Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xóa sổ

Các nhà khảo cổ học đang lên tiếng kêu cứu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có niên đại 3.500 năm - nơi những cư dân đầu tiên của Hà Nội sinh sống - đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Ngày 4-12, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, cựu giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, gửi thư đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị khẩn thiết bảo tồn khẩn cấp khu di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Hàng chục nghìn hiện vật quý hiếm

Ông Huy viết rõ trong thư, Vườn Chuối nằm trong một phức hợp các di tích khảo cổ học có niên đại đặc biệt với TP Hà Nội, đánh dấu sự có mặt của con người trên địa bàn Hà Nội ít nhất cũng từ 3.500-2.000 năm cách ngày nay. Đó là một dấu mốc đặc biệt hiếm hoi với lịch sử Hà Nội.

"Địa điểm Vườn Chuối được phát hiện đầu tiên năm 1969 đến nay đã trải qua 8 đợt khai quật. Nhưng cho đến nay di chỉ khảo cổ học này vẫn chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội. 

Do không được kiểm kê, không được đánh giá để xếp hạng di tích nên hiện nay toàn bộ  19.000m2 của di chỉ khảo cổ học này đã bị quy hoạch vào dự án Thăng Long 9 (khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) do Tổng công ty cổ phần Thương mại - xây dựng Việt Nam đầu tư.

Nếu các cơ quan có thẩm quyền không có kế hoạch bảo vệ di chỉ khảo vệ di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng này với Hà Nội thì chắc chắn di chỉ Vườn Chuối và các di chỉ khảo cổ học lân cận sẽ bị xóa sổ trong tương lai gần", PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề nghị khẩn thiết trong thư.

Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xóa sổ - Ảnh 3.

Hố khai quật khảo cổ học tại Vườn Chuối - Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy cung cấp

Ông chỉ rõ khu vực khảo cổ học Vườn Chuối cùng các di chỉ khảo cổ học liên kề là rất quý và hiếm với TP Hà Nội nói riêng và với quốc gia nói chung.

Đây là một phức hợp của rất nhiều các di chỉ khảo cổ như Gò Mõ Phượng, Gò Chùa Do, Gò Chiền Vậy, Gò Rền Rắn, Gò Vườn Chuối. Phức hợp các di chỉ khảo cổ này thuộc thời đại Hùng Vương, phản ánh quá trình định cư và sinh sống của những cư dân đầu tiên trên địa bàn Hà Nội kéo dài suốt từ 4.000 năm cho đến 1.800 năm cách ngày nay.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện 3 tầng văn hóa liên tiếp ở di chỉ này từ văn hóa Đồng Đậu (3.500-3.000 năm), văn hóa Gò Mun (3.000-2.500 năm) cho đến văn hóa Đông Sơn (2.500-1.800 năm) cách ngày nay.

 

Qua 8 lần khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 29 ngôi mộ tiền sử (chủ yếu là các mộ thuộc văn hóa Đông Sơn có đồ gồm và vũ khí đồng được chôn theo).

Ngoài ra còn có gần 15 vạn mảnh gốm, 50 hiện vật gốm vỡ và nguyên vẹn, hơn 200 hiện vật đồng, 11 hiện vật sắt, 1.000 hiện vật gỗ...

Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xóa sổ - Ảnh 4.

Hiện vật khai quật được tại Vườn Chuối - Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy cung cấp

Nguy cơ xóa sổ khu khảo cổ học

Ông Nguyễn Văn Huy còn đặt lại vấn đề trong những năm 2009-2011, khi dự án Thăng Long 9 san lấp mặt bằng đã làm phát lộ nhiều ngôi mộ tiền sử và phá hủy môt phần di chỉ, làm hư hại nhiều hiện vật, thì nhiều nhà khoa học và báo chí đã lên tiếng về sự phá hủy của khu vực khảo cổ học. Nhưng sau đó không biết vì lý do gì, sự việc rơi vào im lặng.

Đến nay, chưa có cơ quan thẩm quyền nào về văn hóa của Hà Nội tiến hành đo đạc, xem xét để đưa khu chi chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vào danh mục kiểm kê di tích của địa bàn Hà Nội. Các cơ quan liên quan cũng chưa có văn bản xử lý vấn đề bảo tồn khu khảo cổ học Vườn Chuối.

Cuối thư, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ mong muốn lãnh đạo cao nhất của TP sẽ xem xét và có kế hoạch cũng như biện pháp khẩn cấp bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối.

Ông Huy đề xuất trước hết cần lập hồ sơ đánh giá để sớm đưa di chỉ này vào danh mục di tích lịch sử, văn hóa cần bảo tồn khẩn cấp. Sau đó, TP cần làm việc với Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần Thương mại Việt Nam để có phơng án bảo tồn di chỉ văn hóa này.

"Nếu không, khi công trường xây dựng triển khai đầu năm 2018 thì di chỉ khảo cổ học quý này sẽ bị phá hủy hoàn toàn", ông Huy viết cuối thư.

Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xóa sổ - Ảnh 5.

Các loại tiền nhiều niên đại khác nhau khai quật được tại Vườn Chuối - Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy cung cấp

Vẫn chưa có hồ sơ quản lý di sản?

Sau khi lá thư của ông Huy được gửi đi, ngày 5-12, Sở Văn hóa, thể thao Hà Nội đã đến khảo sát, kiểm tra di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Đoàn kiểm tra kết luận hiện nay toàn bộ khu di chỉ Vườn Chuối nằm trong dự án khu đô thị của Công ty xây dựng Thăng Long 9 làm chủ đầu tư. 

Hiện trên toàn bộ khu di chỉ chưa xây dựng các công trình lên trên. Còn khu vực liền kề có một số doanh nghiệp đổ và san gạt các chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng...

Biên bản làm việc của đoàn kiểm tra cũng nêu rõ: "Hiện nay các vấn đề liên quan đến công tác quản lý như chỉ giới khu di chỉ, thành tựu khoa học của các đợt khai quật, hồ sơ quản lý... về phía địa phương xã và huyện là không có. 

Từ đó gây khó khăn cho việc phối hợp quản lý. Đề nghị các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn có phương án, biện pháp cung cấp các tư liệu để phục vụ công tác quản lý khu di chỉ được đảm bảo".

Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xóa sổ - Ảnh 6.

Hiện vật khai quật được tại Vườn Chuối - Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy cung cấp

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trương Minh Tiến - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao Hà Nội - giải thích: "Nếu đưa di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vào danh mục bảo tồn thì phải nằm trong quy hoạch khảo cổ chung tổng thể của Hà Nội. 

Mà quy hoạch này hiện chúng tôi chưa xây dựng. Trước đây tỉnh Hà Tây đã giao khu đất này cho doanh nghiệp, nên bây giờ thu hồi lại khu khảo cổ học đó rất khó".

Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định sẽ kiến nghị lên TP xem xét bảo tồn một phần của khu vực khảo cổ học Vườn Chuối.

Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xóa sổ - Ảnh 7.

Hiện vật khai quật được tại Vườn Chuối - Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy cung cấp

VŨ VIẾT TUÂN (tuoitre.vn)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9255694
Số người đang online: 14