vào mùa xuân tháng giêng năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 đời vua Thuận Tông của vương triều Trần. Người quyết định chủ trương xây dựng là Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ giữ chức Nhập nội phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, cương vị Tể tướng, nắm giữ mọi quyền lực của triều đình. Người trực tiếp tổ chức và điều hành công việc kiến tạo là Thượng thư bộ lại Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép Mẫn). Hồ Quý Ly xây thành mới ở động An Tôn (nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đấy trong mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân (26-3 đến 24-4-1400) vương triều Hồ thành lập (1400-1407) và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành Nhà Hồ. Hồ Quý Ly từ khi nắm quyền lực của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Trong cải cách ông biểu thị tinh thần dân tộc cao, ý tưởng canh tân mạnh mẽ, phê phán cả Khổng Tử và Tân Nho giáo, nêu cao tính thực tiễn và hiệu quả. Thành Nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly và vương triều Hồ.

Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng. Đối chiếu với quy mô to lớn của tòa thành thì đây là một đặc điểm quan trọng, có thể là một kỷ lục trong lịch sử kinh thành của Việt Nam. Dĩ nhiên, có lẽ đó là thời gian tập trung hoàn tất những công trình chủ yếu, quan trọng bậc nhất là tòa thành đá giữ vai trò như Hoàng thành, còn các cung điện, rồi La thành phòng vệ bên ngoài, đàn Nam Giao... còn được tiếp tục cho đến năm 1402. Vì vậy năm 1398 Hồ Quý Ly cho xây cung Bảo Thanh (hay Ly Cung ở xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) để vua Trần Thuận Tông ở và ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (ngày 2-4-1398) nhà vua bị ép nhường ngôi cho Thái tử An (Thiếu đế) cũng tại đây, rồi sau nhà vua mới về ngự điện ở Tây Đô.

Kết quả điều tra khảo sát và đo đạc của các nhà khảo cổ học cho biết thành Tây Đô quy mô lớn, riêng Hoàng thành hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m và chu vi trên 3,5km. Thành phía ngoài xây bằng đá, bên trong xây bằng đất đầm nện chắc, mở bốn cửa theo bốn hướng nam, bắc, đông tây. Tường thành đá bên ngoài xây bằng những khối đá nặng trung bình 10 tấn - 16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công tạo nên sự liên kết kiên cố. Đất đắp bên trong thoai thoải dần. Thành qua thời gian trên 6 thế kỷ đã bị bào mòn và có chỗ bị sạt lở, nhưng di tích còn lại vẫn dày khoảng 4m - 6m, chân thành rộng khoảng trên 20m. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, bằng đá, riêng cửa Nam là cửa chính có ba cổng ra vào, dài trên 34m, cao hơn 10m. Theo các nhà khảo cổ, khối lượng đá xây dựng ước tính trên 25.000m3, khối lượng đất đắp trên 100.000m3. Đó là chưa nói đến hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10m - 20m và La thành bảo vệ vòng ngoài. Theo sử liệu, trên thành còn xây tường bằng gạch mà khảo cổ học đã phát hiện khá nhiều, trên nhiều viên gạch còn khắc tên đơn vị các làng xã được điều động về xây thành. Ngoài ra còn nhiều kiến trúc khác, trong đó đàn Nam Giao xây trên sườn phía tây nam núi Đốn Sơn bằng đá quy mô lớn.

Thành Nhà Hồ là một kiến trúc kinh thành quy mô lớn, đặc biệt Hoàng thành và đàn Nam Giao. Giá trị độc đáo bậc nhất của Thành Nhà Hồ là tòa kinh thành xây bằng đá rất bền vững và kiến cố. Biết bao vấn đề đặt ra cần lời giải đáp như nguồn đá, cách thức đẽo gọt theo kích thước được tính toán phù hợp với cấu trúc và thiết kế tòa thành, phương tiện vận chuyển, phương pháp lắp ghép và xây dựng... Tất cả nói lên một kỳ tích của con người, tài năng tổ chức, điều hành của công trình sư và lao động sáng tạo của các lớp dân phu, thợ thủ công các nghề làm đá, nung gạch ngói, xây dựng và trang trí... Trên lãnh thổ Việt Nam và phương Đông có nhiều kiến trúc bằng đá, nhất là các pháo đài, đến miếu, tượng đài, lăng mộ..., nhưng Thành Nhà Hồ là kinh đô duy nhất xây dựng chủ yếu bằng đá lớn rất hiếm trên thế giới.

Năm 1407, Thành Nhà Hồ bị thất thủ trước cuộc xâm lăng của quân Minh. Tuy thời gian tồn tại với vai trò kinh đô ngắn ngủi nhưng công việc dinh tạo, xây thành, đào hào, dựng cung điện, lập miếu đàn, mở mang đường sá, phố phường và chợ búa, đã nhanh chóng đưa khu vực Tây Đô trở thành một trung tâm chính trị quốc gia, một khu vực phồn thịnh của đất nước. Thành Nhà Hồ lại được xây dựng trên vị trí đầu mối giao thông thủy bộ, vừa nằm trên con đường bộ "thượng đạo" chạy từ thành Thăng Long vào đến biên giới phía nam lúc đó giáp Champa, vừa bên hai dòng sông lớn là sông Mã và sông Chu nối miền đồng bằng ven biển với miền núi rừng phía tây và hệ thống sông đào được khai mở từ thời tiền Lê, tiếp tục qua thời Lý, Trần đến Hồ theo hướng bắc nam. Địa hình nằm giữa vùng đồng bằng giáp với miền núi rừng nên cảnh quan thiên nhiên đa dạng, địa thế lợi hại cho một căn cứ quân sự. Sự kiên cố của tòa thành cùng với những điều kiện giao thông, địa thế tự nhiên đó đã tạo nên sức sống và sự trường tồn của kiến trúc. Trong hai mươi năm Minh thuộc (1407-1427), đây là căn cứ quân sự của quân Minh và cũng là nơi đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh, kết thúc bằng thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn bao vây và buộc đối phương phải đầu hàng. Trong thời Nam - Bắc triều (1533-1592), Thành Nhà Hồ cũng là nơi chứng kiến nhiều cuộc chiến đấu giữa quân Mạc và quân Lê. Khi đã làm chủ vùng Thanh Hóa, Thành Nhà Hồ không những là một căn cứ quân sự của chính quyền Lê - Trịnh mà còn là nơi đã tổ chức kỳ thi Hương năm 1562 ở Cửa Nam thành. Trong suốt thời Lê Trung hưng và thời Tây Sơn, Thành Nhà Hồ vẫn được sử dụng như một pháo đài quân sự trong phòng thủ và tấn công khi có giao tranh. Tuy mất vai trò kinh đô nhưng Thành Nhà Hồ vẫn sừng sững, uy nghi như một tòa thành quân sự kiên cố trong thời gian dài. 

Khu vực Thành Nhà Hồ nằm giữa một không gian rộng lớn, xóm làng thưa thớt và chưa bị sức ép nhiều của dân số và đô thị hóa. Nhờ đó, điều may mắn là tuy các kiến trúc cung điện, tường gạch bên trên thành cùng các bộ phận bằng gạch, gỗ bị sụp đổ, hủy hoại và tòa thành cũng không tránh khỏi có phần bị sạt lở, nhưng gần như tổng thể kiến trúc bằng đá vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Những di tích còn được bảo tồn trên mặt đất đã rất quý, nhưng trong lòng đất Thành Nhà Hồ chắc chắn còn chứa đựng một kho tàng di tích, di vật vô cùng quý giá.

Từ năm 2004 đến nay, khảo cổ học đã tiến hành một số đợt điều tra thám sát, thăm dò và khai quật làm xuất lộ các dấu tích cung điện, miếu đàn cùng hàng ngàn di vật phản ánh rõ hơn quá trình xây dựng và kiến trúc của kinh đô nước Đại Việt những năm cuối thời Trần và của nước Đại Ngu thời nhà Hồ. Nhờ những phát hiện khảo cổ học này, giá trị của khu di tích càng được chứng thực và cung cấp nhiều cứ liệu khoa học để làm sáng tỏ dần những điều bí ẩn về quy hoạch, cấu trúc đô thành và phương thức, kỹ thuật kiến trúc. Gần đây khảo cổ học đã phát hiện ra di tích công trường khai thác đá với những khối đá qua các công đoạn ghè đẽo tại núi An Tôn và vài núi gần thành.

Tất nhiên công việc nghiên cứu thành Nhà Hồ còn phải tiếp tục, mà vai trò chủ yếu thuộc về khảo cổ học. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu và phát lộ cho đến nay cần sớm được công bố để cung cấp tư liệu cho các nhà khoa học trong nghiên cứu nâng cao thêm nhận thức về giá trị của di sản và cho các nhà quản lý trong quy hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cùng với công việc nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là làm sao vừa quản lý, bảo vệ tốt toàn bộ khu di tích, nhất là các di tích mới phát lộ, vừa tổ chức tốt việc tham quan để bảo đảm quyền hưởng thụ của cộng đồng, của khách tham quan trong nước và quốc tế, quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu xác nhận tính toàn vẹn, tính nguyên gốc và những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu, năm 2009, Thành Nhà Hồ đã được lập hồ sơ đề cử Di sản văn hóa thế giới. Ngày 27/6/2011, di sản quý giá này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tin vui đó càng khẳng định giá trị đích thực của Thành Nhà Hồ trong danh mục các di sản văn hóa của nhân loại và càng nâng cao trọng trách tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ của Thanh Hóa mà của cả nước trong trách nhiệm trước thế giới theo Công ước Di sản Thế giới của UNESCO.

GS. NGND. Phan Huy Lê

(Nguồn: Tạp chí Khảo cổ học số 2, 2012)

 

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9028167
Số người đang online: 21