Di tích người tiền sử được phát hiện ở Vịnh Hạ Long
Di tích người tiền sử được phát hiện ở Vịnh Hạ Long
Thứ năm, 26 Tháng 11 2009 10:12
Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Ninh vừa tiến hành khai quật khảo cổ học ở hang Đông Trong, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và phát hiện nhiều dấu tích người tiền sử.
Hang Đông Trong phân bố trên đảo Đông Trong, cách cảng Cái Rồng khoảng 500m về phía Đông Bắc. Là hệ thống gồm hai hang: Hang Đông Trong I (Đông Trong lớn), và Đông Trong II (Đông Trong nhỏ). Tại hang Đông Trong lớn, các nhà khảo cổ đã khai quật khu mộ nằm sâu trong hang, cách cửa hang chừng 50m. Di tích này phân bố ở khu vực sát vách hang, nơi thiếu ánh sáng. Tại đây đã tìm thấy dấu tích của nhiều di vật khảo cổ như nồi, vò cùng nhiều xương người và động vật. Do chôn cất trong điều kiện ẩm thấp nên hầu hết những di tích, di vật đã bị phủ một lớp nhũ mỏng. Qua việc nghiên cứu các đặc điểm kỹ thuật chế tác, loại hình của di vật gốm cho thấy đây là những di vật thuộc văn hoá Hạ Long.
Tại khu vực cửa hang, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số di vật như hòn ghè, hòn kê, bàn mài rãnh, bàn mài phẳng và một ít mảnh gốm vỡ. Mặc dù bên ngoài cửa hang hiện đã bị cải tạo để phục vụ du lịch, nhưng qua những di vật, di tích để lại cho thấy khu vực này từng là nơi cư trú của người tiền sử Hạ long.
Hang Đông Trong nhỏ cách hang Đông Trong lớn chừng 200m về phía Tây Bắc. Trong hố đào thám sát nhỏ 4m2 cho thấy tầng văn hoá ở đây khá tơi xốp, được kết cấu bởi vỏ nhuyễn thể biển, xương răng động vật và các di vật khảo cổ.
Theo TS. Trình Năng Chung, trưởng đoàn khai quật Viện Khảo cổ học cho biết do sử dụng phương pháp sàng với các mắt lưới sàng cỡ nhỏ, đoàn khai quật đã thu thập được tối đa các di tích, di vật khảo cổ bao gồm đồ đá, gốm, xương, đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể biển. Những mảnh xương động vật vỡ nhỏ và vỏ nhuyễn thể biển là tàn tích thức ăn của người tiền sử để lại.
Đồ đá có rìu mài nhẵn toàn thân có vai, có nấc, rìu tứ giác; hòn kê, hòn ghè, bàn mài rãnh… Đây thực sự là những sản phẩm của kỹ thuật chế tác đá ở trình độ cao, và mang dấu ấn văn hoá độc đáo.
Bộ sưu tập đá và gốm mang những đặc trưng của di vật văn hóa Hạ Long - văn hóa thuộc hậu kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay gần 4000 năm.
Đặc biệt tại một hốc sâu sát vách hang đã tìm thấy dấu tích mộ táng người. Di cốt đã bị vỡ gồm những mảnh hộp sọ, mảnh xương răng quai hàm cùng nhiều xương chi khác, xếp tập trung trong một hố nhỏ, do vậy đây có thể là mộ cải táng. Có hiện tượng dùng đá kè đánh dấu biên mộ. Đã phát hiện được hơn 200 hạt chuỗi đồ trang sức làm bằng vỏ nhuyễn thể được ghè tròn, khoan lỗ xâu dây. Đây là lần thứ hai phát hiện được hiện tượng này trong nghi thức mai táng của cư dân cổ Hạ Long. Kết quả nghiên cứu các di tích, di vật cho thấy hang Đông Trong nhỏ vừa là nơi cư trú vừa là khu mộ táng của người tiền sử.
Hai di tích này góp phần tôn vinh giá trị văn hoá lịch sử cho khu di sản thiên nhiên của thế giới là Vịnh Hạ Long. Hiện nay công việc nghiên cứu hai địa điểm này vẫn đang được tiếp tục.
- 26/11/2009 10:21 - Phát hiện 4 bản mộc cổ và tượng đá quý ở Hà Tĩnh
- 26/11/2009 10:20 - Tìm thấy di tích thời Hùng Vương tại Thiện Kế
- 26/11/2009 10:19 - Khám phá xác ướp người Việt
- 26/11/2009 10:17 - Cát Tiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ
- 26/11/2009 10:16 - Khảo cổ di sản văn hóa lòng hồ Thủy điện Sơn La
- 26/11/2009 10:01 - Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh
- 26/11/2009 10:00 - Thông báo hội thảo về khảo cổ học cộng đồng
- 26/11/2009 09:59 - Hội nghị thông báo khảo cổ học hàng năm năm 2009 sẽ diễn ra
- 26/11/2009 09:58 - Hội nghị lần thứ 19 của Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA)
- 26/11/2009 09:57 - Hội thảo về khảo cổ học cộng đồng