Di tích khảo cổ Làng Vạc (Nghệ An): lịch sử và tương lai!

Sáng 21/12, tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thảo khoa học "Di tích khảo cổ Làng Vạc: Giá trị lịch sử - Văn hóa". Hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Tại hội thảo, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã làm rõ thành tựu, kế hoạch nghiên cứu và khai quật di tích Làng Vạc; giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của di tích; vị thế của Làng Vạc trong bối cảnh lịch sử văn hóa khu vực; mối quan hệ, vị trí của Làng Vạc trong thời Hùng Vương dựng nước. Bên cạnh đó, các tham luận còn nêu hiện trạng, hạn chế trong việc phát huy giá trị di tích, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; tiềm năng, cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.


Quang cảnh di tích Làng Vạc và cuộc khai quật năm 1990 (nguồn: PGS.TS Bùi Văn Liêm)

Hội thảo Di tích khảo cổ Làng Vạc: Giá trị lịch sử - Văn hóa năm 2020 (nguồn: Bảo tàng Nhân học)

Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật

Cuộc Hội thảo đã thu hút được 31 bài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, quản lý tập trung bàn thảo về giá trị của di tích và hướng bảo tồn gắn với phát huy giá trị.
Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc là một trung tâm văn hóa Đông Sơn ở vùng bán sơn địa thuộc thị xã Thái Hòa (Nghệ An). Đến nay, Làng Vạc là một trong hai khu di tích Đông Sơn tiêu biểu, có khối hiện vật phong phú về loại hình. Đây là di tích phát hiện được nhiều mộ táng nhất của nền văn hóa Đông Sơn trên đất nước ta (gồm 300 ngôi mộ được phát hiện qua 5 lần thám sát, khai quật). Làng Vạc trở thành tên gọi của một trung tâm văn hóa Đông Sơn lớn trên lưu vực sông Cả với hơn 1.200 hiện vật phong phú, đa dạng bằng đồng, gốm, đá, thủy tinh, sắt như trống đồng, rìu xéo, dao găm cán tượng người… Đánh giá của các chuyên gia khảo cổ, Làng Vạc có thể sánh ngang với những di tích văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở lưu vực sông Hồng như Vinh Quang, Làng Cả...

Di sản Làng Vạc cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm. Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia ngày 13/9/1999.

Trình bày tham luận “Vị trí của Làng Vạc trong diễn trình tiền sơ sử lưu vực sông Lam/Cả”, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) khẳng định, địa điểm văn hóa Đông Sơn quan trọng nhất ở lưu vực sông Cả là Làng Vạc. Làng Vạc cũng đại diện cho loại hình sông Cả, loại hình này đôi khi còn được gọi là loại hình Làng Vạc.

Di tích Làng Vạc được xác định gồm hai khu cư trú (Làng Vạc), mộ táng (xóm Đình), phân bố ở phía Đông và Tây của thung lũng Khe Vạc. Khu cư trú nằm ở phía Tây của thung lũng Khe Vạc, còn khu mộ táng ở rìa phía Đông. Ngôi mộ được đặt trên đồi, trên rìa thấp cạnh các ruộng lúa ngày nay. Làng Vạc là phức hợp di tích mộ táng cư trú trong thời gian vài trăm năm. Tại Làng Vạc, các nhà khai quật còn nhận diện được một lớp văn hóa Sơn Vi từ lớp dưới ở khu vực khai quật phía Đông năm 1990. Thung lũng Làng Vạc có một số địa điểm khác chứa đồ đá Sơn Vi. Như vậy, sự có mặt của cư dân văn hóa Sơn Vi giai đoạn hậu kỳ đá cũ ở đây là điều không thể bàn cãi.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Làng Vạc


Các đại biểu tham dự Hội thảo (nguồn: Bảo tàng Nhân học)

Trong điều kiện phát triển kinh tế -xã hội hiện nay, cũng như nhiều di sản khảo cổ học khác, di tích Làng Vạc đang chịu tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đặc biệt chưa có một nghiên cứu đánh giá tình trạng di tích, trữ lượng hiện còn của di tích, nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn…
PGS.TS Bùi Văn Liêm (Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học) cho rằng, qua những tư liệu về mộ táng Làng Vạc có thể thấy rõ những đặc trưng và tính chất của khu mộ táng Làng Vạc có sự đa dạng về táng tục với nhiều hình thức mai táng người chết, nhìn chung trong loại hình này vẫn phổ biến mộ đất - loại mộ phổ biến trong văn hóa Đông Sơn. Trong văn hóa Đông Sơn, Làng Vạc là di tích có số mộ vò/nồi lớn, tập trung nhất. Loại hình mộ vò nồi gốm của lưu vực sông Cả rất đa dạng, bên cạnh loại mộ nồi/vò chôn đứng giống như của vùng sông Mã còn có loại mộ nồi/vò hai, ba chiếc úp vào nhau chôn nằm ngang. Táng tục mộ nồi/vò gốm chôn đứng khá phổ biến trong các di tích Đông Sơn ở lưu vực sông Mã và cũng xuất hiện ở di tích Làng Cả, Gò De của loại hình sông Hồng, là đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, Nam Bộ.

"Cần đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này. Bởi lẽ đây là khu di tích hiếm có của văn hóa Đông Sơn nói chung và Nghệ An nói riêng, có giá trị lịch sử văn hóa độc đáo và đặc sắc, đại diện cho một loại hình địa phương của văn hóa Đông Sơn" - Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học Bùi Văn Liêm nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường, thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị di tích khảo cổ học Làng Vạc cần gắn với phát triển du lịch miền Tây Nghệ An. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối địa điểm di chỉ Làng Vạc khi giới thiệu hiện vật liên quan được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An cũng như các bảo tàng về di chỉ khảo địa phương.

Ngoài ra, quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đáp ứng điều kiện đón khách du lịch, các dịch vụ phục vụ du khách. Đặc biệt cần chủ động kết nối Khu di tích Làng Vạc với các điểm đến như: Đền làng Lụi (xã Nghĩa Mỹ), Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu, đồi hoa xuân Thái Hòa cũng như điểm du lịch ở các địa phương lân cận (trang trại và đồi hoa ở Nghĩa Đàn, Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm ở Diễn Châu)… để thu hút khách du lịch... Cần đa dạng hóa hoạt động du lịch của di tích như: phối hợp với cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức chương trình ngoại khóa về tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của di chỉ Làng Vạc. Ngoài ra, khuyến khích người dân tham gia với vai trò là hướng dẫn viên khách du lịch tham quan di tích và làng nghề truyền thống tại địa phương.

Tổng kết hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh khẳng định, thông qua hội thảo đã đánh giá sâu sắc giá trị văn hóa đặc biệt, nổi bật của di tích Làng Vạc. Làng Vạc là trung tâm kinh tế chính trị khá quy mô thời Hùng Vương. Đặc trưng văn hóa Làng Vạc đã góp phần khẳng định nền văn minh Việt cổ thuộc thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại ở vùng sông Hồng, sông Mã mà còn tồn tại ở vùng sông Lam.

Đặc biệt, khi nhà Tây Hán đã đặt ách đô hộ nước ta, Làng Vạc vẫn là địa điểm văn hóa Đông Sơn của người Việt với các hiện vật như: trống đồng, vũ khí, dao găm... góp phần phát triển văn hóa Lạc Việt, không bị ảnh hưởng, đồng hóa. Di tích Làng Vạc cũng khẳng định quan hệ với nền văn hóa các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Trung Quốc...

Thời gian tới, để bảo vệ và phát huy di tích Làng Vạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho rằng cần tiếp tục phối hợp với cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước thăm dò, khai quật, khảo cổ nhằm nhận diện đầy đủ về di tích; nghiên cứu, biên soạn, phát hành một số công trình chuyên biệt giới thiệu về di tích khảo cổ học Làng Vạc.

Cùng với đó cần khoanh vùng bảo vệ hiện trạng quy hoạch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về di tích Làng Vạc; xây dựng sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm đặc thù gắn với phát triển du lịch sinh thái, các làng nghề, di tích lịch sử vùng phụ cận.

Tổng hợp: Nguyễn Thơ Đình

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9024720
Số người đang online: 28