Khảo cổ học cộng đồng - con đường phải tới

Khảo cổ học cộng đồng - con đường phải tới

 

 

Khảo cổ học cộng đồng (community archeology) là từ chỉ cách thức để cộng đồng cùng tham gia làm khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Ở Việt Nam, nó hãy còn xa lạ. Mặc dù vậy, theo tổng thư ký hội Khảo cổ học Việt Nam - TS Nguyễn Giang Hải, đây gần như là cách duy nhất để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn di sản.

Khảo cổ học cộng đồng - con đường phải tới

Từ chuyện một ngôi làng Thái Lan...

Đã chín năm trôi qua từ khi ngôi làng nhỏ Ban Pong Manao của tỉnh Lop Buri, miền trung Thái Lan rung lên trong cơn đào bới trộm cổ vật. Từng nhóm trộm cổ vật kéo về mảnh đất của những nông dân chăn bò, trồng mía ở đây. Đền Pong Manao bị đào bới. Những nhóm trộm “quá khứ” này chỉ lấy đi những đồ vật nguyên vẹn, hạt thuỷ tinh màu và đồ đồng. Những nham nhở để lại sau chúng là rất nhiều mảnh vỡ cổ vật, và rất nhiều xương người đã bị làm sai lệch vị trí ban đầu.

“Khảo cổ học cộng đồng Ban Pong Manao bắt đầu từ đó, khi người ta nhận thức được đây chính là một điểm khảo cổ học rất quan trọng”, chủ nhiệm khoa khảo cổ học của đại học tổng hợp Silpakorn, Thái Lan, ông Surapol Natapintu nhớ lại. Một hội khảo cổ học cộng đồng gồm toàn dân địa phương được thành lập với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để lo chuyện khảo cổ học ở Ban Pong Manao. Ông Surapol được mời tới đó để giúp họ
Các bạn chắc không thể tưởng tượng được đâu, ông chủ tịch hội hoàn toàn không có chút chuyên môn nào về khảo cổ. Là một lãnh tụ y tế cộng đồng của địa phương, ngày qua ngày ông chỉ chú tâm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho cư dân ở đó. Những người khác cũng vậy, chưa từng đọc một trang sách khảo cổ nào”, ông Surapol tiếp lời.

Công việc đầu tiên của hội chính là nối tiếp công việc của… lũ trộm cổ vật trên những hố khai quật dang dở. Người tay gỗ, kẻ tay búa, chiếc lán che mái tranh đơn sơ che cho hố được dựng lên. Kể từ đó, những gì đã đào lên được che mưa nắng. Sau đó, người ta tiếp tục với công việc khai quật. Một bảo tàng khảo cổ học được hình thành. Tất nhiên, ở thời điểm năm 2000, quy mô của bảo tàng còn rất bé. Tuy vậy, hội khảo cổ học cộng đồng cũng đã tách riêng một nhóm người chỉ để lo đường hướng kiếm tiền từ bảo tàng cũng như di tích này.

Kể từ khi hội khảo cổ cộng đồng ở Ban Pong Manao được thành lập, ông Surapol thường xuyên đưa các sinh viên khảo cổ học của mình về để cùng cộng đồng khai quật khảo cổ cũng như giảng dạy về khảo cổ học cho dân bản địa. Những khoá học cho từ già tới trẻ về ý nghĩa văn hoá lịch sử của di vật, di tích trên quê hương mình cũng mở thường xuyên.

alt

Con đường làng năm 2000...

Do ở đây không thu tiền vé bảo tàng khảo cổ địa phương, dân khắp nơi vì thế ào ạt đổ về bảo tàng (nay đã hoành tráng) để xem miễn phí những di vật, kèm theo là thuyết trình của hướng dẫn viên địa phương am hiểu khảo cổ học, lịch sử, văn hoá cũng miễn phí. Chỉ trong năm tháng đầu năm 2009, bảo tàng cấp làng này đã có tới 28.257 người xem – con số tương đương với một bảo tàng lớn cấp tỉnh. Những giỏ đan của phụ nữ địa phương, quần áo, vật lưu niệm bán quanh di tích, bảo tàng đã mang về cho vùng quê trước vốn thuần nông thêm nhiều thu nhập. Tính trung bình, mỗi người thu thêm từ các nghề phụ trên từ 90 đến 200 USD hàng tháng. Đường làng đất năm xưa nay đã thành đường nhựa thênh thang.

 

Trả lời cho nghi ngại về tiền đầu tư cho loại hình khảo cổ học cộng đồng, ông Surapol mỉm cười thảnh thơi: “Đợt đầu đưa sinh viên về khai quật ở làng, chúng tôi cũng phải xin kinh phí. Kết quả: kinh phí cho cả lớp khảo cổ học mấy chục người trong cả tháng là 1.500 USD. Trong đó, 500 USD để mua dụng cụ khai quật do ngành du lịch tài trợ. Số còn lại là kinh phí địa phương hỗ trợ hoàn toàn cho ăn ở. Còn nhân công đào phần lớn do tình nguyện viên địa phương làm miễn phí. Mà họ làm rất cẩn thận. Tôi biết, giá nhân công đào cũng là một khoản kinh phí lớn cho khai quật khảo cổ ở Việt Nam”, ông thêm.

alt

... và 2009 rất khác nhau

Nhưng điều lớn nhất không nằm ở đó. Ông Surapol vui vẻ: “Quan trọng nhất với người dân chính là cảm nhận di sản. Chị có thể đan lát. Cháu bé có thể nấu nướng phục vụ nhóm khai quật. Cộng đồng đã có những công việc phục vụ khảo cổ học và kiếm sống từ di tích khảo cổ. Họ biết, chừng nào di sản còn, cuộc sống của họ sẽ còn phát triển”.

... đến khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam

GS Ian Glover (viện Khảo cổ học, đại học London, Anh), người đã 25 năm nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam Á cho rằng, khảo cổ học Việt Nam luôn làm theo cách từ trên đưa xuống, chính quyền nói người khác cần làm gì. Khi người Pháp đưa khảo cổ học vào nước ta cuối thế kỷ 19, hoạt động được chỉ đạo từ trên, ví dụ như viện Viễn Đông Bác cổ. Và cho tới bây giờ vẫn vậy.

Điều đó dẫn đến việc, khảo cổ học không phản ánh được cách hiểu của nhân dân. Văn hoá Sa Huỳnh là một khái niệm rộng lớn, nhưng người ta lại yêu Sa Huỳnh do ngây ngất trước vẻ lộng lẫy của một đôi khuyên tai thuỷ tinh. Ông Ian kể lại: “Vài năm trước ở Trà Kiệu, một người dân mang đến cho tôi một cái bình ông ta rất thích bởi trông nó lạ. Khi chúng tôi kiểm tra, giải thích về lai lịch của nó, ông ta thích mê. Sau đó, ông cung cấp rất nhiều thông tin hiện vật khác, để rồi cuối cùng chúng tôi đã đào được di chỉ Gò Cấm”.

alt

GS Ian Glover (viện Khảo cổ học, đại học London, Anh),
người đã 25 năm nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam Á

TS khảo cổ Nishimurra Masanari lại rất tâm đắc với hai cây đại thụ của khảo cổ học Nhật Bản – những điển hình của khảo cổ học cộng đồng. Ông Aizawa Tadahiro, người chỉ học hết cấp hai nhưng lòng yêu di sản đã giúp ông thành người đầu tiên phát hiện di chỉ đá cũ ở Nhật Bản. Ông Mori Koichi, tác giả của những cuốn sách khảo cổ thâm sâu nhưng rất dễ đọc, người luôn tâm niệm “Khảo cổ học là một học thuật đặc biệt tăng sức mạnh cho địa phương” và khuyến khích khảo cổ học cộng đồng.

Nhớ lại cuộc tranh luận cách đây vài năm về hiện vật nửa giống bơi chèo, nửa giống dụng cụ đào đất ở Đông Anh: Trong khi các nhà khoa học không thống nhất được đó là vật gì thì tại địa phương, người dân giải thích được ngay đó là cái đào đất, vì nền đất ở đó dẻo và nhiều bùn nên dân không làm giống hình cuốc hay xẻng mà giống hình bơi chèo để dễ canh tác.

Và nói như giáo sư Ian, đã đến lúc Việt Nam khôi phục lại khảo cổ học cộng đồng chỉ vì lý do đơn giản: “Các bạn có một bề dày lịch sử và lịch sử với các bạn luôn có vai trò quan trọng trong cuộc sống”.

 

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Vũ Huyễn Trang - Nxb: Thế giới - Năm xb: 2022 - Số trang: 266 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Marcel Bernanose - Nxb: Mỹ Thuật -Năm xb: 2023 - Số trang: 238 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đại úy hải quân Francis Garnier, Nguyễn Minh dịch và chú giải - Nxb: Đại học Sư phạm - Năm xb: 2023 - Số trang: 848 - Khổ: 18.5 x 26.5...
- Tác giả: Trần Minh Nhựt - Nxb: Dân Trí -Năm xb: 2022 - Số trang: 261 - Khổ: 20.5 x 27.5 cm - Bìa: mềm
- Tác giả: Đinh Khắc Thuân - Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2021 - Số trang: 752 tr - Khổ sách: 16x24tr - Hình thức bìa: cứng
- Tác giả: Nguyễn Tuấn Cường - Nxb: Khoa học xã hội - 2020 - Số trang: 522 tr - Khổ sách: 16x24tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7559416
Số người đang online: 18