Khảo cổ học dưới nước Việt Nam: Cần sự đầu tư bài bản

Khảo cổ học dưới nước Việt Nam: Cần sự đầu tư bài bản

 

 
Tại hội thảo khoa học "Khảo cổ học biển đảo Việt Nam - Tiềm năng và triển vọng" diễn ra mới đây, TS Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học cho rằng, khảo cổ học dưới nước của Việt Nam mặc dù đã đạt được một số bước tiến nhưng vẫn đi sau các nước phát triển khoảng 50 năm và chậm hơn một số nước trong khu vực khoảng 20 năm.

Nguồn lực hạn chế

Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.000km và hoạt động trên biển diễn ra hơn 2.000 năm về trước. Nằm trên "con đường tơ lụa trên biển", Việt Nam đã chứng kiến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây hàng thế kỷ trên Biển Đông. Chính vì vậy, chúng ta có tiềm năng khảo cổ học rất lớn, gồm những loại hình di tích chìm ngập có niên đại từ hàng chục nghìn năm trước, cảng và thương cảng có niên đại ít nhất 2.000 năm trước công nguyên, di tích tàu đắm từ thế giới Ả-rập, Trung Quốc và những quốc gia thương mại khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản và Anh.
Lặn dùng bình khí nén khi khai quật khảo cổ học dưới nước (Nguồn: internet)
 
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng việc bảo vệ và khai thác các di vật ở dưới nước chưa được đầu tư xứng tầm. Khảo cổ học dưới nước đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, kinh phí hoạt động hằng năm, bảo quản di tích di vật và chi phí đào tạo nhân lực. Một chuyên gia khảo cổ học Thái Lan đưa ra cách tính đơn giản về tỷ lệ chi phí tài chính, nhân sự giữa khảo cổ học trên đất liền và khảo cổ học dưới nước là 1/6. Nghĩa là cứ một đồng cần chi phí trên đất liền thì khảo cổ học dưới nước cần 6 đồng.

Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa hàng hải Hàn Quốc và khai quật dưới nước tại Hàn Quốc
(Nguồn: Lê Thị Liên)

Nhận thức được tầm quan trọng của khảo cổ học dưới nước, năm 2011, Chính phủ Thái Lan đã thông qua ngân sách 27 triệu bạt (tương đương 900.000 đôla Mỹ) để xây dựng phương tiện đào tạo lặn cho khảo cổ học dưới nước ở Chathaburi, nơi đã có cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ nghiên cứu và tập huấn quốc tế được xây dựng từ trước. Một bể bơi hiện đại có độ sâu và các thiết bị thích hợp cho việc tập huấn lặn đã được hoàn thành vào năm 2014. Tại Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước của quốc gia này đã tăng chi phí hoạt động hằng năm từ hơn 5,6 triệu won vào năm 2008 lên gần 10,7 triệu won vào năm 2011. Viện cũng được trang bị tàu SEAMUS (nặng 18 tấn, dài 18m) và NURIAN (nặng 280 tấn, dài 36,4m) có thể làm việc trên biển 20 ngày với 20 nhà nghiên cứu trên boong, được trang bị đầy đủ phương tiện khảo sát và nghiên cứu hiện đại nhất. Vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách tập hợp các nhà nghiên cứu từ nhiều cơ quan trung ương và cấp tỉnh. Đến nay, họ đã có đội ngũ gồm 710 chuyên gia khảo cổ có khả năng lặn.
 

Tận dụng thuyền nan để đi khảo sát khu vực di tích Bạch Đằng (Nguồn: Lê Thị Liên)

Còn ở nước ta, cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ cho khảo cổ học dưới nước gần như không có gì, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động khảo sát và nghiên cứu. Từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, Phòng Khảo cổ học dưới nước tại Viện Khảo cổ chưa được trang bị bất kỳ một thiết bị gì, cũng chưa có một nguồn kinh phí thường niên nào dành cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước.

Hệ lụy...

Thiếu đội ngũ chuyên môn về khảo cổ học dưới nước nên mọi công trình khai quật từ trước tới nay ở nước ta chủ yếu mang tính thương mại, trừ trường hợp ở Châu Thuận Biển. Phần việc khảo cổ được sự đầu tư từ các công ty ở trong hoặc ngoài nước. "Sản phẩm" thu được chia theo tỷ lệ các bộ sưu tập hiện vật bị xé lẻ, một phần được đem bán để bù chi phí khai quật, số còn lại được chia cho một số bảo tàng. Ngay cả với tàu cổ Châu Thuận Biển, dẫu di sản không bị đem bán đấu giá thì sưu tập trong con tàu này cũng bị phân chia. Đây là điều gây bất cập cho công tác lưu trữ và nghiên cứu sau này.

Sự thiếu vắng các nhà khảo cổ học dưới nước người Việt Nam cũng làm cho những công trình khai quật dưới nước trước đây ít nhiều bị ảnh hưởng, do người biết lặn thì không biết làm khảo cổ và người có chuyên môn khảo cổ thì không biết lặn. Sự hạn chế trong việc lập và thực hiện kế hoạch khai quật đã dẫn đến tình trạng di sản biển bị khai thác bừa bãi. Rất nhiều con tàu bị ngư dân phá hủy bằng cách đánh mìn, đào phá, đến nay chỉ còn dấu tích. Nhiều con tàu và hàng hóa trên tàu bị trục vớt bởi những người săn lùng cổ vật.

Việc thiếu vắng một đội ngũ, cơ quan chuyên sâu đã tạo ra những khó khăn lớn đối với công tác điều tra, khảo sát và khai quật. Chúng ta chưa có những đợt điều tra cơ bản để lập bản đồ những con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam. "Nếu được chủ động khảo sát bởi một cơ quan nghiên cứu của Việt Nam thì tình hình hẳn sẽ thuận lợi hơn nhiều, nhờ đó, việc bảo vệ những điểm con tàu chìm sẽ chủ động hơn, tránh được sự tàn phá đang diễn ra hiện nay" - TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận định.
 
Hướng đi
 
TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) cho rằng "Trong bối cảnh này, có lẽ chúng ta rất nên chú trọng tới việc liên kết với nhiều quốc gia khác để đưa ra những nghiên cứu chính xác, nhằm đưa ra các hiểu biết khách quan trong học thuật. Bên cạnh đó cần có sự liên kết các đơn vị có thế mạnh trong nước về tàu thuyền, lặn, thiết bị dưới nước… để có thể dần tự chủ về nguồn lực tại chỗ".

Theo TS Phạm Quốc Quân, muốn cho khảo cổ học dưới nước Việt Nam phát triển sang giai đoạn mới thì phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước trẻ, làm việc tại một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hoạt động bằng ngân sách với mục đích khoa học. Với tinh thần ấy và nhìn từ các quốc gia biển như Nhật Bản, Hàn Quốc, ông đưa ra ý kiến thành lập Viện Nghiên cứu di sản biển. "Viện nghiên cứu này, ngoài trung tâm khảo cổ học dưới nước, bảo tàng, còn có những trung tâm nghiên cứu về thuyền bè, nghiên cứu về thương mại bằng tàu thuyền, trung tâm về bảo quản, lưu trữ và điều đó sẽ khắc phục tình trạng nghiên cứu thiếu tính kết nối như hiện nay", TS Phạm Quốc Quân khẳng định.

Theo TS Lê Thị Liên, để có một trung tâm khảo cổ học dưới nước hiệu quả, các học giả quốc tế đã tư vấn giải pháp trước mắt: Việt Nam cần tổ chức đào tạo bài bản và đưa đi tập huấn thường xuyên tại nước ngoài để sớm có được những chuyên gia ở trình độ đại học, hoặc sau đại học về khảo cổ dưới nước. Có nghĩa, không thể muộn hơn nữa, một kế hoạch về thời gian, kinh phí, con người và bộ máy vận hành cần được xây dựng ngay. Ngành khảo cổ học biển đảo của Việt Nam cần sớm vượt qua giai đoạn "khởi động" để bắt đầu lộ trình của mình.

Josdar
 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9254896
Số người đang online: 11