Biển trong cuộc sống của cư dân Đông Sơn

  1. Từ lâu, biển đã là môi trường sống của con người trên đất nước ta

Mở đầu là lớp người cư trú ở Cát Bèo (Bến Bèo) trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), cách ngày nay khoảng 6.000 năm (niên đại C14: 5.640±115 năm, hiệu chỉnh theo tuổi vòng cây: 6.475±205 năm). Tại nơi cư trú của con người, bên cạnh công cụ bằng đá, đồ đựng, đồ đun nấu bằng đất nung, còn cả một khối lượng lớn di cốt cá biển do con người bắt về, trong di cốt cá biển, phổ biến là loại cá sạo, cá úc…, là những loại cá chịu được sự biến đổi lớn về độ mặn trong nước, chúng thường xuất hiện ở hồ, vịnh, cửa sông, v.v… Chứng tỏ vùng biển xung quanh đảo Cát Bà, lúc này còn là vùng biển nông (thấp hơn hiện nay khoảng - 2m).

Một biến cố lớn của thiên nhiên xảy ra, mực nước biển tăng nhanh (khoảng + 4m so với mực nước hiện nay), đạt tới mức cực đại, nước biển bắt đầu hạ xuống, lùi dần ra phía đông.

Từ khoảng 5.000 năm cách nay, theo vết nước biển rút đi, nhiều lớp người đến cư trú sinh sống lâu dài tại vùng biển – hải đảo từ bắc vào nam:

Tại vùng ven biển và hải đảo đông bắc (Vịnh Bắc Bộ), phân bố các di chỉ thuộc văn hóa Hạ Long. Trên đảo Cát Bà đã phát hiện được hai di chỉ thuộc văn hóa Hạ Long, trong đó một di chỉ phân bố ngay trên di chỉ Cát Bèo trước đây, phân cách giữa hai lớp cư trú thuộc hai văn hóa khác nhau là lớp sạn con, mỏng, vát dần từ phía biển vào chân núi, có 91% qua sàng 5mm. Lớp sạn con có nguồn gốc biển và thuộc tướng bãi biển; ở các đảo xa, như đảo Ngọc Vừng có tới ba địa điểm cư trú của cư dân Hạ Long.

Trên doi cát - dấu vết của mực nước biển dâng cao nhất, thuộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), đã phát hiện di chỉ Gò Trũng - một di chỉ thuộc văn hóa Đa Bút và một số di chỉ muộn hơn, thuộc văn hóa Hậu Lộc.

Tại cánh đồng lúa phía đông (giáp biển) của huyện Quỳnh Lưu, trước đây, vào khoảng 5.000 năm, nơi đây còn là vùng vịnh nông, nửa hở, nơi rất thuận lợi cho điệp sinh sống và phát triển, đã phát hiện trên 20 đống vỏ điệp, là di chỉ của văn hóa Quỳnh Văn. Điệp biển và sò do con người bắt về sử dụng, vỏ của chúng chất thành đống, có đống rộng tới 500m2, có đống cao trên 10m, …

Tại xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), tại mép nước biển cổ, cách nay khoảng 5.000 năm (cách mép nước biển hiện tại khoảng 4km) phân bố di chỉ thuộc văn hóa Thạch Lạc, những tích tụ trong nơi cư trú của người Thạch Lạc là vỏ điệp, vỏ sò, và rất nhiều xương cá biển, v.v…

Tại vùng biển từ miền Trung Trung Bộ trở vào, lần lượt đã phát hiện: di chỉ Bàu Tró, di chỉ Xóm Cồn, các di chỉ thuộc các giai đoạn phát triển văn hóa Sa Huỳnh v.v…

Trên đảo Thổ Chu, điểm tận cùng của phía nam đất nước ta, cũng đã phát hiện di chỉ cư trú và mộ chum, mang những nét điển hình ở vùng Nam Bộ.

  1. Biển đảo không chỉ là môi trường sống của con người, các loài hải sản, như xương cá, vỏ các loại nhuyễn thể là nguồn cảm hứng bất tận trong đời sống tinh thần của con người, nhất là người thợ làm đồ gốm đương thời

Sinh sống trong môi trường biển đảo, hoạt động đi lại của con người ắt phải dựa vào phương tiện giao thông. Trong các văn hóa đã đề cập đến ở trên thì đến nay chúng ta chưa phát hiện được bất kỳ một dấu tích nào của phương tiện đi lại. Trong các di chỉ cư trú của những lớp người cư trú ở vùng biển - đảo này, tồn tại những chiếc bôn đá có nấc, bôn đá có vai có nấc, những chiếc bôn đá hình răng trâu, v.v… là những công cụ dùng để chế tạo đồ gỗ, trong đó hẳn có các phương tiện đi lại, như thuyền, bè, v.v…

Văn hóa Đông Sơn, một văn hóa có địa bàn cư trú khá rộng mà trung tâm là vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã. Địa bàn cư trú có cả chiều dài phía đông giáp với Biển Đông. Một môi trường sống đa dạng, rất thuận lợi cho sự sống và phát triển của cư dân Đông Sơn.

Khác với các lớp cư dân nói trên, trong di chỉ cư trú của cư dân Đông Sơn đã phát hiện được một số dấu tích quan trọng của phương tiện đi lại trên sông nước.

Từ hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn, Parmentier và Goloubew là những người đầu tiên nhận ra hình thuyền trên trống là hình thuyền đi biển. Bởi trên thuyền có cột buồm, trên cột buồn trang trí hình lông chim và đầu chim, đuôi thuyền và ở mũi thuyền đều có bánh lái, cùng người cầm lái. Đào Duy Anh có cùng một nhận định, đó “là thuyền chạy trên biển bằng buồm” và giải thích thêm “bánh lái ở mũi để đi khi ngược gió” (Đào Duy Anh: “Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt” trong “Lịch sử cổ đại Việt Nam” - Nxb. Văn hóa thông tin - năm 2005). Nhà khảo cổ học Trung Quốc - Lý Vĩ Khanh, không đồng tình với nhận định của ParmentierGoloubew và Đào Duy Anh, cho rằng cột có trang trí lông chịm không phải là cột buồm, mà là hình tượng của “doanh cổ” trang trí trên đồ đồng của Trung Quốc. Đồng thời, Lý Vĩ Khanh còn nhấn mạnh: tất cả thiết bị thấy được trên thuyền, không có một thiết bị nào, chứng tỏ đây là thuyền vượt biển (Lý Vĩ Khanh: “Tìm hiểu thêm về hoa văn thuyền trên trống đồng” – trong “Tập luận văn hội thảo khoa học lần thứ hai của Hội Nghiên cứu trống đồng Trung Quốc” – Nxb.VV - năm 1986).

Hình thuyền trên trống đồng cũng như trên đồ đồng khác của văn hóa Đông Sơn, không phải là ảnh chụp, mà là bản vẽ do người thợ đúc đồng tạo ra, nên độ chính xác không cao và không đầy đủ như đối tượng vốn có; do vậy, những chi tiết trên đó không giống với đối tượng cũng là điều bình thường. Có điều, học giả Lý Vĩ Khanh đã không phát hiện ra, dưới hình thuyền còn có hình các loại hải sản, như: cá đuối, cá heo, rùa biển v.v… đang bơi theo thuyền (!). Điều đó chẳng khác gì một lời “chú giải” về chức năng của chiếc thuyền: Đây là thuyền đang đi biển!

Trong biển có tới hàng trăm loại hải sản, nhưng chỉ có vài ba loại nhất định được cư dân Đông Sơn chọn để thể hiện cùng với thuyền đang vận hành trên biển (?). Theo những người đi biển, những loài hải sản đó rất gần gũi và thân thiện với con người, nó có thể hỗ trợ người đi biển trong lúc gặp nạn, và đã có biết bao câu chuyện cá heo cứu người rơi xuống biển, v.v… Để có thể nhận định được những thuộc tính quý báu của các loài hải sản này, cư dân Đông Sơn đã phải có một quá trình hoạt động lâu dài và thường xuyên trên biển.

Những hình thuyền thể hiện trên đồ đồng của văn hóa Đông Sơn, như trống đồng, thạp đồng, v.v… đều được thể hiện theo cách thống nhất: chúng đang vận hành theo một hướng từ phải qua trái, chiều ngược kim đồng hồ. Điều đó có ẩn ý gì (?).

Vùng biển của nước ta là vùng biển của bão thuộc bắc bán cầu, đường đi của bão vừa xoay tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, vừa di chuyển vào lục địa. Người đi biển gặp bão, cần phải biết mình đang ở đâu trong vùng có bão để tìm cách thoát ra. Theo kinh nghiệm của người đi biển, khi gặp bão, nhìn theo hướng di chuyển của tâm bão, khu vực nguy hiểm sẽ ở bên phải hướng di chuyển của bão, bên trái là khu vực có thể đi được. Một khi bão đổi hướng, nếu thấy gió thổi thuận theo chiều kim đồng hồ, lúc đó thuyền đang ở nửa vòng nguy hiểm, nếu ngược kim đồng hồ, lúc đó thuyền đang ở nửa vòng có thể đi được. Do vậy, hướng ngược kim đồng hồ là hướng hy vọng của sinh tồn.

Hướng vận động ngược kim đồng hồ đã được thể hiện trong một số điệu múa dân gian sau này, đặc biệt trong điệu hát trống quân Đức Bác (Phú Thọ), khi di chuyển từ bờ sông vào đình làng, người hát đã tái hiện chính xác đường di chuyển của bão: vừa xoay tròn vừa di chuyển.

Ngoài hình thuyền trang trí trên đồ đồng, trong mộ táng của văn hóa Đông Sơn còn phát hiện được một số mộ táng có quan tài là thân cây khoét rỗng; điều đó gợi ra hình ảnh của những chiếc thuyền độc mộc trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt hơn cả là chiếc thuyền cùng mái chèo đã được chôn cùng với người chết và đồ tùy táng của họ ở Việt Khê (Hải Phòng), cách ngày nay khoảng 2.500 năm, hiện nay tại một số nơi ở vùng ven biển vẫn còn giữ tục dùng thuyền để đưa người chết đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Cho nên có thể nói, biển thực sự là một thành tố quan trọng của văn hóa Đông Sơn.

 (Tác giả: Nguyễn Văn Hảo)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9028187
Số người đang online: 22