Hội thảo "Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò di tích Hoa Lộc (Thanh Hóa)"

Sáng 27/7/2017 tại Bảo tàng Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VHTTDL Thanh Hóa và Đại học Quốc gia Australia tổ chức Hội thảo "Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò di tích Hoa Lộc (Thanh Hóa)". Tham dự Hội thảo có PGS.TS Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học), PGS.TS Judith Cameron (Đại học Quốc gia Australia), ông Nguyễn Xuân Thanh (Phó giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa) cùng nhiều nhà khoa học, quản lý văn hóa từ Hà Nội và Thanh Hóa.
Tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ trì thăm dò) và PGS.TS Judith Cameron trình bày chi tiết quá trình thăm dò và các kết quả đã đạt được cũng như kế hoạch nghiên cứu tiếp theo với di tích Hoa Lộc.
hoi_thao_3.jpg
Toàn cảnh Hội thảo
hoi_thao_5.jpg
Thảo luận tại khu vực trưng bày hiện vật của cuộc thăm dò
hoi_thao_4.jpg
Đồ gốm phát hiện tại Hoa Lộc
Di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc (còn có tên Cồn Sau Chợ), ở tọa độ  19°56'2.49" vĩ độ Bắc - 105°54'57.98" kinh độ Đông, thuộc địa phận (thôn 7) nay là thôn 6, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa. Di chỉ phân bố trên địa hình cồn cát ven biển có chiều cao khoảng 7 - 8m so với mực nước biển, cồn cát chạy dài, thoải theo hướng đông bắc - tây nam. Phần trung tâm của di chỉ đã được xã Hoa Lộc đã quy hoạch thành đất di tích và cho nhân dân canh tác các loại hoa màu ngắn ngày (ngô, lạc, vừng, đậu...).
Di chỉ Hoa Lộc (Cồn Sau Chợ) được phát hiện cuối tháng 11/1973, khai quật lần thứ nhất năm 1974 (200m2), khai quật lần 2 năm 1975 (200m2), khai quật lần 3 năm 1982 (48m2) và cuộc thăm dò 2017 mở 3 hố với tổng diện tích 11m2. Kết quả nghiên cứu cho thấy di chỉ Hoa Lộc có một tầng văn hóa thuần nhất hiện nay chỉ còn khoảng 25 - 30cm dưới cùng do việc san bạt bề mặt của cư dân hiện đại.
Việc thực hiện sàng bằng lưới sắt mắt nhỏ tất cả đất khi khai quật đã giúp các nhà chuyên môn thu được những tư liệu quý, đặc biệt là các mũi khoan, mảnh tước rất nhỏ. Các phát hiện và nghiên cứu về đồ gốm, công cụ đá về cơ bản thống nhất với những nhận định của các nhà nghiên cứu trước đây về văn hóa Hoa Lộc.
Một trong những nhận thức mới mà cuộc khai quật thăm dò 2017 mang lại chính là phát hiện sưu tập mũi khoan đá, đá nguyên liệu, hòn ghè, hòn kê, số lượng lớn mảnh tước, mảnh tách... tạo nên qui trình trong chế tạo mũi khoan tại di chỉ Hoa Lộc. Nghiên cứu bước đầu cho thấy, nguyên liệu chế tác mũi khoan được khai thác tại địa phương. Để tạo ra các mũi khoan tại đây người cổ Hoa Lộc đã sử dụng các kỹ thuật chế tác đá trình độ cao bao gồm kỹ thuật ghè trực tiếp, ghè trên đe với sự chuẩn bị diện ghè rõ ràng. Kỹ thuật tu chỉnh ép được sử dụng để chế tạo ra các mũi khoan hoàn chỉnh.. Điều này gợi mở cho nhận định mới: Hoa Lộc là di chỉ xưởng, đây là vấn đề khoa học mới cần được đầu tư nghiên cứu sâu hơn.
dscf0862.jpg
Mũi khoan đá phát hiện tại di chỉ Hoa Lộc
Niên đại của di tích Hoa Lộc và nền văn hóa Hoa Lộc đến nay vẫn là niên đại tương đối dựa trên các so sánh loại hình học. Văn hóa Hoa Lộc thuộc hậu kỳ Đá mới hay đã bước sang sơ kỳ thời đại Đồng thau là câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng. Đợt thăm dò 2017 thu được 9 mẫu than trong lớp ổn định của tầng văn hóa. Các mẫu này sẽ được gửi phân tích niên đại bằng phương pháp AMS để định tuổi, làm cơ sở để xác định niên đại của di vật, của trầm tích. Đồ gốm sẽ được tiến hành làm các phân tích về thành phần vật liệu, độ nung...
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã thảo luận sôi nổi về mũi khoan và quy trình chế tác mũi khoan đá tại di chỉ Hoa Lộc. Các con đường giao lưu trao đổi ven biển liên quan tới văn hóa Hoa Lộc cũng được nhiều nhà nghiên cứu tại Thanh Hóa thảo luận.
Tổng kết Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thanh đánh giá cao kết quả nghiên cứu bước đầu của đoàn nghiên cứu và thống nhất cần khẩn trương khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ cũng như có các bảng biển chỉ dẫn và tuyên truyền về di tích Hoa Lộc cũng như nhiều di tích khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Nguyễn Thơ Đình

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8859599
Số người đang online: 13