Huyền bí tháp Pô Klông Garai (Ninh Thuận)

Công trình cụm tháp Pô Klông Garai tỉnh Ninh Thuận được xây dựng từ thế kỷ XIII, tại khu vực Đồi Trầu, để thờ vị vua Chăm trị vì xứ Panduranga (Ninh Thuận ngày nay); ông có tên là Pô Klông Garai (1151 - 1205). Hiện nay, cụm tháp thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, cụm tháp còn nguyên về cả công trình kiến trúc lẫn việc tổ chức thờ phượng, cúng kính của người Chăm.

huyen bi cong trinh thap po klong garai tai ninh thuan
Cụm tháp Pô Klông Garai tỉnh Ninh Thuận được xây dựng từ thế kỷ XIII, tại khu vực Đồi Trầu.

Tháp Pô Klông Garai là một quần thể gồm 3 tháp, cụ thể như: tháp chính thờ tượng vua Pô Klông Garai, tháp cổng ở phía Đông và tháp Thần Lửa hơi chếch về phía Nam có mái hình thuyền. Đây là một công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc các phù điêu như: Thần Siva, tượng Bò Thần Nandin... Tháp chính có bình đồ vuông cao 20m50, nhiều tầng, tầng trên là sự lặp lại tầng dưới thu nhỏ cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các góc tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung.

Tháp gồm một cửa chính ra vào ở hướng Đông, trên cửa là mái vòm, có 2 trụ đá lớn đỡ, mặt trụ đá khắc chữ Chăm cổ, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa, có 6 tay: 4 tay cầm đinh ba, dao găm, hoa sen, chén, 2 tay trên chắp lại; ba cửa còn lại ở 3 hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả, trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền. Các tầng trên ở vị trí trên cửa là các lá đề bằng đá. Từ cửa vào, bên trái có một tượng bò thần Nandin bằng đá. Tư thế bò đang nằm, đầu hướng vào trong tháp, nơi đang thờ tượng vua.

Vào trong tháp, ở trung tâm là một Yoni cạnh dài 1m47, cạnh ngang 0m94, trên Yoni là một Linga tròn, phía trên trụ Linga có chạm khắc chân dung vua Pô Klông Garai nhô ra (đây là hình thức mặt người trên Linga, gọi là Mukha-Linga), 3 mặt tường trong tháp có các ô tam giác để đèn. Phía trên có một khung gỗ có chức năng để ngăn phần dưới với nóc tháp như là một cái lọng che. Phía ngoài có một sảnh nối sân để cúng tế bằng một tầng cấp.

Thẳng về phía Đông là tháp cổng, bình đồ vuông. Tháp giống tháp chính song nhỏ thấp hơn, chỉ cao 8m56, có 2 cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây nên gọi là tháp cổng. Tháp cũng được xây theo nguyên tắc lên dần thu nhỏ.

huyen bi cong trinh thap po klong garai tai ninh thuan
Tháp có kiến trúc độc đáo.

Phía Nam giữa hai tháp trên là tháp thờ Thần Lửa, cao 9m31. Tháp có 3 cửa thông nhau ở 3 hướng Đông, Bắc và Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Chức năng tháp có thể để cho các tu sĩ Bàlamôn, các chức thầy cúng khác giữ các vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên có người Chăm gọi là Tháp Lửa.

Điều đặc biệt là Tháp không xây theo nguyên tắc thu nhỏ dần khi lên cao như truyền thống 2 tháp kia mà cấu trúc mái theo kiểu hình mái nhà (hình giống mái nhà prông ở Tây Nguyên hoặc mái nhà hình thuyền như mặt trên trống đồng).

Ở phía sau tháp chính có 1 miếu thờ tượng Kút hoàng hậu, trong sử ghi tên là Tố Lý. Ở ngoài vòng thành phía Nam quần thể tháp có 1 trụ đá (Linga) cao 2m20, người ta chưa biết đích xác là nhằm vào chức năng gì, hoặc có thể có trước tháp. Cũng nằm ngoài vòng thành phía Đông Bắc quần thể tháp có 1 tảng đá bánh ú 3 mặt có chữ có khắc chữ Chăm cổ.

Theo các tài liệu bia ký tại tháp thì nguyên khởi tại vị trí này, vào năm 1050, 2 Hoàng thân anh em tên là Yuvaraja và Devaraja, sau khi chiến thắng cuộc nổi dậy của người dân xứ Panduranga, đã cho dựng 1 Linga và 1 cột chiến thắng tại đây. Ngoài ra, cũng theo tài liệu, cụm tháp này do Jaya Simhavarman III, người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào cuối thế kỷ XIII của Chămpa, xây dựng trên nền tảng những di tích có trước đó để tôn kính người tiền bối là Pô Klông Garai.

Tương truyền hiện nay trong tâm thức dân tộc Chăm, vua Pô Klông Garai là vị vua có công lớn trong việc canh tân xứ sở, điển hình nhất là vua chỉ huy việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền vào những cánh đồng khô hạn ở Phan Rang, mà ngày nay đập nước Nha Trinh trên sông Cái đưa nước vào các cánh đồng ở Phan Rang là kế thừa và phát triển hệ thống dẫn thủy nhập điền có từ thời vị vua này. Cũng chính vì vậy, Pô Klông Garai được tôn là thần.

Hàng năm vào ngày cuối tháng 6, ngày 1/7 tính theo lịch Chăm, (khoảng tháng 9, 10 Dương lịch), đúng ngày Lễ hội Katê, hàng ngàn người Chăm tổ chức cúng tại 3 tháp Pô Klông Garai, Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar một cách trang trọng.

Trước đó, tỉnh Ninh Thuận đã đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Klông Garai theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Và năm 2017, Lễ hội Katê cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

huyen bi cong trinh thap po klong garai tai ninh thuan

Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Klông Garai đã được đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

huyen bi cong trinh thap po klong garai tai ninh thuan

Công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc các phù điêu như: Thần Siva, tượng Bò Thần Nandin...

huyen bi cong trinh thap po klong garai tai ninh thuan

Du khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm tại tháp Pô Klông Garai.

Bài và ảnh: Duy Quan

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9211664
Số người đang online: 12