Phát hiện hệ thống di tích khảo cổ Tiền sử trong hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông

Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô tỉnh Đắk Nông có diện tích khoảng 2.000 km2, gồm diện tích các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil và một số xã lân cận thuộc các huyện Đắk Song và Đắk Glong. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa được phát hiện (năm 2007) có tính độc đáo và quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Tính đến năm 2016, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện trong khu vực Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô có nhiều điểm di chỉ khảo cổ, hầu hết phân bố trên các gò đồi, nương rẫy hoặc ven sông suối, mà chưa hề được phát hiện trong các hang động núi lửa.

Từ cuối tháng 12/2016 đến đầu tháng 1/2017, trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ đột xuất của Dự án “Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam”, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, các nhà nghiên cứu (gồm La Thế Phúc, Nguyễn Khắc Sử, Vũ Tiến Đức, Lương Thị Tuất, Phan Thanh Toàn, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Trung Minh) đã phát hiện được nhiều di tích và di vật khảo cổ với mật độ khá dày trong các hang động núi lửa ở Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô. Các di vật khảo cổ vừa được phát hiện bao gồm:
- Đồ đá: đá nguyên liệu và các công cụ đá như công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn và rìu ngắn mài lưỡi, rìu hình bầu dục và rìu hình bầu dục mài lưỡi; công cụ mảnh tước, mảnh tước, phiến tước; hòn ghè, hòn kê, hòn mài, chày nghiền...; những hòn đá thạch anh sắc cạnh vừa tay cầm và những hòn đất vàng (hoàng thổ).

- Đồ gốm: rất nhiều dụng cụ bằng gốm có độ dày mỏng khác nhau, đa phần có độ nung còn thấp, dễ bị bẻ vỡ vụn, làm từ đất sét pha cát, hạt nhỏ, nặn tay, loại hình đơn giản, chủ yếu là nồi và đồ đựng; hoa văn trên các mảnh gốm khá sắc nét và đa dạng như chấm gạch, chấm dải, gạch dải, vặn thừng...

- Xương động vật: các mảnh xương ống của động vật không loại trừ có cả xương người Tiền sử (?). Xương không còn rắn chắc, dễ bị gãy vỡ vụn khi khô, phần rỗng của xương được lấp đầy bột sét ở thể xốp. Ngoài các mảnh xương trong hang còn có các răng hàm động vật đang hoá thạch. Theo xác định sơ bộ, đây là các răng thú của những động vật ăn cỏ.

khaoco1

khaoco2Một số hình ảnh các di vật khảo cổ các nhà khoa học phát hiện được

Những hang động có diện tích nền hang khá rộng, nền hang tương đối bằng phẳng, thông thoáng, cửa hang quay về hướng đông, đông nam hoặc chính nam tiếp thu được nhiều ánh sáng, cửa hang ra vào dễ dàng và phân bố ở gần nguồn nước sinh hoạt... là những hang mà các nhà khoa học thu được nhiều hiện vật khảo cổ hơn cả.

Có thể nói, đây là những phát hiện khảo cổ học Tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Việt Nam. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu chi tiết để bổ sung một loại hình cư trú mới, một hướng thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên và mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Nguồn tin: PGS. Nguyễn Trung Minh - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (http://www.vast.ac.vn)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027472
Số người đang online: 14