Tổ chức xã hội Sa Huỳnh thời đại Sắt sớm qua nghiên cứu các loại hình mộ táng

Thành tựu nghiên cứu khảo cổ học về văn hoá Sa Huỳnh vùng nam Trung bộ Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đã phát triển vượt bậc. Từ những phát hiện gần 20 di tích mộ chum với gần nghìn chum táng của các học giả nước ngoài trước năm 1975, thì nay con số thống kê các di tích văn hoá Sa Huỳnh và Tiền Sa Huỳnh đã lên tới gần 100 di tích, thể hiện một quá trình phát sinh và phát triển liên tục của một nền văn hoá khảo cổ ngay trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này.

Xuất phát từ góc độ nghiên cứu các loại hình mộ táng trong văn hoá Sa Huỳnh thời đại Sắt sớm, chúng tôi nhận thấy có nhiều yếu tố bộc lộ các mối quan hệ xã hội, thân phận và địa vị xã hội của từng cá thể trong một di tích hay một cụm di tích. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong văn hoá Sa Huỳnh đã tồn tại ba loại hình mộ táng: Mộ chum, mộ nồi chôn úp nhau và mộ đất. Trong ba loại hình mộ táng này thì loại hình mộ nồi chôn úp nhau được sử dụng chôn cải táng di cốt trẻ em. Những bằng chứng này có thể tìm thấy trong 8 cụm mộ nồi ở di tích Suối Chình, mộ nồi số 5 ở di tích Xóm ốc trên đảo Lý Sơn, hoặc trong cụm mộ nồi số 1, số 7, số 20, số 30 ở di tích Động Cườm và ở di tích Cồn Ràng, Gò Mả Vôi, Giồng Cá Vồ, Giồng Lớn... Loại hình mộ chum và mộ đất thường được sử dụng hung táng (chôn nguyên xác lần đầu tiên). Phương thức hung táng trong chum rõ nét nhất là trong di tích Giồng Cá Vồ và trên đảo Lý Sơn, trong mộ đất song táng của di tích Xóm ốc. Một điều có thể nhận xét ngay là các di tích mộ chum Sa Huỳnh chỉ tồn trong khu vực đất liền và vắng bóng ở khu vực đảo ven bờ ở nam Trung bộ và Nam bộ Việt Nam. Điều này có thể lý giải bằng sự khan hiếm nguồn nguyên liệu tạo chum gốm, mặt khác cũng bộc lộ rõ bản lĩnh trong thế ứng xử của người cổ Sa Huỳnh với điều kiện tự nhiên và xã hội trong từng khu vực. Chúng ta có thể nhận thức được xã hội Sa Huỳnh thời cổ đại có tổ chức chặt chẽ. Bằng chứng là các di tích mộ chum, mộ nồi trong những di tích văn hoá Sa Huỳnh thường được chôn thành từng hàng ba hoặc năm chiếc theo một hướng nhất định, không bao giờ cắt phá nhau. Xu hướng chôn cất theo từng cụm có tổ chức, cùng với sự chăm sóc cẩn thận mộ táng như đốt than sưởi mộ, đặt hòn đá hay vỏ nhuyễn thể đánh dấu mộ, đã khiến một số học giả nước ngoài như M.Colani, O.Janse cho rằng chủ nhân của những mộ chum này là những cư dân có trình độ văn minh cao hơn từ ngoài biển vào. Những cụm mộ chum đó là biểu tượng của những con thuyền do họ sáng tạo ra.

Tổ chức xã hội Sa Huỳnh còn bộc lộ rõ qua các đồ tuỳ táng trong mộ. Các đồ tuỳ táng có thể là đồ gốm như nồi, bình con tiện, bát mâm bồng với những đồ án hoa văn khắc vạch kết hợp với tô màu độc đáo, bên cạnh đó còn có những đồ trang sức như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu bằng đá ngọc, bằng thuỷ tinh, hay những hạt chuỗi bằng mã não, thuỷ tinh màu. Những đồ sắt như rìu, cuốc, thuổng, dao mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh, những đồ đồng mang đặc trưng văn hoá Đông Sơn. Đến giai đoạn muộn đã xuất hiện đồ tuỳ táng bằng đồng thời Hán như gương, chậu, bình và đồ trang sức bằng vàng, mã não, thuỷ tinh có nguồn gốc từ Ấn Độ. Những vật phẩm chôn theo đó đã thể hiện địa vị xã hội của chủ nhân mộ táng, hoặc các mối quan tâm sâu sắc trong một tổ chức xã hội. Đồng thời, sự phân bố số lượng đồ tuỳ táng ít/nhiều cũng như các loại hình vật phẩm chôn theo quý giá hay bình dân đã thể hiện rõ sự phân hoá giàu/nghèo trong tầng lớp xã hội. Chúng tôi lấy ví dụ trong di tích mộ chum Động Cườm khai quật năm 2003. Chỉ tính riêng hố khai quật 112m2, chúng tôi đã phát hiện 36 cụm mộ chum và mộ nồi chôn úp nhau (32 mộ chum và 4 cụm mộ nồi). Điều đặc biệt là cả 4 cụm mộ nồi đều có đồ tuỳ táng, thậm chí có rất nhiều vật phẩm chôn theo như trong mộ nồi số 20 có 2 khuyên tai ba mấu bằng đá nephrite, nồi gốm nhỏ, dao sắt và hơn 600 hạt cườm bằng thuỷ tinh màu. Cụm mộ nồi số 30 lại được đặt ken sát giữa mộ chum 28 và mộ chum 29, dường như giữa họ có mối quan hệ huyết thống nào đó. Trong số 32 mộ chum ở hố khai quật của di tích Động Cườm, chỉ có già nửa số mộ chum có đồ tuỳ táng, số còn lại không có hiện vật nào, đã nói lên xã hội Sa Huỳnh đã có sự phân chia tầng lớp.

 Hiện tượng đồ tuỳ táng chôn phong phú trong các cụm mộ nồi, cùng với sự sắp đặt cẩn thận những vật phẩm đó cũng tồn tại trong các di tích Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Điều đó biểu hiện mối quan tâm sâu sắc đã đi vào tiềm thức của người cổ Sa Huỳnh đối với trẻ nhỏ khi rời xa thế giới hiện tại để đi đến một thế giới mới.

Chủ nhân mộ đất chôn song táng tại di tích Xóm Ốc, được xác định là cư dân cổ của văn hoá Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Cách thức chôn cất và sự bài trí các đồ tuỳ táng của ngôi mộ này đã thể hiện địa vị quan trọng của họ. Xung quanh hai di cốt đều có những nồi, bình, đĩa mâm bồng bằng gốm, nhưng khi quan sát kỹ thì thấy địa vị quan trọng hơn tập trung vào di cốt nữ. Trên khuỷu tay bà ta có đặt một mũi tên bằng đồng, cổ tay và ngón tay có đeo vòng, nhẫn bằng vỏ ốc. Phải chăng bà ta có một vị trí quan trọng như là một thủ lĩnh của bộ lạc?

Xã hội Sa Huỳnh ngày càng phát triển trên nền tảng kinh tế ngày càng vững chắc. Các nghề chế tác đồ gốm, đồ trang sức, đồ sắt phát triển vượt bậc và tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp, khiến cho tổ chức xã hội Sa Huỳnh ngày càng chặt chẽ, các nhóm cư dân đã có cuộc sống ổn định lâu dài và liên kết gắn bó với nhau, tạo nên các loại hình Sa Huỳnh Bắc, Sa Huỳnh Nam và Sa Huỳnh đảo ven bờ trong một nền văn hoá Sa Huỳnh thống nhất. Cư dân văn hoá Sa Huỳnh đã có đủ khả năng mở rộng các mối giao lưu trao đổi với các nền văn hoá khác: với văn hoá Đông Sơn, với văn hoá Hán, văn hoá Ấn Độ và các văn hoá đồng đại ở khu vực Đông Nam Á.

Sự giao lưu trao đổi không chỉ dừng lại ở mức độ hàng đổi hàng, mà đã nâng tầm thành những tụ điểm buôn bán mang tính chất thương mại hoá. Những cảng thị sơ khai như Hội An, Cần Giờ, hay những bến neo đậu ở Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) đã chứng minh cho điều đó. Tổ chức xã hội chặt chẽ là tiền đề cho sự phát triển, mà trong đó con người là hạt nhân quan trọng, giữ một vai trò chủ đạo mang tính quyết định sự thành công hay thất bại. Sự phân hoá giàu/nghèo trong xã hội Sa Huỳnh cũng chính là hệ quả tất yếu của sự phát triển của nền kinh tế, đồng nghĩa với sự đi lên của xã hội. Sự giàu có của một nhóm người trong xã hội đã hình thành rõ nét và tất nhiên, đi đôi với giàu có là quyền lực. Chúng tôi đã thống kê được 12 vật phẩm chôn trong một mộ chum của hố khai quật ở di tích Gò Quê (Quảng Ngãi). Những vật phẩm này là tấm che ngực, dao găm, kiếm, rìu đồng mang đặc trưng văn hoá Đông Sơn, nằm cùng với dao sắt mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh, đã thể hiện rõ địa vị cao sang của chủ nhân mộ táng.

(Tác giả: Phạm Thị Ninh)

(Nguồn: Những phát hiện mới năm 2008)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027726
Số người đang online: 25