Quy hoạch khảo cổ: Làm sớm, nếu không 'bảo vệ di sản' chỉ là 'xảo chính sách'

Hơn 50% di tích thuộc thời đại Đông Sơn (Thanh Hóa) “biến mất”. Hơn nửa thế kỷ “kêu cứu”, tới nay, di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội) vẫn “quẫy đạp” trong tuyệt vọng… Và rất nhiều di tích, di chỉ khảo cổ sau khi được phát hiện rơi vào lãng quên. Những dấu hỏi bỏ ngỏ về một quy hoạch khảo cổ suốt chục năm vẫn đang treo lơ lửng như một thách thức đối với Luật Di sản văn hóa.

“Lệnh Hà Nội và TP.HCM” không bằng… xe ủi, máy xúc?
 

Chọn Hà Nội và TP.HCM mở đầu, để nói, ở hai trung tâm kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử lớn nhất cả nước, với một thiết chế văn hóa dù chưa hoàn chỉnh nhưng cũng đầy đủ ban bệ hơn các địa phương khác, việc thực thi pháp luật về di sản cũng đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Dường như những mệnh lệnh hành chính (từ Luật Di sản văn hóa cho tới các văn bản pháp luật của thành phố ban bố) bằng cách nào đó đã bị vô hiệu hóa bởi cái máy xúc, máy ủi (từ phía doanh nghiệp, cá nhân). 



Xâm phạm di chỉ Mỏ Phượng và Dền Rắn (Hoài Đức - Hà Nội) cuối năm 2019

Thế nên, mới có chuyện, một di tích khảo cổ dù được xếp hạng di tích quốc gia như Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM), hết lần này tới lần khác vẫn bị người dân cho xe ủi vào san lấp. Sau cú “san phẳng” cuối cùng hồi tháng ba tới nay, dư luận vẫn chưa nhận được một câu trả lời xác đáng từ phía chính quyền thành phố, cũng như các cấp quản lý địa phương. 
 

Thế nên mới có chuyện, dù được các nhà khảo cổ học phát hiện cả nửa thế kỷ, tới nay, một di chỉ có niên đại 3.500 tuổi như Vườn Chuối (Hà Nội) vẫn đang “ngắc ngoải” trong cuộc chiến giữa bảo tồn và phát triển. Mới đây, ngay trước ngày Di sản văn hóa Việt Nam với loạt hoạt động kỷ niệm rình rang, dù đã có lệnh tạm dừng thi công từ phía chính quyền thành phố, đơn vị thi công vẫn đưa máy xúc vào, xâm phạm, san ủi toàn bộ di tích Gò Mỏ Phượng và 50% di tích Gò Dền Rắn nằm trong cụm di chỉ này để làm đường nội bộ. Đến nỗi, người ở Viện Khảo cổ học phải thốt lên: “Luật Di sản văn hóa đang bị thách thức ở đây”.

Đây không phải lần đầu tiên, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo cũng như những nguy cơ về tình trạng suy thoái di tích, di chỉ khảo cổ; thế nhưng, những cảnh báo này dường như chỉ là câu chuyện riêng của các nhà khảo cổ học. Một nghịch lý vẫn tồn tại: số di tích, di chỉ, những thành quả nghiên cứu được công bố mới, tiếp tục khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến Đại Việt, có vẻ tỷ lệ nghịch với số lượng những di tích được bảo vệ; thậm chí, có xu hướng biến mất, bị xóa sổ ngày càng tăng. 

Một thống kê chưa đầy đủ được các nhà khoa học đưa ra cũng đủ khiến chúng ta giật mình: Ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%. Hơn 50% di tích thuộc thời đại Đông Sơn (Thanh Hóa) cũng có số phận tương tự. Sau ba mươi hai năm khai quật, lập quy hoạch, di tích văn hóa Óc Eo cỏ mọc um tùm… Lò gốm Hưng Lợi dù được xếp hạng di tích cấp quốc gia cũng không tránh khỏi số phận “phế tích”…  PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, từng kêu lên: “Nếu không bảo vệ được các di tích, di chỉ, có nghĩa, ngành khảo cổ học sẽ chết!”.

Loay hoay quy hoạch khảo cổ

Một trong những công cụ giảm thiểu tình trạng suy thoái di tích, di chỉ khảo cổ mà các nhà khoa học đã nói rất nhiều suốt thời gian qua, là phải xây dựng một quy hoạch, một bản đồ cho khảo cổ học Việt Nam. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 cũng đã quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ, kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Thế nhưng, cho tới nay, trên cả nước, chưa có địa phương nào hoàn thiện và đưa quy hoạch này vào áp dụng trong thực tiễn, kể cả Hà Nội và TP.HCM. 

Quy hoach khao co:  Lam som, neu khong 'bao ve  di san' chi la 'xao chinh sach'

Dù có lệnh ngừng thi công nhưng máy ủi vẫn tiến hành xâm phạm khu di chỉ Vườn Chuối

Thực tế ở nhiều nơi đã chỉ rõ, những xung đột giữa bảo tồn và phát triển xảy ra thời gian qua cũng bắt nguồn từ việc chưa có quy hoạch. Chỉ khi nào có quy hoạch, ta mới xác định và bảo vệ được những khu vực trọng yếu của khảo cổ. Nếu có quy hoạch, vừa giữ được di sản, lại không làm khó nhà đầu tư. Nếu có quy hoạch, tránh được chuyện “cha chung không ai khóc”. 

 

Đặc biệt, khi có một quy hoạch khảo cổ với các nội dung cơ bản như số lượng và loại hình di tích, vị trí, phạm vi của di tích, mức độ quan trọng của di tích, tiềm năng nghiên cứu và phát huy giá trị của di tích, những nguy cơ tác động đến di tích...  cơ sở khoa học để xây dựng các dự án phát triển và thực hiện Luật Di sản văn hóa một cách đầy đủ và đúng luật cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Đó cũng là căn cứ để quyết định bảo tồn hay xóa bỏ khi đặt trong mục tiêu phát triển.

Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, cả chục năm trôi qua, vẫn chưa có một địa phương nào tiến hành quy hoạch khảo cổ. Cần làm sớm, nếu không, bảo vệ và phát huy giá trị di sản chỉ là một “xảo chính sách”. 

Du Nguyên

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9025034
Số người đang online: 27