Đình Lương Xá, ngôi đình 300 tuổi bị bê tông hóa

Đình Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là ngôi đình cổ có tuổi đời hơn 300 năm, nổi tiếng với nhiều cấu kiện gỗ, nhà tiền tế được trang trí bằng nhiều hoa văn, họa tiết có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, những người sửa chữa, tu bổ đình Lương Xá đang bê tông hóa di tích văn hóa này.
Đình cổ biến mất
Đình Lương Xá nằm ngay ven đường Quốc lộ 21B. Đi qua cổng làng, chúng tôi ngạc nhiên khi bức tranh về một ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi nằm giữa chốn làng quê yên bình giờ đây thay bằng một đại công trường với bê tông, sắt đá. Nếu trước đây, mỗi lần qua cổng đình, người dân trong làng đi thong thả để được cảm nhận những làn gió lành mát từ hồ nước rộng và bóng cây xanh mát thì giờ đây ai cũng đeo khẩu trang, bịt mũi vì khói bụi từ việc trộn bê tông và xe công nông chạy nườm nượp.
Đình Lương Xá vẫn còn nguyên vẹn cách đây 2 năm (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam)
Khuôn viên sân đình giờ trở thành bãi tập kết nguyên vật liệu, đủ thứ từ gạch đá đến bao tải xi măng, sắt thép đưa bừa bãi khắp nơi. Bức tranh giới thiệu hình ảnh về di tích thì xếp xó ngay gần bàn uống nước của công nhân. Còn ở trên mái, 3 - 4 công nhân đang “treo mình” khoan, cắt, đục để đưa những cột bê tông vào vị trí, gạch vữa rơi bồm bộp.
Tuy nhiên, xót xa nhất phải kể đến phía trong đình Lương Xá. Ngôi đình trống rỗng, bên trong xếp đầy giàn giáo xây dựng. Ngay kế đình là nhà văn hóa, hàng chục chiếc cột gỗ cũ bị tháo dỡ, xếp chỏng chơ phơi nắng, mưa. Có lẽ, người ta không quan tâm những cột gỗ với đủ thứ họa tiết cầu kỳ ấy bằng những cột bê tông cứng đơ và sáng bóng. Một người dân trong làng cho biết: “Mỗi khẩu trong làng phải đóng 800.000 đồng nên nhà nào đông con cháu thì lên đến cả chục triệu đồng. Mà khổ nỗi là “phép vua thua lệ làng” nhiều nhà không có tiền vẫn phải cố gắng xoay xở cho đủ không lại bị hàng xóm, làng giềng nói”.
Phá cột đình quý 300 năm tuổi thay bằng cột bê tông - ảnh 1
Những cấu kiện gỗ dãi dầu mưa nắng (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam)
 Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đã rất bức xúc khi tới ngôi đình Lương Xá (xã Liên Bạt, H.Ứng Hòa, Hà Nội). Cách đây 2 năm, ông Nam cũng từng qua đây để chụp ảnh, lưu lại các tư liệu về các mảng chạm gỗ quý của đình. Thế mà giờ đây, khi ông quay lại, tất cả chỉ còn là đống ngổn ngang. “Một ngôi đình cổ 300 tuổi vẫn có thể đứng vững thêm 300 năm nữa nếu không bị phá bỏ để thay thế bằng ngôi đình bê tông cốt thép. Toàn bộ cấu kiện gỗ chạm khắc thời Lê Trung Hưng đang bị biến thành củi đun, bán đồng nát”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt, cho biết tư liệu mỹ thuật cho thấy đây là ngôi đình có giá trị. Ở huyện Ứng Hòa có 2-3 ngôi đình như thế này. “Đặc biệt, đình làm ở thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Hình thức các chạm khắc cánh gà của đình giờ rất hiếm, chỉ còn rất ít đình có nghệ thuật chạm cánh gà đẹp như ở đây. Chạm khắc ở đây thú vị từ kỹ thuật đến đề tài. Ví dụ, có những hình con mèo ngoạm ăn con cá trên một cái đấu. Đó là cái rất hiếm hoi trong tạo hình điêu khắc đình làng. Và cách đây 2 năm nó hầu như còn nguyên vẹn”, ông Bình chia sẻ.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết đình có tên trong danh sách kiểm kê di tích. Thủ đô cũng đã có văn bản phân cấp quản lý giao cho huyện, huyện giao cho xã quản lý rồi. “Đã trong danh mục thì cũng vẫn phải xin phép, phải báo cáo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khi tu bổ. Tuy nhiên, họ chưa báo cáo. Quan điểm của Sở là sẽ làm nghiêm khắc việc này, yêu cầu kiểm điểm và có hình thức kỷ luật với cán bộ địa phương”, ông Tiến nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài cho biết nếu đình đã được kiểm kê rồi, muốn sửa phải xin phép địa phương. Việc đã xảy ra rồi thì chỉ có thể xử lý tình huống thôi. “Nếu bộ phận nào có giá trị thì có thể gắn lại trên khung kiến trúc cũ thì tốt, còn không được thì mang mảng chạm về Bảo tàng Hà Nội thôi”, ông Bài nói. Tuy nhiên, khả năng gắn lại rất thấp vì nó phải gắn trên một tổng thể gỗ chứ không phải xi măng.
Phá cột đình quý 300 năm tuổi thay bằng cột bê tông - ảnh 2
Khung cột gỗ đã bị thay bằng bê tông (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam)
Sửa luật, lấp khoảng trống di sản không danh hiệu
Ông Nam cho rằng các di tích không xếp hạng thì dễ bị coi thường, không được quản nghiêm. Và khi những người dân địa phương quá muốn có một di tích mới, thì "tính mạng" di tích xưa trở nên quá nguy hiểm. Vì thế, ông cho rằng vẫn cần có một cơ quan chuyên môn nào đó trông nom loại di tích này. Chẳng hạn, một số di tích ở Hải Phòng đã được giao cho Bảo tàng Hải Phòng quản lý.
Nguy cơ với các di sản không xếp hạng trên thực tế đã nhiều lần làm đau đầu các chuyên gia. Chẳng hạn, cầu Long Biên (Hà Nội) từng đối mặt với nguy cơ bị phá khi chưa được vào danh sách các công trình kiến trúc trước 1954 cần được bảo tồn. Thương xá TAX (TP.HCM) chỉ còn có thể giữ lại được một số thành phần kiến trúc. Một phần của trường Châu Văn Liêm, công trình kiến trúc quý thời Pháp, cũng đã bị đập đi xây mới. Bia Quốc học Huế vì không có danh hiệu nên đã được sửa chữa đơn giản như một công trình xây dựng chứ không phải trùng tu. Vì thế, bia không còn toàn bộ nội dung bằng chữ ở bản gốc.
PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng cần phải nghiêm túc làm kiểm kê di sản thường xuyên. Bản thân các danh sách kiểm kê này cũng cần được cập nhật liên tục. Trên thực tế, có nhiều di tích có thể bị “bỏ sót” mà chưa kịp làm hồ sơ danh hiệu. “Kiểm kê này cũng thường xuyên phải bổ sung chứ không phải làm một lần xong thì thôi”.
Bên cạnh đó, sau khi kiểm kê, nghiên cứu thấy di sản quý thì sẽ phải tính đến việc không để di sản đó trong tình trạng không danh hiệu. “Nếu di sản quý thì có hai trường hợp. Trường hợp, nó thuộc sở hữu công cộng thì Nhà nước phải can thiệp, yêu cầu địa phương phải làm hồ sơ xếp hạng. Còn nếu sở hữu tư nhân thì phải thuyết phục người ta, cho người ta cơ chế để bảo tồn tốt hơn. Hiện nay, hồ sơ di sản là trình từ địa phương lên. Trong luật cần có điều chỉnh để có thể làm hồ sơ cho những di tích xứng đáng. Thậm chí, có những di sản, di tích có thể có quy định Cục Di sản có thể chỉ định phải làm hồ sơ. Nếu không, có thể địa phương sẽ chây ì”, ông Bài nói thêm.
Nguyễn Thơ Đình (tổng hợp)
 

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9309364
Số người đang online: 25