Viên gạch “Phủng thánh vệ - Ninh Nhuệ - Trung Thánh dực quân” tại khu vực điện Kính Thiên

Mở đầu

Tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2014, TS. Nguyễn Hồng Kiên đã giới thiệu “một viên gạch đặc biệt” có minh văn được phát hiện tại lớp 2, hố khai quật H2 khu vực điện Kính Thiên (Thăng Long)1. Viên gạch có hình chữ nhật, bị vỡ một phần, kích thước còn lại (20 x 17,5 x 7)cm. Ở đầu cạnh ngắn (chiều rộng) có in nổi 2 chữ Hán, nhưng chỉ đọc được chữ đầu tiên là “Ninh” (寜□). Ở mặt lớn, sát rìa cạnh dài có in một đồng tiền “Hồng Vũ thông bảo” (洪武通寶) thời Minh Thành Tổ [Ảnh 1]. Mặc dù niên đại tiền là 1368 - 1399, cũng như gạch có nhiều đặc điểm tương tự gạch thời Trần, nhưng địa tầng phát lộ được xác định là thời Lê sơ. TS. Nguyễn Hồng Kiên băn khoăn về chữ Hán chưa đọc được, và mong muốn có thêm thông tin để lý giải sáng rõ hơn nữa về di vật.

Chúng tôi xin giới thiệu thêm một viên gạch có minh văn tương tự mới phát hiện tại khu vực điện Kính Thiên, qua đó góp phần làm rõ thêm loại hình di vật này cũng như ý nghĩa của nó đối với hoạt động khai quật Hoàng thành Thăng Long.

  1. Vị trí và tình trạng xuất lộ

Tại khu vực điện Kính Thiên, trong mùa khai quật 2014, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành mở 3 hố khai quật (14ĐKT.H1, H2, H3) với tổng diện tích gần 1.000m2. Trong đó, hố H1 được mở rộng trên cơ sở nối liền với hố H2 (năm 2013) về phía đông - vị trí tìm thấy viên gạch mà TS. Nguyễn Hồng Kiên đã thông báo.

Khi tiến hành xử lý di vật ở lớp 2, chúng tôi đã phát hiện thêm một số viên gạch có nhiều đặc điểm giống “viên gạch đặc biệt” về cả hình dáng và minh văn [Bảng 1; Ảnh 2]. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là viên gạch có ký hiệu “14ĐKT.H1.L2/V19”, kích thước (37 x 16,5 x 8,5)cm. Gạch màu xám, xương đanh chắc, có lẫn nhiều sạn nhỏ, được đóng bằng khuôn.

Đầu cạnh ngắn (chiều rộng) của viên gạch có in nổi hai chữ Hán, lớn gần hết bề mặt. Hai chữ này giống hệt hai chữ Hán trên viên gạch mà TS. Nguyễn Hồng Kiên đã thông báo. Tuy chữ bị đứt nét khó đọc, nhưng nhờ hiện vật có tính toàn vẹn hơn nên có thể đọc được là hai chữ “Ninh Nhuệ” 寜銳.

Điểm đáng chú ý là giữa một mặt gạch có viết 9 chữ Hán, viết theo chiều dọc thành 2 dòng: “捧聖衞寜銳中聖/翊軍”. Chữ viết theo lối khải thư, đẹp và sắc nét, bố cục cân đối, chứng tỏ người viết thành thạo chữ Hán và chủ ý viết lên khi gạch còn ướt. Theo chúng tôi, 9 chữ Hán trên cần đọc ngắt thành “Phủng thánh vệ - Ninh Nhuệ - Trung Thánh dực quân”.

  1. Cấu trúc “Phủng thánh vệ - Ninh Nhuệ - Trung Thánh dực quân”

Về “Phủng thánh vệ” 捧聖, phiên hiệu “Phủng Thánh” đã xuất hiện tại Trung Quốc từ thời Ngũ Đại.Cựu - Tân Ngũ đại sử đã nhắc đến các phiên hiệu “Phủng thánh đô” hoặc “Phủng thánh quân” của nhà Hậu Đường (923-936)2. Tại Đại Việt, phiên hiệu “Phủng thánh” bắt đầu xuất hiện từ năm 1059. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (dưới đây gọi tắt là Toàn thư), ”Phủng thánh” là một “quân hiệu” được nhà Lý đặt ra từ năm 1059, chia làm Tả Hữu, trên trán có xăm chữ “Thiên tử quân”3. Tuy nhiên, cần chú ý rằng dưới thời Lý, “Phủng thánh” là phiên hiệu của một “quân” (“Phủng thánh quân”), không phải một “vệ”.

Trong các tài liệu hiện còn, tên gọi “Phùng thánh vệ” chỉ xuất hiện dưới thời Lê sơ. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (dưới đây gọi tắt là Loại chí), dưới thời Lê Thái Tổ (tại vị 1428 - 1433), “Phủng thánh vệ” là một trong 14 vệ (Kim ngô, Ngọc kiềm, Phủng thần, Xa kỵ, Câu kiềm, Thiên ngưu, Phủng thánh, Tráng sĩ, Thần vũ, Du nỗ, Thần tý, Vũ lâm, Thiên uy, Nhũ uy) trực thuộc “Thiết đột quân”. Lịch triều không ghi mốc thời gian cụ thể, nhưng theo văn bia thần đạo Đỗ Khuyển do Phan Đại Doãn sưu tầm4, Yao Takao tái điều tra và hiệu đính5 cho biết, tháng 8 năm 1428 (Thuận Thiên nguyên niên), Đỗ Khuyển được phong làm “Đồng Tổng tri Phủng thánh vệ Chư quân (sự), (quản) lĩnh Thiên cương Trung Thánh dực quân, kiêm tri Ngự tiền Thiết đột điều các binh”6. Ngoài ra, trongLam sơn thực lục cũng nhắc đến việc năm 1428, công thần Doãn Nỗ được phong là “Tả Phủng thánh vệ đại tướng quân”7. Như vậy, “Phủng thánh vệ” đã xuất hiện ngay từ năm Thuận Thiên nguyên niên (1428), khi Lê Lợi mới lên ngôi8.

Tuy nhiên, đến thời Lê Thái Tông (tại vị 1433 - 1442), “Phủng thánh” lại được biên chế trở thành một “quân” trong “Ngự tiền Lục quân” bao gồm (Ngự tiền Võ sĩ, Ngự tiền Trung - Tả - Hữu - Tiền - Hậu quân, Phủng Thánh quân, Chấn Lôi quân, Bảo Ứng quân). Chúng ta không rõ thời điểm hình thành “Ngự tiền lục quân”, nhưng chắc chắn “Ngự tiền lục quân” đã có từ năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) vì vào năm đó, Trịnh Khả được phong làm “Thái giám Ngự tiền lục quân”9. Như vậy, muộn nhất là từ sau năm 1437, “Phủng thánh” là phiên hiệu của một “quân” (“Phủng thánh quân”).

Đến năm 1466 dưới thời Lê Thánh Tông (tại vị 1460 - 1497), “Phủng thánh” mới được biên chế lại thành một “vệ”. Theo Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập trích trong Việt sử thông giám cương mục(dưới đây gọi tắt là Cương mục), đến thời Lê Thánh Tông, “Phủng thánh” là một “vệ” (“Phủng thánh vệ”) nằm trong “Trung quân phủ” của “Ngũ phủ”, quản lý 5 sở là “Thiên định”, “Thiên oai”, “Thiên hùng”, “Thiên khôi” và “Thiên tiết”. Chế độ “Ngũ phủ”, dưới phủ có “vệ”, dưới “vệ” có 5 sở mà Thiên Nam dư hạ tập nhắc đến chính là chế độ “Ngũ phủ” hình thành vào tháng 4 năm Quang Thuận thứ 7 (1466)10.

Như vậy, “Phủng Thánh” là một phiên hiệu quân đội tồn tại dưới thời Lê sơ, có ngay từ khi Lê Lợi mới lên ngôi năm Thuận Thiên nguyên niên (1428). Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1437 - 1466, “Phủng thánh” được biên chế thành một “quân”. Nói cách khác, phiên hiệu “Phủng thánh vệ” tồn tại trong hai giai đoạn: giai đoạn đầu từ 1428 - 1437 (dưới thời Thái Tổ và đầu triều Thái Tông) và giai đoạn thứ hai từ năm 1466 (Thánh Tông) trở đi.

Điểm cần lưu ý từ sau năm 1466, “Phủng thánh vệ” quản lý 5 sở bắt đầu bằng chữ “Thiên”. Trong khi đó, nhiều tư liệu văn bia lại cho thấy “Phủng thánh vệ” dưới thời Lê Thái Tổ có phiên hiệu “Trung Thánh dực quân”. Bia Thần đạo Đỗ Khuyển hai lần nhắc đến chức quan “Phủng thánh vệ Chư quân (sự), “(quản) lĩnh Thiên cương Trung Thánh dực quân” hoặc “quản lĩnh Thiết đột Trung Thánh dực quân”11.

Minh văn “Phủng thánh vệ Ninh Nhuệ Trung Thánh dực quân” cho thấy kết cấu “Trung Thánh dực quân”12 nằm dưới “Phủng Thánh vệ”. Đối chiếu với chế độ “Phủng thánh vệ” ở trên, chúng tôi cho rằng minh văn này phản ánh chế độ “Phủng thánh vệ” giai đoạn 1428-1437.

Riêng về hai chữ “Ninh Nhuệ”, hiện nay trong điều kiện tư liệu hạn chế, chúng tôi chưa thấy tư liệu nào nhắc đến địa danh hoặc phiên hiệu “Ninh Nhuệ”. Tuy nhiên, theo Loại chí, các đội của xứ Nghệ An từ thời Lê Trung hưng trở đi xuất hiện rất nhiều phiên hiệu mang chữ “Ninh” và chữ “Nhuệ”. Ví dụ, có các đội “Ninh tả”, “Ninh hữu”, “Ninh tiền”, “Ninh hậu”, lại có các đội “Nhuệ tả”, “Nhuệ hữu”. Chúng ta lại nhớ rằng “Trung quân phủ” (bao gồm cả “Phủng thánh vệ” dưới thời Lê Thánh Tông) là người Thanh Hóa và Nghệ An13. Dựa vào các thông tin đó, chúng tôi phỏng đoán rằng việc lấy người Nghệ An sung vào các đội chữ “Ninh” - chữ “Nhuệ” của “Phủng thánh vệ” đã có từ thời Lê Thái Tổ, và sau đó được kế thừa dưới thời Lê Thánh Tông, để lại dấu vết tên các đội chữ “Ninh”, chữ “Nhuệ” dưới thời Trung hưng. Tuy nhiên, suy luận này cần phải được kiểm chứng từ các nguồn tư liệu khác.

Kết luận

Tại khu vực điện Kính Thiên ở hoàng thành Thăng Long, đã phát hiện được một nhóm di vật “gạch đặc biệt”. Đặc điểm chung của nhóm di vật này là gạch hình chữ nhật, có kích thước dao động dài 36 - 37cm, rộng 16,5 - 17,5cm, dày 7 - 8,5cm, có đủ cả gạch đỏ và gạch xám, được làm từ đất sét có lẫn nhiều hạt laterit. Đặc trưng của nhóm di vật này là ở đầu cạnh ngắn, có in nổi 2 chữ Hán “Ninh Nhuệ”. Trong số đó, có một viên gạch có minh văn “Phủng thánh vệ - Ninh Nhuệ - Trung Thánh dực quân”.

Trên cơ sở khảo chứng phiên hiệu “Phủng thánh vệ” và “Trung Thánh dực quân”, bước đầu kết luận chế độ “Phủng Thánh vệ - Trung Thánh dực quân” phản ánh chế độ “Phủng thánh vệ” tồn tại trong giai đoạn 1428 - 1437. Kết luận này về cơ bản phù hợp với niên đại địa tầng “Lê sơ” của các cuộc khai quật năm 2013 và 2014, đồng thời cũng phù hợp với đặc trưng của vật liệu kiến trúc (có nhiều nét tương đồng với gạch Trần - Hồ). Tuy hiện nay chưa có đủ tư liệu xác quyết về ý nghĩa hai chữ “Ninh Nhuệ”, chúng tôi tạm thời phỏng đoán hai chữ “Ninh - Nhuệ” có khả năng chỉ các đội lấy từ khu vực Nghệ An.

Nếu các nhận định và suy đoán nêu trên là chính xác, đây là một loại hình di vật quan trọng cho biết thêm về các đơn vị tham gia xây dựng kinh thành Thăng Long dưới thời Lê sơ.

 Chú thích:

[1] Nguyễn Hồng Kiên 2014. Một viên gạch đặc biệt. Hội nghị Thông báo Khảo cổ học 2014di tầng với niên đại 1428-1437 của gạch.n đại 1428-1437 với ữ "iện, hêm Nguyễn Văn Thắng,  gạch Trần - Hồ13 và 2014.h và niên đa. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

[2] 「六月(中略)癸亥、以天雄軍守禦、右捧聖第二軍都虞候張令昭為檢校司空、行右千牛將軍、權知天雄軍府事」

(『舊五代史』卷四十八、唐書二十四、末帝李從珂、清泰三年六月辛亥条)。

[3] 「定軍號曰御龍、武勝、龍翼、神電、捧聖、保勝、雄略、萬捷等號、皆分左右、額並黥天子軍三字」(『

大越史記全書』本紀卷三、己亥彰聖嘉慶元年宋嘉祐四年〈1059年〉)

[4] Phan Đại Doãn 1985. Văn bia thần đạo Đỗ Khuyển. Nghiên cứu lịch sử Thanh Hoá, số 1.

[5] Yao Takao 2002. Bài Tư liệu: Tập Văn bia thời Lê III : Bia Khai quốc Công thần nhà Lê (2)u (binh chế chí).ch sung xem có cùng 1 khuôn hay không, anh Tuệ viết thêm vào nhé.đồng với gạch Trần - Hồ13 và 2014.h và niên đa, Tạp chí sử học phương Đông, Đại học Hiroshima, số 7. Dưới đây, khi trích dẫn phần Hán văn của văn bia Đỗ Khuyển, chúng tôi sẽ dựa theo bài viết của Yao Takao. Tuy nhiên, với những chữ cần đính chính, chúng tôi sẽ mở ngoặc phía trên.

[6] 「皇帝即位建元順天、八月詔受同総知捧聖衛諸軍◆◆([事][管])領天綱中聖翊運([軍])兼知御前鐵突調各兵」.

[7] Nguyễn Diên Niên (khảo chứng) - Lê Văn Uông (dịch), Lam Sơn thực lục. Nxb. …

[8] Phiên hiệu “Phủng thánh vệ” cũng xuất hiện trong bia Lê Lộng được soạn nửa đầu thế kỷ XV. Xem thêm Nguyễn Văn Thắng 2009. Hiểu thêm về Khai quốc công thần Lê Lộng qua tấm bia mới phát hiện. Tạp chí Hán Nôm, số 3(94).

[9] Cương mục cũng trích Lịch triều, nhưng tên gọi “ngự tiền lục quân” có hơi khác là Ngự tiền Võ sĩ, Ngự Tiền Trung quân, Ngự Tả Hữu Tiền Hậu Dực Thánh quân, Phủng Thánh quân, Thời Lôi quân và Bảo Ứng quân). Nếu căn cứ vào tước hiệu của Trịnh Khả là “Thiết đột Hậu Dực thánh quân” – “Ngự tiền Trung quân chư đội” thì ghi chép của Lịch triều chính xác hơn. 「以南策下衛同總管鄭可*爲行軍總管、知車騎衛諸軍事、管領鐵突後翊聖軍、太監御前六軍、知御前武士、御前中軍諸隊、殿前都校點黎醯爲鐵突右軍同總管(後略)」(『大越史記全書』本紀卷十一、丁巳紹平四年〈1437年〉六月辛未条)。「秋七月,加少尉,參知海西道諸衛軍事黎丈〔犬〕*參知政事,加棒聖壯士衛總管少尉,參知政事」(『大越史記全書』本紀卷十一、丁巳紹平四年〈1437年〉秋七月条)。

[10] 「初置五府六部」(『大越史記全書』本紀卷十二、丙戌光順七年〈1466年〉四月条)。

[11] 「神符海門奉鎭([奉鎭])宣使、行軍総管、捧聖衛諸軍事、同管領鐵突中聖翊運([軍])、管領天綱軍」.

[12] Phiên hiệu “Thánh Dực” đã xuất hiện tại Đại Việt từ thời Trần - Hồ. Trong Toàn thư, phiên hiệu này xuất hiện sớm nhất trong ghi chép năm 1246, sau đó còn được nhắc đến trong các ghi chép năm 1287, 1288, 1290, 1378, 1389, 1390, 1391, 1393, 1400, 1406. Trong Toàn thư, trong các ghi chép thời Lê không có chữ “Thánh dực” mà chỉ có “Dực thánh”, ví dụ chức vụ của Đỗ Khuyển được chép là “Quản lĩnh Thiết đột Hậu Dực thánh quân”. Tuy nhiên, đây là sự nhầm lẫn của Toàn thư, vì các nguồn tư liệu đồng đại như văn bia (đã dẫn ở trên) đều chép là “Thánh dực”, không phải là “Dực thánh”.

[13] “Tháng 4, mùa hạ. Thay đổi xếp đặt lại quân ở 5 phủ và định quân hiệu. Hồi đầu triều Lê, đặt vệ quân 5 đạo, ở vệ đặt các chức Tổng quản, Đô tổng quản và Chánh phó đội trưởng, Chánh phó ngũ trưởng. Đến nay thay đổi xếp đặt lại quân 5 phủ. Thanh Hóa và Nghệ An thuộc phủ Trung quân; Nam Sách và An Bang thuộc phủ Đông quân; Thiên Tường và Thuận Hóa thuộc phủ Nam quân; Quốc Oai và Hưng Hóa thuộc phủ Tây quân; Bắc Giang và Lạng Sơn thuộc phủ Bắc quân.

Đỗ Đức Tuệ, Phạm Lê Huy, Vũ Thị Hồng Hà

 

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9133666
Số người đang online: 21