Vai trò của văn hóa Xóm Cồn trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam

Văn hóa Xóm Cồn được phát hiện và nghiên cứu muộn hơn nhóm di tích Long Thạnh và Bình Châu, nhưng lại được xác lập thành văn hóa khảo cổ riêng biệt. Xung quanh nền văn hóa này đã có nhiều ý kiến thảo luận và một số ý kiến cho rằng văn hóa Xóm Cồn không thuộc hệ thống văn hóa Sa Huỳnh, nhưng chắc chắn có nhiều đóng góp vào sự hình thành văn hóa Sa Huỳnh (Vũ Quốc Hiền 1996). Sau khi nghiên cứu các di tích, di vật của văn hóa Xóm Cồn, chúng tôi cho rằng nhiều yếu tố văn hóa của nền văn hóa này đã đóng góp trực tiếp vào sự hình thành và phát triển của văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là loại hình Sa Huỳnh ở khu vực đảo ven bờ Nam Trung bộ. Như vậy có thể coi văn hóa Xóm Cồn là một văn hóa Tiền Sa Huỳnh, mà sự hình thành của nó có quan hệ chặt chẽ với vùng hội nhập Dak Lấp - Cầu Sắt.

Cho đến nay đã phát hiện được 8 địa điểm thuộc văn hóa Xóm Cồn. Các di tích này phân bố ở đồng bằng ven biển và đảo ven bờ hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là những đồng bằng nhỏ hẹp, không tách biệt với vùng núi về mặt nguồn gốc phát sinh. Cư dân văn hóa Xóm Cồn đã tụ cư ở những cồn cát trên dải đồng bằng ven biển ấy, hoặc ở trên những hòn đảo không xa bờ.

Kết quả khai quật các di tích văn hóa Xóm Cồn cho thấy tích tụ văn hóa dày từ 80cm -110cm, bên trong có chứa vỏ các loài nhuyễn thể, xen lẫn cát phù sa và các di cốt động vật. Điều đáng lưu ý là trong tích tụ tầng văn hóa không thấy nhiều vỏ điệp, mà phổ biến nhiều loại ốc như ốc Mặt trăng (Tuybo sp), ốc Tai tượng (Tridacna sp) và một số loài sò ốc khác. Tích tụ văn hóa này là một đặc trưng văn hóa riêng biệt so với các văn hóa Tiền Sa Huỳnh khác, nhưng lại là yếu tố văn hóa dễ nhận biết trong loại hình Sa Huỳnh khu vực đảo ven bờ Nam Trung Bộ.

Đặc trưng văn hóa nổi trội nhất của văn hóa Xóm Cồn là những hiện vật xương và vỏ nhuyễn thể. Theo thống kê của những người khai quật, trong 8 địa điểm của văn hóa này đã phát hiện được 84 công cụ lao động với một vài mũi dùi, mũi lao làm bằng xương hoặc sừng, còn tuyệt đại đa số làm bằng vỏ nhuyễn thể bao gồm các loại hình như công cụ ghè đẽo, công cụ nạo và hòn ghè. Bên cạnh đó còn có 18 mảnh vòng trang sức bằng vỏ ốc Tai tượng và một số lõi vòng bằng vỏ ốc. Những hiện vật này phát hiện thấy từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn trong văn hóa Xóm Cồn. Và, điều đặc biệt là các hiện vật này cũng thấy xuất hiện trong địa tầng của các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực đảo ven bờ như di tích Xóm Ốc, Suối Chình trên đảo Lý Sơn và di tích Hòa Diêm ở gần vịnh Cam Ranh - Khánh Hòa. Ngoài ra còn thấy xuất hiện ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á như ở cực Nam Nhật Bản, Đông Đài Loan, Bắc Philippines, Nam Thái Lan.

Bên cạnh những hiện vật bằng vỏ nhuyễn thể, trong văn hóa Xóm Cồn còn có các di vật bằng đá, với đặc trưng nổi bật là sự độc tôn loại rìu, bôn, đục không có vai, phổ biến loại rìu bôn hình thang đốc thuôn nhỏ, mặt cắt ngang hình chữ nhật hoặc thấu kính. Nét đặc trưng này mang nhiều dấu ấn của công cụ đá nhóm di tích Dak Lấp - Cầu Sắt ở khu vực Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.

Đồ gốm trong văn hóa Xóm Cồn phổ biến loại hình nồi đáy tròn miệng loe, được tạo bởi kỹ thuật nặn tay kết hợp bàn đập - hòn kê. Trang trí trên đồ gốm chủ yếu là văn chải, khắc vạch, in chấm, tô màu. Loại văn in chấm kiểu dích dắc cũng là nét đặc trưng của hoa văn gốm trong văn hóa Xóm Cồn. Loại hoa văn này cũng xuất hiện trong một số loại hình gốm ở di chỉ Lộc Giang (Long An), di chỉ Lung Leng (Tây Nguyên) và ở di chỉ Sam-rông-sen (Căm-pu-chia). Một loại hoa văn gốm nữa là văn vẽ màu trên nền áo đỏ hoặc da cam với những đường xoắn ốc, gần tương tự hoa văn gốm Ban Chiang. Điều ghi nhận nữa là ngoài các kiểu dạng nồi gốm, trong văn hóa Xóm Cồn còn có một số loại hình bát và đĩa mâm bồng có tô màu đỏ. Những loại hình đồ gốm này có nhiều nét gần gũi với đồ gốm Sa Huỳnh giai đoạn sớm.

Sự đóng góp của cư dân văn hóa Xóm Cồn vào quá trình hình thành văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực đảo ven bờ là phương thức sống khai thác biển, sử dụng vỏ nhuyễn thể làm công cụ lao động và đồ trang sức. Những chứng cứ này có thể tìm thấy trong tầng văn hóa của các di tích văn hóa Sa Huỳnh Xóm Ốc, Suối Chình trên đảo Lý Sơn, hay ở di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa), đã tạo nên nét độc đáo, đa dạng cho văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời, trong lớp sớm nhất của tầng văn hóa di chỉ Xóm Ốc, bên cạnh những hiện vật đặc trưng Long Thạnh đã tồn tại công cụ nạo bằng vảy ốc Mặt Trăng, công cụ ghè đẽo bằng vỏ ốc Tai Tượng và đồ gốm trang trí văn dích dắc đặc trưng của văn hóa Xóm Cồn.

Như vậy, văn hóa Xóm Cồn không phải là đóng góp gián tiếp, mà là một trong những nguồn đóng góp trực tiếp vào sự hình thành và phát triển của văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam.

(Tác giả: Phạm Thị Ninh)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

 

Thư viện

- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Vũ Huyễn Trang - Nxb: Thế giới - Năm xb: 2022 - Số trang: 266 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Marcel Bernanose - Nxb: Mỹ Thuật -Năm xb: 2023 - Số trang: 238 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đại úy hải quân Francis Garnier, Nguyễn Minh dịch và chú giải - Nxb: Đại học Sư phạm - Năm xb: 2023 - Số trang: 848 - Khổ: 18.5 x 26.5...
- Tác giả: Trần Minh Nhựt - Nxb: Dân Trí -Năm xb: 2022 - Số trang: 261 - Khổ: 20.5 x 27.5 cm - Bìa: mềm
- Tác giả: Đinh Khắc Thuân - Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2021 - Số trang: 752 tr - Khổ sách: 16x24tr - Hình thức bìa: cứng
- Tác giả: Nguyễn Tuấn Cường - Nxb: Khoa học xã hội - 2020 - Số trang: 522 tr - Khổ sách: 16x24tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7558612
Số người đang online: 18