Họp báo “Thông báo kết quả ban đầu về phát hiện di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại Đá cũ ở Việt Nam”
Sáng ngày 11 tháng 4 năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tiến hành họp báo "Thông báo kết quả ban đầu về phát hiện di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại Đá cũ ở Việt Nam" nhằm cung cấp thông tin về phát hiện khảo cổ học vô cùng quan trọng thuộc Sơ kỳ thời đại Đá cũ lần đầu tiên được phát hiện liên quan đến văn hóa của con người thời kỳ tối cổ trên đất nước Việt Nam do các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai vừa khai quật tại khu vực thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Họp báo
Tham dự buổi họp báo, về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm đến dự và chủ trì Họp báo; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; lãnh đạo các viện nghiên cứu chuyên ngành, lãnh đạo các Ban chức năng, các tạp chí của Viện Hàn lâm; đặc biệt, có Lãnh đạo và cán bộ của Viện Khảo cổ học – đơn vị trực tiếp thực hiện các cuộc khai quật.
Về phía khách mời địa phương có di tích, có Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; Ông Phan Dương Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai; bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai; Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Về phía các bộ, ngành, có các đại biểu đến từ ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Về phía các hội nghiên cứu chuyên ngành, có: GS.TS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam; Các đại diện của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Lãnh đạo và giảng viên các trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Sư phạm Hà Nội.
Về phía tổ chức quốc tế, có đại diện Đại sứ quán Myanma, Văn phòng UNESCO, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, và một số tổ chức quốc tế khác; cùng nhiều cơ quan thông tin truyền thông và báo chí ở Trung ương và Hà Nội.
Điều hành Họp báo có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học; TS. Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại Đá, Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ 2013-2014, người trực tiếp thực hiện các cuộc khai quật.
Phát biểu khai mạc Họp báo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, để phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho Tây Nguyên trong Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm đã tiến hành nghiên cứu hoàn thiện bản đồ khảo cổ học của vùng Tây Nguyên, trên cơ sở các số liệu thứ cấp đã có, rà soát và phát hiện những di tích khảo cổ ở Tây Nguyên thông qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ giai đoạn 2013-2014. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, có 30 phát hiện về di tích khảo cổ học, trong đó có 5 di tích khảo cổ học được xác định thuộc sơ kỳ Đá cũ ở vùng An Khê, tập trung khu trú ở các thềm cổ đôi bờ sông Ba. Đây là những phát hiện hết sức có ý nghĩa để công bố ban đầu về sơ kỳ Đá cũ ở vùng An Khê.
Nghiên cứu khảo cổ học thời kỳ Đá cũ là mối quan tâm lớn của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai)… cho thấy dấu tích văn hóa của người tối cổ ở Việt Nam, nhưng chưa có các bằng chứng thuyết phục về niên đại tuyệt đối. Để có luận cứ xác đáng cho các di tích sơ kỳ Đá cũmới phát hiện ở An Khê, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Viện sĩ Anatoli Derevianko đã tiến hành khai quật khảo cổ và thu thập nhiều bằng chứng xác định niên đại cho các di tích vùng An Khê, Gia Lai.
Một trong những nhiệm vụ của Viện Hàn lâm là tổ chức sưu tầm, khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và bảo tàng nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa khảo cổ học; trong hơn 60 năm qua, Viện Hàn lâm đã tổ chức nhiều cuộc khai quật, tiến hành nhiều nghiên cứu đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích khảo cổ học, nhờ đó đã đánh giá được các giá trị chân xác trong lịch sử do thất truyền, soi tỏ những điểm chưa rõ của lịch sử dân tộc, khẳng định các đỉnh cao của văn hóa, văn minh dân tộc. Trong các phát hiện đó, những phát hiện khảo cổ học thời Tiền sử đã được thế giới công nhận và đánh giá cao.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên, bắt đầu từ năm 2013, Viện Khảo cổ học đã phát hiện được một số di vật cực kỳ quý giá sơ kỳ thời đại Đá cũ tại An Khê, Gia Lai. Tiếp nối phát hiện này, trong 2 năm 2015 - 2016 cùng với các nhà khảo cổ học Liên bang Nga, các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đã tiếp tục mở rộng phạm vi khai quật và phát hiện được nhiều di vật mới, khẳng định sự tồn tại của sơ kỳ thời Đá cũ, có niên đại xa hơn tất cả các phát hiện khảo cổ học ở Việt Nam từ trước đến nay, góp phần phản biện lại về sự khác biệt Đông – Tây trong Tiền sử học nhân loại.
Các hình ảnh trưng bày tại Họp báo
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Gia Đối đã trình bày kết quả bước đầu của nghiên cứu, nêu rõ:
Khai quật Gò Đá năm 2016 thu được 58 hiện vật đá và 25 mảnh tectit. Đồ đá có các loại: 9 mũi nhọn, 5 chopper, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch, 12 hạch đá và 12 mảnh tước. Ở Rộc Tưng 1 thu được 46 hiện vật và 102 mảnh tectit. Hiện vật đá gồm: 7 mũi nhọn, 1 uniface, 3 nạo, 1 chopper, 18 mảnh cuội có vết ghè, 13 hạch đá và 4 mảnh tước. Ở Rộc Tưng 4 thu được 77 hiện vật và 25 mảnh tectit. Hiện vật đá gồm: 1 công cụ mũi nhọn, 4 công cụ nạo, 1 hòn ghè, 1 chopper, 14 hạch đá, 23 mảnh tước và 33 mảnh đá có vết ghè. Các mảnh tectit đều nằm trong tầng văn hóa chứa hiện vật đá.
GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam phát biểu tại Họp báo
|
GS.TS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu t ại Họp bao
|
Nhận xét bước đầu về kết quả nghiên cứu, về tính chất của di tích, các di tích đều có 1 tầng văn hóa, nguyên vẹn, duy nhất tìm thấy hiện vật đá, chưa tìm thấy di cốt người hay di tích động thực vật. Hiện tượng gia công nơi cư trú bằng việc tôn cao nền bằng đá quartz và đá cuội lớn có thê đã diễn ra ở đây.
Đặc trưng kỹ nghệ công cụ đá, làm từ đá cuội, chất liệu quartzite, silic, quartz; Kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, kích thước lớn, loại hình chính là mũi nhọn tam diện, biface, uniface, rìu tay… lập thành kỹ nghệ An Khê. Kỹ nghệ này khác với các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai).
Về niên đại, dự đoán dựa vào các yếu tố: các di tích phân bố trên thềm cổ sơ kỳ Cánh tân, di vật nằm trong lớp đá granite phong hóa tại chỗ (eluvi) có tuổi Pleistocene; Công cụ và tectit ở trong tầng văn hóa, trong đó tuổi của tectit được xác định là 77 – 80 vạn năm; Các sưu tập công cụ đá giống công cụ sơ kỳ Đá cũ Bách Sắc Trung Quốc, nơi định tuổi OSL là 80 vạn năm; Các nhà khảo cổ dự đoàn niên đại sơ kỳ Đá cũ An Khê khoảng 80 vạn năm.
|
|
Toàn cảnh Họp báo
Về chủ nhân của di tích An Khê tương ứng với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus).
Về giá trị các phát hiện: lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ trong tầng văn hóa, nằm cùng tectit có tuổi 77-80 vạn năm. Đây là bước ngoặt trong nhận thức giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc; Phát hiện này góp thêm bằng chứng về mốc mở đầu cổ nhất hiện biết của lịch sử Việt Nam; Bổ sung vào bản đồ Thế giới sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trong đó có Việt Nam; bác bỏ một số quan điểm sai lệch trước đây về sự đối lập văn hóa thời tiền sử sớm giữa 2 khu vực Đông và Tây; Cung cấp tư liệu biên soạn quốc sử, góp thêm nhiều cổ vật trưng bày Bảo tàng, là cơ sở xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển du lịch văn hóa ở Tây Nguyên. Bổ sung An Khê của Việt Nam vào bản đồ Đá cũ thế giới với kỹ nghệ rìu tay.
Sau khi nghe TS. Nguyễn Gia Đối trình bày kết quả bước đầu của nghiên cứu, Họp báo đã nhận được nhiều câu hỏi của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự:
PGS.TS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam phát biểu tại Họp báo
|
TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á phát biểu tại Họp báo
|
Ông Nguyễn Đăng Phát, Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam –Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch dương của Hội Hữu nghị Việt Nam – Nga đề nghị cho biết rõ hơn về sự hợp tác Việt – Nga trong nghiên cứu này, đặc biệt về sự phối hợp, giúp đỡ của các nhà khảo cổ học Nga về tri thức, công nghệ, phương tiện, tài chính…; và giải thích kỹ hơn về Kỹ nghệ An Khê.
Mảnh thiên thạch trưng bày tại Họp báo
PGS.TS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam thuộc Tổng Hội Địa chất Việt Nam nêu ý kiến cho rằng, tuổi của tectit và tuổi của địa tầng không giống nhau. Do vậy, ông đặt câu hỏi về việc định tuổi bằng phương pháp địa chất thông thường đối với tầng chứa sản phẩm cùng tectit; nhất là khi tectit ở đây nằm cùng với tầng sản phẩm có thể nằm cao hơn một chút, có thể nằm trên ngưỡng 10-15m trở lên trong thổ nhưỡng và địa chất Việt Nam; cũng như câu hỏi về sự đồng nhất của tuổi tectit và tuổi tầng chứa chế phẩm của con người.
TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Hội Khoa học Lịch sử, đưa ra các câu hỏi về sản phẩm tectit trưng bày ở Họp báo; về sự tồn tại của tectit giọt nước và phương pháp tiếp cận địa tầng để xác định tuổi chính xác của tectit.
GS.TS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đây là một phát hiện rất có ý nghĩa, lần đầu tiên chúng ta phát hiện ra tectit sơ kỳ Đá cũ. Giáo sư cũng nêu lên một số câu hỏi: Khi làm thủy điện An Khê, vùng đất này được đào xới khá nhiều, trong các tách diện địa chất có tìm thấy các di vật của sơ kỳ Đá cũ hay không? Khi nghiên cứu và xác định niên đại của tectit có kết hợp với địa tầng, địa chất trong trắc địa hay không, nếu có kết hợp thì kết quả như thế nào?
GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam, cho rằng đây là một phát hiện rất quan trọng, dù ta chỉ mới biết niên đại tương đối của nó, đề nghị cần phải nghiên cứu kỹ và sâu hơn về tectit để định rõ niên đại của tectit.
PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học phát biểu kết luận Họp báo
Các câu hỏi của các đại biểu được GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, TS. Nguyễn Gia Đối và PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử trả lời đầy đủ, mang tính thuyết phục cao. Đây mới là kết quả khai quật, nghiên cứu bước đầu nên cần phải được tiếp tục khai quật và nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải khẳng định, những kết quả sơ bộ từ khai quật di chỉ khảo cổ học có niên đại sơ kỳ Đá cũ do Viện Khảo cổ học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tại khu vực An Khê thực sự đã đem lại niềm vui lớn cho ngành Khảo cổ học Việt Nam, có ý nghĩa bản lề cho việc nhận thức về sự tồn tại một thời đại Đá cũ ở khu vực Đông Nam Á. Trên bản đồ xác lập Thời đại Đá cũ trên thế giới điểm trống còn lại suốt nhiều chục năm nay đã được lấp đầy, và thật hạnh phúc khi mảng trống vừa được điền tên này lại là An Khê, Việt Nam. Ý nghĩa di chỉ khảo cổ học An Khê không còn trong phạm vi một quốc gia mà nó là niềm tự hào của các nước Đông Nam Á. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, khi một học giả Xô Viết khác là GS TS. P.I. Boriskovsy đã phát hiện, nghiên cứu và công bố về những công cụ đồ Đá cũ ở Núi Đọ, Thanh Hóa. Và, hôm nay, giới Khảo cổ học Việt Nam có niềm vui lớn, khi phát hiện một nhóm các di tích sơ kỳ thời đại Đá cũ có tầng văn hóa, nguyên vẹn (in situ), có tổ hợp di vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng chung của sơ kỳ Đá cũ Thế giới, lại nằm cùng tectit, có tuổi 77-80 vạn năm trước. Đây là cơ sở để có thể tin rằng cách đây gần một triệu năm về trước loài người đã có mặt ở khu vực Đông Nam Á, trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Cuộc khai quật năm 2016 ở An Khê đã kết thúc nhưng công cuộc nghiên cứu mới chỉ bắt đầu, đây là năm thứ 2 trong chương trình hợp tác nghiên cứu (2015-2019) với Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk. Năm 2017 và các năm tiếp theo, các nhà khảo cổ học sẽ trở lại An Khê để tiếp tục hoàn thiện các nghiên cứu của mình. Những người làm công tác khảo cổ kiến nghị Hội đồng Di sản Quốc gia, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xem xét, đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ thời đại Đá cũ ở An Khê, tỉnh Gia Lai là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Các di tích sơ kỳ ở An Khê cần phải được bảo vệ bởi nó không chỉ đơn thuần là di sản của một quốc gia mà là di sản của loài người.
Thu Hiền - Thu Hà