Viện Khảo cổ học: Quá trình thành lập và phát triển

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ngoài một số công trình nghiên cứu khảo cổ học của người Pháp để lại, có thể nói Khảo cổ học Việt Nam là một con số “không” tròn trĩnh.

Năm 1958, hoạt động khảo cổ học đầu tiên của ngành Khảo cổ học Việt Nam là các hoạt động “chữa cháy” mộ gạch Tam Thai và mộ hợp chất Nông Cống (Thanh Hóa) do PGS. TS. Hoàng Xuân Chinh và ông Nguyễn Ngọc Bích chủ trì (Khảo cổ học, số 5/2008: 104).

Khoảng năm 1960, Đội Khảo cổ học Việt Nam đầu tiên được thành lập trực thuộc Vụ Văn hóa Quần chúng - Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có trụ sở tại 22 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 1963, Bộ Văn hóa ra Quyết định số 511/VH-QĐ ngày 08/10/1963 thành lập Đội Khai quật khảo cổ trực thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng và chuyển trụ sở từ 22 Hai Bà Trưng về 61 Phan Chu Trinh, Hà Nội, với 18 đội viên do ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kiêm nhiệm làm Đội trưởng.

Cán bộ của Đội lúc đó chủ yếu là các cán bộ kỹ thuật khai quật, cán bộ 5 vẽ, chụp ảnh, phục chế hiện vật và chủ yếu là tiến hành khai quật “chữa cháy”, điều tra, phát hiện và bước đầu thu thập tư liệu (Khảo cổ học số 5/2008: 103-107).

Trong khoảng các năm 1960-1964, ở Việt Nam bắt đầu có sự đào tạo một số sinh viên khảo cổ từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và một số khác (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tốt nghiệp từ Liên Xô, Trung Quốc về bổ sung cho Đội.

Năm 1966, theo nhu cầu phát triển của khảo cổ học Việt Nam, Trung ương đã cho phép Bộ Văn hóa chuyển giao toàn bộ biên chế Đội Khai quật khảo cổ, trang thiết bị, trụ sở làm việc giao Viện KHXH Việt Nam quản lý. GS. Ca Văn Thỉnh, sau đó là GS. Phạm Huy Thông trực tiếp là Đội trưởng.

Từ Đội Khai quật khảo cổ học này, hai năm sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 59-CP ngày 14/5/1968 chính thức thành lập Viện Khảo cổ học Việt Nam trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, GS. VS. Phạm Huy Thông là vị Viện trưởng đầu tiên.

Ban đầu thành lập, quy mô của Viện còn rất khiêm tốn với khoảng 40 cán bộ. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khi đó gọi là tổ. Có tất cả 10 tổ chuyên môn - nghiệp vụ gồm: Tổ Đá cũ (gồm cả bộ môn Cổ nhân - Cổ sinh), Tổ Đá mới, Tổ Đồng và Sắt sớm, Tổ Phong kiến, Tổ miền Nam, Tổ Khai quật, Tổ Hành chính Quản trị, Tổ Tư liệu, Tổ Tạp chí, Tổ Kỹ thuật.

Năm 1978, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ban hành cơ cấu mới của Viện Khảo cổ học, theo đó các tổ nghiên cứu đổi tên là Ban, các tổ chức năng nghiệp vụ gọi là Phòng.

Năm 1976, đất nước thống nhất, Tổ miền Nam được chuyển vào thành bộ phận khảo cổ học phía Nam trực thuộc Viện KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1995, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ban hành cơ cấu mới của Viện Khảo cổ học. Tất cả các Ban được đồng loạt đổi gọi là Phòng. Cùng đó, bộ phận Cổ sinh-Cổ nhân tách ra khỏi Ban Đá cũ thành lập Phòng Nghiên cứu Con người và Môi trường cổ. Ban Đá cũ sát nhập với Ban Đá mới gọi là Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học thời đại Đá.

Từ năm 2000 - 2004 cho đến nay, cơ cấu tổ chức của Viện được tăng thêm Phòng Kỹ thuật cổ, Phòng Thí nghiệm và Xác định niên đại, Phòng Khảo cổ học dưới nước.

Năm 2011, theo yêu cầu của nhiệm vụ đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành được thành lập trực thuộc Viện Khảo cổ học. Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành của Viện được tách ra trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngày 27/2/2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 252/QĐ-KHXH quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện Khảo cổ học là: Nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khảo cổ học Việt Nam, nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam; Cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về Khảo cổ học; Tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hoá vật thể và phi vật thể Việt Nam.

Theo Quyết định này, hiện nay Viện Khảo cổ học có 13 Phòng với 07 phòng nghiên cứu khoa học: 1/Phòng nghiên cứu thời đại Đá; 2/Phòng nghiên cứu thời đại Kim khí; 3/Phòng nghiên cứu KCH Lịch sử; 4/Phòng nghiên cứu Con người và Môi trường cổ; 5/Phòng nghiên cứu Kỹ thuật cổ; 6/Phòng Khảo cổ học Dưới nước; 7/Phòng Xét nghiệm và xác định niên đại; 6 phòng chức năng, nghiệp vụ: 1/Phòng Tổ chức - Hành chính; 2/Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế; 3/Phòng Thông tin - Thư viện; 4/Phòng Vẽ và Phục chế; 5/Phòng Ảnh; 6/Phòng Biên tập - Trị sự. Tạp chí Khảo cổ học là cơ quan ngôn luận chính thức và duy nhất hiện nay của Viện Khảo cổ học và toàn ngành khảo cổ học Việt Nam.

Trong đào tạo, Viện Khảo cổ học nhiều năm liền là cơ sở đào tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao cho khảo cổ học cả nước. Hiện nay, Khoa Khảo cổ học thuộc Học viện KHXH được thành lập với lực lượng thầy cô của Khoa chủ yếu là cán bộ giảng dạy của Viện do Viện trưởng Viện Khảo cổ học là Trưởng khoa. Trên 80 tiến sĩ khảo cổ học cả nước được đào tạo ở đây đã trở thành các cán bộ giữ trọng trách trong nhiều cơ quan nghiên cứu, quản lý và giảng dạy trên phạm vi cả nước. Cố GS. Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng mệnh danh Viện Khảo cổ học là “lò luyện các tiến sỹ khảo cổ” (Khảo cổ học số 5/2004: 25-28).

Như vậy, từ Tổ lên Ban, từ Ban lên Phòng, từ 10 Tổ chuyên môn 7 nghiệp vụ lên 13 Phòng chuyên môn nghiệp vụ, từ đội ngũ chỉ khoảng vài chục cán bộ lên định biên 64 cán bộ, Viện Khảo cổ học được sự quan tâm của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, không ngừng lớn mạnh và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trong quá trình phát triển, Viện Khảo cổ học đã được sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn đầu thành lập, trong các giai đoạn 1968-1978, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của khảo cổ học Việt Nam (Khảo cổ học số 2/1969: 22-24; Khảo cổ học số 1/1969: 5-14; Khảo cổ học số 4/1978: 35). Cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2002-2003 đã lần lượt đón hầu hết các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước đến thăm động viên và khích lệ Viện Khảo cổ học phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9186772
Số người đang online: 9