Thảo luận về kỹ nghệ Hòa Bình sớm hay Tiền Hòa Bình trong các di tích hang động ở Việt Nam
Tư liệu khai quật và kết quả phân tích niên của một số di tích hang động trong khoảng hơn hai thập kỷ qua cho thấy khá nhiều di tích thuộc kỹ nghệ Hòa Bình có niên đại Pleistocene muộn, nằm trong khoảng 2-3 vạn năm trước. Các kỹ nghệ đá Hòa Bình sớm trong hang động hiện biết thực tế không mang đặc trưng kỹ nghệ Sơn Vi như vẫn thường được hiểu mà nó có những tính chất khá riêng biệt và cần được thảo luận.
1. Cấu tạo trầm tích
Về mặt cấu tạo trầm tích giai đoạn Hòa Bình sớm có thể thấy các đặc điểm như sau:
- Môt số địa điểm như lớp dưới Mái đá Điều (Thanh Hóa), lớp dưới Hang Chổ (Hòa Bình), lớp dưới hang Mang Chiêng (Thanh Hóa), trầm tích là loại sét vôi kết vón màu nâu đỏ hay nâu vàng lẫn sạn sỏi thạch anh, sạn sỏi laterit chứa ít vỏ ốc bị vụn nát bị carbonat hóa. Trong dạng trầm tích này thường phát hiện được các di cốt động vật bán hóa thạch.
- Các địa điểm như lớp dưới Con Moong (Thanh Hóa), lớp dưới Hang Trống (Ninh Bình), trầm tích lại là sét vôi dạng bột khá mịn và mềm màu vàng/đỏ/nâu/xám loang lổ, có những lớp hoặc thấu kính đất bị kết vón do nước chứa carbonat calci thấm vào ở từng thời kỳ gián đoạn. Dạng thành tạo này có lẽ do gió kết hợp với phong hóa từ trần hang rơi xuống. Trầm tích dạng này thường rất hiếm vỏ ốc, di cốt động vật thường ở dạng bán hóa thạch nhưng mức độ thấp.
- Loại trầm tích thứ ba được ghi nhận ở lớp dưới Mái đá Ông Hay là dạng sét vôi dẻo màu nâu xám khá kết dính, ít sạn sỏi. Di tích động vật trong trầm tích này chủ yếu là vỏ ốc mủn nát bị carbonat hóa cao, trong lòng vỏ ốc bị đất điền đầy, di cốt động vật bán hóa thạch nhưng ở mức độ rất thấp.
Các dạng trầm tích trong các di tích hang động thời kỳ này có sự khác nhau có lẽ là do các điều kiện tự nhiên, địa thế cấu tạo của hang cũng như chế độ thủy văn của từng khu vực.
2. Khung niên đại
Khung niên đại cho giai đoạn Hòa Bình sơ khai dựa trên các niên đại tuyệt đối đã được xác định nằm trong khoảng 2-3 vạn năm nhưng có nhiều khả năng còn lên đến 4-5 vạn năm cách ngày nay. Sau đây là dẫn liệu một số niên đại tuyệt đối và niên đại dự đoán dựa trên đặc điểm trầm tích của giai đoạn Hòa Bình sơ khai của các di tích hang động hiện biết (Biểu 1).
Biểu 1. Một số di tích Hòa Bình có niên đại sớm nhất
Di tích (lớp dưới) |
Niên đại (BP) |
Di tồn văn hóa |
Mái đá Thẩm Khương |
28-32.000 |
Choppers; công cụ đá kiểu Hòa Bình không đặc trưng |
Mái đá Điều |
19- 24.000 |
Di cốt động vật hóa thạch (trong đó có Pongo); công cụ hình đĩa cùng với công cụ đá thạch anh không định hình và end-chopper |
Hang Áng Mả |
25.000 |
Vài công cụ đá hình bàn là và không định hình, vỏ ốc núi |
Hang Chổ |
22-29.000 |
Vết tích của Stegodon; công cụ mảnh/công cụ kích thước nhỏ kiểu Hòa Bình |
Hang Muối |
21.000 |
Công cụ đá kiểu Hòa Bình |
Hang Con Moong |
Khoảng 20.000 -50.000 |
Di cốt động vật bán hóa thạch mức độ thấp; công cụ hình đĩa nhỏ, công cụ mảnh tu chỉnh thô/vừa, công cụ đá thạch anh |
Hang Trống |
23.000 |
Các choppers và công cụ mảnh tu chỉnh thô/vừa |
Mái đá Ông Hay |
20.000 -30.000 |
Vỏ ốc mủn nát bị carbonat hóa; các end-choppers và công cụ mảnh thô, công cụ đá thạch anh, đá vôi |
Hang MangChiêng |
Khoảng 20.000 |
Di cốt động vật hóa thạch; các end-choppers, công cụ không định hình, công cụ hình đĩa nhỏ, công cụ đá thạch anh, đá vôi |
3. Đặc trưng kỹ nghệ đá
Ngoài một vài di tích thuộc giai đoạn này có công cụ Hòa Bình tương đối tiêu chuẩn như ở Thẩm Khương và Hang Muối (hai di tích này địa tầng chưa rõ ràng), còn lại chúng ta thấy bộ công cụ đá có những đặc trưng riêng biệt, đó là những đặc điểm sau:
3.1. Về mặt loại hình
- Chỉ mới xuất hiện một vài nạo hình đĩa khá nhỏ, chưa có công cụ kiểu Sumatralith hình bầu dục, công cụ hình rìu hay rìu ngắn.
- Các công cụ dạng chopper thường không định hình, trong đó hầu hết là end-chopper, công cụ có mũi nhọn hình tam giác, rất hiếm side-chopper.
- Công cụ mảnh khá phổ biến nhưng thường ở không định hình, chỉ có vết tu chỉnh thô/vừa tạo rìa tác dụng.
3.2. Về mặt kỹ thuật
Giai đoạn này ngoài kỹ thuật ghè đẽo, đã xuất hiệkỹ thuật mài với chứng cứ bàn mài tìm thấy ở lớp sớm nhất của Mái đá Điều.
3.2. Về mặt chất liệu đá
Giai đoạn này nổi bật là sự sử dụng chất liệu đá thạch anh (quartz) để chế tác công cụ. Loại này chủ yếu ở dạng cuội lăn kích thước lớn, mức độ mài mòn kém cho nên trước khi ghè thành công cụ người ta phải tiến hành tách mảnh, công cụ thường kém quy chuẩn.
4. Tính chất kỹ nghệ và văn hóa
Như những đặc điểm nêu trên, tính chất kỹ nghệ đá giai đoạn này không phải là kỹ nghệ Sơn Vi, yếu tố Hòa Bình cũng còn khá mờ nhạt. Theo trật tự địa tầng thì kỹ nghệ này sẽ phát triển thành kỹ nghệ Hòa Bình là điều chắc chắn, như vậy mô hình tiến triển Sơn Vi-Hòa Bình vào giai đoạn 1-2 vạn năm trước cần phải xem xét lại. Kỹ nghệ Sơn Vi thực thụ có thể vẫn là tiền Hòa Bình nhưng ở giai đoạn xa xưa hơn khoảng 6-7 vạn năm trở về trước như Làng Vạc, Đồi Thông. Giữa Sơn Vi và Hòa Bình có lẽ còn một nhịp trung gian, đó là kỹ nghệ Hòa Bình sớm và thậm chí còn mang sắc thái một kỹ nghệ tiền Hòa Bình.
(Tác giả: Nguyễn Gia Đối)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học 2013)