Lần đầu phát hiện “công xưởng” chế tác mũi khoan cổ quy mô lớn tại Tây Nguyên

Đoàn khai quật gồm cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk vừa báo cáo kết quả sơ bộ cuộc khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, Đắk Lắk). Theo đó, đây là một di chỉ khảo cổ học mới, ẩn chứa nhiều tư liệu, sẽ góp phần làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Tây Nguyên thời Tiền - Sơ sử, rất cần được nghiên cứu, thu thập tư liệu và bảo tồn.

 

 

 Xử lý di tích xuất lộ trong hố khai quật

Đây là một di chỉ xưởng kết hợp cư trú và mộ táng. Trong đó, tính chất xưởng của di chỉ nổi lên một cách rõ rệt thông qua bộ sưu tập hàng nghìn tiêu bản mũi khoan và phác vật mũi khoan. Ngoài là công xưởng chế tác mũi khoan, cư dân cổ Thác Hai còn chế tác cả các công cụ đá như rìu, bôn… Những mảnh gốm xuất hiện rải rác cùng những tàn tích than tro, mộ táng có chôn theo đồ tùy táng... cho thấy cư dân cổ ở Thác Hai ngoài chế tác công cụ cũng đồng thời cư trú và mai táng tại đây, chưa phân tách khu vực cư trú, sản xuất với khu vực mai táng.

Trên cơ sở một số loại hình đồ gốm, đồ án hoa văn trang trí cũng như trình độ tinh xảo của những thợ thủ công chế tác mũi khoan tại đây, các nhà khoa học bước đầu nhận định niên đại của di chỉ Thác Hai khoảng trên dưới 3000 năm cách ngày nay, thuộc trung kỳ thời đại kim khí. Tầng văn hóa dày (2m) cho thấy, giai đoạn cư trú khá dài nhưng tính chất di chỉ khá ổn định. Về chủ nhân ngôi mộ, cư dân cổ ở Thác Hai là những người thợ thủ công có trình độ cao, với các sản phẩm rất tinh xảo. Cụ thể, qua nghiên cứu cấu trúc mộ M1, các nhà khoa học cho rằng, chủ nhân ngôi mộ này có liên quan tới công xưởng chế tác này, có thể là một trong những người thợ trực tiếp chế tác công cụ (rìu, bôn, mũi khoan...) phát hiện trong hố khai quật, thể hiện qua việc tìm thấy những đồ tùy táng, ngoài đồ gốm còn có những công cụ bằng đá. Có thể, ngoài các ngôi mộ đã xuất lộ trong hố đào, trong phạm vi di chỉ còn nhiều ngôi mộ khác có liên quan trực tiếp tới công xưởng chế tác này.

Báo cáo sơ bộ khẳng định, những kết quả nghiên cứu và khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai là một trong những phát hiện mới và rất quan trọng của khảo cổ học Việt Nam. Có thể nói đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã phát hiện được một công xưởng chế tác mũi khoan với quy mô lớn, chuyên môn hóa cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo. “Ở Việt Nam, loại di chỉ công xưởng chế tác mũi khoan không nhiều, chỉ mới xác định được ở các di chỉ như Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Đầu Rằm, Ba Vũng (Quảng Ninh). Song những mũi khoan ở các di chỉ này chỉ được ghè, tu chỉnh, mài thô..., hiện vật tương đối to và thô, chủ yếu dùng để sử dụng trong kỹ thuật khoan tách lõi, còn mũi khoan Thác Hai có rất nhiều hiện vật được mài trau chuốt, đánh bóng toàn thân đạt đến mức độ hoàn mỹ, được sử dụng trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tạo đồ trang sức...”, báo cáo sơ bộ cho biết.

Một số loại hình đồ gốm mới cũng lần đầu tiên được tìm thấy ở Đắk Lắk trong di chỉ Thác Hai. Nhiều cụm gốm có khả năng phục dựng rất cao, được đưa về còn khá nguyên vẹn. Sau khi được xử lý, phục dựng lại, đồ gốm Thác Hai cùng với các loại hình hiện vật khác trở thành những tiêu bản hiện vật quý hiếm, độc đáo... bổ sung cho hệ thống trưng bày ở Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Là một địa điểm khảo cổ học mới phát hiện với nhiều thông tin nghiên cứu quan trọng, nhiều hiện vật tinh xảo, nhiều đồ gốm còn khá nguyên vẹn có thể phục dựng để trưng bày, tuy nhiên, cũng theo các nhà khoa học, di chỉ này nằm sát bờ sông đang đổi dòng, từng ngày, từng giờ đang bị dòng nước xoáy vào địa tầng gây sạt lở nghiêm trọng. Do vậy, các chuyên gia kiến nghị rất cần có những biện pháp bảo vệ di chỉ trước sự tàn phá của thiên nhiên.

THANH MỘC, ảnh: BTLSQG CUNG CẤP

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9022689
Số người đang online: 10