Khảo cổ học Việt Nam: Tiềm năng cũng là gánh nặng

Khảo cổ học Việt Nam: Tiềm năng cũng là gánh nặng

 

 

 Trong hai ngày 27 và 28-9, tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 47. Năm nay, trên cả nước có khoảng 500 phát hiện, nghiên cứu mới về khảo cổ học. Tuy nhiên, với trọng trách hiện nay, ngành khảo cổ học còn không ít việc phải làm và gánh nặng trọng trách đang đặt lên vai những người ghi lại lịch sử.

alt

Kết quả đáng ghi nhận

Trong năm 2012, ngành khảo cổ học đã có nhiều phát hiện quan trọng. Mới đây, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành khai quật khu vực xung quanh nền điện Kính Thiên (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long). Cuộc khai quật bước đầu đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng. Cụ thể, đã tìm thấy những phiến đá ốp gia cố thành bậc chạm rồng và dấu tích móng gia cố các phiến đá được ốp thuộc thời Nguyễn, sân nền lát gạch vồ thời Lê, móng đầm gạch ngói vụn thời Lê và thành bậc chạm rồng. Cạnh đó, phát hiện ra sân nền lát gạch vuông thời Nguyễn, gồm 18 hàng chồng lên nhau bước đầu xác định có thể là thời Nguyễn, lớp móng gia cố đỡ thành bậc chạm rồng thời Lê.

Theo PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học, những phát hiện trên cho thấy hiện trạng nền điện Kính Thiên và thềm rồng điện Kính Thiên đã trải qua nhiều lần xây dựng, tôn tạo phức tạp, toàn bộ thềm rồng phía sau được làm mới gần đây, còn phía trước phần thềm bậc đã được xây mới thời Pháp thuộc... Kết quả thám sát đã cho thấy đây không còn là một di tích móng nền nguyên vẹn của chính điện thời Lê sơ như giới nghiên cứu vẫn đoán định mà chỉ còn lại một phần nào đó. Gần đây nhất, vào tháng 9-2012, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật thành Ngoại khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh). Di vật thu được gồm 300 mảnh ngói Cổ Loa gồm 2 loại ngói cong (ngói dương, ngói âm) và ngói phẳng. Các nhà khoa học cũng thu được 70 mảnh gốm tráng men thời Trần, thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn, 95 mảnh sành thời Trần và Lê Trung Hưng.

Theo các nhà khảo cổ, sự hiện diện của những mảnh ngói và đá cho thấy có thể một cấu trúc mái đã được dựng lên dọc theo bề mặt gốc của tường thành nhằm chống lại mưa hay bị các vật tấn công như đá, mũi tên. Một khả năng khác là đá, ngói được đặt ở đây nhằm củng cố tính toàn vẹn của tường thành chống lại sự xói mòn do thời tiết. Những phát hiện trên cho thấy một hình thái nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. Tổng thể, quy mô, sự đa dạng của di tích Cổ Loa kết hợp với những công trình phòng thủ đã gợi ý rằng, nơi đây vốn là trung tâm chính trị, vì để xây dựng được các vòng thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh và sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa cao. Ngoài ra, còn nhiều nghiên cứu lớn như phát hiện các di tích khảo cổ học hang động Tràng An (Ninh Bình), di tích Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, di tích 62-64 Trần Phú (Hà Nội)...

Gánh nặng trọng trách

Theo TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, ngoài các di tích, di sản được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao và đã được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại như: di tích Cố đô Huế, di tích Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam), di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Việt Nam còn những di tích trọng điểm như di tích Cổ Loa (Hà Nội), di tích Phố Hiến (Hưng Yên), quần thể di tích Tràng An (Ninh Bình), không gian di tích Hùng Vương (Phú Thọ)... Vì vậy, năm tới, Viện Khảo cổ có kế hoạch nghiên cứu cụ thể như nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, văn hóa Óc Eo ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ, nghiên cứu về biển đảo Việt Nam. Ở Bắc bộ, các nhà khảo cổ tiếp tục cắt thành Nội (Cổ Loa) với ý tưởng nghiên cứu một cách chi tiết 3 vòng thành trong tổng thể thành Cổ Loa - một trong những thành có niên đại sớm nhất trên thế giới trong quần thể kinh đô nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương.

Bên cạnh đó, Viện sẽ thành lập bộ phận Khảo cổ học dưới nước, bởi hiện nay nhiều cuộc khai quật khảo cổ dưới nước, chúng ta phải nhờ đối tác nước ngoài. Đáng lưu tâm, hiện nay còn có sự chênh lệch giữa khảo cổ học Việt Nam và thế giới cả về trình độ người làm khảo cổ lẫn các trang thiết bị. Chính vì vậy, ngành khảo cổ học cần được bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Viện Khảo cổ học, một trong những cơ quan nghiên cứu đầu ngành về khảo cổ ở Việt Nam, hiện có gần 60 cán bộ có trình độ chuyên môn, song để đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, các nhà nghiên cứu cần được bổ sung về số lượng, nâng tầm về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ đáp ứng thời kỳ hội nhập. Trang thiết bị cũng cần được nâng cấp và theo TS Bùi Văn Liêm, trang thiết bị chuyên ngành cần được đầu tư từ ngân sách Nhà nước chứ không thể phụ thuộc vào tài trợ hay các dự án bên ngoài như hiện nay.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9038159
Số người đang online: 8