Khai quật di tích thành Cha (Bình Định) phát hiện 2 lớp văn hóa: Sa Huỳnh và Champa
Qua các hố khai quật, các nhà khảo cổ thu nhiều tư liệu quý về di tích, di vật… đặc biệt họ còn phát hiện có 2 tầng lớp văn hóa: Sa Huỳnh muộn ở dưới và lớp văn hóa Champa ở trên.
Mới đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích thành Cha (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định) lần thứ hai, được tiến hành vào cuối năm 2016.
Theo đó, Đoàn khai quật đã mở 3 hố khai quật và 1 hố thám sát trên vòng thành Ngoại phía Bắc và khu vực gò đất trung tâm thành Nội (gò ông Tỵ). Kết quả thu được nhiều tư liệu về di tích, di vật, góp phần hiểu sâu sắc thêm quá trình hình thành, phát triển thành Cha nói riêng và văn hóa Champa ở Bình Định nói chung.
Qua kết quả các hố khai quật trên gò ông Tỵ cho thấy địa tầng khu di tích có 2 lớp văn hóa: Sa Huỳnh muộn ở dưới và lớp văn hóa Champa ở trên. Lớp văn hóa Champa, được chia thành 2 lớp nhỏ: bên dưới là lớp cư trú với hệ thống chôn cột kiểu kiến trúc nhà sàn, sâu xuống lớp văn hóa Sa Huỳnh. Bên dưới là lớp kiến trúc xếp tầng lên nhau với niên đại kéo dài trên 10 thế kỷ, từ thế kỷ IV - XV (1471), trải qua các thời kỳ Châu Vijaya cho đến nhà nước Vijaya.
Qua địa tầng các hố khai quật cho thấy gò ông Tỵ là gò nhân tạo, được hình thành trong quá trình xây dựng các kiến trúc Champa ở đây. Đặc biệt hơn là, trước khi khu vực này được người Chăm chọn để xây dựng các công trình kiến trúc, đã có lớp cư dân Champa cư trú từ trước đó.
Phát hiện được hệ thống kiến trúc gạch Champa, có niên đại thế kỉ IX-X và thế kỉ XI-XII. Lần đầu tiên nhận biết được cấu trúc các lớp đất đắp thành các giai đoạn: giai đoạn thành thuộc Châu Vijaya và giai đoạn thành Vương quốc Vijaya khi chuyển đô từ Quảng Nam vào Bình Định. Một phát hiện quan trọng khác là di tích kiến trúc lợp ngói, gồm có 3 loại ngói đặc biệt lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam và các tượng mặt hề, mặt sư tử với nhiều cách thể hiện khác nhau; phát hiện kiến trúc với các vật liệu xây dựng (gạch, ngói) và trang trí kiến trúc mang phong cách Khơme,… có niên đại thế kỷ XI-XIII.
Những mảnh gốm Champa chứng minh người Chăm đã sinh sống ở Bình Định
Doãn Công (http://dantri.com.vn)