Những phát hiện mới về Sa Huỳnh - Champa tại Đà Nẵng
Những phát hiện mới về Sa Huỳnh - Champa tại Đà Nẵng
Thứ sáu, 03 Tháng 7 2015 11:37
Theo báo cáo sơ bộ về kết quả nghiên cứu một số di tích khảo cổ học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra vào chiều 1/7/2015, đoàn nghiên cứu Viện Khảo cổ học và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đã phát hiện nhiều di vật với nhiều loại hình như công cụ sản xuất, đồ trang sức... của văn hóa Sa Huỳnh và Champa.
Qua 2 tháng khai quật, đoàn nghiên cứu Viện Khảo cổ học và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng khai quật khảo cổ học tại vườn đình Khuê Bắc, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn); đào thám sát phế tích tháp Champa Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và khảo sát phế tích tháp Champa Gò Giản, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) đã cung cấp những bằng chứng mới về văn hóa Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt tại vùng đất Đà Nẵng xưa cách đây từ 2.000 - 3.000 năm.
Khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc, ảnh: vietnamnet
Các mảnh gốm thô Sa Huỳnh tại khu vực khai quật, ảnh: vietnamnet
Quá trình khai quật, thám sát cho thấy tại vườn đình Khuê Bắc, di chỉ cư trú có nhiều di vật vô cùng phong phú và nhiều thể loại khác nhau, là mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, một số công cụ sản xuất và đồ trang sức phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của cư dân.
Thạc sỹ Phạm Văn Triệu (Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện khảo cổ học) cho biết qua 2 lần khai quật tại khu vực này đã phát hiện hàng nghìn hiện vật có giá trị như rìu đá, bàn mài, tiền đồng âm dương, mộ chum và mảnh gốm các loại. Lần khai quật thứ 2 vừa qua trên diện tích 100m2 (5mx20m) cách hố khai quật lần đầu tiên (năm 2001) khoảng 10m về hướng Nam đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị vô giá về khảo cổ học. "Qua so sánh các hiện vật khai quật ban đầu (bao gồm mảnh đồ gốm, đá) với hiện vật vừa được tìm thấy các nhà khảo cổ học đánh giá có nhiều nét tương đồng với các lần khai quật trước. Dựa vào đó, có thể xác định tại vườn đình Khuê Bắc có hai tầng văn hóa sớm muộn. Lớp trên là lớp văn hóa Champa sớm, có niên đại thế kỷ II, III sau Công nguyên. Lớp dưới là lớp văn hóa sớm, mang tính chất di chỉ xen mộ táng, thuộc giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh - sơ kỳ Kim khí”, ông Triệu cho biết.
Đối với phế tích Champa Xuân Dương, lần đầu tiên đoàn khảo sát phát hiện nơi đây từng là trung tâm tôn giáo của người Chăm, được xây dựng vào thế kỷ 11 và duy trì sử dụng theo chiều dài lịch sử tộc người Chăm cho đến khi vùng đất này sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Quá trình điều tra, khảo sát phế tích tháp Champa Gò Giản cho thấy, quy mô và phạm vi kiến trúc khá lớn.
Khai quật, nghiên cứu các di chỉ trên đã cung cấp các bằng chứng mới, góp phần vào việc nhận diện các giá trị lịch sử- văn hóa Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung trong chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc.
Văn hóa Sa Huỳnh là xã hội tiền sử thuộc thời đại kim khí tại khu vực ven biển miền Trung Việt Nam trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh nam Trung bộ và Tây Nguyên mà Xứ Quảng là trung tâm. Việc tiến hành quá trình khai quật và nghiên cứu đã góp phần quan trọng trong việc đánh giá lại diện mạo và xây dựng lại bản đồ di tích khảo cổ học, bảo vệ các di tích trước quá trình đô thị hóa, đồng thời giúp nhận diện các giá trị lịch sử- văn hóa Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung trong chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc.
(Josdar tổng hợp)
- 14/07/2015 10:26 - Di tích Triền Tranh: Tiếp tục khai quật đến cuối tháng 8
- 13/07/2015 08:51 - Thầy giáo làng hơn 30 năm tìm kiếm di chỉ khảo cổ học
- 13/07/2015 08:44 - Phát hiện nhiều hang động và di tích có giá trị ở Nghệ An
- 07/07/2015 14:46 - Quy hoạch khu di tích Cổ Loa thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn
- 04/07/2015 14:58 - Kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học Đà Nẵng năm 2015
- 27/06/2015 03:00 - Tập huấn khảo cổ học dưới nước Quốc tế tại Hội An
- 26/06/2015 02:53 - Khai quật hào thành di tích Thành Nhà Hồ
- 25/06/2015 02:59 - Phát hiện nhiều cổ vật nghìn năm tuổi ở Thành nhà Hồ
- 12/06/2015 05:49 - Di tích 317 tuổi chờ... sập!
- 09/06/2015 05:58 - Nhiều bí ẩn bỏ ngỏ quanh khu phế tích Champa Triền Tranh