Sự tương quan giữa loại hình đồ gốm và hoa văn trang trí trên đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh ở vùng Trung Trung Bộ

Đồ gốm trong văn hóa Sa Huỳnh có nhiều chức năng khác nhau: đồ chứa đựng hài cốt mai táng, đồ thờ cúng, đồ gốm dùng trong sinh hoạt (đồ đun nấu, đồ đựng đồ ăn uống), đồ gốm chứa đựng, đồ trang sức, đồ sản xuất. Các đồ gốm có kiểu dáng đa dạng, thậm chí cùng một loại đồ gốm nhưng cũng có dáng khác nhau. Điều này do chức năng sử dụng, môi trường sống và tư duy thẩm mỹ của các cư dân đã sáng tạo nên các đồ gốm. Dựa trên chức năng và kiểu dáng đồ gốm, các thợ gốm đã tạo nên các mô típ hoa văn đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh và đặc trưng cho từng loại đồ gốm khác nhau.

Đồ gốm Sa Huỳnh ở vùng Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có nhiều khác biệt với nhau cả về hình dáng và hoa văn. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến sự tương quan giữa loại hình và hoa văn trang trí trên đồ gốm trong văn hóa Sa Huỳnh ở vùng Trung Trung Bộ.

Các mô típ hoa văn đặc trưng trên đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh

- Chum, vò gốm: Đây là loại đồ gốm có kích thước lớn nhất trong số các đồ gốm Sa Huỳnh, được dùng với chức năng như các quan tài mai táng. Gồm có chum hình trụ, chum hình trứng, chum hình cầu, nồi - vò. Các loại chum hình trụ, hình trứng thường có nắp hình nón cụt được trang trí hoa văn khá đẹp, trong khu đó các loại chum hình cầu hoặc nồi - vò nắp không thống nhất một kiểu loại và hầu như không được trang trí hoa văn.

Các loại chum hình trụ, hình trứng thường có văn thừng phủ bên thân bên ngoài, từ dưới vành miệng (hoặc từ 2/3 thân) xuống gần đáy. Đây là loại văn mang tính kỹ thuật được sử dụng khi làm đồ gốm. Nắp của các loại chum này được trang trí những mô típ hoa văn cầu kỳ thường là các băng khắc vạch - khắc vạch ngắn tạo các đường cong dạng hình sin hoặc các hình tam giác, hình chữ nhật, hình thoi, các băng thẳng… xen giữa các băng khắc vạch - khắc vạch ngắn là băng màu đỏ. Các hoa văn này thường được trang trí từ sát đỉnh nắp tới gần vành mép. Một số nắp được trang trí đơn giản, chỉ gồm một băng chì đen trên vành miệng.

- Bình gốm: Có thể nói là loại đồ gốm được trang trí nhiều nhất và có những hoa văn đẹp nhất. Trang trí trên vành miệng phía ngoài, thậm chí cả phía trong, trên cổ, vai, chân đế, phổ biến nhất vẫn là vị trí trên vai.

Các mô típ hoa văn trang trí cho bình gốm tiêu biểu trong văn hóa Sa Huỳnh là: Khắc vạch thành từng nhóm gồm 3 đường song song nằm dọc, khoảng cách giữa các nhóm được tô màu đỏ trên loại hình gốm vai xuôi, gờ gãy góc thấp gần đáy, chân đế thấp choãi. Hoa văn được trang trí trên phần vai. Tiêu biểu là bình ở Lai Nghi, Hậu Xá, An Bang,… Cũng trên loại bình tương tự loại này có hoa văn khắc vạch hình tam giác bên trong các tam giác chứa các đường khắc vạch song song, màu đỏ được tô ở bên ngoài.

Mô típ tiêu biểu thứ hai trang trí trên vai các bình gốm là mô típ chữ S nằm ngang nối đuôi nhau có đệm các tam giác. Màu đỏ thường nằm len lỏi giữa những khoảng trống của các đường khắc vạch kết hợp in chấm, dạng hoa văn này có rất nhiều biến thể với những cách biến đổi các họa tiết và sự linh hoạt trong cách phối màu. Trong một số mô típ màu đen phủ đầy trong các mô típ tạo sự khác lạ và nổi bật trong mô típ. Các bình gốm ở Cồn Ràng, Gò Mả Vôi,… Nửa thân dưới của bình thường phủ văn thừng.

Ngoài ra, một số mô típ hoa văn cũng được sử dụng trên vai hoặc chân đế bình là: mô típ khắc vạch in chấm đệm tam giác kết hợp tô màu, hoa văn khắc vạch gồm những họa tiết tam giác và tam giác đệm, xen kẽ tô màu đỏ và in chấm bằng mép vỏ sò, hoa văn khắc vạch hình răng sói,… 

- Nồi gốm: Được sử dụng làm đồ đun nấu thức ăn, số lượng được phát hiện khá nhiều với các kiểu dáng đa dạng. Trên nồi gốm, chủ yếu được phủ văn thừng ở thân bên ngoài, một số ít nồi trên vai hoặc cổ được trang trí hoa văn rất đơn giản như các họa tiết khắc vạch, tô màu, một số nồi khác để trơn không có hoa văn. Các hoa văn thường được trang trí trên nồi là các mô típ in mép vỏ sò tạo các hình dích dắc, hình trám, hình xương cá; hoa văn khắc vạch in chấm hoa văn mô típ chữ S nối đuôi nhau có đệm các tam giác; hoa văn khắc vạch hình răng sói; hình trám; khắc vạch tạo hình các tam giác liền kề nhau.

- Bát/ mâm bồng: Hoa văn được trang trí trên phần thân bát và chân đế. Trên chân đế có nhiều băng khắc vạch song song hoặc cắt nhau màu đỏ hoặc chì được tô xen kẽ các băng đó; hoặc hoa văn khắc vạch in chấm hình chữ S biến thể nối đuôi nhau nằm ngang có (đệm các tam giác trổ lỗ trên đỉnh) các tam giác xen kẽ.

Bát gốm: Hoa văn in mép vỏ sò trên mép miệng, hoặc in mép sò thành các đường cong, thành các nhóm đường thẳng tạo thành hình trám lồng hoặc hình dích dắc.

Cốc gốm: Cốc là loại đồ đựng chân đế cao, phần thân nhỏ, thường được trang trí hoa văn chấm dải hình chữ S nằm ngang móc với nhau đệm các tam giác, rìa miệng có những đường khắc vạch nghiêng song song, dưới đó là một băng gồm những hình tam giác cân nằm cạnh nhau, bên trong có in chấm, đệm giữa các tam giác là những họa tiết xoắn, phía dưới là một băng giống phần miệng. Chân đế trang trí in chấm rải rác.

- “Đèn”: loại hình hiện vật này rất đặc trưng cho văn hóa Sa Huỳnh, song chức năng thực sự của nó chưa xác định chính xác được, có mặt trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh nhưng với số lượng rất ít. Hầu hết các “đèn” gốm tìm thấy đều được trang trí hoa văn với các họa tiết rất cầu kỳ, có thể đây là đồ gốm mang tính nghi lễ hoặc vật biểu trưng sự giàu có (?). Hoa văn thường được trang trí trên khoảng giữa hai vành miệng trong và ngoài, trên toàn bộ phần thân và chân đèn. “Đèn” gốm trang trí hoa văn khắc vạch thành từng nhóm, giữa các đường khắc vạch được tô màu đỏ được trang trí trên vành miệng, tiêu biểu là đèn ở Lai Nghi, Hậu Xá, Tam Mỹ,… ; hoa văn khắc vạch tạo thành mô típ hình chữ nhật trên thân đèn tiêu biểu là đèn ở Sa Huỳnh; các họa tiết các băng khắc vạch kết hợp khắc vạch ngắn tạo thành hình các tam giác và các đường dích dắc, các họa tiết này thường được kết hợp tô màu đỏ hoặc màu đen ánh chì; hoa văn khắc vạch in chấm hoặc in chấm tạo thành các nhóm đường thẳng, đường dích dắc hoặc tam giác. Trên “đèn” gốm thường được tô màu đỏ.

Dọi xe chỉ: hầu hết không trang trí hoa văn, một số ít trang trí các họa tiết khắc vạch.

Một vài nhận xét bước đầu

  1. Tùy theo chức năng của các đồ gốm, người thợ gốm trang trí các hoa văn nhiều ít, cầu kỳ hoặc đơn giản. Những đồ gốm như nắp hình nón cụt của chum, “đèn” gốm, bình gốm, mâm/bát, cốc gốm hầu như đều được trang trí hoa văn với các họa tiết cầu kỳ và thường được kết hợp tô màu. Có thể các đồ gốm này mang tính nghi lễ nhiều hơn là tính thực dụng. Nhóm đồ gốm như nồi, bát, dọi xe chỉ được trang trí ít hơn và hoa văn cũng đơn giản hơn.
  2. Một số họa tiết chỉ đượng sử dụng trang trí trên một số loại hình đồ gốm nhất định, trong khi một số họa tiết lại được sử dụng cho nhiều đồ gốm có chức năng khác nhau. Các họa tiết trang trí trên nắp chum dường như hiếm được sử dụng để trang trí trên các đồ gốm khác, như mô típ các băng khắc vạch - khắc vạch ngắn tạo hình sin, hình chữ nhật lồng, hình trám. Đa phần các mô típ được sử dụng cho nhiều đồ gốm khác nhau. Mô típ hoa văn khắc vạch in chấm tạo thành các chữ S nằm ngang nối đuôi nhau có đệm các tam giác kết hợp tô màu được sử dụng trang trí trên: vai bình, chân đế bình, nồi gốm, cốc gốm, bát/mâm bồng, chân đế mâm bồng. Đây là loại hoa văn khá tiêu biểu trong văn hóa Sa Huỳnh, hoa văn này có rất nhiều biến thể khác nhau, các họa tiết này trang trí trên bình gốm hoặc mâm bồng thì thường được kết hợp tô màu. Mô típ khắc vạch tạo thành các nhóm đường thẳng cũng được sử dụng trang trí nhiều trên bình gốm, “đèn” gốm. Mô típ khắc vạch tạo thành các tam giác liền nhau được dùng để trang trí trên vai bình, nồi gốm và nắp chum. Hoa văn in mép sò tạo thành các nhóm đường thẳng và các hoa văn khắc vạch hình răng sói được trang trí trên nồi, bát gốm. Mô típ khắc vạch ngắn tạo hình các tam giác nằm trong các băng đường thẳng dích dắc được trang trí trên đèn gốm, vành mép nắp chum và chân đế của bát/mâm bồng.
  3. Các hoa văn thường được trang trí trên những vị trí dễ được nhìn thấy. Đối với các loại chum mộ, hoa văn trang trí trên nắp chum để khi hạ quan tài xuống hố, thì phần nắp sẽ được quan sát thấy từ trên và thể hiện sự giàu sang cho chủ nhân ngôi mộ. Bình, cốc gốm thường được trang trí trên vai hoặc chân đế. “Đèn gốm” thường được trang trí trên toàn thân, đặc biệt là phần miệng luôn phủ kín hoa văn. Bát/mâm bồng được trang trí ở vành miệng phía ngoài, hoặc ở phần nửa thân phía trên gờ gãy góc và trên chân đế. Bát thường được trang trí trên mép miệng hoặc thành miệng phía ngoài của bát. Nồi gốm thường được trang trí trên vai hoặc cổ.

 (Tác giả: Hoàng Thúy Quỳnh)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027648
Số người đang online: 17