Bảo tồn khảo cổ di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội): Tiếp tục “treo” phương án bảo tồn

Mới đây, nhận được thông tin phản ánh về việc phát hiện cổ vật tại cánh đồng giáp ranh với di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội cùng Viện Khảo cổ học đã tiến hành kiểm tra thực tế và thực hiện công tác bảo tồn theo đúng quy định pháp luật.

 Hố khai quật nghiên cứu di chỉ Vườn Chuối năm 2013

Trước đó, liên quan đến di chỉ Vườn Chuối, trước những lo ngại của người dân và dư luận, chính quyền địa phương và giới chuyên môn đã có nhiều ý kiến đề xuất, đánh giá về phương án bảo tồn.

Đề nghị thực hiện bảo tồn đúng quy định

Trao đổi thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng thôn Lai Xá cho biết, mới đây người dân thôn Lai Xá (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) trong quá trình làm việc gần di chỉ Vườn Chuối đã phát hiện một mộ táng và nhiều hiện vật khảo cổ. Người dân đã tiến hành di dời mộ táng. Số hiện vật bên cạnh được cho vào một chiếc tiểu nhỏ và chôn xuống đất.

Nhận thông tin phản ánh, Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội đã tới khảo sát hiện trường và báo Bảo tàng Hà Nội tới thu thập do khu vực phát hiện khảo cổ đã bị xáo trộn. Văn bản kiểm tra của Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin người dân Lai Xá, tại cánh đồng giáp ranh với di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có phát hiện vật nghi là hiện vật khảo cổ. Người dân đã thu gom và chôn số hiện vật này theo dạng mộ vô chủ do dự án di dời. Đoàn kiểm tra đã xác nhận thông tin trên. Đồng thời, đề nghị Bảo tàng Hà Nội phối hợp với chính quyền, người dân địa phương kiểm tra và thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn theo đúng quy định”.

Trước đó, liên quan đến việc khai quật di chỉ này, ngày 8.4, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức. Văn bản nêu rõ, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là một trong những địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu trên địa bàn Hà Nội. Hiện tại, chỉ giới dự án mở đường 3.5 do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư có đi qua một phần khu khảo cổ học Vườn Chuối. Để chủ động phối hợp giữa các bên liên quan, Sở VHTT Hà Nội đề nghị trong quá trình thực hiện dự án mở đường 3.5, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với Sở VHTT, Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan quản lý, bảo vệ hiện trạng mặt bằng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, giải quyết những phát sinh theo các quy định của pháp luật về công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học trên địa bàn Thành phố và tiến độ thực hiện dự án.

Đồng thời, đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư cung cấp cho Sở VHTT các mốc chỉ giới Dự án mở đường 3.5 trên hiện trường khu di chỉ Vườn Chuối để Sở VHTT có phương án ưu tiên khai quật những địa điểm mà dự án sẽ đi qua, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đúng quy định. Đồng thời, Sở VHTT cung cấp bản đồ vị trí thăm dò, khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối để chủ đầu tư dự án đường 3.5 căn cứ xác định mốc giới trên hiện trường, thống nhất phương án và kế hoạch triển khai thực hiện.

 

 Người dân thôn Lai Xá lo lắng việc thi công đường 3.5 xâm lấn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối

Chờ biện pháp bảo tồn

Trước khi có văn bản của Sở VHTT Hà Nội, lo lắng về số phận của di sản 3.500 tuổi mà ông cha để lại khi việc thi công đường vành đai 3.5 xâm lấn một phần di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, người dân thôn Lai Xá đã bày tỏ nguyện vọng cơ quan chức năng sớm có biện pháp bảo tồn di tích. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Thắng từng đề nghị cơ quan chức năng xác định rõ ranh giới giữa đường 3.5 với khu di chỉ khảo cổ học, tránh để quá trình thi công làm đường sẽ mất dấu tích di sản. Cũng về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã nhấn mạnh, cần có quyết định khẩn cấp để cứu di chỉ Vườn Chuối.

Qua kết quả 8 lần khai quật trước đây tại di chỉ Vườn Chuối cho thấy có 3 giai đoạn văn hóa từ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Trong 8 lần khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện 11 hố chôn cột, 29 mộ táng, trong đó có một mộ thuộc văn hóa Đồng Đậu, còn lại là văn hóa Đông Sơn, dấu tích bếp và lò đúc đồng... Tại các hố khai quật này, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều di vật cổ bằng đá, đồng của người Việt. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một trong những di tích hiếm hoi của Hà Nội chứa đựng đầy đủ các tầng văn hóa cư dân sinh sống tại Hà Nội trải qua hơn 2.000 năm đến nay. Di chỉ cho thấy phần nào đời sống của người Hà Nội cổ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ nghề trồng lúa nước, thủ công, đánh bắt cá. Trước tầm quan trọng này, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đã có những đánh giá để bảo tồn.

Còn theo Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội, Ban Quản lý đã làm việc với Phòng VHTT huyện Hoài Đức, nếu có vấn đề phải báo lên Ban Quản lý hoặc Sở VHTT Hà Nội, UBND Hà Nội để có biện pháp kịp thời, hài hòa, tránh xảy ra việc đơn vị thi công tự động xâm lấn.Về công tác bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, được biết Sở VHTT Hà Nội cùng các nhà khoa học cũng đã đi thực địa, đánh giá lại tình hình và đề xuất thống nhất phương án bảo tồn, khảo cổ học lên UBND TP. Hà Nội trong năm 2019.

Cũng phải nói thêm rằng, trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương tỏ ra khá lúng túng, hoặc làm chưa hết trách nhiệm. Đến thời điểm này, giải pháp bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối vẫn đang bị “treo”, trong khi đó giới chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực đã khẳng định đây là một trong những di sản quý hiếm của Thủ đô ngàn năm văn hiến. 

 Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương tỏ ra khá lúng túng, hoặc làm chưa hết trách nhiệm. Đến thời điểm này, giải pháp bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối vẫn đang bị “treo”, trong khi đó giới chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực đã khẳng định đây là một trong những di sản quý hiếm của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

 “Sau khi nhân dân địa phương lên tiếng kêu cứu trước số phận di sản 3.500 năm tuổi của Hà Nội trước nguy cơ bị mất đi từng ngày, cho đến gần đây, tôi được nghe Hà Nội đã có kế hoạch khai quật khảo cổ học và sẽ trình lên Bộ VHTTDL. Nhưng cụ thể như thế nào thì tôi cũng không được thông tin rõ...”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người đã nhiều lần kêu cứu khẩn cấp cho số phận của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, cho biết. PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói thêm, trước nguy cơ di sản phải đối diện với thực tế bị mất đi từng ngày, phải nói lại rằng phản ứng, hành động của những người có trách nhiệm là quá chậm. Nguy hiểm nhất ở đây liên quan đến dự án mở đường 3.5 với sự xâm lấn vào di tích mà nếu không có động thái kịp thời sẽ có thể dẫn đến những mất mát không thể nào cứu vãn. “Tôi cũng thấy người ta nói rằng đường được xây dựng ở gần di chỉ Vườn Chuối là đường nội bộ, không phải đường vành đai 3.5. Họ nói thế nhưng người dân ở đó biết rõ sự thật như thế nào, họ bức xúc ra sao...”, ông Huy nói.

 

 TÂN NHÂN (baovanhoa.vn)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9025688
Số người đang online: 22