Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ chùa Dạm
Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ chùa Dạm
Thứ sáu, 11 Tháng 11 2011 11:34
Chùa Dạm có tên chữ là Đại Lãm tự, Lãm Sơn tự vốn là ngôi chùa cổ được xây dựng ven sườn núi phía Nam núi Lãm sơn nay thuộc địa bàn xã Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh). Lãm Sơn là dải núi dài đột khởi trên vùng đất đồng bằng xứ bắc với đỉnh cao 171m, kéo dài trên 2km chạy từ đông sang tây.
Sử liệu ghi: Đại Lãm tự xây dựng vào mùa đông năm 1086 triều vua Lý Nhân Tông và đến năm 1094 thì hoàn thành với nhiều hạng mục công trình xây dựng nguy nga đồ sộ xếp vào hàng Đại danh lam kiêm hành cung. Nơi đây thời các vua Lý thường đến nghỉ ngơi du ngoạn và trở thành một trong những trung tâm tín ngưỡng lớn thờ Phật trong vùng, được vua Lý Nhân Tông ban cho bốn chữ: “Cảnh Lam Đồng Khánh”. Vua Trần Nhân Tông có thơ họa về quy mô như sau:
Nhị thập lâu đài khai hoa lục/Tam thiên thế giới nhập thị mầu
Tạm dịch là:
Bức tranh kiến trúc mười hai lớp/ Mắt thấy thiên nhiên đẹp vạn lần.
Điểm nhấn kiến trúc của quần thể tôn giáo này cùng với chùa chính là 3 cây tháp đá, có cây tháp xây dựng 5 năm 6 tháng mới hoàn thành. Thời Trần chùa vẫn được duy trì với 12 tòa nhà (nhị thập lâu đài) được mang tên “Thần Quang Tự”. Đến thời Lê chùa được trùng tu quy mô lớn với trên 100 gian và bị phá hủy sau này, duy chỉ còn lại những lớp thềm chùa được kè đá cùng một số hiện vật độc đáo như: cột đá, bia đá, chân tảng cùng nhiều phế tích hoa văn bằng đá, gốm đất nung... Những năm gần đây chùa được dựng lại trên nền cũ, quy mô nhỏ, mang tên là chùa “Thần Quang”. Khảo sát hiện trạng cùng dấu tích để lại cho thấy từ chân núi Lãm Sơn đi lên có 4 cấp nền, tương ứng với 4 lớp kiến trúc cao dần lên trên tổng diện tích mặt bằng khoảng 7.356m2. Mỗi cấp nền được kè đá 3 lớp giật cấp vững trãi. Riêng trên cấp nền 2 còn trụ cột đá và đế móng tháp đá thời Lý. Cấp nền 3 còn ngôi chùa nhỏ mới xây dựng lại năm 1986, cấp nền 4 xây 3 gian đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan kiến trúc đơn giản.
Thực hiện quyết định số 2745/QĐ-BVHTTDL ngày 5-9-2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 4-10-2011 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học, bước đầu tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích chùa Dạm, kết quả cho thấy:
Trên cấp nền thứ nhất diện tích rộng khoảng trên 1.364 m2, theo một con đường bậc cấp dưới chân núi đi lên. Hố thám sát lớp nền này (H6) có diện tích 15m2 (3m x 5m). Tại độ sâu 0,2m xuất hiện nền gạch đường lát phẳng chạy dài từ đông sang tây. Mặt đường rộng 0,92m, dài 4,7m. Tại độ sâu 0,3m tìm được một trụ sỏi của kiến trúc kích thước 1,2m x 1,2m, nền đường lát đè lên trụ sỏi. Như vậy ở cấp nền thứ nhất có dấu tích kiến trúc thời Lý và sau này được tu sửa, con đường lát gạch thành đường đi.
Cấp nền thứ hai: diện tích rộng khoảng gần 21.760m2 có hai hệ thống bậc lát đá cân xứng dẫn lên. Tại đây khai quật hai hố. Hố H3 diện tích 54m2 làm xuất lộ toàn bộ móng cây tháp đá. Tháp đá có bình đồ vuông 8,4m x 8,4m cửa mở về hướng Đông. Phần cao nhất 1,56m với các lớp đá xếp chồng lên nhau trang trí hoa văn thủy ba nhiều loại khác nhau. Kỹ thuật ghép đá mộng đuôi cá, đổ chì liên kết vững chắc. Hố H4 khai quật dấu vết giếng cổ, diện tích khai quật 85,5m2. Tại đây xuất lộ bờ gạch xây quanh giếng hình vuông, giếng có hình tròn, bờ xếp đá.
Cấp nền thứ ba: có mặt bằng rộng nhất trên 2.370m2 có hai hệ thống bậc đá từ cấp nền hai dẫn lên. Tại đây bên phải chùa khai quật 35m2, kết quả cho thấy trong lòng đất xuất lộ 6 trụ sỏi móng chịu lực của công trình kiến trúc. Kích thước các trụ sỏi 1,35m x 1,35m. Bên trái chùa khai quật diện tích 45,5m2 tại đây xuất lộ dấu vết kiến trúc xếp gạch thời Lê, các chân tảng thời Lý cùng nhiều hiện vật các thời đại liên quan đến quá trình xây dựng và tồn tại tu bổ chùa.
Cấp nền thứ tư: có diện tích mặt bằng 1.446m2 hiện còn một hệ thống bậc đá bên trái dẫn lên. Tại đây bên trái đền thờ khai quật 20m2. Kết quả tìm được dấu trụ sỏi cùng dải gạch bó nền, gạch lát nền, ngói mũi sen. Bên phải đền thờ khai quật 20m2. Kết quả tìm được trụ sỏi hình tròn đường kính 1,7m cùng hệ thống trụ sỏi hình vuông. Ngoài những dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật còn tìm được hàng trăm hiện vật thuộc nhiều chất liệu: gạch, đá, gốm sứ, sành của nhiều thời đại khác nhau: Lý - Trần - Lê. Đặc biệt là những hiện vật thời Lý như gạch, ngói mũi sen chiếm đa số mang những đặc trưng điển hình của vật liệu thời đại khởi dựng chùa.
Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy chùa được xây dựng là một quần thể kiến trúc, gồm 4 lớp kiến trúc xây cao dần vươn lên theo độ cao sườn núi. Mỗi lớp kiến trúc có nhiều công trình khác nhau, trong đó chùa chiếm vị trí trung tâm. Các kiến trúc tháp đá, cột đá nằm trong tổng thể chung của khu di tích, dấu tích các trụ sỏi tìm được mang kỹ thuật và vật liệu thời Lý, đã cho thấy quy mô ngôi chùa thời Lý được xây dựng to lớn trên toàn bộ mặt bằng khu di tích. Ba cấp dưới là kiến trúc chùa. Cấp cao nhất là đền thờ Linh Nhân Hoàng thái Hậu, mẹ vua Lý Nhân Tông người xướng xuất xây dựng chùa. Mặt bằng chùa thuộc loại hình kiến trúc “tiền Phật hậu thánh”. Với diện tích khai quật còn khiêm tốn nhưng kết quả khẳng định đây là khu di tích được khởi dựng thời Lý như lịch sử đã ghi chép và tồn tại qua năm tháng cho đến ngày nay.
- 18/01/2012 10:08 - Thanh Hóa: Phát hiện trống đồng cổ dưới chân núi Rú Thần
- 14/12/2011 09:45 - TRIỂN LÃM ẢNH “HÀ NỘI TRONG TÔI” LẦN THỨ VII: CÂU LẠC BỘ NHIẾP ẢNH NGƯỜI CAO TUỔI
- 07/12/2011 11:41 - Lễ hội văn hóa Chăm Ninh Thuận qua ống kính của nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trương Văn Ẩn.
- 07/12/2011 11:39 - Phát hiện dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Sơ
- 07/12/2011 10:12 - Phát hiện mộ thân cây ở Thái Nguyên
- 11/11/2011 10:14 - Phát hiện nhiều bình gốm thời Lê
- 02/11/2011 10:15 - Phát hiện nhiều cổ vật khi tu bổ chùa
- 24/10/2011 10:19 - Bình gốm trên 1.500 tuổi dưới sông Hương
- 03/10/2011 11:32 - Nhiều phát hiện khảo cổ tại di tích Tháp Mẫm
- 03/10/2011 10:24 - Hà Nội: Phát hiện quan tài cổ ở bến Chương Dương