Công trình khoa học đầy đủ nhất về di tích Óc Eo

Công trình khoa học đầy đủ nhất về di tích Óc Eo

 

 

Những nguồn tư liệu lịch sử và khảo cổ học liên quan đến di sản văn hóa tiền sử - cổ sử ở An Giang vừa được tập hợp một cách hệ thống và đầy đủ nhất bởi công trình khoa học mang tên "Những di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở An Giang" đoạt Giải thưởng Trần Văn Giàu 2009.

An Giang là mảnh đất được biết đến nhiều bởi những khám phá về thời kỳ lịch sử gắn với tên gọi "nền văn hóa Óc Eo" nổi tiếng vùng Đông Nam Á - đã và đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới tiếp tục quan tâm tìm hiểu. Qua tiếp xúc và trao đổi với PGS-TS Phạm Đức Mạnh, chủ nhiệm đề tài trên, chúng tôi biết, văn hóa Óc Eo được nêu lên bởi BS Gore từ năm 1879, L.Malleret từ năm 1937 và đợt khai quật đầu tiên tiến hành năm 1943. Đến nay số lượng các tài liệu về Óc Eo rất nhiều. Bên cạnh yêu cầu phải hệ thống hóa toàn bộ các tài liệu đó là việc phải bổ sung cập nhật thêm bằng các nghiên cứu thực địa, nên PGS-TS Phạm Đức Mạnh cùng các nhà khảo cổ như Phạm Thị Ngọc Thảo, Đỗ Ngọc Chiến, Nguyễn Công Chuyên đã trực tiếp mở 3 đợt điền dã từ năm 2006 đến 2008, tập trung vào những vùng đất quanh các dòng chảy lớn của An Giang, bao gồm những khu vực gò, giồng nổi, những vùng viền chân núi thấp. Ông nói: "Chúng tôi ưu tiên khai đào di chỉ khảo cổ học Gò Tư Trâm thuộc huyện Thoại Sơn nhằm khảo cứu thêm về địa tầng cư trú điển hình thời văn hóa Óc Eo qua tài liệu gốm, cũng như di tích khảo cổ học Gò Cây Tung thuộc huyện Tịnh Biên nhằm khảo cứu rõ hơn về địa tầng và cả các di tồn nhân cốt rất hiếm quý ở đây. Kết quả mới nhất đó, cùng các tư liệu trước kia, đã nêu rõ trong công trình nghiên cứu và biên soạn mà các bạn đã biết gồm 6 phần, trong đó phần trình bày về Di tích văn hóa cổ và sưu tập di vật văn hóa tiêu biểu thời tiền sử và cổ sử An Giang chiếm dung lượng lớn nhất và là trọng tâm của đề tài".

* Vậy ông có thể nêu một vài nét nổi bật trong các di vật văn hóa trên?

"Những tư liệu được hệ thống đầy đủ của công trình là kết quả thống kê các loại hình di tích, di vật được phát hiện qua toàn bộ nhiều cuộc điều tra, điền dã, khai quật khảo cổ học một thế kỷ qua trên vùng đất An Giang. Các tư liệu đã cập nhật được những thông tin mới nhất thời gian qua. Đây là nguồn tài liệu tin cậy, có giá trị khoa học cao".
Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám (Chủ tịch UBGT Trần Văn Giàu)

- Đó là các di vật thời tiền sử sưu tầm ngẫu nhiên tại nhiều địa điểm vùng Thoại Sơn. Như cuốc đá có vai, rìu bôn tứ giác ở Đá Nổi; rìu bôn tứ giác và có vai, nạo, vòng đĩa lớn, thẻ đeo ở Óc Eo, ở hang Núi Sập, ở Vọng Thê; các công cụ đục, dao đá, bàn mài, chày nghiền, đá trang sức ở Ba Thê. Vùng Châu Đốc tìm thấy ở Phước Cô Tự, gốm vỡ, xương cốt động vật ở Vĩnh Đông. Vùng Tịnh Biên tìm thấy cuốc và rìu bôn tứ giác ở Thới Sơn... Chúng tôi giới thiệu toàn bộ kết quả giám định thạch học mẫu đá và quang phổ mẫu gốm, kim khí, giám định răng người và động vật ở Gò Cây Tung, ghi nhận kết luận của Nguyễn Lân Cường và Nguyễn Kim Thủy rằng sọ cổ Gò Cây Tung "rất gần gũi với các sọ của cư dân Thái Lan, Việt và cư dân Đông Sơn cổ (nhóm loại hình Đông Nam Á), nhưng khác biệt hẳn với người Thượng và người Khmer".

* Công trình biên soạn trên có hệ thống, phân tích và giới thiệu giá trị của nhiều di vật có hình khỉ, voi, dê, heo, bò, ngựa, đầu sư tử, rùa bằng đá, mã não, tượng phụ nữ và "người tôi đòi" Phù Nam bằng đồng; các tấm khắc bằng thiếc trang trí hình phụ nữ đứng, hình sao biển, hình vỏ trai và phù điêu đất nung trang trí hình người, sư tử, thủy quái, viên ngói có đắp nổi hình rắn hổ mang, rùa... và đặc biệt là di vật vàng lá?

- Vâng, có đến hàng ngàn phiến vàng lá Óc Eo rất đa dạng, đặc biệt 819 trong số 1.166 mảnh vàng thống kê có hình chạm khắc, hoặc dập cắt tạo hình mang nhiều đề tài như "Người - thần và nhân thần", hình các vị Brahma, Siva, Vishnu và bàn chân của ngài, Vishnu và các bà vợ của ngài, các thần Indra và Syrya cưỡi trên lưng ngựa, Rahma cưỡi trên khỉ Hanuman, các hộ pháp, tu sĩ, mẫu thần và nhân sư... Các lá vàng trang trí vật thể, hình hình học và đặc biệt gò nổi - chạm miết văn tự cổ với số lượng lớn nhất, gồm 445 tiêu bản chiếm tới 54,4% tổng số lá vàng có trang trí.

* Ông cho biết thêm về các tượng thờ và linh vật sưu tầm đã được khảo cứu?

- Nhóm tượng thờ Phật giáo bao gồm sưu tập tượng Phật bằng gỗ và bằng đá, hay bằng đồng ở các tư thế đứng hoặc ngồi kiết già, phù điêu Phật đồng mạ vàng... Nhóm tượng thờ Hindu giáo bằng đá hay đồng gồm các vị thần Brahma, Shiva cưỡi Nandin, Vishnu cưỡi Garuda, cùng sưu tập khá lớn tượng các nữ thần và nam thần khác. Nhóm linh vật gồm Linga, Linga-Yoni với các loại hình và kích thước khác nhau, bằng nhiều loại chất liệu như đá granite, sa thạch, diệp thạch, đá thủy tinh, hay đất nung. Đáng kể là các Yoni và áng thiên, bồn rửa, hay chậu tắm lễ, rất phong phú bằng đá hoa cương, sa thạch, hay đá phiến trải khắp đồng bằng Óc Eo, các vùng núi Ba Thê, Núi Sam, Bảy Núi. Đó còn là các bệ thờ, bánh xe luân hồi bằng đá, nhiều vật thờ bằng đồng thau vừa sưu tầm ở Châu Phú. Đặc biệt gây chú ý là những "dòng sử" bằng Phạn ngữ khắc ghi trên đá và trên vàng - bạc, góp thêm cứ liệu rất quan trọng để tìm biết về đời sống văn hóa vật chất - tinh thần "có chữ" Phù Nam xưa, bên cạnh không ít "minh văn Nam Bộ" từng được giải mã, với những thông tin rất thú vị về chính thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở cuối nguồn Mê Kông.

* Sau phần hệ thống toàn bộ tư liệu hiện biết về văn hóa Óc Eo trên đất An Giang, cùng các phân tích và nhận định khoa học, hẳn ông và các nhà khảo cổ của công trình đã rút ra một số kết luận?

- Từ 1975 đến nay, giới khảo cổ Việt Nam phối hợp với đồng nghiệp Pháp, Nhật, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc triển khai nhiều chương trình nghiên cứu điền dã tổng hợp về chuyên đề vùng "đất hứa" châu thổ. Họ khai đào hơn 110 di tích, sơ kết tới 386 điểm trong các chuyên khảo lớn, làm sáng tỏ thêm nhiều điều nhận thức về một truyền thống văn hóa đặc sắc của Óc Eo. Đó là nền văn hóa đầm lầy ven biển cổ, gắn với lục địa "miệt trên" vốn là bán bình nguyên phát triển phồn thịnh "vang bóng một thời", về sau chìm dần trong quên lãng, đi đến chỗ "mất dấu" trong sử sách trung cổ và cả trong bia ký nữa, vì nguyên cớ gì? Vì hải xâm hay hồng thủy? Vì sụt lún hay dịch họa? Vì sao mất hẳn vai trò "thị cảng" mậu dịch quốc tế - thế mạnh tỏa hào quang khắp bờ biển Thái Bình trong nhiều thế kỷ? Chưa thật vững tin vào một nguyên cớ duy nhất nào nêu trên. Nên theo chúng tôi, hãy cứ tiếp tục tìm hiểu về tất cả nguyên cớ, tiếp tục lần theo vết tích con người "hậu Óc Eo" dần vắng bóng trên miền trũng thấp tây sông Hậu. Cũng như cần nghiên cứu, tìm kiếm thêm tài liệu và chứng cứ về thành cổ bị vùi sâu, tháp bị sập đổ, lung lạch cạn dần, đền đài - cung điện - lăng tẩm bị mưa nắng, gió bụi, cỏ cây phủ lấp. Sau ngày tàn lụi kia, phải chờ đến các lớp cư dân Việt đi mở nước, vốn thật xa xưa có cùng "dạng sống Đông Sơn" với chủ nhân phức hệ văn hóa Đồng Nai, hợp cùng nhiều nhóm tộc người bản địa khác, mới hoàn tất công cuộc khai phá miền đồng bằng châu thổ ngút ngàn nhất Việt Nam, trở lại phồn vinh hơn với dạng sống xã hội "trọng điểm lúa" trong "cấu trúc kinh tế nông - công - thương nghiệp" toàn Nam Bộ ngày nay.

* Cám ơn ông.

Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu với quỹ ban đầu (do GS Trần Văn Giàu đưa ra) là 1.000 lượng vàng do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (đã mất) làm chủ tịch đầu tiên. Hiện nay, Ủy ban gồm các vị: 1. Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám (chủ tịch), 2. GS-TS Nguyễn Phan Quang (phó chủ tịch), 3. PGS-TS Nguyễn Văn Lịch (phó chủ tịch thường trực, phụ trách nội dung), 4. Ông Nguyễn Thiện Chiến (tổng thư ký), 5. GS-TS Ngô Văn Lệ, 6. PGS Hà Thúc Minh, 7. Nhà nghiên cứu lão thành Võ Sĩ Khải. Ủy ban còn có 3 cán bộ văn hóa. Tất cả 10 vị.

Giải thưởng trao cho tác phẩm có giá trị và chưa công bố (hoặc mới công bố trong vòng 1 năm) trên hai lĩnh vực: Lịch sử (mỗi năm một giải) và Lịch sử tư tưởng (mỗi năm một giải) nhưng trong 5 năm đầu (từ 2003 - 2008) chỉ chọn và trao được 3 lần và cả 3 đều thuộc lĩnh vực lịch sử (chưa có tác phẩm về lịch sử tư tưởng nào được trao giải). Năm nay 2009, công trình "Những di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở An Giang" do PGS-TS Phạm Đức Mạnh và nhóm các nhà khảo cổ thực hiện nhận giải cũng thuộc lĩnh vực Lịch sử và được đánh giá: "Đây là những đóng góp mới có giá trị khoa học lịch sử cao, góp phần tìm hiểu sâu hơn và toàn diện hơn về vùng đất Nam Bộ".

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Vũ Huyễn Trang - Nxb: Thế giới - Năm xb: 2022 - Số trang: 266 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Marcel Bernanose - Nxb: Mỹ Thuật -Năm xb: 2023 - Số trang: 238 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đại úy hải quân Francis Garnier, Nguyễn Minh dịch và chú giải - Nxb: Đại học Sư phạm - Năm xb: 2023 - Số trang: 848 - Khổ: 18.5 x 26.5...
- Tác giả: Trần Minh Nhựt - Nxb: Dân Trí -Năm xb: 2022 - Số trang: 261 - Khổ: 20.5 x 27.5 cm - Bìa: mềm
- Tác giả: Đinh Khắc Thuân - Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2021 - Số trang: 752 tr - Khổ sách: 16x24tr - Hình thức bìa: cứng
- Tác giả: Nguyễn Tuấn Cường - Nxb: Khoa học xã hội - 2020 - Số trang: 522 tr - Khổ sách: 16x24tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7577351
Số người đang online: 21