Báu vật Khảo cổ học Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và một số bảo tàng, di tích Việt Nam phối hợp với một số bảo tàng của CHLB Đức tổ chức trưng bày chuyên đề: Báu vật khảo cổ học Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức (từ 2016 - 2/2018). Trưng bày đã thành công, thu hút sự quan tâm lớn của công chúng Đức, giúp người dân Đức và châu Âu hiểu biết hơn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Tiếp tục phát huy trưng bày này, gần 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thế kỷ 17 - 18 trên mọi miền đất nước được lựa chọn, nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về lịch sử, văn hóa Việt Nam thông qua những thành tựu nghiên cứu của khảo cổ học.
Trưng bày Báu vật khảo cổ học Việt Nam khai mạc vào ngày 12/4/2018 và kết thúc vào cuối tháng 7 năm 2018.
Trưng bày gồm các chủ đề chính sau:
1.Báu vật Khảo cổ học thời Tiền sử
Giới thiệu những hiện vật tiêu biểu của một số di tích khảo cổ học thời Tiền sử, gồm các loại hình như: công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm... được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng miền khác nhau ở Việt Nam như:
- Rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa), thuộc thời đại Đá cũ.
- Những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn, công cụ 1/4 cuội tìm thấy tại hang Muối - Hòa Bình năm 1965.
- Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn - Thanh Hóa), sưu tầm năm 1965.
- Công cụ chặt di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) khai quật năm 1969.

Rìu tay (Núi Đọ, Thanh Hóa).

Công cụ cuội (Lâm Thao, Phú Thọ).

Công cụ hình đĩa (Lương Sơn, Hòa Bình).
2. Báu vật Khảo cổ học Thời đại Kim khí
Thời đại kim khí, ở Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn: văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam.
2.1. Văn hóa Đông Sơn
Các học giả trường Viễn Đông Bác cổ là những người mở đầu cho nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn từ những thập niên đầu thế kỷ 20. Kế thừa thành tựu của các nhà khảo cổ học phương Tây, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến mạnh mẽ trong nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn. Phần trưng bày giới thiệu các hiện vật tiêu biểu:
- Vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai chất liệu đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu.
- Trống đồng Sao Vàng, trống đồng Phú Phương1, Trường Thịnh, thạp đồng, chuông đồng ….
- Vũ khí như: rìu đồng gót vuông, qua đồng, mũi tên đồng Cổ Loa (Hà Nội).
- Công cụ làm nông nghiệp như lưỡi cày đồng…
-  Mộ cổ Châu Can, khai quật năm 1964.

Trống Sao Vàng.

Trống Phú Phương.

Thạp đồng.

Sưu tập lưỡi cày đồng Cổ Loa.

Sưu tập mũi tên đồng Cổ Loa.
2.2. Văn hóa Sa Huỳnh
Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909. Tiếp sau đó, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành điều tra, điền dã, khai quật các di tích văn hóa Sa Huỳnh trên khắp các tỉnh miền Trung. Qua đó, cho thấy Văn hóa Sa Huỳnh có nguồn gốc bản địa, là nền tảng hình thành nhà nước Champa, có ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa khác như: Đông Sơn ở phía Bắc; văn hóa Óc Eo ở phía Nam cùng giao lưu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa...
Phần trưng bày giới thiệu các hiện vật tiêu biểu:
- Chuỗi hạt bằng thủy tinh tìm thấy tại Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
- Mộ chum có nắp khai quật năm 2003 tại di chỉ Động Cườm (Bình Định).          
- Đèn, ang, bình gốm, hạt chuỗi bằng thủy tinh... do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khai quật tại các di tích Động Cườm (Bình Định), Bãi Cọi (Hà Tĩnh) Hòa Diêm (Khánh Hòa)….
  
Chum táng (Động Cườm - Bình Định).


Đèn gốm (Hòa Diêm – Khánh Hòa).



Hạt chuỗi đá quý, thủy tinh (Hòa Diêm – Khánh Hòa).
2.3. Văn hóa Đồng Nai
Văn hóa Đồng Nai hình thành cách ngày nay khoảng 4000 năm ở vùng Đông Nam bộ. Trước năm 1975, những nghiên cứu bước đầu về văn hóa Đồng Nai được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học phương Tây. Sau năm 1975, việc nghiên cứu về nền văn hóa này được đẩy mạnh và có những phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, góp phần khôi phục diện mạo bức tranh thời Tiền - Sơ sử ở vùng đất này ngày càng rõ nét. Trưng bày tập trung giới thiệu những hiện vật :
- Nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994: vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá, mã não và thủy tinh; các loại hạt chuỗi, nhẫn, lá vàng là những hiện vật bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam; các loại đồ gốm như nồi, cà ràng.
- Nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An), là di chỉ khảo cổ Sơ sử ở Nam bộ, do chính các nhà khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát hiện và khai quật năm 1997. Sau đó, di tích tiếp tục được khai quật, nghiên cứu với sự phối hợp của các nhà khảo cổ học Đức.
- Tượng động vật, khuôn đúc phát hiện tại di chỉ Dốc Chùa (Bình Dương).
- Trưng bày cũng giới thiệu một số trống đồng Đông Sơn, dụng cụ dệt vải, đồ trang sức phát hiện tại Phú Chánh (Bình Dương), thể hiện sự giao lưu rộng rãi giữa các trung tâm văn hóa Thời đại Kim khí ở Việt Nam.

Nồi và cà ràng minh khí (Giồng Cá Vồ, Tp. Hồ Chí Minh).


Bát bồng, nồi/vò táng (Gò Ô Chùa, Long An).




Khuyên tai hai đầu thú; Hạt chuỗi vàng (Giồng Cá Vồ, Tp. Hồ Chí Minh).

Tượng động vật (Dốc Chùa - Bình Dương).



Trống đồng, chum gỗ, dụng cụ dệt vải (Phú Chánh - Bình Dương).
3. Báu vật Khảo cổ học lịch sử
3.1. Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên
Giới thiệu một số hiện vật được tìm thấy ở di tích thành cổ Luy Lâu và trong những ngôi mộ gạch thế kỷ 1- 3, những chứng tích cho thấy, trong suốt hơn một nghìn năm người Việt không chỉ kiên trì đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc mà còn bền bỉ gìn giữ bảo tồn truyền thống văn hóa Đông Sơn và linh hoạt tiếp thu những thành tố văn hóa mới. Tiêu biểu là mô hình nhà, mô hình bếp lò đất nung, vật liệu kiến trúc, bình đồng, được tìm thấy tại Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Ninh, đặc biệt là mảnh khuôn đúc trống đồng, mảnh nồi nấu kim loại do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát hiện thành cổ Luy Lâu năm 2014.


Mô hình nhà bằng đất nung.

Ngói ống.

Bình đồng.

Mảnh khuôn đúc trống đồng (Luy Lâu, Bắc Ninh).
3.2. Văn hóa Óc Eo - Phù Nam
Văn hóa Óc Eo hình thành trên cơ tầng bản địa và phát triển từ thế kỷ 1 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên ở vùng đồng bằng Nam bộ. Những di tích được khai quật thuộc loại hình kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú, thu được hàng vạn hiện vật bằng các chất liệu như vàng, bạc, đồng, chì, thiếc, thủy tinh, đá, gỗ, gốm... là sản phẩm của các nghề thủ công phát triển cao, đa dạng và tinh xảo, vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố văn hóa Ấn Độ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa... cho thấy một thời đại phát triển ở trình độ cao về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam bộ. Phần trưng bày giới thiệu các hiện vật tiêu biểu:
- Một số nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí Visnu, mảnh vàng trang trí mặt trời...có niên đại thế kỷ 3 - thế kỷ 6. Khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1993.
- Tượng Visnu bằng đá niên đại khoảng thế kỷ 5, khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1997.




Lá vàng.

Tượng thần Visnu.
3.3. Champa và Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Champa là nền văn hóa độc đáo mang đậm tính bản địa và chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Champa đã để lại một khối lượng di tích và di vật rất lớn về kiến trúc, điêu khắc đá, các loại đồ đồng, đồ gốm, đồ thờ cúng bằng vàng, bạc, các loại đồ trang sức... không chỉ phản ánh thần thoại, tôn giáo mà còn thể hiện triết lý về nguồn gốc vũ trụ, nhân sinh quan, quan niệm về cuộc sống, tư duy thẩm mỹ của cư dân Champa. Đặc biệt quần thể kiến trúc đền tháp tôn giáo  Champa ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) còn gọi là “thánh địa Mỹ Sơn” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1999. Phần trưng bày giới thiệu:
- Những tác phẩm điêu khác đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu (Quảng Nam), Tháp Mẫm (Bình Định) như: sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, Phù điêu tu sĩ, bia Ponagar... trong đó có những hiện vật đặc sắc do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp cùng Bảo tàng Bình Định khai quật.
- Nhóm hiện vật di tích Cấm Mít (Đà Nẵng) do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật năm 2012: mảnh vàng trang trí hình voi, hạt chuỗi thủy tinh.
- Đặc biệt đại diện cho những phát hiện mới của Khảo cổ học Việt Nam là tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Tượng sư tử (Tháp Mẫm, Bình Định).
                  
Phù điêu Shiva yogi
(Shiva trong hình ảnh nhà tu khổ hạnh)

Tượng Gajasimha  (Mỹ Sơn, Quảng Nam).

Phù điêu  (Mỹ Sơn, Quảng Nam).

Lá vàng hình voi (Cấm Mít, Đà Nẵng).
Bên cạnh đó, phần trưng bày giới thiệu các hiện vật tiêu biểu phát hiện tại di tích Cát Tiên (Lâm Đồng). Di tích Cát Tiên (Lâm Đồng) là khu thánh địa của một tiểu vương quốc cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tồn tại khoảng từ thế kỷ 4 - 9. Các đợt nghiên cứu khai quật đã xác định đây khu di tích có quy mô lớn, số lượng hiện vật tìm thấy đa dạng và rất phong phú. Cho thấy, Cát Tiên có mối quan hệ gần gũi với văn Champa, đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng với hệ thống các di tích văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở Nam bộ, cho thấy Cát Tiên là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hóa khác nhau trong thời kỳ lịch sử. Phần trưng bày giới thiệu các hiện vật:
- Linga bằng vàng và đá thạch anh
- Đồ trang sức bằng vàng, đá ngọc, đặc biệt là các lá vàng có khắc vẽ, chạm nổi đề tài hình người, hình thần, hình động vật, thực vật…
- Tượng nữ thần Uma chiến thắng quỷ trâu Mahisa.


Tượng nữ thần  Uma chiến thắng quỷ trâu Mahisa.



Linga thạch anh, vàng.



Lá vàng.
3.4. Văn hóa - văn minh Đại Việt
Sau chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) của Ngô Quyền và sự kiện vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế (năm 968), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, nước ta bước vào thời kì xây dựng quốc gia độc lập: Kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Các triều đại quân chủ nối tiếp nhau không ngừng củng cố nền độc lập tự chủ và xây dựng những kinh đô riêng của mình như Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long...Những dấu tích cung điện, thành quách, chùa tháp, miếu mạo, các thương cảng cổ, các khu lò gốm, tàu đắm cùng các di vật của thời kỳ  đã được khảo cổ học Việt Nam phát hiện và nghiên cứu. Phần trưng bày giới thiệu những hiện vật tiêu biểu của thời kỳ này:
- Vật liệu kiến trúc và vật liệu ngói trang trí uyên ương, gạch xây thành, đồ gốm men, tượng gốm phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long và khu vực ngoại vi…
- Những đồ gốm Chu Đậu (thế kỷ 15 - 17), đồ dùng của thủy thủ đoàn... khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997 - 1999..





Vật liệu trang trí kiến trúc thời Lý – Trần.




Đồ gốm men khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm.
                                                        Lê Văn Chiến (Phó trưởng phòng - Phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9307703
Số người đang online: 12