Bảo quản hiện vật khảo cổ học

Từ trước đến nay, những người làm công tác khảo cổ học từ Trung ương cho đến các địa phương, thường sau những đợt khai quật khảo cổ học, tất cả các hiện vật chỉ được rửa sạch sẽ, thống kê, phân loại và làm hồ sơ khoa học, rồi sau đó lại bàn giao cho các địa phương. Cán bộ bảo tàng ở các địa phương sau đó cũng sẽ chọn lựa những hiện vật đẹp, có giá trị để trên phòng trưng bày, còn đa phần để cất giữ trong các kho. Nhưng tất cả mọi người đều thừa hiểu rằng: những hiện vật đó chưa hề được bảo quản theo đúng nghĩa: Bảo quản khoa học thật sự đối với hiện vật khảo cổ học.

Là người làm công tác khảo cổ học tới 40 năm tròn, tôi cũng đã có dịp đi công tác gần như khắp đất nước và cũng có nhiều dịp trở lại với các bảo tàng mà những người làm công tác khảo cổ như chúng tôi đã từng bàn giao lại cho địa phương có khi đến vài ba xe ôtô hiện vật khảo cổ học sau những lần khai quật. Nhưng thật đau lòng và cảm thấy xót xa là số hiện vật khảo cổ học mà mình đã từng nâng niu, trân trọng sau khi đã được bàn giao cho bảo tàng địa phương vì nhiều lý do nay đã hư hỏng xuống cấp, thậm chí mất mát hoặc xếp đống trong các kho tạm. Những hiện vật khảo cổ này đã trở thành mối lo cho một số bảo tàng như chứa rác trong nhà, vô tác dụng đối với các nhà nghiên cứu. Chính bản thân chúng tôi đã từng phải đi làm cái việc cực chẳng đã là thanh lý giúp một số bảo tàng (như Bảo tàng Nam Định chẳng hạn) cả một kho hiện vật (trong cái gọi là kho tạm) vô chủ, sau khi chỉ làm được mỗi một việc là thống kê, phân loại.

Vậy thì chúng ta đào lên nhiều để làm gì, trong khi chúng ta chưa có đủ điều kiện để bảo quản, giữ gìn nó (trừ việc khai quật giải phóng mặt bằng phục vụ cho quốc kế dân sinh). Trở lại chủ đề chính của báo cáo: Đã đến lúc chúng ta phải  có ý thức và có cách bảo quản, giữ gìn những hiện vật khảo cổ học sau khai quật.

Sau ngày được Viện khảo cổ học cho nghỉ hưu theo chế độ, cũng vì còn máu mê với nghề nghiệp, tôi đã được Công Ty TNHH Bảo quản và Bảo tồn Di sản mời với tư cách là chuyên gia khảo cổ học, được tham gia bảo quản hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, phục vụ cho Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ; được bảo quản gần như toàn bộ mấy vạn hiện vật đủ các loại hình cho Bảo tàng Thanh Hóa và nhiều hiện vật khác nữa cho các Bảo tàng Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang .... Tôi mới thấy việc tìm kiếm hiện vật khảo cổ học đã khó, nhưng việc bảo quản, giữ gìn cho hiện vật khảo cổ được lâu dài còn thật khó và tốn kém tiền của hơn nhiều.

Cũng vì khuôn khổ chỉ trong một bài viết nhỏ, chúng tôi không thể đi vào diễn giải thật chi tiết, khoa học cho tất cả các loại hình di tích và di vật khảo cổ học với các phương pháp bảo quản chúng mà khắp trên thế giới đã và đang áp dụng, ở đây chúng tôi chỉ rút ra một vài tiêu chí, cách xử lí tối thiểu mà tất cả chúng ta, những người làm công tác khảo cổ học, những cán bộ bảo tàng, ai cũng có thể làm được, miễn là chúng ta có tâm huyết và thực hiện đúng qui trình. Các công đoạn thực hiện bảo quản được tóm tắt như sau:

Thứ nhất: Vệ sinh hiện vật:

Tuyệt đối chúng ta không được rửa các hiện vật bằng nước lã (nước máy, nước sông, suối, hồ, ao...). Thông thường chúng ta tìm được hiện vật, kể cả trong các cuộc khai quật khảo cổ học, chúng ta đều mang đi rửa cho sạch sẽ...nhưng làm như vậy vô hình chung chúng ta đã làm hỏng thêm hiện vật. Kinh nghiệm cho hay, hiện vật được lấy lên từ lòng đất chỉ nên cạy sạch sẽ bùn đất bằng những dụng cụ chuyên dùng (như dụng cụ dùng trong ngành y tế..) Sau khi hiện vật được làm sạch đất cát, bụi bẩn, phải được vệ sinh bằng hợp chất: Nước cất + Ethanol loại tinh khiết, tỷ lệ 1/1

Dùng loại bông y tế, nhúng vào hợp chất này, chùi rửa cho hiện vật thật sạch sẽ.

Nếu là hiện vật kim loại bị han gỉ do ô-xít hóa, sau khi làm vệ sinh sạch phải có công đoạn tẩy gỉ. Đây là một công việc phức tạp, phải thực hiện qua nhiều công đoạn mà chúng tôi không thể giải trình ở đây.

Thứ hai: Hiện vật phải được biến tính:

Đây là một công việc bắt buộc phải làm, đặc biệt là những hiện vật bằng kim loại và cả đồ gốm, sứ. Biến tính hiểu đúng nghĩa là làm cho cốt hiện vật cứng lên. Hợp chất biến tính gồm: Bezotriazol + Ethanol loại tinh khiết, tỷ lệ 0,4%.

Có thể ngâm hiện vật trong bể chứa hợp chất tối thiểu 12h, tối đa 24h tùy thuộc vào tình trạng cốt hiện vật. Cũng có thể quét hợp chất lên hiện vật nhiều lần.

Hiện vật sau khi được biến tính, phải được làm sạch lớp hóa chất dư thừa bám trên bề mặt hiện vật bằng dung dịch nước cất + Ethanol tinh khiết, tỷ lệ 1/1 như khi làm vệ sinh hiện vật ở bước thứ 1. Sau đó hiện vật phải được sấy khô ở nhiệt độ 50oC - 60oC, đạt đến độ ẩm bằng 65%.

Thứ ba: Công đoạn phủ màng bảo vệ:

Muốn giữ được hiện vật lâu dài, ít chịu tác động của thời gian, hiện vật phải được phủ kín bằng một lớp màng bảo vệ. Hợp chất phủ gồm: Paruloi B72 + Aceton tinh khiết tỷ lệ 4%

Dung dịch này được quét hoặc phun dạng sương bằng bình nén khí lên toàn bộ các bề mặt hiện vật để tạo nên một lớp màng bảo vệ. Có thể hiện vật được phủ lên nhiều lớp màng mỏng, nhưng phải đảm bảo có độ bóng hợp lý. Sau đó cũng sấy khô hiện vật ở nhiệt độ 40oC - 50oC.

Lưu ý:

  1. Tùy theo từng loại hình hiện vật, chất liệu hiện vật, thực trạng hiện vật...chúng ta sẽ có những cách xử lý khác nhau chút ít.
  2. Hiện vật mặc dù đã được bảo quản nhưng cũng được để ở những nơi có điều kiện thích hợp, đảm bảo tính khoa học cả về nhiệt độ, ánh sáng...
  3. Bảo quản nhưng không phải là vĩnh viễn. hiện vật vẫn cần phải bảo dưỡng định kỳ.

Chúng ta là người làm công tác khoa học xã hội, mới nghe qua về các công thức hóa chất của khoa học tự nhiên, tưởng là một việc làm quá xa vời và khó thực hiện. Nhưng trên thực tế đã và đang làm cho một số bảo tàng chúng tôi thấy công việc cũng không có gì là quá khó khăn, miễn là chúng ta có tâm huyết và cũng phải có kinh phí.

Thực tế ở những bảo tàng đã thực hiện công tác bảo quản, kể cả để ở trên các phòng trưng bày, trong các kho hay kể cả để ngoài trời, hiện vật đều được đảm bảo lâu dài, bền, đẹp, xứng đáng là những cổ vật - báu vật của quốc gia, đồ quí hiếm của cha ông, tổ tiên ta để lại.

Là những người làm công tác khảo cổ, công tác bảo tàng...chúng ta sẽ có tội với tiền nhân, với đất nước, khi chúng ta đào bới, sưu tầm hiện vật về mà không giữ gìn bảo quản, để hiện vật hư hỏng xuống cấp, mất hẳn giá trị vốn có của hiện vật. Nếu chúng ta không làm được những việc trên, thà ``gửi`` lại chúng trong lòng đất giữ gìn bảo quản hộ còn được lâu dài, để sau này thế hệ con cháu chúng ta có điều kiện hãy đào bới lên.

Trung Quốc chưa tìm được mộ Tào Tháo, mộ Thành Cát Tư Hãn, nhưng đã tìm ra chính xác lăng mộ Tần Thủy Hoàng...Nhưng trình độ khoa học của Trung Quốc hiện tại vẫn chưa dám khai quật mộ Tần Thủy Hoàng mà chỉ dám động đến những khu ngoại vi, làm xuất lộ những tượng đất nung, xe cộ... phục vụ khách tham quan.

Giới khảo cổ học Việt Nam chúng ta cũng đã tìm ra chính xác vị trí ngôi mộ Lê Lợi nhưng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi đó không cho phép khai quật vì theo cố Thủ tướng: lòng đất sẽ lưu giữ ngôi mộ được lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn, hơn là chúng ta khai quật lên mà không có cách bảo quản, giữ gìn cho muôn đời con cháu. Bài học xương máu và nhãn tiền là trước đây chúng ta đã khai quật ngôi mộ vua Lê Dụ Tôn từ Thọ Xuân Thanh Hóa, để rồi gây rắc rối cho các đời giám đốc Viện bảo tàng Lịch Sử Việt Nam trông nom hương khói, giữ gìn. Sau nhiều năm, dòng họ Lê Thanh Hóa đòi rước Cụ về nhưng trong tình trạng từ một xác ướp nguyên lành, cả râu tóc, áo quần như người đang nằm ngủ, giờ trở lại quê hương chỉ còn là một đống xương khô. Thật là cám cảnh và đau lòng cho các nhà khảo cổ học nước nhà!

(Tác giả: Phạm Như Hồ)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027893
Số người đang online: 15