Chiếc trống đồng thứ hai phát hiện được tại Quảng Ninh
Trong quá trình san gạt, xây bờ kè, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất, TP Hạ Long, đã phát hiện một chiếc trống đồng nằm vùi lấp dưới mặt đất hơn 1m. Bảo tàng Quảng Ninh và các nhà Khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu chiếc trống này.
Trống đồng phát lộ tại thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất, TP Hạ Long, là chiếc trống đồng thứ 2 được phát hiện tại Quảng Ninh.
Trống đồng phát lộ tại vị trí bên bờ trái của dòng suối chảy qua vườn nhà bà Nguyễn Thị Huệ, dưới lớp đất mặt, cách di tích danh thắng quốc gia Núi Mằn khoảng 400m về phía Đông.
Trống đồng cao 42cm, đường kính mặt 69,5cm, đường kính chân 66cm. Khi phát lộ, trống ở tư thế nằm ngửa, trong địa tầng đất có màu xám đen, xung quanh và bên trong lòng trống không có đồ vật khác. Hiện trạng, trống có mặt còn nguyên, trên mặt có 6 khối tượng cóc; trong đó có 3 tượng cóc đơn, 3 tượng cóc con cái (lớn) cõng con đực (nhỏ). Phần tang trống bị vỡ, còn lại khoảng 2/3 diện tích.
Mặt trống còn nguyên vẹn, có 6 khối tượng cóc.
Tang trống còn lại khoảng 2/3 diện tích.
Sau khi phát lộ hiện vật, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ đã báo cáo chính quyền xã Thống Nhất và Bảo tàng Quảng Ninh. Trên cơ sở nghiên cứu và tham vấn ý kiến chuyên gia, bước đầu Bảo tàng Quảng Ninh xác định: Trống được phát hiện tại Lưỡng Kỳ là Trống đồng loại II (H2) trong hệ thống phân loại trống đồng của Heger niên đại khoảng thế kỷ XIV-XV. Loại trống này thường được dùng trong nghi lễ và có nhiều nét tương đồng với trống của người Mường ở Hòa Bình.
Khảo sát vị trí phát hiện trống đồng
Tới nay, đây là chiếc trống đồng thứ 2 được phát hiện tại Quảng Ninh sau trống đồng Quảng Chính được phát hiện năm 1981 tại huyện Hải Hà và đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Hiện trống đang được bảo quản tại Bảo tàng Quảng Ninh theo đúng quy định, tiến hành bảo quản sơ bộ và đề xuất hướng nghiên cứu, xác định giá trị và phát huy trong thời gian tới.
BTQN