Thành tựu nghiên cứu khoa học của Viện Khảo cổ học

1. Thực hiện thành công hệ thống đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và thu hút nhiều nguồn lực hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước

45 năm qua, bám sát chức năng và nhiệm vụ được giao, Viện Khảo cổ học đã lần lượt được giao thực hiện một hệ thống các đề tài và nhiệm vụ phong phú, đa dạng trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa - văn minh Việt Nam.

Không kể hệ thống đề tài cấp Viện được tiến hành đều đặn hàng năm, theo ngân sách được phê duyệt của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ năm 1968 đến năm 2012, Viện đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, tích cực phối hợp liên ngành, liên cơ quan lần lượt triển khai thực hiện trên 50 nhiệm vụ và đề tài do Nhà nước, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao thực hiện, tiêu biểu là các chương trình, nhiệm vụ lớn như sau:

- Mở đầu là đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu thời kỳ các vua Hùng dựng nước, dưới sự lãnh đạo của Cố GS. VS. Viện trưởng Phạm Huy Thông nhằm chứng minh thời kỳ các vua Hùng dựng nước là có thật, đánh thức và huy động “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” (thơ Tố Hữu) chống Mỹ.

- Năm 1993 đến năm 1998, Viện Khảo cổ học đã thực hiện nhiệm vụ đặc biệt cấp Nhà nước do Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp giao: Nghiên cứu cơ bản khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ.

- Năm 2001, khai quật và di dời 11.000m2 di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Kon Tum).

- Năm 2005-2006, khai quật và di dời 8.000m2 di chỉ khảo cổ học PleiKrong (Kon Tum).

- Năm 2002-2008, khai quật, di dời và bảo tồn cấp thiết 33.000m2 khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

- Năm 2008-2010, khai quật, di dời 31 di tích khảo cổ học tại khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La.

- Khai quật, di dời 15 di tích ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

- Năm 2011-2012, khai quật, di dời 12 di tích khảo cổ Huội Quảng - Bản Chát (Sơn La).

Song song với các nhiệm vụ chính trên đây, Viện Khảo cổ học còn được nhiều cơ quan đơn vị trong và ngoài nước mời tham gia nhiều chương trình nghiên cứu lớn khác. Thống kê sơ bộ, trong khoảng 10 năm từ năm 2002 đến năm 2012, Viện đã thực hiện 159 lượt đề tài nghiên cứu thuộc loại này. Nhiều địa phương có số lần hợp tác rất lớn như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa, trong đó có 80 cuộc hợp tác nghiên cứu khảo cổ học thời Tiền sử và Sơ sử, 79 cuộc hợp tác nghiên cứu khảo cổ học lịch sử mà điển hình là cuộc khai quật 24.000m2 di tích đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa).

Có thể nói, cuối thế kỷ XX và đặc biệt trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI, Viện Khảo cổ học vinh dự được Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ lớn, nghiên cứu và khai quật các địa điểm khảo cổ học có diện tích lớn chưa từng có trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam với kết quả tốt được công luận đánh giá cao.

Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, nhà nghiên cứu trứ danh Trần Bạch Đằng khẳng định: “Phát hiện Hoàng thành Thăng Long dưới lòng đất- Thành tựu số 1 của khoa học lịch sử Việt Nam” (Khảo cổ học số 1/2006: 68).

2. Những đóng góp to lớn vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa dân tộc

2.1. Những đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc

Khảo cổ học thực chất là một ngành thuộc khoa học lịch sử, nghiên cứu lịch sử dân tộc bằng sử liệu vật thật. Theo đó, 45 năm qua, qua mỗi chặng đường nghiên cứu, Viện Khảo cổ học đã đạt được những thành tựu có giá trị cao trong việc góp phần nghiên cứu lịch sử dân tộc.

a. Nghiên cứu, lần tìm những trang sử xa xưa nhất của Tổ quốc - “thời kỳ tổ tiên của tổ tiên ta” (Phạm Huy Thông)

Trong việc nghiên cứu thời này, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Đối với lịch sử Việt Nam, khảo cổ học gần như giữ vai trò thống soái trong nghiên cứu thời Tiền sử, thời Sơ sử” (Phan Huy Lê 2004: 23).

Đúng vậy, 45 năm qua, Viện Khảo cổ học, cụ thể là các nhà tiền sử học của Viện đã bền bỉ vượt mọi khó khăn nguy hiểm, tiến hành khảo sát, thám sát và khai quật ở khắp các vùng núi cao, rừng rậm, lần lượt xác định bước đầu các dấu mốc của những trang sử tối cổ của Tổ quốc.

- Xác định ngọn nguồn của con người trên đất Việt Nam từ nửa triệu năm trở về trước:

Các nhà Tiền sử học của Viện đã tìm thấy dấu vết xác thực của người vượn Homoerectus ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) được xác định niên đại bằng phương pháp ESR cho kết quả từ 401 ± 51 nghìn đến 534 ± 87 nghìn năm BP, xác nhận sự có mặt của người vượn Việt Nam xuất hiện ít ra cách đây khoảng nửa triệu năm.

- Xác định các trang sử tiếp theo qua việc nghiên cứu hệ thống các Văn hóa phát triển liên tục theo các giai đoạn sau:

+ Bước đầu được xác nhận con người thời đại đá cũ ở Việt Nam với 2 giai đoạn: Người Khôn ngoan (Homo sapiens) sớm và người Khôn ngoan muộn. Thuộc giai đoạn sớm có di cốt người hóa thạch ở Hang Hùm (Yên Bái) và Thẩm Ồm (Nghệ An). Những răng hóa thạch người Homo sapiens tìm thấy ở Thẩm Ồm vừa có yếu tố Homo erectus vừa có yếu tố Homo sapiens, nằm trong trầm tích Pleistocene, được dự đoán niên đại 80.000 năm. Thuộc giai đoạn muộn, có dấu tích di cốt người ở các di tích văn hóa Hậu kỳ đá cũ Ngườm, Sơn Vi, di cốt người hóa thạch ở Thung Lang (Ninh Bình), Kéo Lèng (Lạng Sơn).

+ Tham gia nghiên cứu và xác định kỹ nghệ Ngườm (Văn hóa Ngườm) là kỹ nghệ mảnh tước nhỏ tu chỉnh tồn tại trước kỹ nghệ cuội ghè niên đại từ 40.000 đến 23.000 năm cách ngày nay.

+ Tham gia phát hiện và đóng vai trò chủ chốt trong việc nghiên cứu các di tích văn hóa Sơn Vi ở Phú Thọ và hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du Bắc Việt Nam. Niên đại văn hóa Sơn Vi tồn tại trong khung niên đại từ 30.000 đến 11.000 năm BP.

+ Cùng với việc xác định 2 kỹ nghệ Hậu kỳ Đá cũ nói trên, Viện Khảo cổ học Việt Nam bước đầu còn nhận diện 2 kỹ nghệ khác: Kỹ nghệ Nậm Tun - Bản Phố ở thượng nguồn sông Đà, Kỹ nghệ Điều ở vùng núi đá vôi miền Tây Bắc Thanh Hóa. Việc nghiên cứu các kỹ nghệ nói trên mới được bắt đầu và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

- Nghiên cứu và nhận thức mới về Văn hóa Hòa Bình-Văn hóa Bắc Sơn:

Văn hóa Hòa Bình và Văn hóa Bắc Sơn do người Pháp định danh với niên đại Đá cũ, Đá giữa và Đá mới.

Với các kết quả nghiên cứu mới, Viện Khảo cổ học xác định phần lớn các di tích văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại Đá mới - Thời đại xuất hiện rìu mài lưỡi, bước đầu xuất hiện nông nghiệp sơ khai và sử dụng đồ gốm. Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam có số lượng di tích nhiều nhất, niên đại sớm nhất (17.000 - 7.000 năm BP) và là hiện tượng văn hóa chung của Đông Nam Á lục địa.

Ở vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Viện Khảo cổ học cũng tập trung nghiên cứu địa điểm Soi Nhụ và một số địa điểm khác niên đại có cùng bình tuyến với văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Có nhiều khả năng xác lập một nhóm di tích sơ kỳ đá mới riêng biệt cho cả vùng duyên hải vùng Đông Bắc nước ta.

- Góp phần xác định những con đường tiến lên Hậu kỳ Đá mới ở Việt Nam:

Sau bình tuyến Hòa Bình - Bắc Sơn, việc xác lập các văn hóa khảo cổ thời đại Đá mới ở Việt Nam được xem là một trong những thành tựu quan trọng của khảo cổ học Việt Nam thế kỷ 20. Kế thừa các thành tựu nghiên cứu của người Pháp, Viện Khảo cổ học đã tích cực nghiên cứu góp phần xác định rõ các con đường phát triển sau Hòa Bình - Bắc Sơn gồm: Văn hóa Đa Bút (Thanh Hóa, Ninh Bình); Nhóm di tích hay văn hóa Cái Bèo (Hải Phòng - Quảng Ninh); Văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An - Hà Tĩnh). Ở miền Trung có di tích Bàu Dũ (do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nghiên cứu). Đó là 4 con đường tiến lên Hậu kỳ đá mới ở Việt Nam.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu phân lập các văn hóa Hậu kỳ đá mới: Vào những năm cuối thế kỷ XX, Viện Khảo cổ học đã tập trung nghiên cứu và phân lập được 5 văn hóa trên tổng số 7 văn hóa Hậu kỳ đá mới ở Việt Nam: Văn hóa Hà Giang; Văn hóa Mai Pha; Văn hóa Biển Hồ; Văn hóa Buôn Triết; Văn hóa Lung Leng.

Các văn hóa Hạ Long, Văn hóa Bàu Tró vốn đã được nghiên cứu từ trước, Viện Khảo cổ học tham gia nghiên cứu làm rõ thêm nhiều điểm mới.

Như vậy, có thể nói khảo cổ học tiền sử của Viện được mùa lớn trong việc nghiên cứu các văn hóa Đá mới ở Việt Nam.

b. Nghiên cứu chứng minh thời kỳ các vua Hùng dựng nước là có thật, góp phần quyết định đưa thời kỳ này vào Chính sử Việt Nam và ngày càng nhận diện rõ hơn thời kỳ sơ sử và nhà nước sơ khai ở Việt Nam:

Trước khi Viện Khảo cổ học tiến hành thực hiện đề tài này, tất cả các cuốn sử Việt Nam, từ Đại Việt sử lược thời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê, Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn cho đến Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim … khi viết lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời Thục An Dương Vương đều coi đây là thời kỳ truyền thuyết mà gốc của nó như Sử thần nổi tiếng Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ nói là “ở dã sử” (ĐVSKTT tập I, 1998: 103). Sử gia Đào Duy Anh bàn về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam thời kỳ này gọi là “Nguồn gốc truyền kỳ” (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Nxb. Thế giới, 1950: 11).

Riêng đối với các học giả phương Tây, sự rực rỡ của văn hóa Đông Sơn được họ xem là kết quả của các cuộc thiên di dài dằng dặc từ tận châu Âu xa xôi qua Trung Hoa tràn tới. Do tính cấp thiết như vậy, trong muôn vàn khó khăn của cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, trong các năm 1968 - 1970 Viện Khảo cổ học dưới sự lãnh đạo của UBKHXH Việt Nam và Viện trưởng Phạm Huy Thông đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu thời kỳ Các vua Hùng dựng nước, lôi cuốn được hầu hết các trí tuệ đầu ngành của các nhà khảo cổ học, sử học, dân tộc học, bảo tàng học, địa lý học lịch sử, văn hóa dân gian… tham gia nghiên cứu.

Kết thúc đề tài, các nhà khoa học đã xác định rõ được thời đại các vua Hùng dựng nước là có thật, bác bỏ thuyết phục luận điểm nguồn gốc thiên di của dân tộc Việt Nam, vén đám mây mù huyền thoại để đến cái “lõi” sự thật lịch sử của thời kỳ này là 4 giai đoạn văn hóa vật chất phát triển liên tục từ 2.000 năm trước Công nguyên đến 1 - 2 thế kỷ đầu Công nguyên: Đó là phổ hệ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn ở khắp khu vực Bắc Việt Nam.

Năm 1971, lần đầu tiên, thành tựu nghiên cứu này đã chính thức được đưa vào bộ thông sử quốc gia Việt Nam, góp phần xứng đáng vào việc phục vụ công cuộc thức dậy quá khứ 4.000 năm vào trận chiến thắng Mỹ thống nhất nước nhà (Lịch sử Việt Nam, tập I Nxb. KHXH năm 1971, Hà Nội).

c. Góp phần nghiên cứu làm rõ diễn biến văn hóa của thời kỳ Sơ sử và Nhà nước sớm ở miền Trung và Nam Bộ

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Viện Khảo cổ học cùng các nhà khảo cổ học cả nước tham gia nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ các nội dung của văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai và tiền Đồng Nai. Một mặt, Viện đã điều động một số cán bộ vào xây dựng bộ phận khảo cổ học phía Nam, mặt khác, các cán bộ của Viện tiếp tục trực tiếp tham gia các chương trình nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực miền Trung và Nam Bộ.

Ở khu vực miền Trung, cán bộ của Viện đã tham gia xác định các bước tiến lên văn hóa Sa Huỳnh gồm: Giai đoạn Xóm Cồn; Giai đoạn Long Thạnh; Giai đoạn Bình Châu. Trong các giai đoạn này, Viện đã khai quật và nghiên cứu di chỉ Bình Châu. Đối với Văn hóa Sa Huỳnh, Viện đã tham gia phát hiện và khai quật các di chỉ quan trọng của văn hóa Sa Huỳnh: Tam Mỹ, Đại Lãnh, Quế Lộc, Phú Hòa, Suối Chồn, Bầu Hòe, Động Láng, Hòn Đỏ II, Pa Xua, Tiên Hà, Phước Hải, Cồn Ràng...

Ở Nam Bộ, các cán bộ của Viện cũng tích cực phối hợp với các nhà khảo cổ học phía Nam và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tham gia nghiên cứu làm rõ quá trình tiến lên văn hóa Đồng Nai ở Đông Nam Bộ là các giai đoạn: Cầu Sắt - Bến Đò - Cù Lao Rùa - Dốc Chùa.

Các cán bộ Viện cũng đã tham gia khai quật gò Cao Su, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, góp phần làm rõ sự phát triển văn hóa sau Dốc Chùa.

Như vậy, song song với việc làm rõ tính xác thực của thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên ở phía Bắc, Viện cùng với các nhà khảo cổ học cả nước nghiên cứu góp phần làm rõ hệ thống phát triển liên tục của các văn hóa thời Sơ sử và Nhà nước sớm ở 3 miền với 3 trung tâm, 3 hệ thống văn hóa phát triển tại chỗ, liên tục, bước đầu phác lên một bức tranh toàn cảnh hết sức sống động của thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

d. Đẩy mạnh việc nghiên cứu toàn diện các vấn đề khoa học thuộc các thời kỳ lịch sử

Về vai trò của khảo cổ học Việt Nam trong thời kỳ này, GS. NGDN. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định:

“Khảo cổ học là người bạn đồng hành với sử học trong nghiên cứu thời Cổ - Trung đại cho đến thời Cận - Hiện đại. Nhiều phát hiện của các nhà khảo cổ học với giá trị chân thực của các di tích, di vật đã buộc các nhà sử học phải xem xét lại nhận thức của mình và cùng nhau nâng cao trình độ của khoa học lịch sử cho phù hợp hơn với đối tượng là lịch sử khách quan luôn tồn tại ngoài ý thức của nhà khoa học” (Khảo cổ học số 5/2004: 23). Theo đó, Viện Khảo cổ học đã tham gia góp phần nghiên cứu lịch sử thời Cổ - Trung đại và Cận đại Việt Nam một số vấn đề cơ bản như sau:

d.1. Góp các chứng lý vật chất về sức sống của văn hóa Việt và người Việt trong đêm trường nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.

Sau thời kỳ Hùng Vương dựng nước, các chứng cứ của văn hóa Việt tồn tại như thế nào trong khi mà khắp Bắc Việt Nam thời kỳ này dường như chỉ tồn tại các chứng cứ văn hóa Hán, mà tiêu biểu là hệ thống mộ gạch Hán. Dấu tích văn hóa Đông Sơn rực rỡ một thời hầu như bị biến mất, phải chăng Bắc Việt Nam bị Hán hóa hoàn toàn?

Nhận thức rõ vai trò khảo cổ học trong việc giải quyết vấn đề này, Viện Khảo cổ học đã tập trung nghiên cứu đề tài “Văn hóa Việt Nam 10 thế kỷ sau Công nguyên”. Viện đã nghiên cứu và chứng minh rằng có một hệ thống các chứng cứ vật chất của người Việt (mộ thuyền, mộ đất, đồ gốm…) luôn luôn tồn tại bền vững, song hành với truyền thống mộ gạch Trung Hoa mặc dù văn hóa Việt không chối bỏ giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Điều đó chứng minh rằng vì sao trong suốt đêm trường nghìn năm Bắc thuộc khốc liệt, người Việt vẫn kiên cường bám trụ và liên tục khởi nghĩa để dần dần tiến lên giành lại độc lập hoàn toàn vào thế kỷ X. Hệ luận tất yếu được rút ra là:

- Trong khoảng 10 thế kỷ Bắc thuộc, tuyệt đại đa số người Việt, chủ nhân văn hóa Đông Sơn không hề bị đồng hóa, dồn ép đi nơi khác mà lúc nào cũng có mặt trên đất nước họ, liên tục, bền bỉ gìn giữ, giao lưu và phát triển truyền thống văn hóa bản địa.

- Đến thế kỷ X, mộ gạch Trung Hoa thì tuyệt tích, trong khi mà các mộ thuyền, mộ đất Việt vẫn tồn tại và phát triển chứng minh sự tồn tại liên tục của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

“Chính nhờ chống Hán, Đường mà ta vẫn là ta” là kết luận lớn mà Viện Khảo cổ học rút ra sau khi kết thúc việc thực hiện đề tài này (Khảo cổ học số 1/1980: 1-5). Thành tựu quan trọng đó cũng góp phần lý giải thuyết phục cho hiện tượng “phục hưng” rực rỡ của văn hóa Đại Việt thế kỷ X-XV.

d.2. Làm sáng tỏ thêm lịch sử và văn hóa các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý -Trần - Lê sơ - Lê- Mạc - Lê Trung hưng và Nguyễn.

Theo sử sách, các triều đại này nối tiếp trong lịch sử Việt Nam với võ công giữ nước hiển hách, văn chương phát triển rực rỡ.

Khảo cổ học lịch sử qua việc lần tìm các dấu tích kiến trúc cung điện, thành quách, chùa tháp, đình chùa, miếu mạo, các thương cảng, các lò gốm, các di tích chiến trường, tàu đắm… của các triều đại, qua đó đã từng bước làm rõ và chứng minh: Không chỉ có võ công và văn chương học thuật, thời kỳ này còn có các thành tựu nghệ thuật rực rỡ, giàu bản lĩnh sáng tạo và mang đậm bản sắc Việt Nam. Đỉnh cao của việc nghiên cứu thời kỳ này là cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.

Lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam, có một cuộc khai quật được Bộ Chính trị đánh giá: “Quá trình khảo cổ để phát hiện được những di tích và hiện vật tại khu vực phía tây (của) Hoàng thành Thăng Long xưa, cùng một số lượng lớn các hiện vật phong phú, quý giá gắn với lịch sử hơn 1.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội, với các văn hóa kế tiếp nhau qua các thời kỳ từ thế kỷ thứ VII tiếp nối đến thời đại Hồ Chí Minh. Kết quả khai quật giúp chúng ta thêm hiểu rõ và tự hào về lịch sử dân tộc, về Thủ đô Hà Nội” (Thông báo số 126/TB/TW của Bộ Chính trị ngày 05/11/2003).

Tổng hợp các thành tựu của khảo cổ học lịch sử do Viện Khảo cổ học thực hiện, cùng hệ thống di tích khảo cổ học lịch sử được nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc, có thể khái quát hai giá trị nổi bật như sau:

- Giá trị thứ nhất: Các di tích khảo cổ học lịch sử đã chứng minh tiềm lực và trình độ cao của văn hóa, văn minh Việt Nam. GS. Inoue, chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu kinh thành Nhật Bản (đại học Meiji, Tokyo) khi tham quan và nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2004 đã đánh giá: “Qua những di tích kiến trúc, chúng ta hiểu biết được rằng lúc đó trình độ văn hóa của dân tộc Việt Nam rất cao” (Hoàng thành Thăng Long, phát hiện khảo cổ học, Hội Sử học Việt Nam xuất bản năm 2004: 134).

- Giá trị thứ hai: Khẳng định và chứng minh trong giao lưu phong phú và rộng mở với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, văn hóa và văn minh Việt Nam đã thể hiện được sự hội tụ và kết tinh các tinh hoa văn hóa của khu vực và văn hóa bản địa để sáng tạo nên một nền văn minh Đại Việt phong phú mang đậm sắc thái Việt Nam (trích ý của Quyết định số 34 COM8B.22 năm 2010 của Ủy ban Di sản Thế giới đánh giá giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long).

Các giá trị trên đây hiển nhiên bác bỏ các quan điểm sai lầm một thời từng lưu hành rằng văn minh Đại Việt bắt nguồn từ văn minh Trung Hoa, khẳng định và chứng minh rõ ràng bản sắc văn hóa, văn hiến Việt Nam đúng như các danh nhân văn hóa Việt Nam như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn… từng khẳng định.

d.3. Tham gia nghiên cứu văn hóa Champa

Trước năm 1975, khảo cổ học Champa được các học giả phương Tây đặc biệt chú ý đến các đền tháp.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Viện Khảo cổ học đã chú ý nghiên cứu các tòa thành Chăm, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của Champa qua các khu vực khác nhau như thành Thi Nại, An Thành, Chà Bàn, Châu Sa, Trà Kiệu... Không chỉ chú ý nghiên cứu cấu trúc, quy mô, khảo cổ học đã đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu các di tích cư trú trong và ngoài các tòa thành.

Viện cũng đã chú ý hợp tác nghiên cứu các di tích Chăm trong sự tiếp nối và tiếp biến với di tích Việt như từ thành Trà Kiệu đến thành Hoàng Đế thời Tây Sơn, từ một trung tâm cư trú Chăm tiến lên thành Hóa Châu thời Trần…

Viện Khảo cổ học đã hợp tác nhiều năm với các nhà khảo cổ học Nhật Bản, Bỉ trong nhiều năm trong việc làm rõ trung tâm sản xuất gốm Gò Sành, Trương Cửu. Đẩy mạnh nghiên cứu gốm Chăm và các thương cảng Chăm. Bước đầu đã tham gia nghiên cứu cảng Đại Chiêm (Hội An), Mai Xá (Quảng Trị), Cách Thử, Thị Nại (Bình Định).

Từ các kết quả nghiên cứu này, Viện Khảo cổ học đã góp phần làm sáng tỏ diễn biến của văn hóa Chăm, quá trình giao lưu hòa hợp văn hóa Việt - Chăm.

d.4. Tham gia nghiên cứu nguồn gốc, nội dung và diễn biến của văn hóa Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo đã được nghiên cứu và định danh từ thời Pháp thuộc. Sau năm 1975, bộ phận khảo cổ học phía Nam đã tiếp tục nghiên cứu nhiều di tích kiến trúc Óc Eo.

Theo chương trình của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Viện Khảo cổ học chủ trương đẩy mạnh việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo với mục tiêu chủ đạo là cùng với việc tiếp tục nghiên cứu các di tích kiến trúc, chú ý hơn đến việc nghiên cứu nguồn gốc văn hóa Óc Eo, diễn biến của văn hóa Óc Eo qua việc tăng cường nghiên cứu các di chỉ cư trú, tăng cường nghiên cứu đồ gốm. Theo đó, Viện Khảo cổ học đã có các cuộc khai quật di chỉ và di tích Gò Cây Tung, Gò Tháp, Gò Thành Mới, Ấp Nhơn Thành, Bình Thạnh, gò Cao Su, Đá Nổi, Nền Vua, Cát Tiên... Các đợt nghiên cứu này đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục toàn diện hơn đời sống cũng như các sắc thái văn hóa của cư dân Óc Eo, góp phần làm rõ nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo với việc khẳng định có nhiều con đường Tiền Óc Eo tiến lên Óc Eo ở vùng đất Nam Bộ. Các con đường đó được gợi mở phần nào qua việc nghiên cứu các di chỉ Gò Cây Tung, Gò Tháp, Gò Cao Su, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Nổi... Diễn biến văn hóa Óc Eo và diễn biến từ văn hóa Óc Eo sang Hậu Óc Eo cũng bước đầu được khơi gợi và do đó góp phần khẳng quyết hơn nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo.

2.2. Cung cấp nguồn sử liệu có giá trị khoa học cao góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam

Nhận thức vai trò to lớn của khảo cổ học trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc gắn với việc góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, liên tiếp trong các năm 1993, 1994, 1995, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao Viện Khảo cổ học tiến hành chương trình đặc biệt Điều tra, nghiên cứu cơ bản khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ. Đề tài đã được Viện Khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo tiếp nối trong các năm 1996, 1997, 1998 và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Ở Quần đảo Trường Sa đã phát hiện các dấu tích của người Việt liên tục có mặt ở đây từ khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIX-XX. Đó là kết quả rất lớn của khảo cổ học Việt Nam và qua đó chúng ta chứng minh rất rõ chủ quyền của Việt Nam từ rất sớm tại quần đảo Trường Sa.

Riêng đối với Hoàng Sa, ngay từ năm 1979, cán bộ của Viện đã có sách Hoàng Sa quần đảo Việt Nam (Văn Trọng: Hoàng Sa quần đảo Việt Nam, Nxb KHXH, 1979).

Ở khu vực Tây Nguyên, một hệ thống gần 150 di tích tiền, sơ sử và lịch sử cũng đã được phát hiện và nghiên cứu. Đã làm rõ và phân lập được một hệ thống các Văn hóa Tiền sử ở Tây Nguyên trong mối quan hệ giao lưu rộng mở để tiến tới hòa hợp dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ở Nam Bộ, như đã trình bày ở trên, Chương trình đã tập trung nghiên cứu gợi mở các con đường tiến lên văn hóa Óc Eo và đặc trưng văn hóa Óc Eo... Tổng kết chương trình, GS. NGND Hà Văn Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định hai thành tựu chính: Thứ nhất: “Chúng ta đang có cơ may tìm được nguồn gốc một nền văn minh: Văn hóa Óc Eo”; Thứ hai: “Các văn hóa tiền Óc Eo, và do đó cả văn hóa Óc Eo là của những người nói tiếng Nam Đảo chứ không phải là người Khơme… Đây là giả thuyết khoa học nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa chính trị” (Khảo cổ học Trường Sơn - Tây Nguyên - Nam Bộ 1996, Tư liệu Viện Khảo cổ học: 6-7). Các kết luận này hiển nhiên còn mang tính giả thuyết, nhưng là những giả thiết có cơ sở khoa học bước đầu đáng tin cậy. Nó giúp chúng ta các chứng lý khoa học lịch sử vững chắc khẳng định chủ quyền dân tộc ở khu vực Nam Bộ.

Các chương trình nghiên cứu trên đây vẫn đã và đang được tiếp tục nghiên cứu lâu dài.

2.3. Góp phần bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc và xây dựng thành công các hồ sơ Di sản Thế giới

Các di sản khảo cổ học là một bộ phận quan trọng mật thiết trong hệ thống các di sản văn hóa dân tộc. Nét đặc biệt của loại hình di sản này là cực kỳ dễ bị phá hủy và thực tế nhiều di tích khảo cổ học ở Việt Nam đã bị hủy hoại rất nghiêm trọng. Các di tích khảo cổ nổi tiếng như Đông Sơn, Làng Vạc, Phùng Nguyên…. gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Công ước Quốc tế khảo cổ học Lausanne của UNESCO nhấn mạnh: Di sản khảo cổ học là một loại hình cực kỳ mong manh và không thể tái sinh. Mong manh nghĩa là di sản rất khó bảo tồn; Không thể tái sinh nghĩa là một khi di tích đã mất đi là mất đi vĩnh viễn.

Từ 45 năm trước, khi động viên các nhà khảo cổ học tập trung nghiên cứu thời các vua Hùng, vua Thục, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ điều này và căn dặn: “Đất nước ta có thể tàng trữ những di vật quý báu không những đối với ta mà còn đối với nhiều nước trên thế giới. Những di vật ở dưới lòng đất là một kho tàng rất quý báu vô giá. Nếu để mất đi thì không có cách gì lấy lại được. Nếu không giữ gìn, có thể nó mất đi, mất thì hết…Phải tìm cách giữ gìn cho được, bảo tồn cho được” (Khảo cổ học số 1/ 1969: 9-10).

Như vậy, khảo cổ học dưới góc độ của mình nhất thiết phải tham gia mạnh mẽ vào công tác bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc. Thực tế, trong những năm qua, Viện Khảo cổ học đã góp phần bảo tồn di sản dân tộc trên các phương diện: Phát hiện, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích, đề xuất, kiến nghị các cấp độ bảo tồn di tích; Xử lý bảo tồn cấp thiết tại chỗ ngay khi di tích được xuất lộ, hoặc di dời, bảo quản cấp thiết di tích khi được các cấp có thẩm quyền yêu cầu; Cung cấp các dữ liệu di tích để các nhà Bảo tồn học xử lý bảo tồn, xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ tôn tạo di tích.

Xây dựng các hồ sơ khoa học chính là một cấp độ bảo tồn di tích. Theo đó, Viện Khảo cổ học có trên 670 bộ hồ sơ bao gồm báo cáo khoa học, bản vẽ, bản ảnh, bản dập, nhật ký khai quật đang được lưu trữ cẩn thận. Hàng loạt hồ sơ đã được các nhà Bảo tồn học tham khảo phục vụ việc bảo vệ, bảo tồn và trùng tu.

Viện Khảo cổ học đã chủ trì nghiên cứu, đánh giá giá trị và tư vấn để Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đề xuất bảo vệ, bảo tồn toàn bộ Di sản Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, tham gia xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, phụ lục hồ sơ và các giải trình hồ sơ Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Đã nghiên cứu, cung cấp tư liệu khảo cổ học và chủ trì xây dựng hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ lần thứ 2, xây dựng các phụ lục hồ sơ, kế hoạch quản lý, giải trình chất vấn cho hồ sơ di sản Thành Nhà Hồ.

Tham gia nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới Tràng An.

Trong các di sản trên đây, Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ đã trở thành Di sản Thế giới. Di sản Tràng An đang được xem xét với tín hiệu khả quan từ UNESCO.

Hiện nay, công tác xây dựng quy hoạch khảo cổ học nhằm bảo vệ tốt các di sản khảo cổ học trong mối quan hệ hài hòa với công tác xây dựng đang được một số địa phương quan tâm. Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa đã đi đầu trong việc điều tra, nghiên cứu xây dựng quy hoạch khảo cổ học Khánh Hòa. Sắp tới Viện đã và đang khởi động chương trình xây dựng quy hoạch khảo cổ học với Hà Nội, Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Ninh v.v… Hy vọng công tác quan trọng này sẽ có thành tựu bước đầu trong thời gian tới.

Với các thành tựu bảo tồn tiêu biểu nói trên, PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đánh giá: “… Với những hoạt động có hiệu quả thiết thực, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Viện Khảo cổ học đã và đang đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc” (Khảo cổ học số 5/2004: 36).

2.4. Tích cực hợp tác quốc tế, tích cực tuyên truyền quảng bá tri thức khảo cổ học với công chúng và bạn bè quốc tế

Không ngừng nâng cao trình độ tri thức, Viện Khảo cổ học đã thu hút sự chú ý của hàng loạt các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học quốc tế tham gia phối hợp nghiên cứu như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Bỉ, Bungari, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, v.v…, các tổ chức khảo cổ học quốc tế lớn IPPA, SPAFA, Nabunkens… Thông qua các tổ chức khảo cổ học và các nhà khoa học quốc tế, Viện đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế lớn như Hội nghị Văn hóa Hòa Bình năm 1993, Hội nghị Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam (2001), Hội nghị Tiền sử Châu Á - Thái Bình Dương (IPPA 2009), hai Hội nghị tư vấn quốc tế về việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long.

Trên 2.000 bài báo đăng trên 180 số tạp chí Khảo cổ học có chất lượng được công luận khoa học đánh giá cao.

Cùng đó, hệ thống sách có giá trị khoa học lớn cũng đã được in ấn vừa phục vụ việc quảng bá Di sản vừa phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu là các bộ sách lớn như: Hùng Vương dựng nước (4 tập), Trống đồng Đông Sơn, Văn hóa Đông Sơn, Khảo cổ học Việt Nam (3 tập), Hoàng thành Thăng Long, Hoàng thành Thăng Long - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất, Thành Nhà Hồ, 47 tập kỷ yếu các Phát hiện khảo cổ học mới hàng năm và hàng trăm đầu sách của các cán bộ nghiên cứu khảo cổ học.

Cụm công trình Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Việt Nam của GS. Phạm Huy Thông, Theo dấu các nền văn hóa cổ của GS. Hà Văn Tấn được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Sách Hoàng thành Thăng Long năm 2008 do PGS. TS. Tống Trung Tín chủ biên được sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ Hội nghị APEC của Nhà nước.

Công trình Hoàng thành Thăng Long - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất và Thành Nhà Hồ do PGS. TS. Tống Trung Tín chủ biên được trao giải Bạc sách hay.

Thư viện

- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2024 - Số trang: 722tr
- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2020 - Số trang: 312tr
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Số trang: 403tr - Khổ: 16 x 24cm
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính - Nhà xb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2019 - Số trang: 1022tr
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Nhà xb: Hà Nội - Năm xb: 2022 - Số trang: 492 tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 8859680
Số người đang online: 37