Di tích kiến trúc thời Lê tại phía đông khu A (khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu)

Trong năm 2013, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tiếp tục tiến hành công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Kết quả mới nhất: đã xác định được không gian của trục trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lê kéo dài từ cửa Đoan Môn vào đến thềm rồng của nền điện Kính Thiên. Tại khu A (khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) đã xác định được 1 di tích kiến trúc thời Lê còn khá rõ mặt bằng với các móng trụ và nền đất đắp.

1. Vị trí phát hiện

Phía đông: Kiến trúc nằm sát vách đông của khu khai quật.

Phía tây: Kiến trúc nằm chồng đè lên các kiến trúc Lý-Trần và lớp đất đắp nền phủ đè lên bề mặt của các kiến trúc đó khoảng 60cm. Các móng trụ ngoài cùng phía tây nằm sát với dấu tích của dòng chảy thời Lê.

Phía bắc: Kiến trúc chạy dài theo chiều bắc-nam.

2. Phạm vi phân bố

Trên các dấu tích đã được xác định, mặt bằng kiến trúc xuất lộ dài theo chiều bắc-nam: 42,5m, rộng theo chiều đông-tây: 9,0m với 17 móng trụ được gia cố bằng gạch vồ đầm chặt và đất sét.

3. Mặt bằng di tích

Các móng trụ được đầm gia cố bằng gạch vồ thời Lê và đất sét, ngoài ra quan sát tại một số móng trụ còn thấy có sự tận dụng một số mảnh gạch bìa đỏ, một số mảnh gốm sứ và các mảnh ngói nhỏ.

Hiện trạng kiến trúc đã xuất lộ dấu tích của 17 móng trụ, theo chiều từ bắc xuống nam xếp thành 10 hàng, tạo thành 09 khoảng cách gian, trong đó khoảng cách 1 có kích thước là 2,6m (đây có thể là chái phía bắc của kiến trúc), các khoảng cách gian còn lại có kích thước tương đương nhau từ 3,6m đến 4,1m . Theo chiều từ đông sang tây, dấu tích các móng trụ xếp thành 03 hàng, tạo thành 02 khoảng cách, trong đó khoảng cách 1 có số đo là 2,6m, khoảng cách 2 chưa xác định do dấu tích các móng trụ còn lại trong các hàng không đồng đều (trên bản vẽ, tạm xác định được số đo khoảng 4,5m).


Mặt bằng hiện trạng di tích

Đây là dấu tích kiến trúc duy nhất của thời Lê còn xác định được trên mặt bằng khu di tích, mặt bằng các di tích thời Lê có thể đã bị thời sau phá hủy rất mạnh. Bản thân kiến trúc, ngoài các móng trụ đã được xác định nêu trên, các thành phần kiến trúc khác đều đã bị mất (ngoại trừ dấu tích đất tôn đắp nền còn được nhận diện được tại các rìa cạnh móng trụ).

Phía tây của khu A, xuất lộ dấu tích của 02 móng trụ được dùng gạch vồ đầm chặt, đây là dấu tích các móng trụ đầm của thời Lê. Trong số 02 móng trụ trên, thì dấu tích móng trụ phía bắc nằm thẳng hàng với dấu tích của các móng trụ thuộc hàng 1 (theo chiều bắc-nam). Dấu tích móng trụ phía nam nằm thẳng hàng với các móng trụ thuộc hàng móng trụ 3.

a. Nền kiến trúc

Nền kiến trúc gồm 02 bộ phận, đất đắp nền và nền lát gạch, tuy nhiên chỉ còn nhận diện được dấu tích còn lại của đất đắp nền tại các rìa cạnh móng trụ. Đất đắp nền dày 60cm, màu nâu, lẫn nhiều các mảnh gạch, ngói, sành vụn, kết cấu đất khá chặt, bề mặt trên cao tương đương với bề mặt còn lại của các móng trụ, và đều nằm trên lớp vật liệu của thời Trần.

b. Móng trụ

Trên tổng thể mặt bằng, kiến trúc đã xuất lộ với dấu tích của 17 móng trụ, theo chiều từ bắc xuống nam xếp thành 10 hàng, theo chiều từ đông sang tây xếp thành 03 hàng. Dấu tích các móng trụ xuất lộ đã bị thời sau phá hủy nghiêm trọng, một số móng trụ trong phạm vi của kiến trúc không còn dấu tích.

Khoảng cách giữa các móng trụ theo chiều từ đông - tây: theo chiều này, kiến trúc đã xuất lộ 3 hàng móng trụ tạo thành 2 khoảng cách:

+ Khoảng cách 1: Có số đo dao động từ 2,6m đến 2,8m. Đây có thể là khoảng cách giữa cột quân và cột cái trong vì của kiến trúc.

+ Khoảng cách 2: Hiện trạng không đo được kích thước do các móng trụ bị phá huỷ, tuy nhiên căn cứ số đo của khoảng cách 1 thì đoán định khoảng cách 2 có số đo dao động từ 4,5m đến 5,0m. Đây có thể là khoảng cách giữa 2 cột cái trong 1 vì kiến trúc.

Khoảng cách giữa các móng trụ theo chiều bắc-nam: Theo chiều này, các móng trụ xếp thành 10 hàng, tạo thành 9 khoảng cách.

+ Khoảng cách 1: Có số đo nhỏ nhất (2,6m). Và đây có thể là khoảng cách gian chái phía bắc của kiến trúc.

+ Khoảng cách 2 đến khoảng cách 9: có số đo dao động từ 3,6m đến 4,1m. Đây có thể là khoảng cách gian của kiến trúc.

Nhận xét:

Trên tổng thể mặt bằng khu di tích, các dấu tích thời Lê được nhận diện chủ yếu là loại hình giếng nước (có lẽ do được đào sâu xuống dưới, nên không bị phá hủy hoàn toàn), dấu tích kiến trúc rất mờ nhạt có thể đã bị thời sau phá hủy. Việc còn nhận diện được dấu tích kiến trúc thời Lê như trên là tư liệu hết sức đáng chú ý.

Hiện trạng kiến trúc đã xuất lộ tổng số 17 móng trụ, theo chiều đông-tây xếp thành 03 hàng, theo chiều bắc-nam gồm 10 hàng tạo thành 09 khoảng cách gian, như vậy mặt bằng 01 chái phía bắc và 08 khoảng cách gian.

Các khoảng cách theo chiều từ đông sang tây có số đo lần lượt là 2.6m và 4.5m – 5,0m, nên có thể mặt bằng kiến trúc có kết cấu gồm 4 móng trụ trong 1 vì, tuy nhiên hàng móng trụ ngoài cùng phía tây có thể đã bị phá hủy.

Như vậy, ở thời Lê, khu vực 18 Hoàng Diệu vẫn tồn tại các kiến trúc cung điện, lầu gác (có thể đã bị phá hủy ở thời sau - thời Nguyễn?) cho thấy khu vực này vẫn là trung tâm của Cấm thành Thăng Long từ thời Lý đến thời Lê.

 

(Tác giả: Phạm Văn Triệu)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9028114
Số người đang online: 25