Phát hiện cây cầu đá thời Lê tại Trà Lĩnh, Cao Bằng

Phát hiện cây cầu đá thời Lê tại Trà Lĩnh, Cao Bằng

 

 

Trong thời gian tiến hành điều tra khảo sát khảo cổ học tại huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng cán bộ Viện Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đã phát hiện di tích cầu đá cổ tại thôn Cốc Khoác, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh. Cầu cách đường biên giới Việt - Trung khoảng 5km về phía tây nam, với kích thước: dài 13m, rộng 2,5m.

Phát hiện cây cầu đá thời Lê tại Trà Lĩnh, Cao Bằng

Cầu có cấu trúc vòm hình bán nguyệt, phân bố theo hướng Đông – Tây, được xây bằng hàng trăm phiến đá hình khối chữ nhật đẽo vuông vắn với các bề mặt khá bằng phẳng, với nhiều kích cỡ khác nhau. Các viên đá có kích thước trung bình dài 67cm, rộng 35cm, dày 25cm; viên lớn nhất dài 175cm, rộng 40cm, dày 25cm, được gắn chắp bằng chất kết dính là vữa vôi và mật. Ở vị trí đỉnh vòm có xây chèn bằng những tảng đá có mặt cắt hình thang với tác dụng như là những chiếc nêm nêm chặt (giống như những viên gạch múi bưởi xây vòm cửa). Toàn bộ những tảng đá này không có hoa văn trang trí trên bề mặt.

Cây cầu được bắc ngang khúc suối nước chảy xiết, hai bờ đối diện có những dải đá lớn trồi lên, người xưa đã đục, san bạt đặt lên đó những tấm đá lớn tạo hai móng trụ cầu. Do địa hình tại khu vực mà móng cầu bờ đông cao hơn móng bờ tây khoảng 45cm. Hai trụ cầu có kích thước rộng 2,50m, dày khoảng 3,0m,khoảng cách hai chân trụ 6,8m. Độ cao của đỉnh vòm cầu (mặt đáy) so với bề mặt nước đo được vào mùa mưa là 4,20m. Trên bề mặt cầu còn dấu tích của các viên đá rải trên bề mặt.

Theo những cụ già dân tộc Tày, Nùng trong làng cho biết xưa kia hai bên cầu có hàng lan can thấp xây bằng đá, trải qua thời gian dài sử dụng, hang lan can đá bị rơi vỡ, ngày nay chúng được thay bằng loại gạch xi măng trộn cát vàng. Quanh thân cầu hiện nay cây xanh leo phủ kín, che khuất đỉnh vòm cầu.

Cách đầu cầu phía đông khoảng hơn 10m, có một tấm bia đá ven đường ghi lại sự tích dựng cầu. Bia khá lớn, cao 1,43m,  rộng 0,70m, dày 0,12m,  trán bia hình vòm không trang trí hoa văn. Do được làm bằng đá granite có kết cấu hạt thô, trải qua thời gian dài nắng mưa khiến cho mặt bia bị bào mòn không đều, các phần chữ Hán trên bia cũng đã bị mài mòn phần lớn. Trên trán bia còn lưu lại 4 đại tự: “ Dao Quang Củng Kiều”. Qua khảo sát sơ bộ bước đầu cho thấy bia được dựng vào năm Minh Mạng năm thứ 18 (năm 1837), cầu được xây dựng từ thời vua Cảnh Hưng năm thứ 49 (năm 1789). Đến năm Minh Mạng thứ 18, cầu được trùng tu sửa chữa, gia cố thêm nhờ vào sự đóng góp tiền của, công sức của các thổ hào họ Nông giàu có trong vùng. Bia cũng nhắc đến niên hiệu vua Quang Trung năm thứ tư (năm 1791) có sự kiện gì đó liên quan đến vùng này. Đây là tấm bia có giá trị lịch sử – văn hoá cao, có thể khai thác ở đó nhiều sử liệu về một giai đoạn lịch sử quan trọng - bước chuyển từ thời đại cuối Lê đầu Nguyễn ở khu vực miền núi phía Bắc này.

       Theo TS. Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, trưởng Đoàn khảo sát cho biết qua tấm bia đá cho thấy cầu “Dao Quang Củng Kiều” ở thôn Cốc Khoác được xây dựng vào thời Lê Cảnh Hưng.    Đây là một cây cầu đá có lối kiến trúc độc đáo. Trong lịch sử xây dựng cầu đường ở nước ta, những di tích như cầu Cốc Khoác không có nhiều, ngay ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ những cây cầu thời Lê tồn tại cho đến nay cũng rất ít. Do vậy cầu Cốc Khoác có một giá trị lịch sử văn hoá, chính trị rất lớn. Di tích xứng đáng là di sản văn hoá dân tộc ở vùng biên viễn của Tổ quốc.

      Trải qua hơn hai trăm năm, đến nay cây cầu vẫn được sử dụng là phương tiện duy nhất để nhân dân thôn Cốc Khoác qua suối sang thị trấn Hùng Quốc.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9134582
Số người đang online: 10