Loạt bài về hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm

Loạt bài về hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm

 

 

Từ hơn 1 tháng nay, trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội) kết hợp với Bảo tàng Hà Nội đã tiến hành khai quật Thành Dền (H.Mê Linh, Hà Nội) - Thanh Niên đã thông tin.

alt

Theo PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử ĐH KHXH-NV, người chủ trì cuộc khai quật, các nhà khai quật đã đưa lên từ lòng đất hàng nghìn di vật gốm, đá, đồng.

Tại các hố khai quật cũng đã tìm thấy chứng cứ về gạo và thóc trong văn hóa Đồng Đậu (Tiền Đông Sơn; các nay 3.000 - 3.500 năm). Nhưng điều đặc biệt gây chấn động là khi các nhà khoa học bảo quản (ngâm) các hạt thóc tìm được trong môi trường nước xâm xấp thì sau 2 ngày một số hạt đã nảy mầm đâm lá. PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết không thể tin được thóc trên 3.000 năm lại vẫn có khả năng nảy mầm. Đây là hiện tượng rất đặc biệt và lần đầu tiên được ghi nhận tại VN.

Các nhà nghiên cứu cũng rất thận trọng trong vấn đề này vì cũng chưa rõ trong điều kiện nào mà chúng có thể được bảo tồn đến ngày nay trong tình trạng như vậy. Hiện các nhà khoa học ở Viện Di truyền VN, Viện Khoa học nông nghiệp VN đã đưa những hạt nảy mầm về chăm sóc và tiếp tục nghiên cứu. 

                                                     Nhiều câu hỏi lớn cần làm rõ

Hạt thóc cách đây 3.000 năm nảy mầm sẽ có một ý nghĩa cực kỳ to lớn về lịch sử, khảo cổ và chọn tạo giống. Tuy nhiên...

Hạt thóc nảy mầm có từ cách đây 3.000 năm, một phát hiện vô tiền khoáng hậu, có ý nghĩa cực kỳ to lớn về lịch sử, khảo cổ và chọn tạo giống. Tuy nhiên, một loạt các câu hỏi hóc búa xung quanh phát hiện này đang làm đau đầu các nhà khoa học.

Những cơ sở khoa học đầu tiên

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung kể lại, từ cách đây hơn 1 tháng, trường ĐH KHXH-NV (ĐH QG Hà Nội) kết hợp với Bảo tàng Hà Nội tiến hành khai quật Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) trên diện tích 300m2. Trong quá trình khai quật đã xuất lộ 5 - 7 vết tích bếp cổ, tạm gọi là hố rác bếp. Đoàn khai quật đã tìm thấy những hạt thóc và gạo cháy xém tại 4 hố rác bếp. Chúng đều nằm trong một mặt bằng là lớp 8, tức là so với mặt đất thì sâu độ gần 1m. Đất ở lớp 8 có nước rỉ ra, xung quanh có rất nhiều than tro, các tàn tích thức ăn như xương cá, vỏ ốc... Những hạt thóc này có màu đen xám, chứng tỏ nó đã được ngâm trong bùn đất một khoảng thời gian rất dài.

Hạt thóc không tiếp xúc với nước, đóng thật kín lại có thể sống 100 năm. Việc những hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm là chuyện hy hữu, xưa giờ chưa từng có

GS-TS Võ Tòng Xuân
Theo TS Dung, sự phát hiện những hạt thóc và hạt cơm cháy xém không phải là đặc biệt, nhưng điều làm bà và các cộng sự hết sức ngỡ ngàng là sau khi ngâm trong nước để bảo quản khoảng 2 ngày thì có tới 10 hạt thóc đã nảy mầm đâm lá. “Không ai có thể tin được là hạt thóc nằm sâu dưới lòng đất hàng ngàn năm trời lại có thể nảy mầm được. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể lý giải tại sao nó lại có sức sống mạnh mẽ và kỳ diệu đến thế”, TS chia sẻ.

“Với tư cách là một người phụ trách khai quật ở đây, theo dõi sát từ đầu chí cuối, và là người trực tiếp làm hiện vật, tôi khẳng định rằng những hạt thóc này được lấy ra từ các hố rác bếp thuộc văn hóa Đồng Đậu, tiền Đông Sơn, cách ngày nay 3.000 - 3.500 năm”, TS Dung nhấn mạnh.

Bà cho rằng có rất nhiều cơ sở để đưa ra khẳng định những hạt thóc nảy mầm có từ cách đây 3.000 năm. Thứ nhất, Thành Dền là một địa điểm khảo cổ học nổi tiếng ở VN, ít nhất đã trải qua 7 lần khảo cổ tại đây và do nhiều cơ quan khác nhau tiến hành, trong đó có Viện Khảo cổ học VN. Dựa vào các phương pháp khảo cổ như địa tầng, loại hình học, lấy 20 mẫu than và xương hiện vật để tính hàm lượng carbon phóng xạ C14 và tất cả đều xác định niên đại một cách chắc chắn là thuộc giai đoạn phát triển chính của văn hóa Đồng Đậu (tiền Đông Sơn). Chứng cứ về thóc gạo trong văn hóa Đồng Đậu thì đã phát hiện ở khá nhiều nơi, ngay cả tại Thành Dền, năm 2001 cũng đã tìm thấy dấu tích trấu trong đồ gốm.


 Về nguyên lý, rất khó có thể có hạt thóc có từ 3.000 năm trước mà vẫn nảy mầm được. Tuy nhiên, chúng ta không loại trừ được khả năng này vì rất có thể những hạt thóc đó được bảo quản trong một môi trường đặc biệt mà con người chưa biết đến
 
 Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp


Thứ hai, nếu phát hiện đơn lẻ thì là ngẫu nhiên nhưng đây là phát hiện tại nhiều hố khảo cổ khác nhau, những hạt thóc và gạo cháy được tìm thấy cùng nhau, ngoài ra còn có cả xương cá, vỏ ốc, xương gà và xương chim bị cháy.

Thứ ba, sau khi phát hiện hạt thóc nảy mầm, TS Dung và các cộng sự đã lập tức xem lại hiện trường, quan sát trực tiếp, kiểm tra lại băng ghi hình, và những tấm ảnh đã chụp một cách kỹ lưỡng để loại trừ tất cả các khả năng: thóc ở đâu đó trong khi mình khai quật lẫn vào vì gần đấy cũng có những ruộng lúa chưa chín phải 15 ngày nữa mới thu hoạch được, hố chuột đưa xuống, hoặc đất đá đã bị xáo trộn từ trước...

Cần sự hợp sức của các nhà khoa học

Để có câu trả lời chính xác và thuyết phục nhất về niên đại của những hạt thóc nảy mầm, nhiều người cho rằng cần phải lấy mẫu đi phân tích hàm lượng carbon. Theo TS Dung, việc này sẽ được tiến hành ngay sau khi đoàn hoàn thành công tác khai quật hiện trường, khoảng 1 - 2 tuần nữa và kết quả cũng sẽ có sau đó một vài tháng.

Bà Dung cho biết, việc phát hiện hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm có ý nghĩa rất to lớn, nó là một trong những chứng cứ để nói về nền văn minh lúa nước của tổ tiên chúng ta, trước hết cho thấy thêm một chứng cứ về sự tồn tại, hiện diện của nghề trồng lúa nước trong văn hóa Đồng Đậu mà trước nay chúng ta đã nói rất nhiều rồi. Đây cũng là một sự phát hiện độc đáo, vô tiền khoáng hậu, đặt ra những vấn đề mới cần phải nghiên cứu để trả lời chính xác nhất cho các câu hỏi: đó là giống lúa gì, tại sao nó lại nảy mầm được sau chừng ấy năm, hạt lúa đã được bảo quản trong môi trường như thế nào, có nguồn gen quý không và liệu chúng ta có phục hồi được không?... Theo TS Dung, các nhà khoa học trong và ngoài nước phải hợp sức nhau lại mới mong sớm tìm ra câu trả lời.

 

Hiện nay 8 hạt thóc nảy mầm đã được đưa đến Viện Di truyền nông nghiệp để nuôi cấy, chăm sóc và nghiên cứu. 2 hạt nảy mầm khác cũng sẽ sớm được đưa tới Viện lúa của Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ông Lê Duy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, hiện mầm lúa đã cao hơn 10 cm nhưng quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy “sức khỏe” của cây lúa hơi yếu. “Chúng tôi chưa lý giải được vì sao cây lúa lại yếu vì không được tiếp nhận hạt giống ngay từ đầu mà chỉ tiếp cận hạt thóc khi nó đã nảy mầm. Hiện chưa nhận thấy sự khác thường của những mầm lúa này so với các giống lúa đương đại”, ông Hàm nói.

8 hạt thóc nảy mầm, đang được trồng trong nhà lưới, sẽ được chăm sóc cẩn thận và theo dõi kỹ lưỡng về kích thước, hình dáng, nhánh lúa, khóm lúa trong suốt cả quá trình, cho đến khi nó làm đòng, trổ bông và cho thu hoạch. Theo ông Hàm, trong thời gian đó, quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển của những hạt mầm này, về hình thái học có thể nhận biết được tương đối chính xác nó có phải là lúa cổ hay không. Nếu đúng là giống lúa cổ phải mất ít nhất 5 tháng trời, vì vòng đời của lúa cổ dài. Tiếp đó, ông Hàm và các cộng sự sẽ tiến hành giải trình tự gen của hạt thóc, đối chiếu với trình tự gen của giống lúa hiện đại, thì sẽ khẳng định một cách chắc chắn đó có phải là lúa cổ hay không.

Năm 2006, các nhà khoa học từ Ngân hàng Hạt giống thiên niên kỷ, thuộc Vườn thực vật hoàng gia ở Kew (Anh) đã kích thích hạt giống của 3 loại cây (họ đậu, protea và keo) được lưu trữ từ năm 1803 nảy mầm. Những hạt giống này do một thương gia Hà Lan đưa từ Nam Phi về Anh vào năm 1803.

Năm 2005, từ hạt giống cây chà là có tuổi thọ 2.000 năm được tìm thấy trong quá trình khai quật pháo đài cổ Masada trên núi Masada (Israel), các nhà nghiên cứu Israel đã nhân giống thành công một cây chà là. Những hạt này sau đó được đưa về London (Anh quốc) và ươm trồng thành công. Các nhà nghiên cứu đã xem xét ADN của cây và phát hiện rằng nó chỉ có chung một nửa số gien với cây chà là hiện đại.

Năm 2002, các nhà khoa học đã làm nảy mầm các hạt sen được phát hiện từ một lòng hồ ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) có niên đại 500 năm. Trước đó, hạt giống của một loài sen 1.200 năm tuổi phát hiện ở Trung Quốc cũng đã được ươm và nảy mầm.

                                                  Phát hiện thêm những hạt thóc tại Thành Dền

Chiều qua 17.5, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học (khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết đã tiếp tục phát hiện thêm những hạt thóc ở các hố khai quật tại điểm khai quật Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội).

Theo bà Dung, những hạt thóc này đang được bảo quản trong môi trường nước xâm xấp và hy vọng sẽ có thêm những hạt nảy mầm.

Trước đó, bà Dung cho biết sẽ tiến hành phân tích đồng vị phóng xạ carbon để có thêm cứ liệu khẳng định chắc chắn những hạt thóc nảy mầm lấy lên từ các hố rác bếp tại điểm khai quật có niên đại cách đây 3.000 năm. Toàn bộ số hạt thóc thu được nhưng không nảy mầm cũng đang được bảo quản cẩn thận: đặt vào hộp nhựa có đục các lỗ nhỏ, sau đó cho vào tủ lạnh để ở chế độ mát cho khô dần.

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ của Viện Di truyền nông nghiệp - người trực tiếp chăm sóc, theo dõi những hạt thóc nảy mầm - cho biết hiện những hạt mầm đang được sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên, để trong nhà lưới đảm bảo không bị chim, chuột cắn phá. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng hình thái của những hạt mầm này, sau đó giải mã gen để xác định đây có phải là lúa cổ hay không. Các ứng xử tiếp theo với những hạt thóc nảy mầm phụ thuộc vào kết quả của nghiên cứu này”, vị cán bộ này nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hoan - Viện trưởng Viện Lúa (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) - phải nuôi lúa phát triển, tách lá, giải mã gen rồi đối chiếu với bộ gen của cây lúa, nếu thấy khác hoàn toàn với 44.500 gen hiện có thì mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Theo ông Hoan, đây là công việc rất phức tạp, rất khó để thực hiện tại nước ta.

Liên quan đến sự kiện này, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, trong phòng thí nghiệm, nếu bảo quản trong điều kiện tối ưu, thì hạt thóc có thể nảy mầm sau tối đa là 100 năm.

Di chỉ Thành Dền

Di chỉ Thành Dền (thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, H.Mê Linh, Hà Nội) có diện tích hơn 20.000m2, được phát hiện năm 1970 và đã trải qua hai lần thám sát vào năm 1972, 1982, sáu lần khai quật vào các năm 1983, 1984, 1996, 2004, 2008, 2009 với tổng diện tích 279,5m2 (lần thứ 7 hiện đang khai quật từ trung tuần tháng 4.2010).

Với những di vật và di tích tìm được, các nhà khoa học đã xác định Thành Dền vừa là nơi ở vừa là nơi chế tác công cụ với các nghề thủ công như làm đồ đá, làm gốm, làm đồ xương, dệt vải, đan lát và chế tác vũ khí bằng đồng. Thành Dền được coi là trung tâm luyện kim và đúc đồng lớn nhất nước ta thời Tiền Đông Sơn (4.000 - 2.700 năm cách ngày nay).

Bên cạnh đó, các nhà khoa học nhận định cư dân Thành Dền đã biết sản xuất nông nghiệp, trồng các loại rau màu, cây lấy hạt, cây ăn quả đặc biệt là trồng lúa nước. Cư dân ở đây đã biết thuần dưỡng động vật để chăn nuôi và biết khai thác nguồn lợi thủy sản, có đời sống kinh tế khá và đã biết đến việc trao đổi hàng hóa giữa vùng này với vùng kia.

Theo truyền thuyết, Thành Dền còn có tên gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, thành Cờ, được bà Trưng Nhị cho xây đắp để chống quân của Mã Viện.

                                                      Các nhà khoa học vào cuộc                    

 Hôm qua 18.5, nhiều nhà khoa học đã đến hiện trường các hố khai quật tại Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) để nghiên cứu về hiện tượng hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm.

Trong số các nhà khoa học đến Thành Dền có các ông Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, một trong những chuyên gia đầu ngành về lúa, GS Ngô Thế Tuấn, PGS-TS Nguyễn Lân Cường - Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và một số chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho biết, trước khi đi khảo sát thực tế, ông rất nghi ngờ về câu chuyện hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm. “Mấy ngày qua, tôi rất nghi ngờ, nói đúng hơn là lưỡng lự trước thông tin hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm. Cả đời làm khảo cổ của mình, đến nay đã trên 43 năm nhưng tôi chưa bao giờ nghe, hoặc chứng kiến chuyện này cả. Là người yêu thích sinh học, đọc rất nhiều tài liệu nhưng chưa thấy đề cập đến chuyện nào tương tự như thế này cả. Tôi rất sợ đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống”, ông Cường nói. Vì thế, đến hiện trường, ông Cường kiểm tra rất kỹ lưỡng các hố khai quật và cho rằng, đất ở đây bị nén rất chặt, không có dấu vết hang chuột. Thêm vào đó, ông Cường còn tự tay đào bới và phát hiện có các hạt thóc bị cháy, vỏ hạt thóc, xương cá... trong các hố rác bếp nữa. “Bây giờ tôi tin rồi, mặc dù về mặt sinh học thì vẫn phải đợi kết quả thí nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp. Tôi rất ngạc nhiên về phát hiện này và hoàn toàn bị thuyết phục về niên đại của hạt thóc nảy mầm là cách đây từ 3.000 năm”, ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bộ đề nghị các nhà khảo cổ lấy mẫu gửi sang nước ngoài làm thí nghiệm theo phương pháp AMS  (một phương pháp xác định niên đại của các hiện vật hiện đại và chính xác nhất hiện nay) để khẳng định chắc hạt thóc này có từ 3.000 năm trước hay không. Theo ông Bộ, hiện tại Việt Nam chưa thể làm được AMS trong khi sử dụng phương pháp đồng vị carbon thì phải cần rất nhiều mẫu và vẫn có sai số.

Trước câu hỏi tại sao những hạt thóc đặc biệt này lại có được một sức sống mạnh mẽ và kỳ lạ đến thế, ông Nguyễn Văn Bộ nói: “Về mặt sinh học thì không ai tin được lại có chuyện hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm nằm dưới lòng đất. Vì hạt thóc là vật chất hữu cơ, trong điều kiện bình thường nó sẽ bị phân hủy ngay. Nhưng không thể loại trừ được khả năng, những hạt thóc này được bao bọc bởi một môi trường đặc biệt, có thể là yếm khí hoàn toàn mà con người chưa biết đến. Đây là một hiện tượng hy hữu, cũng giống như trường hợp mộ kết, hay chuyện một người không ăn uống trong mấy chục năm trời vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường mà khoa học vẫn chưa giải thích được”.      

                                  Tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu 

Hôm qua, trả lời Báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, ông rất bất ngờ trước thông tin phát hiện hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm tại khu khai quật khảo cổ Thành Dền (Hà Nội). “Tôi đã giao cho Viện Khoa học nông nghiệp VN phối hợp với các cơ quan liên quan chăm sóc tốt, theo dõi quá trình sinh trưởng của hạt giống đã nảy mầm và có những nghiên cứu sâu. Tôi cũng đang chờ đợi kết  quả nghiên cứu từ các nhà khoa học”, ông Phát nói.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu, ngoài việc nghiên cứu để trả lời chính xác nhất về niên đại của hạt thóc nảy mầm, Viện Khoa học nông nghiệp cần phối hợp với nhà khoa học quốc tế tiến hành phân tích sâu về nguồn gen, tìm khả năng sử dụng cho lĩnh vực chọn tạo giống trong tương lai. Bộ trưởng Phát khẳng định: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan hỗ trợ và đáp ứng các đề nghị của các nhà khoa học để triển khai những phần việc mà chúng ta thấy là cần thiết”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp cho rằng, những hạt thóc nảy mầm vào thời điểm hiện nay là trái vụ, thời tiết nắng nóng bất lợi cho cây lúa non sinh trưởng, rất dễ dẫn đến những rủi ro của thí nghiệm. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cho những cây lúa đặc biệt này phát triển tốt. Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi đã dự phòng phương án tách chồi trong phòng thí nghiệm để bảo quản giống và gieo trồng vào đúng khung thời vụ của vụ mùa sắp tới, khoảng đầu tháng 7”, ông Bộ nói.

                            Dưỡng “lúa cổ” 

 Hôm qua 20.5, có mặt tại Viện Di truyền nông nghiệp, chúng tôi ghi nhận được những thông tin thú vị xung quanh việc chăm sóc những cây lúa nảy mầm từ hạt thóc được cho là có từ 3.000 năm trước.

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên má, tiến sĩ Phạm Xuân Hội, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp), người được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng những cây lúa đặc biệt này cho biết: “Hôm nay Hà Nội nắng nóng gay gắt quá. Buổi trưa, nhiệt kế đặt tại nhà lưới, nơi những cây lúa đặc biệt đang được nuôi trồng trong điều kiện tự nhiên chỉ vào vạch trên 39 độ C. Sợ lúa có thể chết vì nắng nóng thì “có tội với khoa học”, tôi và các cộng sự đã quyết định đưa chúng vào phòng thí nghiệm”. Theo ông Hội, để cây “lúa cổ” được sống trong điều kiện tự nhiên, khoảng 16 - 17 giờ khi nắng dịu đi, ông sẽ đem chúng trở ra đặt trong nhà lưới.

Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy những cây lúa lớn lên từ các hạt thóc đã nảy mầm được cấy trong những hộp nhựa màu trắng, đặt trong chiếc khay lớn chứa nước. Bên cạnh 10 cây “lúa cổ” là 4 cây lúa Q5 và 1 cây lúa Ấn Độ có tên là PB1 (Pusa Basmati 1) đối chứng.

Toàn bộ quá trình sinh trưởng của những cây lúa này được ghi chép rất cẩn thận trong cuốn “Sổ theo dõi lúa cổ”. Từng trang sổ ghi đầy đủ và tỉ mẩn các thông số: sơ đồ vị trí từng cây lúa theo số thứ tự từ 1 đến 10, số lá, chiều cao. Thông tin từ trang ghi chép ngày 20.5 cho thấy có 6 cây 3 lá, 2 cây đã nảy 2 lá và 2 cây đang trong quá trình nảy mầm. Cây lúa cao nhất là 15 cm, thấp nhất mới chỉ 4 cm. “Chúng tôi theo dõi nhiệt độ tại khu nhà lưới thường xuyên, một ngày lấy thông số dăm ba lần. Tán lá và chiều cao của cây lúa thì 5 ngày đo một lần. Mỗi ngày, các nhân viên đều chụp ảnh cây lúa để lưu hồ sơ nghiên cứu”, ông Hội cho biết.
Do tập trung thông tin các vấn đề thời sự, Thanh Niên tạm thay đổi một số trang mục trên số báo này. Mong bạn đọc thông cảm.

Việc có bón phân cho những cây lúa này hay không cũng đang có những ý kiến trái chiều. Theo ông Hội, một số người cho rằng cần phải bón phân cho cây, một số khác thì đề nghị không nên bón phân vì cách đây 3.000 năm ông cha ta chưa thể sản xuất ra các loại phân như ngày nay. Ông Hội nói: “Hiện tại chúng tôi chưa bón phân gì cho lúa bởi nó đang trong giai đoạn chỉ cần ít dinh dưỡng và dinh dưỡng trong hạt thóc đủ để nuôi cây sống và phát triển. Tuy nhiên, sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định có bón phân trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của cây lúa hay không”.

Theo dõi sát sao những biến chuyển của những hạt thóc nảy mầm trong khoảng một tuần vừa qua, ông Hội và các cộng sự nhận thấy, cây mạ nhỏ hơn so với cây mạ bình thường, hạt nảy mầm cũng yếu hơn và khi lớn lên chút ít thì lá của nó cũng không mở rộng, hơi hẹp.

Ông Hội cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi thực hiện nghiên cứu trong tình thế bị động, các cây lúa đối chứng chỉ được ủ và cho nảy mầm sau khi có sự phát hiện về những hạt thóc đặc biệt kể trên. Đây là giải pháp tình thế nên cây lúa đối chứng không cùng lứa với những cây “lúa cổ”, gây khó khăn trong việc so sánh hình thái. Bây giờ chúng tôi sẽ trực tiếp lên hiện trường khu khảo cổ, tham gia quá trình khai quật, đãi đất ngay tại chỗ, nếu tìm thấy hạt thóc sẽ đem về Viện để ủ cho nảy mầm, gieo cấy, chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Quá trình khép kín sẽ đem lại kết quả chính xác nhất”, TS Hội nói.

             Tìm hiểu môi trường đặc biệt bảo quản hạt thóc 

Trong khi Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện các thí nghiệm để khẳng định chắc chắn niên đại của những hạt thóc đặc biệt thì  nhiều nhà khoa học khác lại hướng sự chú ý tới môi trường đã bảo quản chúng.

Giả thuyết về một môi trường đặc biệt

Hiện tại các nhà khoa học chưa thể lý giải chính xác và thuyết phục nhất cho câu hỏi rất hóc búa: tại sao những hạt thóc nằm dưới lòng đất một thời gian dài như vậy vẫn có thể nảy mầm và đang phát triển tốt? Giả thuyết về sự tồn tại một “môi trường đặc biệt” mà con người chưa biết đến đã bao bọc xung quanh những hạt thóc tại Thành Dền được nhiều người nhắc đến.

Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, hiện là Chủ nhiệm chương trình Công nghệ quốc gia, GS-TSKH Trần Duy Quý, một nhà “lúa học” đầu ngành nói rằng: ngày nay, với công nghệ hiện đại nhất, con người cũng chỉ có thể bảo quản được các hạt giống trong vòng 50 - 100 năm bằng cách đặt hạt giống vào môi trường cách ly tuyệt đối, không có không khí, nhiệt độ cực thấp, không cho nó “thở” được. Tuy nhiên, chỉ một vài nước như Mỹ, Đức, Pháp... mới có thể thực hiện được. VN chỉ bảo quản hạt giống được tối đa 15 năm. “Vì thế, nhiều khả năng những hạt thóc nảy mầm được tìm thấy tại Thành Dền đã được bảo quản trong một môi trường đặc biệt”, ông Quý nói.

Lý giải về hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm, GS-VS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống và cây trồng Việt Nam cho biết, về mặt logic, nó phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, là do kiểu gen nảy mầm nó quyết định. Thứ hai, hạt thóc được bảo quản trong điều kiện tối ưu nào đấy. Theo GS Long, nếu đúng là những hạt thóc tìm thấy tại Thành Dền có từ 3.000 năm trước, chúng ta đang đứng trước cơ hội rất hiếm hoi để nghiên cứu tìm ra môi trường đặc biệt đã bảo quản hạt giống trong một thời gian rất dài như thế. Nếu nghiên cứu thành công, sẽ có tính ứng dụng trong thực tế rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản, nhất là bảo quản hạt giống. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện, không thể cứ thấy khó là nhắm mắt bỏ qua.

Ông Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu "môi trường đặc biệt" này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về mặt kỹ thuật và điều kiện máy móc. “Chúng tôi không có mặt tại hiện trường khảo cổ Thành Dền. Những người tìm thấy những hạt thóc đó và người nghiên cứu sau này ở hai công đoạn khác nhau nên không thể biết lúc tìm thấy hạt thóc thì môi trường xung quanh nó như thế nào, chỉ nghe anh em mô tả là có nước rỉ ra, đất có màu đen xám. Chỗ có tro, có hạt thóc hiện không còn nguyên vẹn, còn gì đâu nữa để mà nghiên cứu”, ông Bộ nói. Tuy nhiên, theo ông Bộ, việc này vẫn có thể thực hiện được trong tương lai và các nhà khoa học nông nghiệp đang lên phương án sẽ tham gia trực tiếp cùng với nhà khảo cổ trong quá trình khai quật hiện trường. Theo ông Bộ, một khi đã có câu trả lời chính xác nhất về niên đại 3.000 năm của hạt thóc nảy mầm, các nhà khoa học sẽ tiến hành tiếp một đợt khai quật khảo cổ nữa tại Thành Dền vì nhiều khả năng vẫn còn những hạt thóc khác đang nằm dưới lòng đất để nghiên cứu về "môi trường đặc biệt" bao bọc xung quanh chúng.

Tháng 10 “lúa cổ” sẽ trổ?

Những cây “lúa cổ” nảy mầm từ những hạt thóc được cho là có niên đại từ cách đây 3.000 năm đang phát triển tương đối tốt tại khu vực thí nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp. Rồi đây những cây lúa đặc biệt này sẽ được xác định một cách chính xác có phải là lúa cổ hay không nhưng hiện dư luận đang quan tâm đặc biệt tới những thông tin liên quan tới đặc điểm hình thái và mùa vụ của lúa cổ.

Ông Nguyễn Văn Bộ cho biết, hạt lúa cổ có đặc điểm là nhỏ và ngắn. Theo mô tả, lúa cổ thường nhỏ cây, lá mỏng, phiến lá hẹp, khả năng chống đỡ kém và thân rất cao vì phải thích nghi với môi trường không chủ động về mặt thủy lợi. Mùa vụ của lúa cổ được xác định là dài ngày, khoảng 170 - 180 ngày mới cho thu hoạch chứ không ngắn ngày như lúa hiện đại chỉ trên dưới 100 ngày.

Theo các nhà khoa học nông nghiệp, lúa cổ thường phản ứng với ánh sáng ngày ngắn (dưới 10,5 giờ chiếu sáng mỗi ngày). Trong điều kiện ánh sáng ngày ngắn lúa cổ sẽ làm đòng và trổ bông. Giống lúa cổ này có đặc điểm dù có gieo hạt vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng sẽ chỉ trổ bông vào tháng 10 hằng năm. GS Trần Đình Long khẳng định, mùa vụ của lúa cổ thường dài, khoảng trên dưới 185 ngày. Lúa cổ không có gen nửa lùn, gen này mới được đưa vào cây lúa từ mấy chục năm trước mà thôi. Vì thế chắc chắn lúa cổ sẽ phải cao. Và lúa cổ được chia thành hai loại: lúa cảm quang và lúa không cảm quang. Lúa cảm quang thì sẽ phản ứng với ánh sáng, sẽ trổ bông vào tháng 10 hằng năm bất kể nó được cấy vào thời điểm nào trong năm.

Vì thế, nếu đúng là có niên đại cách ngày nay 3.000 năm, những cây lúa được nảy mầm từ những hạt thóc tìm thấy tại Thành Dền nhiều khả năng sẽ trổ bông vào tháng 10 năm nay.

Quan sát kỹ những hạt thóc được tìm thấy tại các hố khai quật ở Thành Dền, ông Nguyễn Văn Bộ nhận xét: màu của những hạt thóc được cho là có từ 3.000 năm trước về mặt hình thái là khác với hạt thóc bây giờ. Vì thế, khả năng hạt thóc ngày nay rơi xuống hố khai quật là rất khó xảy ra.

Cũng theo ông Bộ, phải đợi cho những cây lúa nảy mầm từ những hạt thóc được cho là có niên đại cách ngày nay 3.000 năm làm đò

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9186870
Số người đang online: 16